Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Cô giáo tôi- Cẩm Tú Cầu

 Cô giáo tôi


Cô giáo tôi-
     Tôi được may mắn là mẹ dạy cho biết đọc, biết viết, biết làm toán, rồi mới đến trường. Lúc ấy 1950 vì chiến tranh, vì tản cư nên tôi đi học muộn, nhưng nhiều bạn trong lớp còn học muộn hơn tôi. Ngôi trường tôi đến đầu tiên là gian nhà  hai mái lợp bằng lá dừa, bàn bằng ván cũ, còn ghế là hai nửa thân tre ghép lại, bàn và ghế dính liền nhau, trường tọa lạc trước ngỏ nhà cô giáo ở, nơi đây là thôn Hội Yên, xã An Thạnh huyện Hoài Ân một vùng cù lao của con sông Lại Giang và sông Ân Thường họp thành,  thuộc tỉnh Bình Định

     Cô giáo tôi người nhỏ nhắn, không đẹp nhưng rất nhu mì, hiền hậu, nước da cô ngăm ngăm và nụ cười rất có duyên, bên má trái cô có một vết bớt nhỏ. đặc biệt cô có tính đằm thắm chẳng khi nào nóng giận, đối với mọi người, với học trò, với con cái cô đều hiền hòa dịu ngọt, nói năng nhỏ nhẹ

       Ngoài dạy văn ,  toán, cô  dạy chúng tôi cách nói năng lễ phép cư xử với mọi người. kính trên, nhường dưới  Tiếng nói cô như còn văng vẳng bên tai tôi, những từ đỏ rực, đỏ lòm, đỏ chót hoặc xanh rì, xanh um, cô dạy chúng tôi các câu châm ngôn như "thuốc đắng đã tật, lời nói thật dễ mích lòng". ' thương người như thể thương thân, ghét người như thể bỏ phân cho người " Rồi cô giảng giải thật cặn kẻ, đến khi nào chúng tôi hiểu cô mới qua bài khác. Khi diễn tả nỗi vui trong lòng cô lấy ví dụ "vui như mở cờ trong bụng", vui như pháo tết...v....v...Bóng dáng cô như đang thấp thoáng trong tâm trí tôi. Khi cô giảng bài cô thường giơ hai bàn tay ra và hai ngón trỏ chéo vào nhau. Cô dạy chúng tôi bài học thuộc lòng  NGHỈ HÈ của XUÂN TÂM
Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết
Đàn trai non hớn hở rủ nhau về
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê
Ôi! Tất cả mùa xuân trong mùa hạ
Một nét mặt, trăm tiếng cườ rộn rã
Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu
Chờ đêm nay sáng sơm bước lên tàu
Ăn chẳng được lòng nôn nao khó ngủ.....
     và cô hỏi:

     - Các con có biết Xuân Tâm là ai không ?

     Chúng tôi đồng loạt trả lời

     -Dạ không.

     Khi ấy cô mới bảo Xuân Tâm là người đang ở trong nhà ông Xã Bảy( nhà cô thuê của một địa chủ nhân từ), là phu quân của cô đó

     Lúc sau này máy bay bắn phá nhiều quá 1952 cô dọn nhà gần sát đồi. Ngôi nhà núp dưới những hàng cây mít và rất xa các nhà lân cận. Mỗi lần đi học phải qua nhiều đám ruộng, tùy theo mùa, khi thì lúa mới cấy, cánh đồngmênh mông trống trải, khi thì lúa xanh um trổ hoa, một màu hoa trắng nhỏ li ti, khi thì chín vàng hạt trỉu nặng làm oằn nhánh lúa xuống, một mùi thơm lan tỏa của lúa mới, quyến rũ tâm hồn tôi. Rồi quamột đám sắn nửa mới đến trường học, buổi trưa đi học sớm chúng tôi bắt cào cào hai bên bờ ruộng lúa, đến lớp bôi mủ mít vào đầu, cho chúng đá nhau, rồi say sưa ngồi nhìn những đôi cánh vàng vàng, tim tím bay lên, bay xuống rất thích thú, tôi mê mẩn trò chơi này, khi giờ ra chơi chúng tôi lên đồi hái chim chim, những buồng chim chim đỏ thắm, ngọt lịm, rồi hái dủ dẻ, trái chín vàng, nhất là những trái sim chín mọng, tim tím, như quyến rũ chúng tôi, khiến chúng tôi không bỏ sót một buổi lên đồi nào, khi về chúng tôi lượm củi đem tặng cô. Chiều về sớm tưới nước rau dùm cô, cô dạy tôi làm trứng tráng, lúc ấy tình cô trò gần gũi và thân thiết biết bao. Cuộc sống như thanh bình êm ả và chúng tôi học hành rất tấn tới.

     Bổng một hôm đầu năm 1953 ,cô được tin cụ bà đau rất nặng và mong được gặp mặt cô lần cuối. Hôm ấy tôi thấy cô khóc, nhìn đôi mắt đỏ hoe của cô, lòng tôi bổng dậy lên bao niềm thương cảm xót xa

     Cô liền cho chúng tôi nghĩ một tháng, cô ra đi và dặn

     _ Các con ở nhà ôn bài và đợi cô về nhé

     Chúng tôi theo tiển chân cô và nhìn theo bóng cô khuất dần sau lũy tre xanh, chúng tôi mới bùi ngùi quay về, lòng nặng trỉu mến thương... ..

     Nhưng mãi mấy tháng sau cô chẳng trở về chúng tôi mong chờ cô mỏi mắt. nỗi mong chờ làm cho tâm tư tôi khoắc khoải nhớ nhung

     Cô chỉ dạy chúng tôi có hai năm rưỡi mà chúng tôi vô trường học lớp Bốn thong thả. Ba mẹ tôi mừng lắm và ngưỡng mộ cô vô cùng. Cô ra đi ở nhà có Mỹ Linh, con gái lớn của cô, nhỏ tuổi hơn tôi gánh vácviệc nhà. Mỗi tuần một lần, mẹ tôi mua hộ lương thực, thực phẩm em đội về. Nhìn dáng em nhỏ nhoi em đi trên bờ ruộng, đầu đội thúng gạo bước đi không vững vàng xiêu vẹo dưới ánh chiều khi trời vừa chập choạng tối, lòng tôi đầy lo lắng xót xa. vì lúc ấy chiến tranh lan tràn, chợ phải họp từ năm giờ chiều đến chín giờ tối,hàng quán đều thắp đèn dầu phụng, ánh sáng rất mù mờ

     Rồi thầy đợi chờ mòn mỏi trống vắng, đành vượt tuyến, vượt cái lằn mức giữa Ta và Tây đang đánh nhau để đón cô về, nghe kể ông phải lặn qua sông lúc ban đêm. Ở nhà thật bi thảm một mình Mỹ Linh mười hai tuổi quán xuyến hết, lo cho ba đứa em, đứa nhỏ nhất mới năm tuổi, lúc ấy Hoài Nam anh của Mỹ Linh đi học xa. Mẹ tôi thường mủi lòng than:
-Mấy đứa nhỏ chiu chít trong hóc núi tội quá.

     Nhưng trời tựa người ngay, qua bao vất vả, khó khăn, ông cũng đón được cô về, không bao lâu chiến tranh kết thúc. Hôm cô sắp ra Bắc chúng tôi rủ nhau xuống Trung Lương thăm cô, măc dù bận rộn thu xếp cho chuyến đi xa, nhưng cô rất vui mừng đón chúng tôi. với niềm hân hoan tràn ngập trong lòng. Khi ra về cô cầm tay tôi rất lâu, rất lâu và ngọt ngào dặn:

     -Con ở lại cố gắng học nghe con.

     Tôi nghẹn ngào ứa nước mắt ôm chầm cô. khóc không ra tiếng.

     Giờ đây nghĩ lại những ngày tháng bên cô, được học với cô, được nghe cô giảng bài, tâm tư tôi như đang trôi về miền kí ức xa xăm

     Mới năm ngoái tôi có lang thang trên mạng tìm nhà thơ Xuân Tâm cốt ý tìm kíêm cô nhưng không thấy. Bẳng đi thời gian, mới đây thôi tôi đã gặp trên mạng nhưng cũng được biết cô giáo của tôi đã ngủ giấc ngủ ngàn thu gần ba năm rồi .Một nỗi đau sâu đậm cứa vào trái tim tôi, một nỗi buồn thương vương vấn mãi trong lòng.

     Tôi mơ ước phải chi còn có cô, tôi sẽ tim gặp và ôm cô, ôm thật chặt để tìm lại hơi ấm dịu ngọt ngày xưa, hơi ấm mà đã đọng trong tâmtư tôi hơn nửa thế kỷ qua

Cẩm Tú Cầu

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian