Ký ức đời tôi ( Phần 6)- Đào Thương
Phố núi và bạn bè... Chút gì để nhớ!
KÝ ỨC ĐỜI TÔI
Đào Thương
PHẦN 6: XÓM KẺ TRÀI, PHƯỜNG PHÚ BÌNH, THÀNH PHỐ HUẾ
Năm 1951, khi gia đình chúng tôi có nhà mới ở xóm Kẻ Trài ( hay còn gọi là xóm Măng cá ), anh Đê và chị Tề được 2 nhà tổ chức hôn lễ. Lễ cưới được diễn ra tuy không có “cau lồng, rượu ché, heo đóng cụi” nhưng đầy đủ lễ nghi với lồng đèn, lọng đỏ và rước dâu bằng xe xích lô ( lúc bấy giờ chỉ có các bậc đại phú hay quan lại mới rước dâu bằng ô tô ). Cuối năm đó anh Đê chúng tôi tình nguyện gia nhập vào Không quân của quân đội Việt nam vào học khóa chuyên viên bảo trì máy báy tại TT HL Không Quân ở Nha Trang nhờ có vốn liếng tiếng Pháp ( lúc bấy giờ huấn luyện viên là người Pháp) còn chị Đê vẫn ở nhà và buôn bán lòng bò ở chợ Đông Ba. Chị rất thương tôi. Chính chị là người đầu tiên dẫn tôi đi xem phim ở rạp chiếu phim Tân Tân – phim Em bé đánh giày do Ấn độ sản xuất, ngoài ra thỉnh thoảng chị dúi cho tôi vài hào lẻ để ăn kẹo hoặc cà rem, chị còn cho tiền tôi đóng học phí và mua sách vở .
Nơi đây tôi có nhiều bạn mới cùng trang lứa. Chúng tôi cùng chơi, cùng tắm ở bến sông trước đường Huỳnh thúc Kháng, cùng tập thể dục buổi sáng. Dòng sông này được các vua triều Nguyễn cho đào để nối tắt sông Hương từ cồn Hến đến ngã ba Sình và chảy thẳng về bến Bao Vinh một thời nhộn nhịp ghe thuyền khắp nơi đổ về kinh đô Huế.
Trên sông thỉnh thoảng có đò còn chèo tay xuôi ngược văng vẵng những câu hò mái đẩy đối đáp đưa duyên. Nhưng thỉnh thoảng dòng sông bị khấy động do những đoàn xe lội nước của quân đội Pháp chuyển quân về mạn Thanh Lương, chợ Kè. Không khí chiến tranh vẫn bao trùm quê hương Thừa Thiên-Huế.
Tháng 10/1953 nhân lễ Tứ tuần Đại Khánh của Hoàng Đế Bảo Đại, học sinh như chúng tôi được Tôn nhơn phủ cho bánh kẹo và cả thành phố được đi xe buýt miễn phí một ngày và đây là lần đầu tiên tôi được đi xe hơi ( dù là xe buýt ). Tôi đón xe buýt đi lên bến xe chợ Đông Ba rồi chuyển qua xe hết đi Kim Long, về lại Đông Ba rồi lại đi Bao Vinh, An Hòa, An Cựu…Tôi có cảm giác thật sung sướng đươc dạo khắp thành phố Huế thân thương.
22 tháng 7 năm 1954 hiệp định đình chiến được ký kết giữa CP VNDCCH và chính phủ Pháp có sự bảo trợ của các cường quốc trên thế giới tại Geneve, Thụy Sĩ. Chính phủ Quốc gia VN do Quốc trưởng Bảo Đại lãnh đạo có cử Phái đoàn do Ngoại trưởng Trần văn Đổ cầm đầu tham gia vào đàm phán nhưng đã không ký kết Hiệp Định vì không đồng thuận vào việc chia hai đất nước cho dù là tạm thời…Sau Trưng cầu dân ý, Đệ nhất Cộng Hòa được thành lập, không khí hòa bình lan tỏa khắp nơi nơi. Cuộc sống bà con trong xóm tôi dần khởi sắc, xóm làng sạch sẽ và an bình, không trộm cắp vặt và bà con lối xóm thương yêu, đùm bọc nhau như ruột thịt.
Tiếp theo là cuộc di cư vĩ đại của gần 1 triệu đồng bào miền bắc di cư về miền nam.
Cũng như nhiều trường khác, trường Thanh Long nơi tôi đang học lớp 5 phải tạm đóng cửa để đón đồng bào di cư. Nhìn những bà con tay xách nách mang những của cải ít ỏi từ giả nơi chôn nhau cắt rốn để tìm cuộc sống nơi đất mới lòng tôi không khỏi khoắc khoải và thương cảm.
Tháng 8 năm 1954 tôi thi hỏng kì thi nhập học vào lớp đệ thất ( lớp 6 ngày nay) trường công Nguyễn tri Phương, phải xin vào học lớp đệ thất trường Tư thục Nguyễn Du, trên đường Hàng Đường, gần cầu Đông Ba. Trường do thầy Minh làm hiệu trưởng kiêm phụ trách giáo sư dạy Pháp văn. Thầy có cô gái rượu đẹp nổi tiếng một thời ở thành phố Huế- cô Nguyên Hảo. Môn Pháp văn tôi đã được học từ năm lớp nhì ( cour moyen ) ( lớp 4 ngày nay) nhưng chính Thầy Minh là người đã dạy cho tôi nắm bắt cơ bản cách phát âm và ngữ pháp tiếng Pháp. Trường có 1 đội ngủ giáo sư rất giỏi như thầy Phấn dạy Hóa, thầy Nguyễn Đình Chung Song dạy toán… Để có tiền đóng học phí lúc bấy giờ là 220 đồng một tháng, chị dâu trưởng của tôi, chị Thọ cho 100 đồng; chị Đê cho tôi 100 đồng còn mẹ tôi đóng góp 20 đồng
Để được bà con trong xóm cho tiền mua bóng, mua đồng phục cho đội bóng đá của thiếu niên trong xóm, chúng tôi luôn dọn dẹp vệ sinh trong xóm và bến nước chung , sạch đến nỗi từ bến lặn ra đến giữa dòng sông đáy toàn cát không một cọng rác. Do vậy vào các đêm mùa hè các gia đình trong xóm chúng tôi đều ra trải chiếu trên đám cỏ bên bờ sông đón gió và truyện trò và khoảng đến 9, 10 giờ đêm bà con xuống tắm rồi trở về nhà ngủ. Bên trái bến sông, người ta trồng 1 cây dừa từ thuở nào. Những đêm nằm hóng gió trên tấm chiếu cói trải trên đám cỏ trên bờ sông nhìn lên những tàu lá dừa rung động như những chiếc lược xanh được tóc gió chải qua thật thanh bình.
Những năm tiếp theo…
( Xem tiếp phần 7 )
0 Comment: