Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Tản mạn với cây đàn Guitar (Phần 3)- NPV

TẢN MẠN VỚI CÂY ĐÀN GUITAR (PIII)

      Trong quá trình tìm ít thông tin về cây đàn guitar trên internet, ngoài trang wikipedia, NPV có gặp vài bài viết liên quan- không biết tác giả là ai, nhưng thấy có nhiều thông tin bổ ích và không kém phần lãng mạn nên tổng hợp lại để Quý độc giả và bạn bè cùng đọc, cảm nhận ...

Những bước thăng trầm của Guitare

Tản mạn với cây đàn Guitar
 Danh cầm Fernando Sor
      Năm 1720, vì lý do chỉ có trời mới biết, Pháp bỗng tung hô những nhạc cụ khác mà ngoảnh mặt với guitare. Còn Đức lại cải biên đàn luth cho trũng và thanh hơn, thêm vào dây thứ sáu... Lúc này, chơi đàn luth cải biên quả là khổ hình, vì rất dễ “phô”, chói tai khôn tả. Năm 1770 là năm hồi sinh của guitare, châu Âu lại đưa nó lên đài vinh quang. Thế kỷ 19 là thời hoàng kim, với những danh cầm cự phách như Matteo Carcassi và Ferdinando Carulli của Ý, hay Dionisio Aguado và Fernando Sor của Tây Ban Nha. Riêng Fernando xứng đáng là đại cao thủ. Từ bé, ông đã vùi đầu vào âm nhạc, chơi sõi cả orgue. Nhưng dù thế, guitare lại bị thất sủng lần hai trên toàn châu Âu. Họa hoằn lắm, người ta mới lôi guitare ra như một dụng cụ tiêu sầu hạng bét. Nhiều học giả nửa mùa cho rằng guitare không có âm vực rộng, chả thu hút được ai. Một bác phó mộc Tây Ban Nha tên là Antinio Torres Jurado đã mày mò chỉnh lại hình dáng và giọng hót cho guitare. Ông cũng là tổ sư trong việc dùng gỗ thông làm thùng đàn guitare. Từ năm 1940, nhân loại biết dùng dây nylon cho guitare, vì loại dây này bền và khỏe hơn, tiếng rõ và vang xa hơn. Lịch sử khai quốc của Mỹ cũng có nhiều kỷ niệm với guitare. Về sau, guitare giá rẻ được sản xuất hàng loạt và rộng rãi theo kiểu quần áo may sẵn, chả nên cơm cháo gì, lại tổn hại thanh danh vạn cổ. Trên thế giới hiện nay, có khoảng 500 triệu cây guitare đang lưu hành, từ loại cực đắt chỉ dành cho dân chơi thứ thiệt đến loại thùng một nơi ngựa một nẻo. Điều đó chứng tỏ guitare vẫn là anh cả trong làng nhạc cụ.

Don Cortes Maya (Flamenco Guitar)by Ron Jeremy

      Nhắc đến guitare mà bỏ qua flamenco là thiếu sót lớn. Flamenco là cả một nền văn hóa của Tây Ban Nha, xuất xứ từ khu Andalouise. Theo sử sách, bộ môn này là của người nghèo, dân du mục, chứ không phải thuộc giai cấp thừa tiền lắm của. Flamenco gồm ba yếu tố: hát, múa và guitare. Từ thế kỷ 16, flamenco đã thịnh hành tại một số nước châu Âu, nhưng trường phái flamenco trong guitare thì mãi sau này mới có. Đệ nhị thế chiến đã làm guitare flamenco bị gián đoạn một thời gian dài, các nghệ sĩ phải phiêu bạt kiếm sống. Thập kỷ 40 là thời kỳ flamenco trong guitare lu mờ, sau đó mới lấy lại phong độ. Kỹ thuật flamenco riêng rẽ so với đại trào lưu kỹ thuật guitare hiện đại, nhưng nhiều người vẫn cho rằng chất liệu gỗ đóng vai trò quan trọng trong cây đàn. Gỗ đàn flamenco luôn nhẹ hơn gỗ đàn thường, vì vậy nó cho ra âm thanh nhẹ và vang hơn. Đàn flamenco có một bộ phận gọi là golpeadores, để bảo vệ thùng đàn trước những cú đánh móng nhanh và mạnh. Guitare flamenco là một trường phái riêng biệt, có sức hấp dẫn riêng, tạo thế đứng riêng trong lịch sử.

       Người Tây Ban Nha có tình cảm đặc biệt dành cho guitare, vì vậy mà nhiều tác phẩm - cả văn chương và hội họa - đều dành vị trí trang trọng cho guitare. Grancisco Goya từng vẽ nhiều tranh về guitare. Một số tác phẩm nghệ thuật còn xem guitare là biểu tượng của Tây Ban Nha. Bồ Đào Nha cũng say mê nhạc cụ này. Ý thì được mệnh danh là thủ đô guitar của thế kỷ 18. Những ai chế tạo guitare ở Ý thường là bậc thầy, từng đi xa hiểu rộng, tích lũy kinh nghiệm cũng lắm mà tài năng cũng thừa. Khi văn hóa châu Âu tràn qua tân lục địa, Argentine là xứ sở có nhiều nghệ sĩ nhất, kể cả nghệ sĩ biểu diễn và nghệ sĩ làm đàn. Trong số các anh kiệt, phải kể đến Manuel Macial và Antonio Guerrero.


Carlos Montoya - Farruca Flamenco Guitar

Những thử nghiệm xương máu trước khi hoàn thiện

      Trước kia, phím guitar khá ít, chỉ độ 10, sau đó tăng dần và được kéo dài đến tận gần lỗ tròn như ngày nay. Guitare 6 dây đơn thay cho guitar 6 dây kép là cả một quá trình gian khổ, vì bất cứ sự cách tân nào cũng bị xét nét quá đáng. Thùng đàn được mở rộng theo thời gian, không còn nhỏ xíu như xưa. Con ngựa ra đời, giúp 6 dây được căng hơn, cho ra âm thanh chính xác hơn, vì ngày xưa, chơi guitare đến là khổ: chơi một lát lại phải chỉnh lại dây đã lạc thê thảm. Về sau, các dây trầm được làm bằng kim loại quấn quanh tơ tằm. Để có được hình thù như ngày nay, guitare trải qua nhiều cuộc thử nghiệm xương máu, có lúc là quái thai. Thế kỷ 17, guitare có đến 3 cần đàn, mỗi cần 7 dây, chả hiểu làm sao chơi!

       Mấy ai ngờ: nhạc sĩ thiên tài Franz Schubert, do không đủ tiền mua piano, đã tạm bằng lòng với guitare, nhờ vậy mà nhân gian lại có những khúc nhạc bất hủ. Tuy nhiên, nhiều nhạc sĩ lại chưa dành cho guitare vị trí độc tôn, vì họ thường soạn những khúc tứ tấu cho lalto, flute, violoncelle và guitare.



Serenade ( Franz Schubert)


Thời kỳ thăng hoa sau cuộc thi danh cầm của châu Âu.

      Trong khi đó, tại Nga, guitare 7 dây lại là nhạc cụ khác được “chăm nom” cũng theo kiểu khác. Simeon N. Aksenow là cha đẻ của loại đàn này. Về sau, guitare 6 dây thật sự chinh phục nước Nga, làm nhiều người thề cả đời theo nghiệp kéo violon bỗng chuyển hướng. Số nghệ sĩ violon chuyển sang gãy guitare ở Nga là rất đông. Năm 1856, tại Bruxelles, nghệ sĩ Nga Nicolas, P. Marakow đã tổ chức cuộc thi guitare đầu tiên dành cho các danh cầm châu Âu. Đây thật sự là một cơn “Hoa sơn luận kiếm” của những ai yêu guitare. Những kỳ nhân của cựu lục địa đã tề tựu và tranh tài cũng như góp ý cho việc hoàn thiện guitare. Từ đó, hầu như không còn cuộc hội ngộ nào mang tầm cỡ vang danh bốn bể như vậy nữa. Fernando Carulli xứng đáng là một đại danh cầm trong làng guitare của thế giới khi để lại 360 tác phẩm bất tử và cả 3 quyển sách dạy cách “chơi đùa với guitare”.

Andantino in G của Ferdinando Carulli

     Sau ông là Matteo Carcassi, người phát triển kỹ thuật Carulli lên cấp cao hơn, biến giáo trình này thành đại giáo trình chung nhất cho cả lục địa. Niccolo Paganini thường được đời ca tụng về tài kéo violon, nhưng ít người biết rằng ông còn là nghệ sĩ guitare có cỡ: 140 tác phẩm solo dành cho guitare đã đến từ con người tài hoa này. Một nghệ sĩ Pháp khác là Napoléon Coste lại bị bỏ quên chỉ vì tai nạn đã cướp đi bàn tay phải của ông. Nếu không sự nghiệp của ông còn vẻ vang hơn nhiều. Guitare đã xoay chuyển thời cuộc không ngờ; nhiều nhạc sĩ trước kia chỉ sáng tác cho piano hay violon đã xoay sang sáng tác cho guitare với tâm huyết cả đời. Họ hối hận vì từng xem thường một nhạc cụ lừng lẫy. Cả Von Weber và Richard Wagner đều dành cả phần xác lẫn phần hồn cho guitare. Một cây đại thụ trong làng guitare là Andres Segovia đã đưa nghệ thuật biểu diễn guitare lên nấc thang danh vọng mới. Kỹ thuật di chuyển của bàn tay trái và “phù phép” của bàn tay phải được Segovia hoàn thiện đến mức không còn gì để than phiền. Segovia đã đào tạo nhiều đệ tử chân truyền thuộc loại bảo thủ, với những phong cách riêng biệt, xuất sắc.

       Guitare lần hồi chinh phục những vùng đất khó tính nhất trên địa cầu. Nhật Bản - sau chiến tranh - đã có nhiều nghệ sĩ biểu diễn và chế tạo guitare. Trước đây, Nhật Bản là một trong những vùng đất “khép” của guitare. Các tạp chí chuyên về guitare ra đời, có số độc giả rất lớn, thu hút những cây bút có uy tín nhất. Trong số sách báo và tạp chí dành riêng cho guitare, phải kể đến Classical Guitare Magazine (Anh) hay Classical Guitare và Guitar Magazine (Mỹ). Hai tạp chí này đang được phát hành trên cả mạng lưới Internet.


Bản Tango El Choclo- Roland Dyens

       Khi âm nhác hiện đại làm người ta có cách nhìn mới và cả cách nghe mới, guitare - dù là thùng hay điện - vẫn để lại những dư âm huyền ảo nhất. Guitare đã tạo ra những tên tuổi như Eric Clapton, Jimmy Hendrix, Jeff Buckley và Ben Harper. Guitare điện để lại nhiều khúc solo fantasie cực kỳ biến ảo như trong “The house of the rising sun”, “Hotel California”. Người Pháp một thời không thích ca sĩ Enrico Macias, nhưng phải gật gù công nhận ca khúc “Guitare, oh guitare” của ông là tuyệt cú mèo. Guitare xóa được định kiến như vậy đó. Trong điện ảnh, người ta từng có ý định thống kê số lần guitare xuất hiện trên màn bạc, nhưng đành bỏ dở, vì không làm được. Hiện nay, tại một số vùng của Mỹ, guitare 12 dây vẫn được sử dụng một cách bài bản, để nhắc lại thuở vàng son của Blind Willie McTell. Cụ tổ của guitare 12 dây là Oscar Schmidt và nơi chôn rao cắt rốn của loại guitare này là New Jersey. Ông hoàng của loại nhạc cụ này là Huddie Ledbetter, với kỹ thuật chuyên hợp âm thần sầu quỷ khốc. Vì nhiều nguyên cớ, guitare 12 dây lùi vào quá khứ, nhường chỗ cho guitare 6 dây phổ thông như hiện nay.

Di sản Ségovia

      Có lẽ không có nhạc sĩ nào vào đầu thế kỷ 20 lại có thể tiêu biểu cho ý niệm lý tưởng của công chúng thế kỷ 19 về mẫu người nghệ sĩ như là danh cầm guitar Andrés Segovia (1893-1987). Suốt sự nghiệp 78 năm trình diễn, con người vĩ đại của cây guitar Tây Ban Nha đã thực sự chuyển tải hình ảnh của một con người giữ nguyên chất thời đại Lãng Mạn, một kẻ duy mỹ không hiểu sao lại lạc bước vào một thời đại khác, kém mỹ miều hơn. Giống như nhạc cảm của ông, tài nghệ âm nhạc của Segovia cũng tinh tế khác thường và tài nghệ ấy càng góp phần tạo nên hình ảnh của một con người thuộc về một thời đại khi mà nghệ sĩ trông giống nghệ sĩ, ăn mặc như nghệ sĩ, và mong đợi công chúng đối đãi với mình như là nghệ sĩ.

Huyền thoại guitar của thế kỷ 20: Andrés Segovia (1893-1987).

     Segovia chào đời ngày 21/2/1893. Từ thuở ấu thơ ở quê nhà Linares, miền nam Tây Ban Nha, Segovia đã mê đắm cây đàn guitar bất chấp sự phản đối gay gắt của người cha; ông ấy chỉ muốn con trai mình đi theo ngành luật. Người cha kinh hãi khi thấy cậu bé đã si mê cây đàn tuy là nhạc cụ dân tộc nhưng vốn bị xem thường ấy. Ông cho Segovia học thử piano và cello nhưng các nhạc cụ quý phái kia không thể nào buộc cậu bé từ bỏ được mối tình với cây đàn guitar. Mối tình ấy đã nhen nhúm ngay từ lúc cậu bé được nghe lần đầu tiên trong đời qua âm điệu của những nhạc công flamenco du mục. Người cha đã đập vỡ đến cây đàn guitar thứ ba của Segovia rồi đành bất lực. Ông không làm sao lôi kéo được cậu con trai thoát khỏi ma lực của thứ nhạc cụ hạ cấp chỉ dành cho dân di-gan múa may trong những hầm rượu tồi tàn. Rốt cuộc ông đành phải cho phép Segovia theo học danh cầm guitar Miguel Llobet một thời gian ngắn. Tuy nhiên, Segovia chủ yếu vẫn tự mình khám phá lấy những kỹ thuật chơi đàn. Segovia được gia đình gửi đi học nhạc ở Nhạc Viện Granada nhưng chỉ một thời gian cậu bé cũng bị "mời" ra khỏi trường. Không có chỗ cho cây đàn guitar trong thế giới âm nhạc cao quý thời đó! Thế là cậu bé bắt đầu cuộc hành trình cô độc đi tìm lại quá khứ khả kính của cây đàn yêu dấu.


Andres Segovia và Prelude1 Villa-Lobos

       Segovia nhanh chóng phát triển được một kỹ thuật thượng thừa và một tri thức âm nhạc sắc sảo. Mới 16 tuổi, Segovia đã thực hiện thành công cuộc trình diễn đầu tiên và tên tuổi của cậu bé liền lan truyền khắp đất nước Tây Ban Nha. Sáu năm sau, Segovia làm náo động thế giới âm nhạc Paris khi chàng trình tấu với cây đàn guitar của mình. Thành công đó dẫn dắt Segovia làm một chuyến lưu diễn khắp Nam Mỹ.

       Tuy nhiên, mãi đến lần trình diễn chính thức tại Paris năm 1924, trước sự tham dự và xét nét của những nhạc sĩ và văn nghệ sĩ lỗi lạc, thì Segovia mới thật sự nổi tiếng khắp châu Âu. Vào thời ấy, ít người được nghe âm nhạc thần thánh của Johann Sebastian Bach chơi bằng guitar hay thậm chí nghĩ đến một chuyện lạ lùng như vậy. Những nhạc phẩm nguyên thủy được Bach viết cho cây đàn violon quý tộc khi được Segovia chuyển soạn lại cho guitar và trình diễn đã bộc lộ không những thiên tài của chàng trai "phạm thượng" kia mà còn cho thấy tiềm năng của loại nhạc cụ sáu dây "đầu đường xó chợ" này.

       New York lần đầu tiên nghe thấy tiếng đàn Segovia năm 1928 trong một buổi trình diễn ở thính đường Tòa Thị Chính. Các nhà phê bình sửng sốt: dưới những ngón tay thần của Segovia, sáu dây đàn guitar phô bày những âm sắc hết sức đa dạng và cực kỳ biểu cảm. Các buổi trình diễn sau đó của Segovia ở New York và các thành phố khác trên đất Mỹ phải chuyển sang những thính đường lớn hơn để đủ chỗ chứa hết số lượng thính giả ngày càng đông.


Capricho Arabe ( Francisco Tarrega) by Simon Ambridge

       Cái tên Andrés Segovia đã ghi vào lịch sử âm nhạc thế giới. Ông tiếp tục đeo đuổi sự nghiệp trình diễn và ghi âm thu đĩa của mình với sự trường thọ đáng kinh ngạc bất kể thị lực đã suy giảm vì phải giải phẫu võng mạc vào cuối thập niên 1960. Những nhạc sĩ có sức làm việc bền bỉ và được công chúng yêu mến lâu dài như Segovia chỉ đếm trên đầu ngón tay.

       Nếu không có sự gan lì trong bản chất thì nhà quý tộc với tính khí và mỹ cảm phức tạp ấy đã không trở thành một nghệ sĩ biểu diễn lừng danh trong suốt 78 năm trời. Rất may là từ trẻ ông đã hình thành và không bao giờ đánh mất niềm tin đến mức cuồng tín vào tài năng và sứ mệnh của mình. Chính cái tôi ngạo nghễ của Segovia đã bảo vệ Segovia – một yếu tố không thể thiếu cho sự sống còn của bất kỳ người trình diễn nào. Ngay cả những guitarist đồng nghiệp khá nổi tiếng của Segovia cũng khó chịu khi biết rằng những ai không trung thành với nghệ sĩ bậc thầy ấy, hay không tuân theo phương pháp hoặc ý nhạc của ông đều có thể bị thất sủng hay bị phủ nhận hoàn toàn.

       Julian Bream, một trong những học trò cưng của Segovia, đã bị thất sủng bởi vì Bream khăng khăng chơi cả đàn lute lẫn đàn guitar. Trước ý tưởng ngoại đạo ấy, bậc thầy phán: “Một tôi không thể thờ hai chúa.” Segovia cũng không đánh giá cao những phiêu lưu trong lãnh vực nhạc pop của một môn đệ người Anh khác, John Williams và đặc biệt là của một số guitarist trẻ trong thập niên 1960 và 1970 khi họ bắt buộc phải chọn phe trong vấn đề này.


Sarabande Gavotte- J S Bach by Andrés Segovia

       Bất kỳ ai tự gọi mình là guitarist nhưng lại chọn cây đàn điện hình thù quái dị với dây nhợ lòng thòng như cuống rốn chưa lìa đều lãnh trọn sự khinh miệt của giáo chủ Segovia, bất kể việc một Beatles đã từng tuyên bố rằng Segovia là “cha của tất cả chúng ta.” Segovia bất cần sự tán thưởng của công chúng mà lại đòi hỏi sự chung thủy với truyền thống cổ điển – cái truyền thống ấy trong nhiều phương diện chính là một trong những yếu tố tạo dựng ra và duy trì cái tên Segovia.

       Cái tôi quá lớn của Segovia có thể khiến ông phải chọn những vị thế cố chấp: người ta cho rằng ông từ chối trình diễn hay ghi âm “Concierto de Aranjuez” của Rodrigo – một tác phẩm phổ thông nhất trong vốn tiết mục trình tấu ghi âm cho đàn guitar – chỉ vì nhà soạn nhạc mù người Tây Ban Nha ấy đã đề tặng bản concerto năm 1939 cho Sainz de la Maza, một guitarist khác. Để biện hộ cho Segovia, phải nói rằng bản thân ông không ưa chuộng mấy thể loại nhạc hợp tấu (ensemble), mặc dầu thỉnh thoảng ông có chơi các concerto của Ponce và Villa-Lobos, cũng như “Fantasia para un gentil hombre” của Rodrigo – một sự kính nể khá muộn màng của Rodrigo khi viết tặng cho chính Segovia bản concerto này vào năm 1954. Trong vai trò người biểu diễn, ông vừa là nhung lụa vừa là sắt thép, một sự kết hợp mà cả ngàn môn đệ lẫn những kẻ bắt chước ông trên khắp thế giới không thể sao chép được. Trong tất cả các cầm thủ tuyệt kỷ náo loạn của thế giới guitar ngày nay, không có âm thanh nào lại vừa tự nhiên lại vừa được nắn nót tinh vi như là tiếng đàn Segovia, đặc biệt là trong thời kỳ sung mãn nhất của ông. Không ai có thể chơi “Leyenda” của Albeniz sánh được Segovia với những cảm xúc dữ dội bị kềm nén, những dòng âm thanh trào dâng và chùng lắng, những màu sắc đa dạng của thanh âm, và với bầu không khí nhạc Ấn Tượng triền miên.


Waltz Op.69 No.2 Chopin- Roland Dyens

        Vào thời mà các nhà âm nhạc học lẫn người biểu diễn đều coi trọng cách diễn tấu trung thực theo tính chất của thời đại âm nhạc, cách Segovia thể hiện “Chaconne” của Bach lại nghe rất riêng tư đến thảng thốt và đầy hơi hướm xa vời của chủ nghĩa Lãng Mạn, một cách diễn tấu có thể nói là lỗi thời trong một số phương diện. Thế nhưng những ai có khả năng cảm nhận được nhịp đập của cuộc sống ẩn giấu trong những nốt ký âm vẫn tin rằng dẫu Bach của thời Baroque có sống lại để nghe Segovia chơi “Chaconne” thì Bach cũng phải gật đầu.

       Những ngón tay, sự rọi phóng hiển hiện của cái thiên tài khuất lấp, là mối quan tâm không ngừng của Segovia suốt cả tuổi già lẫn những năm tháng son trẻ khi ông tự phát triển một kỹ thuật guitar riêng biệt cho mình, dựa theo những gì biết được từ các bậc tiền bối như Fernando Sor, Dioniso Aguado, Napoleon Coste và Francisco Tárrega. Theo truyền thống, người ta thường chơi đàn với móng của bàn tay phải (phương pháp Aguado) hay bằng đầu thịt của ngón tay (theo kiểu Sor và Tárrega). Segovia học hỏi và kết hợp cả hai kỹ thuật này; một kỹ thuật khiến cho cách trình tấu của ông đầy những âm sắc muôn màu trước đó có lẽ chưa từng thấy ở cây đàn guitar. Ông hợp tác chặt chẽ với những nhà làm đàn như Ramirez và Hauser để cải tiến cấu trúc của cây đàn guitar sao cho âm thanh nhỏ nhẹ bẩm sinh của nhạc cụ ấy có thể vang xa khắp các hội trường ngày càng lớn với thính giả ngày càng đông khi danh tiếng Segovia ngày càng lừng lẫy. Sự phóng âm ấy rất quan trọng nhất là sau Thế Chiến thứ II, khi giới phê bình và thính giả đã quá quen thuộc với âm lượng áp đảo của những danh cầm piano bấy giờ.


Ana Vidovic trình tấu khúc Altiplanos (Pierre Bensusan)

      Bản thân Segovia không bao giờ nhượng bộ với âm thanh khuếch đại qua ampli của thời đại mới. Ông đã nghĩ ra nhiều cách lịch sự để làm thính giả im lặng trước khi ông bắt đầu chơi đàn. Những cách thức ấy đã trở thành một biểu tượng mang tên “tiếng suỵt Segovia”. Vào những mùa mà những con vi-rút bí ẩn có thể khiến đôi ba thính giả co giật vì những tràng ho bùng nổ, Segovia thường dừng giữa hai bài nhạc và đưa chiếc khăn tay lên miệng như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng. Nghe Segovia trình diễn đòi hỏi một sự nhạy cảm vượt ngoài khả năng tai nghe đơn thuần. Óc tưởng tượng và sự cảm thông là điều bắt buộc bởi vì như Stravinsky đã nói từ lâu: “Âm thanh của cây đàn guitar không những nhỏ nhẹ mà còn xa vắng.”

       Dù không phải lúc nào cũng nghe rõ tiếng đàn Segovia, sự cách tân kỹ thuật thấy rõ nhất của ông ra đời sau Thế Chiến thứ II liên quan đến việc chấp nhận và tán thành sử dụng dây đàn nylon – một điều khiến guitarist khắp thế giới mãi mãi ghi ơn. Tất cả đều đồng ý rằng với dây đàn nylon, âm sắc hay hơn và nhất quán hơn trên cả sáu dây đàn, và sự tiện lợi do dây nylon mang lại là vô bờ bến.

       Dây đàn làm bằng gân thú của thời xưa không những dễ bị lạc giọng hay đứt ngang vào những lúc bất ngờ nhất mà còn làm cho đầu đàn guitar xoắn vặn rối rắm mất thẩm mỹ. Với việc giáo dục là một thành phần trong di sản vô giá của Segovia, ông được công nhận như một trong những người thầy vĩ đại nhất thế kỷ này. Thế nhưng khác hẳn với hầu hết mọi đồng nghiệp của mình trong số những người trình tấu nhạc cụ danh tiếng nhất của thế kỷ, bản thân Segovia lại không được đào tạo chính quy. Trước Segovia đã có sẵn một truyền thống guitar cổ điển với những danh cầm tuyệt kỷ như Coste, Aguado và Miguel Llobet, nhưng truyền thống ấy đã bị xem như một thứ âm nhạc nghiệp dư hay chìm vào quên lãng, ngay cả ở Tây Ban Nha. Những danh cầm kiêm sáng tác gia như Sor hay Tárrega lừng lẫy một thời ít được giới âm nhạc chuyên nghiệp biết đến, và đối với giới này thì ngay cả những công phu của Paganini dành cho cây đàn guitar cũng chỉ là những huyền thoại mơ hồ.


 
Danza Mora (Francisco Tarrega)- Stefan diễn tấu

       Thực tế mà nói, chính âm thanh của tiếng đàn guitar flamenco được dân gypsy du mục gảy móc thô bạo đã mê hoặc Segovia ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ; một sự mê hoặc tiền định. Segovia và cây đàn guitar như hai người tình của số phận và tiếng sét ái tình duy nhất thuở ban đầu đối với Segovia là những âm thanh gay gắt inh tai. Thế là Segovia bắt đầu mày mò tự học, và trở thành người tình chung thủy với loại nhạc cụ đáng hoài nghi không hề có vốn nhạc trình diễn và chủ yếu chỉ dùng để đệm cho những bài ca dân gian hay vũ điệu flamenco.

       Những danh thủ tiền bối, như Coste, đã từng trình tấu Bach trên cây đàn guitar; nhưng chỉ có Segovia mới có thể làm rúng động cả Paris với sự tinh thông Johann Sebastian trong buổi công diễn đầu tiên tại thủ đô Pháp năm 1924. Lúc đó, ông đã tự tạo cho chính mình và những tín đồ tương lai một vốn nhạc trình tấu, mở rộng nỗ lực chuyển soạn của mình vượt xa hơn nhạc của Bach để tìm tới âm nhạc của những tiền bối khả kính xa xưa hơn như Scarlatti, Handel và Purcell, đồng thời cũng dò tìm trong kho tàng âm nhạc của những danh cầm đàn lute cổ xưa như Sylvius Leopold Weiss và Dowland.

       Ông còn “xâm lược” (những kẻ xấu miệng đã từng bảo như thế) sang cả vốn nhạc piano linh thiêng – Chopin, Brahms, Albeníz, Granados, Debussy and Scriabin. Các nhạc sĩ nổi danh khác như Castelnuovo-Tedesco, Tansman, Rodrigo, Ponce, Lauro, và Moreno Torroba cũng đã sáng tác hàng chục tác phẩm cho Segovia hay cho các môn đệ của ông.



Andres Segovia plays Chaconne (Bach)- Part 1

       Hàng hàng lớp lớp các môn đệ cũng như đối thủ, những kẻ đã được công chúng chấp nhận nhờ thành công của Segovia, đã chiếm lĩnh những đỉnh cao mà Segovia đã giành được, tràn ngập các phòng hòa nhạc và phòng ghi âm. Ttrong số đó không chỉ có Julian Bream và John Williams mà còn có Rey de la Torre, Eliot Fisk, Laurindo Almeida, Siefried Behrend, Christopher Parkening, Kazuhito Yamashita, David Starobin, Frederic Hand, Sharon Isbin, Liona Boyd, Konrad Ragossnig, Alirio Diaz, Pepe và Angel Romero, Narciso Yepes, Ida Presti, Alexandre Lagoya và Leo Brouwer, vv. Danh sách ấy còn có thể kéo dài hơn nữa. Vị chỉ huy già đã ngã xuống nhưng ngọn cờ của ông vẫn tung bay. Đoàn quân của ông xông tới củng cố những đồn lũy mà ông đã khó khăn mới chiếm giữ được và không ngừng chiêu mộ những tân binh mới vào hàng ngũ. Guitar cổ điển trở thành một bằng cấp tiêu chuẩn ở nhiều đại học và nhạc viện, và đây đó đã xuất hiện những nhà phê bình âm nhạc có hiểu biết về cây đàn guitar và kho tàng âm nhạc của nó. Những nhà phê bình này có lẽ chính là đài tưởng niệm ghê gớm nhất của Segovia, một "giống loài âm nhạc" được khai sinh và tồn tại hoàn toàn nhờ công sức của một mình ông.

       Suốt một cuộc đời dài đầy những thành tựu mang tên mình, Segovia chắc chắn phải hiểu rõ giá trị của mình hơn bất kỳ nhà phê bình nào. Kẻ tự học kiêu hãnh này thích thú bông đùa về lợi thế của việc không có thầy: “Cho tới hôm nay, thầy và trò chưa hề có trận cãi nhau nghiêm trọng nào.” Bằng cách nào Segovia có được đôi cánh mạnh mẽ đưa ông bay bổng tới những tầng trời cao nhất của nghệ thuật? Điều đó mãi mãi là một bí mật. Ngay khi còn sống, ông đã chiếm lĩnh một vị trí trong ngôi đền của những danh cầm thế kỷ, bên cạnh Rubinstein, Casals, Toscanini, Heifetz và Horowitz. Giống như các danh cầm kia, ông quyến rũ được công chúng là nhờ ghi âm thu đĩa. Sự nghiệp nửa thế kỷ ghi âm của Segovia bắt đầu tại London ngày 2 tháng Năm 1927 và kết thúc với lần thu tại Madrid ngày 23 tháng Sáu 1977. Vào những năm cuối đời, Segovia vẫn còn nhận được tiền tác quyền của đĩa nhạc ghi âm đầu tiên dạo ấy. Segovia đã ghi âm hơn 30 đĩa nhạc và các đĩa ấy đã được tái bản liên tục cho tới bây giờ.



Andres Segovia plays Chaconne (Bach) Part 2

       Trong những thập niên cuối cùng, Segovia tổ chức nhiều lớp chuyên tu (master class) ở Santiago de Compostella, Tây Ban Nha cũng như ở nhiều nhạc viện trên khắp thế giới. Ba tháng trước khi từ trần, Segovia vẫn còn giảng dạy trong những khóa chuyên tu như vậy ở Nhạc Viện Manhatten và thính đường Carnegie Hall, Hoa Kỳ. Ông cũng từng giảng dạy nhiều năm ở Siena, Italia. Được thụ giáo Andrés Segovia là một nhãn hiệu công nhận quốc tế đối với nhiều guitarist thế hệ sau như Julian Bream, John Williams, Eliot Fisk và Christopher Parkening.

       Cuộc hôn nhân đầu tiên của Segovia kết thúc bằng một quyết định ly dị năm 1951. Mười năm sau, ông thành hôn với người vợ kế Emilia del Corral. Khi ấy ông đã 68 tuổi trong khi Emilia chỉ mới ngoài 20. Emilia từng là môn đệ guitar của ông suốt 12 năm trời. Cậu con trai của họ, Carlos Andrés, chào đời khi Segovia đã 77 tuổi. Cậu bé này cách biệt hai người con đầu của Segovia đến nửa thế kỷ!

       Segovia có lần bông đùa với một nhà báo trong một cuộc phỏng vấn: "Tôi nổi tiếng là một người cha hơn là một nhà nghệ sĩ!" Sức khỏe dần suy giảm theo thời gian, Segovia không còn duy trì được nhịp độ căng thẳng của 100 lần biểu diễn một năm như trước. Ông lui về nghỉ ngơi trong một ngôi nhà trên đỉnh đồi ở Granada quê hương. Dù vậy, ông vẫn tiếp tục duy trì khoảng 10 buổi trình diễn mỗi mùa và dạy các lớp chuyên tu gần như đến tận cùng cuộc đời mình – một cuộc đời với tình yêu bất diệt dành cho cây đàn guitar.

       Nhìn lại lịch sử âm nhạc, thật ngạc nhiên khi thấy rằng chỉ có ít nhạc sĩ có thể làm thay đổi đáng kể lịch sử của loại nhạc cụ họ chọn lựa. Listz, Paganini và Casals đã làm thay đổi lịch sử của piano, violon và cello, chủ yếu qua những cải tiến cách mạng về mặt kỹ thuật. Wanda Landowska đã làm thay đổi số phận của cây đàn harp. Trong danh sách cực kỳ ngắn ấy, ta có thể thêm vào cái tên Andrés Segovia. Thế giới âm nhạc đã từ lâu công nhận rằng Segovia không những đã hoàn thiện kỹ thuật của một vài người tiên phong ở thế kỷ 19 mà còn vượt xa hơn cả các bậc tiền bối ấy trong tài soạn nhạc nữa.



Michael Lucarelli plays Malaguena

       Những gì Segovia đạt được trong sự nghiệp biểu diễn chính là sự tái sinh – một số người dám nói là sự khai sinh – của cây đàn guitar như một nhạc cụ trình tấu nghiêm túc. Cả cuộc đời ông là một cuộc thánh chiến để cứu vớt chiếc đàn sáu dây này thoát khỏi cảnh thấp hèn của một nhạc cụ “du đãng”.

       Giờ đây, khi thế kỷ 21 bắt đầu ló dạng, sứ mệnh của nhà tiên tri đã hoàn thành. Cây đàn guitar cổ điển – sở dĩ được mang cái tên này là do cấu trúc truyền thống và phương pháp chơi đàn chứ không phải vì vốn nhạc của nó – đã có chỗ đứng đàng hoàng trên sàn diễn bên cạnh những nhạc cụ độc tấu nổi bật nhất: violon, piano, cello...

       Khi Segovia bước vào những năm tháng cuối đời, những buổi trình diễn của ông vẫn liên tục đầy ắp thính giả. Segovia là một minh chứng cho sự trường thọ và sung mãn. Ông là một trong số rất ít những nhạc sĩ vẫn còn trình diễn ở tuổi 80 và 90. Lúc cuối đời, khi mắt ông bị cườm và thị giác đã mờ phải dùng đôi mắt kính dày cộm mới thấy rõ, một người bạn quan tâm hỏi ông sao vẫn tiếp tục làm việc quá sức ở cái tuổi già lão này. Ông đáp – một câu trả lời đối nghịch tiêu biểu Segovia:

“Tôi còn cả thiên thu để an nghỉ.”

Xem tiếp Phần 4:
Trở lại Phần 1, P2,

(NPV sưu tầm và tổng hợp từ internet)

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian