Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Tản mạn với cây đàn Guitar (Phần 5)- NPV

TẢN MẠN VỚI CÂY ĐÀN GUITAR (PV) 

       Trong quá trình tìm ít thông tin về cây đàn guitar trên internet, ngoài trang wikipedia, NPV có gặp vài bài viết liên quan- không biết tác giả là ai, nhưng thấy có nhiều thông tin bổ ích và không kém phần lãng mạn nên tổng hợp lại để Quý độc giả và bạn bè cùng đọc, cảm nhận ...

Kim Chung và album độc tấu “Recuerdos de tremolo” (*)

Thời sơ khai của đàn Guitar tại Việt Nam

    Đàn guitar vào Việt Nam từ bao giờ? Bằng những con đường nào? Cho đến nay khó có ai có thể trả lời cho thật chính xác. Có nhiều giả thuyết khác nhau, nhưng chắc chắn không ngoài con đường du nhập của âm nhạc châu Âu vào Việt Nam. Có thể do các cố đạo Tây Ban Nha đưa vào từ đầu thế kỷ XIX; có thể theo các ban nhạc Phillipines, Malaysia đến chơi đàn ở các tiệm rượu vào những năm 20 của thế kỷ XX; có thể do những nghệ sĩ guitar nước ngoài đến kiếm sống ở Việt Nam; cũng có thể có những người Việt Nam thuộc tầng lớp thượng lưu đi qua Pháp mang về. theo ý kiến nhiều người thì từ cuối những năm 1920 mới lác đác có người Việt Nam cầm đàn guitar.

     Vào khoảng những năm 20 của thế kỷ này, thầy Sáu Tiên ở Rạch Giá (Nam Bộ) sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng đã chọn cây đàn guitar, khoét lõm các phím đàn và lên dây theo hệ thống âm giai ngũ cung (Vietnamese traditional pentatonic) "Líu, Xề, Líu Hò, Lìu" để đàn các bài bản cải lương. Có thể nói các nghệ sĩ cải lương là những nghệ sĩ guitar đầu tiên của Việt Nam. Cây đàn guitar phím lõm quả là một sáng tạo riêng của người Việt Nam, bổ sung cho họ hàng guitar một dòng mới: guitar cải lương. Dòng guitar này rất phổ biến trong nhạc tài tử Nam Bộ trước 1945 với những tên tuổi nổi tiếng như Tư Chơi, Ba Kéo, Bây Cây, Chín Hòa, Phùng Há, Năm Phỉ, Văn Vĩ... Cũng là điều thú vị khi sau này một rock guitarist nổi tiếng người Thụy Điển thuộc hạng thượng thừa (virtuoso) vào thập niên 1980 là Yngwie J. Malmsteen cũng khoét lõm các phím đàn guitar điện của mình để tạo ra những âm sắc lạ.

     Vào những năm 30, số người chơi guitar theo lối tân nhạc đã dần dần nhiều lên. Bên cạnh những người nước ngoài như Benito (người Phillipines),Nàn Hếnh, hay còn gọi là William Chấn (người Hoa) đã thấy xuất hiện những tên tuổi Việt Nam như Phan Văn trường, Canh Thân, Đỗ Chí Khang, Thiện Tơ, Dương Thiệu Tước.. Con đường đi đến với nghệ thuật guitar của các nghệ sĩ Việt Nam quả là gian khổ: học qua người nước ngoài, tự học theo sách, học mót và học lóm. Không có gì ngạc nhiên khi thấy việc trình tấu đàn guitar thời kỳ này khá hỗn độn. Phổ biến nhất là đàn Hạ Uy cầm (hawaiian guitar), rồi đến guitar đệm cho nhạc nhẹ, họa hoằn lắm mới có người chơi độc tấụ Thời kỳ này phổ biến dạng ban nhạc gồm 4 nhạc cụ: hawaiian guitar, guitar 6 dây, contrabass, và Ukulele, chơi hòa tấu trong các phòng trà hoặc quán bar. mãi đến cuối những năm 40 mới có Đỗ Chí Khang, Dương Thiệu Tước, Phạm Ngữ, Tạ Tấn... là 2 những người đầu tiên đi sâu vào nghệ thuật độc tấu. Đàn guitar khá thịnh hành trong giới sinh viên học sinh. Thời kỳ này cũng xuất hiện nhiều hiệu làm đàn guitar làm ăn phát đạt ở Hà Nội như Nhạc Sơn, Kim Thanh, Tạ Tấn... Theo ý kiến một số người, cây đàn guitar đầu tiên ở Việt Nam do cụ Xuân Lan, người làng Đào Xá (Hà Nội) làm ra năm 1932.


Võ Tá Hân và album độc tấu “Tình khúc Trịnh Công Sơn” (**)
 
Guitar Việt trong thời kỳ chiến tranh:

     Khi cuộc chiến tại Việt Nam bùng nổ giai đoạn 1945-1954, cây đàn guitar với những ưu điểm có một không hai của nó đã trở thành người bạn đường thân thiết của các nhạc sĩ kháng chiến. Ta thấy xuất hiện nhiều tác giả đồng thời là người đệm guitar rất giỏi như Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Phạm Duy, Văn Ký, Hoàng Vân, Trọng Bằng, Văn Chung, Tô Vũ, Nguyễn Văn Tí... Đàn guitar hầu như là nhạc cụ chính mà các nhạc sĩ dùng để sáng tác.

     Năm 1954, đất nước bị chia cắt vì Hiệp định Geneva thì nghệ thuật guitar Việt Nam cũng tạm thời bị chia cắt theo. Ở miền Bắc, Trường âm nhạc Việt Nam khai giảng niên khóa đầu tiên năm 1956 đã có bộ môn guitar dưới quyền chủ nhiệm của Phạm Ngữ. Từ đó phong trào chơi guitar bắt đầu phát triển mạnh ở miền Bắc. Các tác giả Lê Yên, Tạ Tấn, Phạm Ngữ, Đức Minh, Tạ Bắc... đã cho xuất bản nhiều sách giáo khoa và nhạc phẩm có giá trị cho cây đàn guitar. Nhạc phẩm soạn cho đàn guitar vào thời kỳ này phần lớn là chuyển soạn (arrangement) từ các ca khúc Việt Nam nổi tiếng hay biến tấu (variation) trên các làn điệu dân ca. Nguồn tiếp xúc với nhạc guitar cổ điển Tây Phương chủ yếu là qua các sách và băng đĩa nhạc guitar do Liên Xô (cũ) và Đông Âu viện trơ.. Năm 1963, nghệ sĩ guitar Tạ Tấn đoạt huy chương vàng tai Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc với bài độc tấu "Lưu thủy". Các lớp dạy guitar được tổ chức tại hầu hết các nhà nghệ thuật quần chúng. Buổi trình diễn guitar độc tấu đầu tiên ra mắt công chúng tại Hà Nội năm 1973 đã được hoan nghênh nhiệt liệt. Bên cạnh các bậc đàn anh đã xuất hiện tên tuổi các nghệ sĩ lớp trẻ hơn như Hải Thoại, Đỗ Trường Giang, Vũ Bảo Lâm, Quang Khôi, Phạm Văn Phúc, Nguyễn Văn Ti.., Nguyễn Quang Tôn, vv.... Nhưng có lẽ nghệ sĩ guitar đáng chú ý nhất ở miền Bắc trong giai đoạn này lại là Văn Vượng ? một nghệ sĩ bị khiếm thị từ nhỏ và tự học đàn guitar qua tai nghe nhưng đã chuyển soạn nhiều tác phẩm có giá trị cho cây đàn 6 dây nàỵ


     Xét cho công bằng, do hoàn cảnh chiến tranh, thiếu bài bản và điều kiện tổ chức, thiếu cả sự liên hệ với nền nghệ thuật guitar thế giới, và thiếu cả nghệ sĩ guitar bậc thầy được đào tạo chính quy nên nghệ thuật guitar ở miền Bắc lúc đó phát triển chậm và không đều.


     Ở miền Nam, đàn guitar phát triển có phần thuận lợi hơn. Những lần viếng tham và trình diễn tại Sài Gòn của các nghệ sĩ guitar tên tuổi thế giới như Siegfried Behrend, Julian Bream, Alice Artzt, vv... đã tạo điều kiện cho các nghệ sĩ guitar ở đây tiếp xúc với nền nghệ thuật guitar thế giớị Đàn guitar được đưa vào chương trình giảng dạy của 2 trường Quốc gia Âm nhạc Huế và Sài Gòn từ 1956. Từ chỗ phổ biến trong các phòng trà, đã có nhiều nghệ sĩ đi vào nghệ thuật độc tấụ Các dòng guitar cùng song song phát triển và cũng xuất hiện nhiều tên tuổi nổi bật: về guitar cổ điển có Đỗ Đình Phương, Trương Huệ Mẫn, Võ Tá Hân, Lê Xuân Cảnh, Phùng Tuấn Vũ..., về guitar flamenco có Hoàng Bửu, Trần Văn Phú,. ... về guitar jazz có Hoàng Liêm, Văn Trổ, Văn Tài, Sĩ Thanh...


Đỗ Đình Phương và album độc tấu “'Vietnamese Spanish Guitar Classics'” (***)

Classic guitar: sức sống bền bĩ và cả những thăng trầm:
   
    Sau 1975, các nghệ sĩ guitar hai miền có dịp gặp nhau, trao đổi kinh nghiệm, bài bản và kỹ thuật cho nhaụ. Nghệ thuật guitar đã có cơ sở vững vàng để phát triển. Và một ghi nhận xứng đáng phải dành cho công lao xây dựng phong trào guitar của Nhà văn hóa quận Phú Nhuận. Chính từ những cuộc biểu diễn khá đều đặn trong những năm 1980 tại thính phòng nhỏ của Nhà văn hóa này mà công chúng yêu nhạc cổ điển Sài Gòn đã quen thuộc với một loạt tên tuổi mới của làng guitar như Phạm Quang Huy, Châu Đăng Khoa, Nguyễn Thái Cường, Huỳnh Hữu Đoan, Dương Kim Dũng,... có cả những nghệ sĩ nữ tài năng như Ngô Thị Minh, Nguyễn Thị Phi Loan...

     Thập niên 1980 cũng có thể nói là giai đoạn chín mùi về tài năng và đỉnh cao về nghệ thuật của Phùng Tuấn Vũ nghệ sĩ guitar hàng đầu Việt Nam và là người góp phần đào tạo hàng loạt tên tuổi mới của guitar Việt Nam sau nàỵ Trong khi đó, ở Hà Nội cũng xuất hiện những tài năng mới đầy triển vọng như Đặng Ngọc Long, Phan Đình Tân, Phạm Văn Phương, Nguyễn Lan Anh... Trong số những cái tên vừa kể, Đặng Ngọc Long được đi tu nghiệp về guitar ở Đông Đức. Anh chính là guitarist đầu tiên của Việt Nam được theo học tại một quốc gia có nền nghệ thuật guitar phát triển.

     Nhưng từ 1990, làn gió kinh tế thị trường đã phần nào làm mai một lòng say mê âm nhạc guitar cổ điển của công chúng hâm mộ.. Mặc dù các cuộc thi guitar toàn quốc bắt đầu được tổ chức quy mô, với sự hỗ trợ của những guitarist Việt Nam sống nước ngoài như anh Võ Tá Hân ở Singapore, giới guitar cổ điển hiện nay hầu như chỉ thu gọn trong giới học sinh và sinh viên nhạc viện. Những tên tuổi đã thành danh không thể sống chuyên nghiệp với tiếng đàn của mình vì không có điều kiện trình diễn hay ghi âm thu băng đĩạ . Một số may mắn sống được nhờ dạy đàn guitar tại nhạc viện và tại tư gia. Số khác phải chuyển sang chơi nhạc nhẹ ở các quán bar hay nhà hàng. Một số không nhỏ rời Việt Nam sang định cư ở nước ngoài như Nguyễn Thái Cường, Nguyễn Trí Toàn, Mai Công Kiều, Huỳnh Hữu Đoan... nhưng trong số những người này thì hầu như không còn ai đeo đuổi guitar. Nghề làm đàn ghi-ta, vĩ cầm, mandoline… cũng đang ngày càng tàn lụi, cả Sài Gòn chỉ còn khoảng 10 điểm sản xuất đàn với 2 – 3 nghệ nhân sống chết với nghề. Và hiếm hoi lắm người ta mới tìm được một thương hiệu ghi-ta nghiêm túc tại Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung.

     Phải chăng guitar cổ điển Việt Nam hiện chỉ còn là một tình cảm âm thầm chất chứa trong lòng mỗi người chúng ta như mối tình đầu đời tuyệt đẹp nhưng dang dở?
(NPV sưu tầm và tổng hợp từ internet)
---------------------------------------------------

(*) Kim Chung và album “Recuerdos de tremolo” 

Kim Chung và album “Recuerdos de tremolo”

- Năm 1997, tại Concours Guitar (Tài năng trẻ guitar toàn quốc năm 1997), Kim Chung đoạt một lúc ba giải: giải nhì, giải biểu diễn bài VN xuất sắc nhất, giải nữ nghệ sĩ guitar xuất sắc nhất.
- Năm 1999, tốt nghiệp xuất sắc hệ đại học chính quy Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh.
- Năm 2001, nhận học bổng du học Tây Ban Nha (AECI).
- Năm 2003, nhận bằng tốt nghiệp khóa cao học chuyên ngành guitar do Nhạc viện Hoàng gia Madrid Tây Ban Nha trao.
- Hiện là giảng viên khoa guitar Nhạc viện TPHCM


     Kim Chung được xem là guitarist đầu tiên ở Việt Nam  thực hiện và tung ra thị trường CD album độc tấu của mình với tên gọi “Recuerdos de tremolo” (Hoài niệm về tremolo). CD đã được đón nhận nồng nhiệt từ người yêu nhạc.


(**) Võ Tá Hân:
Tản mạn với cây đàn Guitar (Phần 5) Trịnh và Võ Tá Hân

     Võ Tá Hân sinh tại Huế năm 1948, lớn lên ở Sài gòn, du học Hoa Kỳ từ năm 1968. Ông tốt nghiệp Cử Nhân (1972) và Cao Học (1973) về Quản Trị Kinh Doanh tại Viện Đại Học Massachusetts Institute of Technology (MIT). Ông làm việc về ngành Ngân Hàng Quốc Tế và Tài Chánh tại Montreal, Toronto (Canada), Manila (Phillipines) và Singapore. Từ 1981, ông định cư ở Singapore. Sách “ngụ ngôn kinh doanh” của Võ Tá Hân đã đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam trong vài chục năm qua.

      Võ Tá Hân còn là một nhạc sỹ tài năng đầy chất Việt, ông rất thành công với hàng trăm ca khúc phổ thơ, ca khúc về Phật giáo, một tay trình tấu piano và guitar được nhiều người hâm mộ. Những bản tình ca gắn với tên tuổi Trịnh Công Sơn được Võ Tá Hân chuyển soạn và thể hiện qua guitar vô cùng tính tế, mang đầy cảm xúc lắng đọng với một phong cách rất riêng...


(***) Đỗ Đình Phương:
Tản mạn với cây đàn Guitar (Phần 5)- Đỗ Đình Phương

     Năm 14 tuổi, với chiếc guitar cũ, Phương mò mẫm tự học đàn. Năm 1957, 17 tuổi, Đỗ Đình Phương theo học trường Quốc gia Âm nhạc Sàigòn. Chương trình 4 năm nhưng chỉ sau 3 năm, anh đã tốt nghiệp Thủ khoa về Guitar Cổ điển, là người đầu tiên ra trường về môn này tại trường nhạc Sàigòn.

     Được mời đi dạy ở Huế, khi ấy mới 20 tuổi, Đỗ Đình Phương là giáo sư nhạc trẻ nhất trường Âm nhạc và Mỹ thuật Huế. Thời gian này, bản “Tuổi đá buồn” của Trịnh Công Sơn được Đỗ Đình Phương chuyển soạn cho guitar và diễn tấu đã nhanh chóng nổi tiếngvà được chọn làm nhạc hiệu cho chương trình “Mẹ Việt Nam” trên làn sóng phát thanh khắp miền Nam

     Sau hai năm ở đất Thần Kinh, Đỗ Đình Phương về dạy tại trường Quốc gia Âm nhạc Sàigòn, tham gia nhiều chương trình ca nhạc của đài phát thanh và truyền hình Sàigòn, đài Pháp Á, Hội Việt Mỹ, các trung tâm Văn hóa Pháp, Văn hóa Đức,... Năm 1966, Đỗ Đình Phương được mời sang Philippin biểu diễn, được báo chí Philippin tôn vinh là “Đệ nhất cầm thủ Guitar Á châu”.
Sau 1975, Đỗ Đình Phương định cư và tiếp tục biểu diễn ở Mỹ, có xuất bản một số CD guitar độc tấu

(NPV sưu tầm &tổng hợp từ internet)
Trở lại Phần 1, P2, P3, P4

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian