Lương dân -Truyện ngắn của Nguyễn Minh Sơn
Phố núi và bạn bè... Chút gì để nhớ!
Nhân Ngày Của Cha (Father's Day),
Langthang xin mạn phép tác giả Nguyễn Minh Sơn đăng lên đây truyện ngắn
"Lương dân" như một nén nhang tưởng niệm cha tôi, Người đã sống và chết
một cuộc đời trọn vẹn như một con người...(*)
LƯƠNG DÂN
LƯƠNG DÂN
-Truyện
ngắn của Nguyễn Minh Sơn
Ba! Đôi mắt ba vẫn mở mà không
còn nhìn thấy gì nữa. Miệng ba muốn nói mà không nói được nữa rồi. Con ước sao
ba cất lên một lời. Dù chỉ một lời thôi. Điều ấy giờ đây thật khó khăn quá.
Vĩnh viễn... Mãi mãi... Ba đã bỏ con đi. Bỏ con đi giữa một chiều thu vàng rực
rỡ.
Trong căn phòng tối om phía sau
phòng cấp cứu của bệnh viện, con đã vuốt mắt ba. Ba đã dạy con sống để đừng bao
giờ sợ chết. Sao giờ đây con sợ cái chết đến vậy. Nó thật lạnh lùng, thật tàn
nhẫn và khốc liệt. Ba dạy con, con người chỉ nên sợ sự sống để sống tốt hơn. Đừng
bao giờ sợ chết. Chết là hết. Là chấm dứt. Dù lên thiên đường, xuống địa ngục
hay về với ông bà tổ tiên thì cũng hết. Chấm hết!
Ba còn nhớ không? Năm con lên
sáu tuổi ba tập bơi cho con. Trẻ con trong làng Khương Hạ này muốn biết bơi thì
phải bắt chuồn chuồn cho cắn lỗ rốn. Ba đã ngăn con làm như vậy. Ba dẫn con ra
bến Gành. Từ trên cao, ba thảy con xuống dòng sông. Con phải vật lộn để cứu
mình. Con đuối sức. Con uống nước no bụng. Con giận ba... Ba vẫn thản nhiên cười.
Cuộc đời như một dòng sông. Con phải biết bơi. Bơi mãi... Bơi mãi không ngừng
nghỉ. Con lớn lên chút nữa ba bắt con đi giữ trâu, cày ruộng. Bốn giờ sáng, ba
đã kêu con dậy ăn cơm. Trời tối om, mùa tháng mười lạnh căm căm. Con cưỡi trên
lưng con trâu Sinh đi trước. Ba vác cày theo sau. Bao giờ ba cũng đi sau con.
Ba biết con sợ ma giữa đồng không mông quạnh trong thời khắc "nhứt chạng vạng
nhì rạng đông". Có lần, con cưỡi trâu đi cày trên Hóc Khóm. Con trâu già
lười biếng đi chậm vô cùng. Ba la con tại sao để trâu đi chậm. Con bảo tại con
trâu nó đi ngược chiều gió. Ba liền cười, không la rầy con nữa.
Thời buổi lúc đó thật khó khăn.
Gia đình đói triền miên. Ba và con chỉ có một mo cau cơm độn sắn và gói muối
tiêu để qua buổi trưa. Vậy mà khi nào ba cũng chỉ ăn một phần tư gói. Tất cả
còn lại ba dành cho con. Con biết. Con nuốt cơm không trôi. Con nài nỉ ba ăn
cùng con một miếng nữa ba cũng không ăn. Có lúc đi rừng, hai cha con vào trại
Hòn Than một tuần mà chỉ có mấy lon gạo. Ba phải xuống suối bắt ốc đá, đào củ
môn dóc, hái trái cây rừng để ăn thêm. Được con ếch to ba cũng dành cho con. Được
chùm dâu sặt, trái vàng nhợ chín ba cũng dành cho con. Có đêm trời dông bão giữa
rừng sâu chỉ có một mình ba với con. Ba chất một đống lửa to ngồi canh cho con
ngủ. Nhưng con chẳng ngủ. Con nằm đó mà trong lòng buồn bã. Con thương ba vô hạn.
Cuộc sống khi ấy sao mà tối tăm.
Một bữa con đi câu cá dưới suối,
ba đẽo cây trên núi. Ba dặn con đừng đi quá xa. Hễ không nghe tiếng rìu đẽo nữa
thì phải quay lại. Đó là trại mới. Cá nhiều quá. Con ham cá nên đi mãi đi mãi.
Trong bụng con lúc đó nghĩ rằng ba với con sẽ được một bữa ngon. Bất ngờ con
nhìn thấy dấu cọp còn ướt in trên bãi cát. Con chạy về báo với ba. Ba mắng con
thằng này lì thật. Con cọp đó ba đã gặp nó ngày hôm qua. Vậy mà ba không báo
cho cho biết. Ba sợ con nhát gan. Nhưng con chẳng bao giờ nhát gan đâu. Ba đã dặn
kỹ con, gặp cọp phải nhìn trực diện vào mắt nó. Không được quay lưng tháo chạy.
Con cọp nhìn vào mắt người, biết người đó có sợ nó hay không. Ba đã từng nhiều
lần nhìn trừng trừng nhìn vào mắt nó và nó phải bỏ đi. Con cọp không đáng sợ.
Chỉ nên sợ con người. Ba hỏi con biết cây gì độc nhất trên đời này. Con không
biết. Ba bảo cây viết độc nhất. Con dặn hôm nào ba chỉ cho con để tránh cây đó.
Ba nói cây viết là cây bút con cầm đi học đó sao lại không biết. Khi đó con
cũng chưa hiểu nhưng sau này con giật mình. Con giật mình ba ơi... Ba đâu có học
nhiều bằng con nhưng ba thấu thị như vậy.
Ba! Ba đã bỏ con ra đi giữa một
chiều thu vàng rực rỡ. Giờ phút cuối cùng, con đứng cạnh ba nhưng con có biết
đâu. Ba trăng trối với con, con cũng không biết. Ba nói chắc ba chết mất nhưng
con cũng không hiểu ra. Con còn đùa với ba rằng chết gì, mai mốt ba còn uống được
cả mấy chai rượu nữa. Không ngờ ba lại ra đi. Ba ơi! Chén rượu đời mà con nói
ba không bao giờ còn uống được nữa. Khi đó con muốn nói với ba chỉ một lời cũng
không được nữa rồi. Con ước sao khi đó ba chỉ cất lên một lời rồi thôi. Điều ấy
sao khó khăn quá. Con biết ba không sợ cái chết nhưng giờ đây con lại quá sợ.
Ba dạy con phải sợ sự sống để được sống tốt hơn chớ đừng sợ chết.
Năm 1970, gia đình mình sống ở
gần đồn bà Lẫm. Ban ngày lính Sài Gòn vào nhà thăm dò. Ban đêm du kích cũng vào
nhà nằm ở gầm giường. Ba vẫn thản nhiên. Người ta bắt ba đi lính ba trốn lính.
Ba trốn biệt vào hố Cây Si để làm ruộng nuôi gia đình và bốn chị em. Gặp du
kích, họ bảo ba lên rừng theo cách mạng ba cũng không đi. Ba nói mình không chống
đối ai, mình không sợ ai, mình không bàng quan ngoài cuộc. Ba chỉ cần yên bình
làm ruộng nuôi gia đình. Nông dân chỉ cần như vậy. Người dân chỉ cần vậy. Ba
không học hành nhiều nhưng ba biết dạy con "quân tử phải phòng thân".
Hồi đó ba mua được một cây súng lận lưng. Một bữa nọ lính bảo an từ dưới Đức Dục
bất ngờ lên bắt lính. Má dọn cơm cho ba ăn từ bốn giờ sáng để ba trốn vào hố
Cây Si. Đang bữa cơm lính ập vào nhà. Má ngồi đối diện quăng chén cơm giữa bàn.
Ba vọt lẹ xuống nhà dưới quơ vội cây súng nhảy lên bực đất sau hè. Lính xả súng
theo xối xả. Tưởng ba đã trúng đạn, má la lên. Không ngờ, chạy được một đoạn ba
quay lại bắn trả. Bọn lính hoảng sợ không dám đuổi theo. Ba thoát chết nhưng
bác Bốn Cầm thì không thoát. Giận cảnh trốn lính chui nhủi mãi, bác ra trình diện.
Ba khuyên bác đừng đi lính. Bác bảo thôi đi cho rồi. Ba can vì sợ bác chết để lại
đàn con không ai nuôi. Đúng như thật, chỉ một tháng sau bác chết dưới An Hòa...
Tuổi thơ con nghịch ngợm vô
cùng. Đi giữ trâu trên hố Bà Lòng, con thả trâu ăn lúa chú Năm Thí. Giữ trâu
trên Đá Ghe, con nhổ trộm sắn ông Bốn Lý nướng ăn. Mùa đông đói quá nên phải ăn
trộm sắn để nướng. Buổi tối, đêm nào họp đội sản xuất người ta cũng nêu tên ba
ra. Vì con để trâu ăn lúa, con hoang nghịch nên ba mới bị nêu tên. Ngày tất
niên, con và ba còn phải lặn lội vào rừng đẽo gỗ để tháng giêng còn có cái cho
gia đình sinh sống.
Ba ơi! Đó là một cái Tết đáng
nhớ nhất đời con. Tết mà không có cái ăn. Hơn chín giờ đêm giao thừa rồi mà con
và ba mới lê thê lếch thếch ra khỏi bìa rừng. Chiếc ba lô nhẹ tênh với một nhúm
ốc đá mà sao nghe nặng trĩu. Con buồn. Con biết ba cũng buồn. Buồn cho cảnh bần
hàn túng thiếu. Con đói. Con khát. Con liều mình vào đại một đám mía của mấy
người ở Mậu Long trồng bẻ một cây vừa đi vừa ăn. Ba không chịu ăn. Ba la con đừng
có đi ăn trộm. Một cây mía có đáng gì đâu mà ba phải la con? Sau này, con nhớ
mãi lời ba. Đói cho sạch rách cho thơm. Đừng trộm cắp, đừng sống bất nghĩa bất
lương...
Ba ơi! Ba nuôi con ăn học. Đói
ba cũng bắt con đi học. Con đi chăn trâu lúc nào cũng lận lưng vài cuốn sách. Mải
mê học bài con để trâu đi mất. Trâu ăn lúa người ta ba cũng không đánh con. Buổi
sáng con đi cày với ba. Buổi chiều con đi học. Buổi trưa con không kịp đem cơm
cho ba tận trong Chèo Bẻo, ba cũng không la con.
Con nhớ năm học lớp một giờ ra
chơi con trốn xuống bến Đá tắm sông. Ba đã dạy con biết bơi vì xứ sở mình hay lụt
lội. Không biết bơi nghĩa là phải chết. Mới sáu tuổi đầu con đã bơi như rái.
Con vượt sông qua làng Đại Bình ăn trộm dưa gang. Giờ vào học bị trễ, cô giáo bắt
quỳ xơ mít, đầu gối rớm máu. Ba ra tận nhà cô giáo rầy cô. Dạy học trò phải
nghiêm khắc nhưng dạy bằng tình thương. Cô giáo xin lỗi ba, ba bỏ qua. Ba là
người rộng lượng. Con hay đi đánh lộn với lũ trẻ trong làng ba cũng không rầy
con. Nhiều hôm bị chúng nó đánh bầm mặt con cũng không dám khóc. Ba dạy con đã
có bụng chơi phải có bụng chịu. Con biết, nếu con bị họ đánh mà khóc là bị ba
đánh thêm. Thằng Phương bên nhà học cùng lớp hơn con bốn tuổi. Nó mạnh hơn con.
Nó kéo bạn đánh con hoài. Nó là địch thủ của con. Nó là thằng con ghét nhất.
Con nhớ Tết năm đó, con và thằng Bạn con của chú Bảy sắp xếp âm mưu. Hai anh em
ngồi rình trong hàng chè tàu trước ngõ nhà nó. Sáng mồng một Tết, nó lơn tơn mặc
bộ đồ mới đi ra. Hai anh em nhảy ra gùi cho nó một trận như đống giẻ rách. Đầu
năm mới, bà ngoại nó sang tận nhà chửi ba không biết dạy con. Ba gọi con về
đánh cho một trận nên thân bằng cả nắm hom tranh. Ba đánh con không phải vì quê
mình vốn kiêng kỵ năm mới mà chọc cho người ta chửi. Ba đánh con vì tội chơi hội
đồng.
Ba! Bây giờ con ra đời rồi. Người
ta vẫn hay đánh hội đồng con nhưng con không bao giờ làm như vậy. Con sống vì
ba. Vì lương tâm con người không cho phép như vậy. Làm vậy là bẩn thỉu phải
không ba?
Ba đã sống vì con. Ba đã hy
sinh tất cả vì con. Ba đã nuôi cho con ăn học đường hoàng. Cả làng mình lúc đó
có mình con đi học. Mỗi tháng, ba nhịn ăn gửi tiền cho con học đại học ngoài Huế.
Khổ ba cũng không kêu ca. Ba chỉ muốn biết con có học giỏi hay không. Và con đã
học giỏi. Ba đã yên lòng nhưng bây giờ con chẳng yên lòng. Con đi học để làm
gì? Học làm người con chỉ cần học ba. Ba là lương dân. Con học cả đời cũng
không bao giờ hết được.
Ba! Con học để làm gì? Con đã
ra đời với dăm ba chữ nghĩa. Con đã đi làm với vài chức phận cỏn con... Con đã
lăn lộn giữa bùn đời ô trọc. Con đã chiến đấu với quân vô đạo để làm một lương
dân như ba nhưng người ta không cho. Con đã ghét cái ác như kẻ thù cũng vì muốn
được sống như ba. Con không kể với ba những nhọc nhằn của đời sống nhưng ba biết
được. Ba là nhà tiên tri. Ba chỉ khuyên con nhẹ nhàng. Chỉ có người ngu, cái ác
và kẻ xấu mới la mắng mình, mới hằn học với mình. Con nghe lời ba và con đã hiểu.
Nhưng giờ đây, tất cả đều vô nghĩa. Tất cả đều phù phiếm ba ơi! Con chỉ cần ba
nhưng ba không còn nữa... Mãi mãi...
Con là đứa con bất hiếu. Ba đã
chết trong cô đơn. Ba đã nuôi đàn con lớn lên. Đứa nào cũng bay về thành phố
sinh sống. Người thành phố không giống như người ở quê. Người thành phố không
thuần phác. Con phải khuấy đục, con phải chuốc say mới sống được. Nhiều lúc con
đã không giữ mình. Con cảm thấy có lỗi với ba. Con là đứa con bất hiếu. Con đã
để ba ra đi trong sự cô đơn. Một mình ba kiên quyết ở lại quê. Ba bảo ba sống
chết gì cũng ở đất này. Và ba đã toại nguyện nhưng con không toại nguyện. Ba đã
chết trong nỗi cô đơn vò võ. Thằng Phương địch thủ của con ngày nào giờ đây mở
quán rượu đầu làng. Nó đã kể cho con nghe tất cả. Ba hay la hay mắng nó vì nó
hư hỏng, không nên người nhưng nó bao giờ cũng thương ba. Chiều nào ba cũng ra
quán nó ngồi uống rượu một mình. Chiều nào ba cũng ngồi trên cùng một cái ghế
ngóng ra đầu dốc. Nhất là những chiều cuối tuần... Ba biết con không về nhưng
ba vẫn ngóng. Ba thương con, ba nhớ con mà ba chẳng bao giờ nói với con... Mỗi
lần con về dài ngày ba lại hối thúc con đi. Ba sợ con bận bịu công việc. Khi
con đi rồi ba lại ra quán rượu ngồi ngóng. Ba! Nhiều lúc con có bận gì đâu. Nhiều
lúc con đã mải vui quên mất ngày cuối tuần lẽ ra phải về với ba...
Đêm trước con còn ngủ với ba.
Sáng hôm sau ba lại hối thúc con đi. Nửa đêm, ba kêu khát nước và gọi con dậy nấu
ấm nước chè. Nấu nước xong, con không sao ngủ được. Đó là lần hiếm hoi con đã
bưng nước cho ba. Con nằm thao thức và suy nghĩ... Trên đỉnh núi Cà Tang con
mang trắng cứ tác nghe buồn buồn. Nó tác hoài tác mãi những phận đời, phận người.
Ba thường kể cho con nghe đó là con mang thần. Không ai săn bắn được nó. Lông
nó trắng như tuyết, mắt nó vàng rực rỡ như mặt trời... Mỗi lần nó tác thì trời
đang nắng chuyển sang mưa, trời đang mưa chuyển sang nắng. Thời tiết không thay
đổi mà nó tác hoài, trong làng Cà Tang tất có người chết. Đêm định mệnh đó con
đã nghe nó tác mà con có nghĩ gì đâu. Con đã quá vô tâm vô tính...
Ba! Ba đã bỏ con đi trong một
chiều nắng vàng rực rỡ. Ba đã ngủ một giấc nghìn thu kêu chẳng dậy nữa rồi. Con
ước sao ba chỉ mở miệng nói với con một lời thôi. Dù chỉ một lời gì đó thôi. Điều
ấy giờ đây sao khó quá ba ơi!
Nguyễn Minh Sơn
(*) Ghi chú của NPV: Ngày của Cha ở Australia năm nay là ngày 02.09, còn ở VN lại là ngày 13.06 (đã qua). Do bạn Lang thang sống ở Australia nên nhớ về ngày này có đôi chút khác biệt
Thật là cảm đông và sâu sắc...
ReplyDelete