Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Dạ điệp- Hoàng Thị Viễn Du

DẠ ĐIỆP

Dạ điệpTiếng điện thoại nửa đêm ám ảnh Vĩnh cả tuần nay. Lần đầu nghe tiếng chuông đổ lúc nửa đêm anh bực bội lẫn ngạc nhiên khi nhìn dãy số lạ hoắc, Vĩnh a lô …, tiếng nhạc dịu dịu của bài Magic Boulevard vang lên. Vĩnh kiên nhẫn chờ để xem ai gọi cho mình vào giờ này. Nhưng tiếng nhạc dứt thì bên kia cũng tắt máy, Vĩnh bấm gọi lại nhưng tín hiệu báo không trả lời.

Đêm sau và đêm sau nữa cũng vậy, mỗi đêm một số điện thoại và bản nhạc bất di bất dịch. Vĩnh vừa tò mò, vừa thắc mắc nhưng bó tay không tìm ra người gởi bản nhạc cho mình là ai ? Từng đêm và từng đêm như thế, Vĩnh bỗng phát hiện mình tương tư tiếng nhạc nửa đêm. Không biết từ bao giờ, anh thu xếp công việc nhanh chóng gọn gàng và bồn chồn chờ nghe tiếng nhạc và nặn đầu vắt óc cố nghĩ, tìm người đứng sau tiếng nhạc là ai.

Dần dần trong mớ ký ức lẫn lộn hình thành khuôn mặt của một cô gái “Tịnh An”, đúng rồi, chỉ có cô. Người con gái đã ám ảnh anh gần suốt cuộc đời. Lúc anh nghĩ tìm được sự tĩnh lặng cho tâm hồn thì bỗng dưng cô lại xuất hiện mờ nhạt và bí ẩn như năm nào cô biến mất khỏi đời anh một cách lặng lẽ.

* * *

Vĩnh được cấp trên báo đã phân về trường Vĩnh một giáo viên mới ra trường. Vĩnh đón nhận tin này với một vẻ hờ hững và ngao ngán, giáo viên mới ra trường lại là nữ. Thôi thì đủ thứ phiền toái, kiêu kỳ, uốn éo, nhỏng nhẻo.

Họp xong anh vội vả về xã cho kịp sợ chiều tối đến mau. Trời vừa tắt nắng thì Vĩnh cũng đã kịp về gần trường. Anh rảo bước, lười biếng qua cổng chính, anh vòng ngã sau. Chợt thấy đám khói mỏng vươn lên dưới cây hoa Pơlang trước cổng trường. Vĩnh đổi hướng lại gần. Cô gái dựa lưng vào cây Pơlang đăm đắm nhìn đám khói vươn lên mệt mỏi, uốn éo, miệng hát khe khẽ bài Magic Boulevard. 


Vĩnh tiến đến, cô gái ngừng hát. Đôi mắt nâu mở lớn nhìn anh lạ lẫm. Vĩnh cười nói :

- Ở đây làm gì có “Đại lộ” hở cô giáo.
- “Hoàng hôn” thì ở đâu chả có, rừng sâu biên giới hay hải đảo xa xôi “hoàng hôn” ở khắp nơi và nhất là trong lòng mỗi người thì cần gì phải có “Đại lộ” hở anh ?
- A ! Cô bé đáo để gớm, giáo viên mới hả ? Tôi là Vĩnh Hiệu Trưởng của trường.
- Ui ! Anh trẻ thế ! Em tưởng Hiệu Trưởng phải là người đứng tuổi chứ.
- Cô nhìn nhầm không, tôi đứng tuổi rồi đấy.

* * *

Buổi sơ giao kết thúc thân mật nhưng Vĩnh vẫn đề phòng, anh sợ quá những phiền toái mà anh đã vấp ở những cô giáo trước.


Dạ điệp

Trường chính ở xã đủ lớp, đủ giáo viên lại ưu tiên những giáo viên lớn tuổi có gia đình. Đội ngũ trẻ khỏe, mới ra trường được phân về những trường xung quanh xã (những bản làng đơn lẻ), giáo viên sợ buồn thì ở khu tập thể trường xã, ngày hai buổi cuốc bộ, 3, 4 cây số vào làng dạy. Giáo viên nam thì không sao nhưng nữ lại là vấn đề. Xa, mệt, mưa, đường đất dính, trơn trợt, té ngã ì xèo, khóc lóc, hờn dỗi, cuối cùng là bỏ dạy. Vĩnh nhìn An nghĩ không khác gì những cô giáo trước. 


Buổi họp đầu tiên Vĩnh phân An về trường làng, cách xã 3 km. Phương tiện chính là đi bộ vì toàn là đồi dốc quanh co, khúc khuỷu. Thấy An vui vẻ thu xếp cặp vở xuống làng, Vĩnh nghĩ thầm (tướng tiểu thư kia, chắc cũng chỉ được vài hôm). Anh đích thân đưa An đi. Xuống làng, nhìn trường học tranh tre, lá nứa, chưa được chuẩn bị dọn dẹp. bàn ghế ngã nghiêng, cái gãy chân, cái long đinh, bảng cũng chỉ còn một chân. Phân xúc vật vương vãi, rơm rạ ngổn ngang. Vĩnh liếc nhìn An, cô chả tỏ vẻ gì chán nản hay nhăn nhó, cô hỏi anh sỉ số học sinh của lớp, cách tập trung. Vĩnh chỉ mảnh bom vỡ treo cuối lớp, An tìm khúc cây đánh lên.


Một lúc, lác đác vài đứa trẻ đeo cặp tới, có đứa địu cả em sau lưng. Vĩnh nói một tràng tiếng dân tộc, những đứa trẻ tỏa đi các ngã, rồi kéo tới gần hai chục em, nhếch nhác và nhớp nhúa. Vĩnh chờ nhìn thấy vẻ thất vọng trong mắt An, nhưng cô thản nhiên nhờ anh giới thiệu cô giáo mới và các em sẽ cùng cô dọn dẹp lớp học. An nhanh nhẹn mượn dao của dân làng, đi chặt cây cổi, cô phân công vài em đi gùi nước để rẩy cho đỡ bụi. Cô trò cùng bắt tay vào dọn dẹp. Vĩnh cũng vào làng mượn búa, xin đinh và nhờ bà con ủng hộ tranh tre, lá nứa để làm lại lớp học. Khi anh trở lại lớp đã gọn gàng sạch sẽ, An hồn nhiên khoe : - Có một số em biết tiếng kinh anh à ! Chúng dễ thương ghê. 


Dạ điệp
* * *

Bữa cơm trưa, chắc là bữa đầu tiên của An ở làng dân tộc. Vĩnh chờ tiếng than phiền, nhưng thấy An có vẻ ngon miệng với cơm trắng, muối hột giả với ớt xanh. Vĩnh tủm tỉm cười nghĩ : “không biết được bao lâu, vẻ bề ngoài che dấu kia sẽ rơi xuống”.


Lớp học sửa sang xong, thì đã chiều muộn. Vĩnh và An hấp tấp về, An hối hả : 


- Mau lên anh, em nghiện gom lá đốt mỗi buổi chiều rồi. 


Vĩnh tò mò hỏi :
- Vì sao An lại có ý thích lạ lùng đó ?
- Hồi ở nhà, những chiều cuối năm lúc gần tối, An thích đi lang thang khắp các con đường, lúc này đã vắng, ở góc ngã ba, ngã tư đường. Thường, người ta gom rác lại đốt. Nhìn khói trắng vươn lên, em cảm nhận được cái hiu hắt của buổi chiều cuối năm, làm nao lòng người. Cứ như thế, năm nào cũng vậy, cái ý thích gom lá đốt ngắm khói thắm đẫm vào em. Có lúc thì đăm chiêu suy nghĩ, có lúc thì trống rỗng, chẳng nghĩ gì. Mà mỗi lần ngắm khói em lại thích hát bài Magic Boulevard anh ạ !

* * *

Vĩnh tưởng chỉ được mấy buổi đầu, vì nhìn cái dáng yểu điệu và đôi bàn tay thon thon, trắng muốt. Anh nghĩ một lúc nào đó sẽ bỏ cuộc thôi. Nhưng không ngờ An thích nghi mau đến thế.

Từ buổi đưa An vào, rồi bận công việc trường lớp, kiểm tra, họp hành. Một tháng sau anh vào làng kiểm tra đột xuất. Anh ngạc nhiên đến bất ngờ. Cái lớp học năm ngoái trống tuềnh toàng, tan học là chó, gà, lợn ra vào thoải mái. Nhưng giờ, chả biết An vận động bà con thế nào mà đã có hàng rào, có cổng tre. Trong sân còn đào hố trồng cây làm bóng mát. Anh vào lớp học sinh đã biết đứng dậy chào. Hai chục em là hai chục gương mặt sạch sẽ, tóc tai gọn gàng. Nghe Vĩnh khen An cười :

- Đó là kết quả những buổi trưa em không về trường chính đó.

Vì có hai làng cách nhau một cây số, nên An xin dạy luôn cả hai buổi. Trưa cô ở lại, nấu cơm nhờ nhà dân và tranh thủ lúc nghỉ trưa, để cắt tóc và móng tay cho các em. Qua một học kỳ, Vĩnh an tâm hẳn. An vẫn đi về ngày hai buổi, mưa gió trơn trợt, không hề nghe cô kêu ca gì. Tuy dạy trường làng nhưng ở trường xã, mấy giáo viên nữ vẫn để dành việc gom lá mỗi chiều cho An. Trường xã xa làng, nguồn thực phẩm rau xanh rất khan hiếm. Những chiều đi dạy về, nhìn An mồ hôi ròng ròng. Gùi về nào là rau rừng, măng, bí đỏ, sắn cho mọi người cùng ăn. Ai cũng cảm nhận được tình cảm của Cô và rất qúy cô. Những buổi chiều mưa, không đốt lá được. Cô đốt nhang cho có khói rồi đứng thừ bên cửa sổ, mọi người hỏi An ngóng gì ? Cô nói :

- Em ngắm mây núi lang thang thôi !

Khu tập thể, cách phòng họp chính là hai căn phòng nhỏ nằm hai bên (gọi là phòng cho sang chứ cũng chỉ là tranh tre, lá nứa), mọi người ưu tiên cho những người độc thân. An một bên, còn bên kia là của Vĩnh và Khương. Vĩnh đàn rất hay, lại thường đàn về khuya, lúc mọi người đã ngủ. Tiếng đàn anh vang lên trong đêm u tịch, cô đơn và lặng lẽ. Có trưa chủ nhật, nhìn nắng vàng tươi trải dài trên sân trường. An hát khẽ : “Đôi khi nắng qua mái hiên làm tôi nhớ …“. Bên kia bất chợt tiếng Vĩnh cũng vang lên giai điệu đó, cả hai nhìn nhau cười vu vơ. 


Dạ điệp

Khương có vẻ ưu ái An hơn, thích qua phòng An ngồi uống trà, tán dóc. Phòng con gái nhưng An bài trí đơn giản. bên cạnh những cuốn sách ưa thích, An để chậu hoa nhỏ. Khương hỏi hoa gì ? An bảo : “ Đó là loài bướm đêm”, cánh lá màu nâu tím, xòe ra, rung rinh như cánh bướm. Hoa màu tím nhạt mỏng manh vươn lên thẳng đứng. An nói : “An thích nó vì nó mỏng manh nhưng không yếu đuối”.

* * *

Trường tổ chức lao động gây quỹ cho học sinh. Vĩnh xin được rừng sắn bỏ lại sau chiến tranh. Mọi người ưu tiên cho An ở lại trực trường. Vĩnh - Khương và một số giáo viên nam ở các làng xa dẫn học sinh về tập trung rồi vào rừng nhổ sắn. An nằng nặc xin đi nhường cho người lớn tuổi ở lại giữ trường.

Vào đến rừng, mọi người mải móng phát quang dọn chỗ để treo võng và chỗ ở cho học sinh. An cũng đi tìm củi khô nhờ Vĩnh kê đá để kịp nấu ăn. Cô thích thú cười, nói như được đi dã ngoại chứ không phải đi lao động.

Đêm ở rừng, được nằm võng, ngắm sao, Vĩnh và An thích thú đàn hát suốt đêm lửa bập bùng tiếng hát chơi vơi chơi vơi.

Gần sáng sương xuống lạnh, không ngủ được mọi người lục đục kéo nhau dậy xúm quanh bếp lửa. An vừa thêm củi để nấu nước pha trà. Khương ngáp ngắn, ngáp dài rên rỉ thèm thuốc (ở cửa hàng thường bán thuốc cho giáo viên vào đầu tháng theo tiêu chuẩn). Thế là các chàng hút vung vít. Đường về thị xã thì xa, nắng còn đỡ, mưa thì trơn trợt, xe một cầu cũng nghiêng ngã quay vòng, nên ai cũng ngại về. Đến cuối tháng ít ai còn thuốc, anh nào dè xẻn thì cuối cùng cũng chia năm xẻ bảy, còn lại thì là nhịn thèm. Khương hít hà .

- Trời ơi thèm thuốc quá, giờ mà có “dế” cũng quý (dế là đuôi thuốc còn thừa vứt đi).

Nhìn Vĩnh, Khương và các giáo viên nam thảm hại thế. An cười hấp háy.
- Ai gọi An bằng chị An cho. 


Khương chồm lên.
- Gì thế An ? Thuốc hả ? Thiệt không ? Để Khương gọi cho : Chị An, chị An.

An cười vang rừng, chạy tới ba lô cầm ra một gói nhỏ và xấp pơ luya mỏng. Khương chụp lấy và hét toáng.
- “Dế” - “Dế muôn năm”, “An muôn năm”. An ơi ! Khương muốn hôn...

Khương khựng lại. An dang tay cung nấm đấm chờ sẵn. Vĩnh hỏi :

- “An tìm đâu ra thế ?”
- An đâu có tìm, mấy ngày đầu tháng, mấy anh hút có khi gần hết, có khi nửa điếu vứt lung tung. Cứ sáng sáng quét phòng họp là an nhặt cất. Thỉnh thoảng phơi nắng cho khỏi mốc, bây giờ mấy anh mới có hút đó.

Đám giáo viên nam cùng reo lên : “An tuyệt vời”

An cười to hai má hồng lên, mắt long lanh.
Mọi người bắt đầu cặp đôi An và Vĩnh, hai người chỉ cười.

Đêm bên ánh lửa bập bùng. An ngồi đan áo len cho học trò nhỏ nhất lớp mà An yêu quý, lúc ở trường thấy An tháo len nhờ Vĩnh quấn vòng quanh lưng ghế rồi cột lại đem giặt. Vĩnh hỏi : “Sao áo đang mặc lại tháo ra”.

An bảo : - “Lớp em có con MLõ không biết là bị bệnh gì, da vàng ệt, bụng chướng to nhưng khuôn mặt đẹp như thiên thần. Nhất là đôi mắt cô bé lạ lùng. Nhìn mình cứ như có điều gì muốn hỏi. Em thương nó lắm, sắp lạnh rồi nó phong phanh quá.

Thấy An ngồi đan, Khương cũng lại nhìn An cắm cúi, ánh lửa chập chờn, khuôn mặt An như ẩn như hiện. Khương kêu lên.

- Bây giờ Khương thấy An như hóa thân thành loài “bướm đêm” lung linh chập chờn như cánh lá màu nâu đỏ, thôi gọi là “Dạ Điệp” đi.

Vĩnh reo lên :
- Ừ “Dạ Điệp’ “Bướm Đêm” “Dạ Điệp”, gọi An là Dạ Điệp của Vĩnh và Khương nhé.

Từ đó thành thói quen, thấy An ôm giỏ len đến bên đống lửa là hai anh xà tới, nhìn An thoăn thoắt đan. Vĩnh hỏi : 


- An biết bài thơ “Tiễn đưa” của Tôn Nhan Dật không ? Anh thích mấy câu :

      Chàng mặc áo nhung này
      Thiếp vì chàng mới may
      Thiếp dù xa chân ngựa
      Tơ lòng theo chàng bay
.

Khương kêu lên :
- Lạc đề rồi mày ơi ! An cho học trò, đâu phải cho mày mà “tơ lòng theo chàng bay”.
Vĩnh tủm tỉm :
- Thì cũng phải có lúc chứ.
An nhìn nhanh Vĩnh rồi cúi xuống, hai má đỏ hồng.

* * *

Về lại trường, An vẫn đốt lá mỗi chiều, nhặt “dế” mỗi sáng nhưng đã có thứ tình cảm là lạ len lỏi vào trong cô. Mỗi lần Vĩnh đi họp lâu, An thấy nhớ...


Cũng từ lúc yêu Vĩnh, An phát hiện ra một Vĩnh thứ hai, làm cô thẩn thờ. Một lần thấy sếp từ trên về. Vĩnh vồn vã, giục An và mấy chị giáo viên làm gà đãi khách. Cùng lúc có hai giáo viên của xã khác, đi từ làng biên giới ra mồ hôi nhễ nhại. Vĩnh thờ ơ, lạnh nhạt chào hỏi qua loa, rồi quay vào trò chuyện rôm rả với sếp. An thấy bất nhẫn, mời hai giáo viên vào cùng, nhưng có lẽ nhận biết. Họ từ chối đi tiếp, mà từ chỗ An đến nơi có xe thì chẳng còn làng nào có thể để họ dừng chân. An áy náy mãi, cô phàn nàn thì Vĩnh nghiêm khắc bảo cô còn dại lắm. 


Dạ điệp

Dần dần những tính toán thực dụng của Vĩnh làm An thất vọng. Những buổi chiều đứng nhìn làn khói trắng vươn lên An đau đáu : “Sao lại có con người sống hai mặt tài tình đến thế. Một con người lúc ôm cây đàn thì toát lên vẻ xuất thần nghệ sĩ. Một con người trong đời sống thì vụ lợi tính toán “ . 


An bắt đầu tránh né Vĩnh, cô sợ cái vẻ ân cần với cấp trên, dửng dưng với đồng nghiệp, ẩn bên trong sự trìu mến và dịu dàng, với An cô thấy Vĩnh có cái gì đó giả dối! An đau khổ dằn vặt cô biết mình yêu Vĩnh (mà người ta nói yêu là phải yêu cả cái xấu lẫn cái tốt, nhưng nếu yêu cả cái xấu tức là đồng lõa, chấp nhận?)

 Cô yêu cái dáng ngồi ôm đàn trong đêm, lập lòe điếu thuốc trên môi, còn với con người của công việc như Vĩnh, cô không thể thích nghi và chấp nhận được. Như lần dựa vào quan hệ bạn bè của An với cô cửa hàng trưởng cửa hàng biên giới, Vĩnh bảo An qua xin mua tiêu chuẩn đường, sữa, gấp đôi {dựa vào những sổ không mua tiêu chuẩn}. Tưởng sẽ mua giúp anh chị em trong trường, An vui vẻ đi mua, nhưng khi An mua về Vĩnh chỉ chia cho mọi người một số ít .Còn lại anh rủ An đem về thị xã bán kiếm lời, An nhìn Vĩnh chết lặng sững sờ.

Từ đó trong An hình thành sự chống đối. Một lần trong cuộc họp, An phản đối Vĩnh về vấn đề quỹ học sinh, Vĩnh không muốn dùng để tu sửa trường lớp mà muốn dùng tiền đó để quà cáp liên hoan , An nói :

- Đó là mồ hôi của học sinh, các em phải được hưởng thành quả lao động của mình, không thể lạm dụng để làm những việc vô bổ.

Thế là xảy ra tranh cãi ầm ỹ, An nhất định bảo vệ lập luận của mình, Vĩnh đuối lý đập bàn quát tháo. Tan họp mọi người kéo nhau về, An ngồi ngây ra thất vọng đau đớn.

Cuối hè cô học sinh bé bỏng MLõ qua đời. An như hoá đá câm lặng tuyệt vọng, đôi mắt trống rỗng vô hồn, cô nói với Khương :

- Nếu còn chút gì níu kéo An ở lại đây là MLõ đó thôi, giờ thì hết ... 


Dạ điệp

Mùa hè qua An không trở lại trường nữa. Vĩnh thảng thốt, tìm kiếm, ân hận nhưng mãi anh không tìm thấy cô. Anh hiểu mình đã để vuột mất làn khói trắng trong hoàng hôn buổi chiều rồi, cô trong anh luôn luôn là một niềm hối tiếc!

Rồi Vĩnh cũng có gia đình, tất cả lùi lại phía sau. Vĩnh tưởng mình đã quên.

* * *

Khương bất ngờ tìm đến. Vĩnh hơi ngạc nhiên nhưng vẫn tay bắt mặt mừng, hai người kéo nhau ra quán café gần nhà để hàn huyên. Khương cũng đã có gia đình, không hạnh phúc, chia tay, con còn nhỏ ở với mẹ. Khương bỏ dạy theo nghề nghiệp lang thang đây đó.

Anh cũng để ý tìm An nhưng không gặp, có lần thoáng thấy bóng An chạy mưa ở cuối đường, hai bên cánh áo mưa phất phới như cánh bướm. Khương đuổi theo nhưng không kịp, cô đã mất hút, nghe Vĩnh nhắc tới An, Khương cười.

- Dạ Điệp chứ ! lẽ ra cô ấy nên yêu tôi, tôi mới là người hợp với cô ấy, nhưng An yêu ông dù không thích nghi được với cái “Tôi” của ông, buồn thay !

Vĩnh cười buồn bã xót xa :

- Ừ Dạ Điệp, cả tháng nay tối nào cô ấy cũng cho tôi nghe bài Magic Boulevard, ông có biết gì về cô ấy không ?
- Không gặp được, nhưng biết, An không lấy chồng, vẫn yêu ông và vẫn thất vọng về ông.
- Dạ Điệp của ông ung thư dạ dày giai đoạn cuối rồi, chắc là muốn vĩnh biệt ông đó thôi.
- Gìờ cô ấy ở đâu ?
- Ở đây ! trong thành phố này, An không chịu gặp ai hết. Nghe em của An nói cô ấy rất đau đớn và tiều tụy. An tránh né hết, nhất là ông, cô ấy bảo : “để mãi trong ông, An vẫn là cô bé Dạ Điệp của những chiều đốt lá”.

Vĩnh im lặng, Khương cũng trầm ngâm rít thuốc. Trong họ hình như cùng vang lên giai điệu buồn dìu dịu của bài Magic Boulevard.
 
Hoàng Thị Viễn Du

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian