Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Chuyện cu Tố làng tôi- Đặng Xuân Xuyến

CHUYỆN CU TỐ  LÀNG TÔI

     Cu Tố vừa đi vừa khóc, một tay kéo quần, một tay lau nước mắt. Thật tội cho thằng bé, mới tý tuổi đầu mà phải hứng chịu quá nhiều đau khổ. Bằng tuổi nó, con nhà khác thì được học hành đến nơi đến chốn, còn nó, đang học dở cấp 2 phải bỏ học vì hoàn cảnh gia đình. Mẹ nó bỏ làng ra đi dễ đến sáu, bảy năm rồi, còn bố nó là kẻ nát rượu nhất vùng, mỗi khi quá chén lại thượng cẳng tay hạ cẳng chân, trút lên đầu nó tất cả sự hận thù về mẹ nó. Nghe đâu, mẹ nó sau một cuộc mây mưa tình ái với gã hàng xóm, nó được hình thành từ bận ấy. Không phải lão Phục - bố nó - có vấn đề về chuyện chăn gối, mà cái chính để mẹ nó ngoại tình đẻ ra nó là do hoàn cảnh …. Vâng, thì hẳn là do hoàn cảnh, chứ mẹ nó vốn là người nổi tiếng hiền thục nhất làng, đâu muốn lão Phục phải nuôi con người khác. Ngay cả thằng cu Đấu, lão Phục cũng thừa biết là con của lão Q, nhưng vẫn quyết cưới, vẫn hì hì cười: “Cá vào ao ta, ta được”, chứ đâu phải mẹ cu Tố chủ tâm lừa dối. Người làng Trúc Xuân vốn rộng lượng, nhất là trong hoàn cảnh gia đình cu Tố, nên nhiều người có vẻ bênh mẹ cu Tố ra mặt, tất tật mọi chuyện đều đổ lỗi cho hoàn cảnh nó trớ trêu, nó oan nghiệt, không chịu chiều theo ý người …. Vì thế, thượng vàng hạ cám, người làng Trúc Xuân đổ tuột lên đầu lão Phục! Thật tội cho lão, nghe mọi người bóng gió, mỉa mai, lão chỉ biết gượng cười. Lão không thích phân trần, vì đấy không phải bản tính của lão, hơn nữa, nếu có nói, cũng không ai chịu nghe, càng không ai chịu tin. Xưa tới nay, ở cái làng Trúc Xuân này, có ai coi lão ra cái thá gì? Trước mặt thì cười cười nói nói, ra vẻ thân tình, thương mến lắm, nhưng vừa đi khỏi dăm ba bước là những cái bĩu môi, những lời châm chọc chạy theo lưng lão.

Chuyện cu Tố làng tôi

     Ôi! Sự đời thật chua chát! Không ai chịu hiểu, chịu tin lão cả! Cũng chẳng có ai là người để lão hiểu, lão tin cho được! Thật chua chát sự đời! Thật uất ức số phận! Thôi, kệ những lời công kích, kệ những lời đàm tiếu, lão cứ thản nhiên mà sống, cứ thản nhiên mà cười, coi như chưa hề có những lời độc địa kia đã bóp nát cái hạnh phúc nhỏ nhoi mà lão cố công bồi đắp. Có lẽ, cũng bởi tại lão cứ nhởn nhơ mặc kệ mọi chuyện, muốn ra sao thì ra nên lời ong tiếng ve càng thêm tích tụ. Làng Trúc Xuân không lạ gì cái cảnh: Mỗi khi thấy lão ngoài đường, là y rằng có những cánh tay chỉ trỏ, những lời thì thầm to nhỏ, và sau đó, là những trận cười no nê, sảng khoái của những kẻ “rửng mỡ”, thích chọc ngoáy vào đời tư kẻ khác, mặc dù, đời tư của chúng còn bốc mùi khăm khẳm gấp vạn - đấy là nói theo cách của lão.

     Chẳng rõ thực hư những lời xì xèo thế nào, nhưng quả thực, càng nhìn, thằng cu Tố càng không có nét gì giống lão, ngoại trừ ánh mắt buồn buồn, giọng nói nhấm nhẳng của kể yếm thế thì có vẻ hơi giông giống. Nhưng mà thôi, chuyện bố con nhà cu Tố có giống nhau hay không là chuyện khác, chuyện không nên bàn! Vì chuyện đó hiển nhiên ai ai cũng biết, ai ai cũng rõ, chẳng có gì là lạ. Chuyện lạ là không hiểu vì sao, mấy ngày hôm nay, hễ cứ nghe tiếng khóc của cu Tố, không ít kẻ làng Trúc Xuân phải cúi mặt thở dài….

* *
*
     Chuyện xảy ra cũng khá lâu rồi. Cách đây chừng mười tám, mười chín năm thì phải. Ngày ấy, mẹ cu Tố vẫn chưa về làm dâu nhà họ Nguyễn, vẫn còn là cô thôn nữ ngây thơ với tình yêu trong sáng đầu đời. Người làng Trúc Xuân bảo: Không biết nàng Kiều của cụ Nguyễn Du đẹp đến mức nào, chứ mẹ cu Tố thì chao ôi là đẹp. Con gái thôn quê gì mà nước da cứ trắng nõn trằng nà, trắng đến nhức cả mắt. Lại còn đôi mắt nữa chứ. Mỗi khi giận dỗi hay ấm ức điều gì, đôi hàng mi cong vút chỉ khẽ chớp chớp vài cái, thì hỡi ơi, dù đấng trượng phu có đang đằng đằng sát khí cũng phải chùng lòng, phải cố mà ngọt ngào, xu nịnh, để đôi mắt kia đừng nhỏ lệ. Chung quy cũng chỉ tại mẹ cu Tố đẹp. Nếu không thì làm sao mà đàn bà, con gái ở chốn quê, quanh năm giỏi mỗi việc chổng đít lên trời lại thích lườm nguýt mẹ nó! Xấu xí đến ma chê quỷ hờn như Thị Nở, đương nhiên là có tội với dòng giống, xóm làng. Mà quá đẹp như mẹ cu Tố thì lại càng có tội! Tội lớn là đằng khác!

     Tạo hóa thật bất công! Mọi nét đẹp của thế gian này dường như đều dồn hết cho mẹ cu Tố. Đến cả người đàn ông tràn trề nhựa sống, là niềm tự hào duy nhất, là nỗi khát khao vật vã từng đêm của các cô gái làng cũng bị mẹ nó nhăm nhe cướp mất. Của đáng tội, hai người ấy quả thật rất xứng đôi. Nhưng cũng chỉ tại mẹ nó. Bao nhiêu trai làng sẵn sang quỳ gối, dâng nộp tất tật gia tài để được nên vợ thành chồng, vậy mà cứ dửng dưng, không chịu chọn lấy một ai, lại chọn luôn anh chàng Q đẹp trai, giỏi giang, và khỏe mạnh nhất làng. Ban đầu, mọi người bán tín bán nghi, nghĩ mẹ cu Tố chỉ coi chàng Q như người anh trai tốt bụng. Nhưng từ cái lần rình trộm, thấy chàng Q ghì chặt mẹ cu Tố vào vòm ngực vạm vỡ, thì, con gái làng Trúc Xuân nhảy dựng lên như giẫm phải lửa. Không ai bảo ai. Tất cả đều hậm hực: Như thế là không được! Như thế thì thật quá quắt! Đã quá đẹp rồi lại còn muốn chiếm nốt cái đẹp cuối cùng của làng Trúc Xuân ư? Không đời nào! Thế gian được vợ hỏng chồng, các cụ đã nói, cấm có được sai! Yêu ai thì yêu. Lấy ai thì lấy. Nhưng nhất quyết không được là chàng Q! Nhất định phải như vậy!

     Thế rồi, chẳng hiểu bằng cách nào mà tin đồn chuyện trai trên gái dưới của mẹ cu Tố với rất nhiều gã du thủ du thực, phải vụng trộm nên đến nhà ông lang Thạnh không dưới hai mươi lần, lan truyền khắp hang cùng ngõ hẻm, xì xèo tới tận làng Đọ - Đá xa xôi. Lại còn cả chuyện ông lang khuyên mẹ nó đừng lấy chồng, vì không còn khả năng sinh đẻ, cũng được mọi người kể lại thật rành mạch, vanh vách cứ y như chính họ là người bắt mạch kê đơn. Đến ngay cả cái anh chàng Q phong độ là thế, nam nhi là vậy, mà còn gạt phắt tất cả lời thề thốt, van xin của mẹ cu Tố: Làm gì có chuyện dòng máu họ Hà đang lớn dần trong bụng! Làm gì có chuyện chỉ yêu một người và trao thân duy nhất cho một người! Chẳng lẽ cả huyện Thiên Thi này nói sai? Không thể tin được!. Dòng họ Hà đã ba đời độc đinh nên không thể! Không thể! Không thể!

    Lần đàu tiên, mẹ nó ngửa mặt nhìn trời bằng ánh nhìn sắc lạnh rồi tức tưởi cười. Lần đầu tiên, con gái làng Trúc Xuân nhìn theo mẹ nó bằng ánh mắt dịu lửa. Và cũng lần đầu tiên, người làng Trúc Xuân thấy chàng Q vật vờ vất vưởng như một kẻ mất hồn.

     Đấy là chuyện của mười tám năm về trước.

* *
*
     - Tiên sư thằng Tố! Tiên sư cái giống mèo mả gà đồng! Mày chết dẫm ở xó nào rồi. Mày có về ngay không. Lại còn hậm hực cơ à? Mẹ cha thằng bố con mẹ mày chứ! Mày tưởng thế là hay à? Gieo nhân nào gặt quả ấy thôi con ạ! Thiên hạ người ta đều nguyền rủa cái dòng giống nhà mày đấy …. Có về ngay không hở Tố. Tố ơi là Tố. Con ơi là con. Về nhà đi con… Tố ơi! Tố!

     Đấy. Lão Phục lại chửi thằng cu Tố. Lại điệp khúc chiều nào cũng bắt thiên hạ phải nghe. Không nghe không được. Tiếng cứ the thé, the thé. Lại riết róng lên như thế thì ai mà chịu nổi. Kể cũng tội cho lão, cả đời nào dám to tiếng với ai. Ra đường cứ the le the nét, gặp ai cũng không dám nhìn thẳng thì làm sao dám chửi thiên hạ. Thôi, không chửi được “chúng nó” thì về nhà chửi thằng Tố cho bõ tức. Mà cũng tại cả mẹ thằng cu Tố. Ai lại bỏ chồng bỏ con đi biền biệt như vậy? Gì thì gì, cũng phải về thăm nó vài bận, hoặc không cũng phải tin về cho lão biết sống chết thế nào… Đằng này… Cũng tội cho cả lão. Vò võ nuôi hai thằng con hộ vợ. Ăn đói mặc rách, vất vả không kể được, chỉ mong khi mẹ nó về, nhìn thấy chúng nó như ngô như ngỗng là lão mừng. Vậy mà thiên hạ còn độc mồm thối miệng, cứ xỏ xiên lão, cứ nhắm vào tim lão mà đâm, mà xoáy.

     Lão nhớ lắm chứ. Lão quên làm sao được cái tối ấy, ừ, cái tối của mười tám năm về trước, cái tối mà mẹ cu Tố định gieo mình xuống sông tự vẫn. Lão đã phải quỳ xuống, van xin mẹ nó đừng làm điều dại dột. Lão xin được cưới mẹ nó với lời hứa, dù trai hay gái cũng yêu thương như con đẻ của mình. Lão đã làm được, thậm chí còn quá xuất sắc là đằng khác. Thì đấy, lấy nhau gần chục năm trời, đã bao giờ lão để mẹ cu Tố phải đói khát, khổ sở? Đã bao giờ lão đánh vợ đánh con? Chưa? Đúng! Chưa một lần! Lão biết, mẹ cu Tố lấy lão chẳng qua vì tình thế bắt buộc. Còn lão? Lão yêu mẹ cu Tố thật lòng, yêu hơn bất cứ gã đàn ông nào, kể cả với lão Q cũng vậy. Ngay cả cái đận đẻ thằng cu Tố, bao người khuyên lão bỏ mẹ cu Tố mà cưới vợ khác, nhưng lão không nghe. Lão yêu hai mẹ con cu Đấu. Lão cũng yêu cái sinh linh bé nhỏ vừa oe oe cất tiếng khóc chào đời. Thiên hạ nói sao cũng mặc. Chỉ cần mẹ cu Tố đừng bỏ lão là được. Khổ sở thế nào, lão cũng không sợ. Lão yêu và tôn thờ mẹ cu Tố như con chiên ngoan đạo. Mà cũng tội nghiệp cho mẹ cu Tố. Cũng đồng cam cộng khổ với lão, cũng hay lảm hay làm, cũng hết lòng vun vén cho gia đình, chứ đâu ăn trắng mặc trơn như những người khác. Đấy, cái đận lão ốm thập tử nhất sinh, tưởng khó qua được, mẹ cu Tố chẳng thức trắng bao đêm, hai mắt thâm quầng, gò má trơ hết cả xương vì lo lắng cho lão đấy thôi… Nhà còn bao nhiêu thóc, bán bằng sạch, thậm chí, còn chạy đôn chạy đáo, vay mượn tiền bạc chữa chạy cho lão. Thế mà thiên hạ còn ngứa mồm, bảo rằng vợ lão không hề yêu lão, chỉ mong lão nhanh chết để dễ tằng tịu với gã nhân tình. Chao ôi! Miệng lưỡi thế gian, khác gì nọc độc của lũ mãng xà. Lão mà có sức khỏe như mấy gã lực điền, thể nào cũng khối thằng bị lão đấm cho vêu mõm, cho hết thói ăn quàng nói bậy.

     Ôi! Lão thèm được quay lại cái trận ốm ấy biết chừng nào. Lão thèm được sống lại cái phút giây mẹ cu Tố ôm lão, vật vã thét gào: - Anh ơi, đừng bỏ mẹ con em. Ông trời ơi, đừng bắt anh ấy phải chết!

     Gớm! Lúc ấy sao mẹ cu Tố gào to thế, thảm thương thế. Bao nhiêu năm làm nghĩa vợ chồng, lão chưa thấy mẹ cu Tố một lời to tiếng. Lúc nào, cũng lặng lẽ như một cái bóng. Lúc nào, cũng tỏ ra an phận thủ thường. Vậy mà….

     Cầm bàn tay chằng chịt lằn gân xanh của vợ, lão thấy nghẹn đắng trong lòng. Muốn nói những lời thật dịu ngọt, nhưng cứ nhìn thấy đôi mắt thâm quầng, nụ cười héo hắt của vợ, lão lại nghẹn lời. Lão muốn an ủi đôi câu, rằng lão đã khỏe, rằng lão không muốn nhìn thấy vợ hao gầy như thế, nhưng miệng lão cứ cứng đờ như người trúng gió. Lão hận ông trời, không cho lão khéo ăn khéo nói như mọi người. Lão hận chính con người lão, trình độ văn hóa cao nhất làng, gì thì gì cũng học xong tú tài, thế mà một lời “có cánh” cũng không nói nổi. Lặng lẽ nuốt lệ vào tim, lão quyết tâm chiến đấu với bệnh tật. Lão phải sống, phải bù đắp những khổ cực cho mẹ cu Tố. Lão phải sống, phải nuôi dạy hai thằng con khôn lớn nên người. Gia đình của lão cần có lão! Lão không thể chết!

     Lão thật có lỗi với mẹ cu Tố!
     Lão cũng có tội với dòng họ Nguyễn nhà lão!

* *
*
     Lão nuôi hai đứa con từ lúc còn đỏ hỏn. Lão yêu thương chúng như con đẻ của mình. Nhưng lòng lão vẫn cứ thấy trống trải. Lão thèm được ôm ấp, được chăm bẵm một sinh linh bé bỏng mang dòng máu của mình. Bao ngày, bao đêm, lão tưởng tượng cảnh bồng con đi chơi, cảnh thằng bé tè ướt cả áo. Lão sẽ không cáu gắt mà khì khì cười. Sẽ đặt nó lên đầu, bảo nó cứ tè nữa đi. Tè nhiều vào, thậm chí có ỵ lên đầu bố cũng được. Giá lúc bấy giờ, cu cậu có đòi bố thơm vào cái mẩu tre xinh xinh của nó, lão cũng thơm một cách hãnh diện. Đúng! Lớn lên, lão sẽ dạy nó cách bắt ếch, nhìn thế nào để biết hang nào có ếch, hang nào không có?... Mà không. Ai lại truyền cho con cái nghề mạt hạng ấy. Phải cho nó học đến tận Đại học. Phải lo cho nó thành ông kỹ sư, hoặc ông cử nhân gì gì đó chứ nhất quyết không thể để nó lại giống lão, quanh năm suốt tháng chỉ quẩn quanh với khóm tre làng. Lão đã từng khao khát, đã từng van xin nhưng mẹ cu Tố cứ khất lần, trốn chạy. Giờ thì lão đã già, đã kiệt sức để làm lại từ đầu. Lão cũng chẳng giận mẹ cu Tố nữa đâu. Lão cũng chẳng ép mẹ cu Tố đẻ cho dòng họ Nguyễn một đứa con nào nữa. Lão không giận. Lão thề đấy. Lão chỉ cần mẹ cu Tố sớm trở về.

     Nhưng biết đến bao giờ mẹ cu Tố mới trở về làng?

* *
*
     Người ta bảo, mẹ cu Tố không chịu được cái mùi thum thủm mỗi khi bố nó ghé vào tai mẹ nó thủ thỉ điều gì, hơn nữa, chẳng biết có thật hay không, chỉ nghe người làng Trúc Xuân truyền miệng là bố nó thần kinh có vấn đề sao ấy, trước khi làm bất cứ việc gì, dù là chuyện sinh hoạt vợ chồng cũng phải tắm táp sạch sẽ rồi “phát biểu cảm tưởng” chừng 15, 20 phút. Chẳng biết vì ác cảm với lão Phục mà người làng Trúc Xuân gán cho lão cái tính khí khác người đó? Hay vì thương lão mà nại ra lý do để an ủi lão: Tuy có hai thằng nối dõi nhưng lại là “con hoang con gửi”, không phải con do lão tạo ra. Người làng Trúc Xuân cũng bảo mẹ nó không yêu bố nó, lại cộng thêm tính cách đỏng đảnh đến lập dị của bố nó mà mỗi lần bố nó đòi hỏi cái chuyện vợ chồng thì mẹ nó đều sợ hãi, trốn chạy. Cuộc sống gia đình với mẹ nó tựa như địa nguc, không hơn không kém nên mẹ nó buồn, buồn lắm. Nghe đâu, mẹ nó đã mấy lần tự tử nhưng không thành, lần vì có người phát hiện cứu sống, lần vì thương anh nó sớm cảnh mồ côi nên mẹ nó “hoãn” chuyện tự tử. Lẽ ra sẽ không có nó hiện hữu ở cõi đời nếu không có buổi tối ấy, cái buổi tối mà mẹ nó nhục nhã trong hạn phúc, nhơ nhuốc trong tự hào, cái tối mà bố nó - hay chính xác là bố hờ nó, tức lão Phục, không say xỉn…

     Hôm ấy, trời lâm thâm mưa, mẹ nó đang lầm lũi bôi vôi vào chân cho bố nó dã rượu. Chẳng hiểu vì quá chén, hay lão Phục đốc chứng thế nào mà co chân đạp thẳng vào mặt mẹ nó, lè nhè mắng nhiếc mẹ nó là loại người đĩ bợm, nhơ nhớp … Lão chửi vợ thậm tệ, chửi hệt như mấy bà bị mất gà mất vịt. Lão không kiêng nể gì, lôi cả bố mẹ vợ ra chửi, mà chửi thật khéo, thật hay, đố ai dám bảo lão là người say thật. Nghe lão chửi, hàng xóm như được nghe một bài tuyển chọn những bài chửi “đặc sắc”. Không! Phải gọi là một kiệt tác chửi vợ thì mới đúng! Không ai bảo ai cứ dỏng tai lên mà nghe, cứ tấm tắc khen: Có học có khác, chửi vợ như thế mới đáng gọi là chửi, chứ như thằng Q, thằng D chẳng biết chửi vợ gì cả, đặc quê mùa, đặc ít học. Có lẽ do quá mệt hay bài chửi vợ đã đến câu kết, lão Phục lăn ra ngủ. Chỉ chờ có vậy, hàng xóm vỗ tay đôm đốp, thậm chí có người còn réo lên đề nghị: Ông Phục ơi! Chửi lại cho bọn cháu nghe với. Chắc nhận ra sự vô lối của mình, người đó vội vàng cải chính: - Cháu xin lỗi! Khuya rồi để ông còn nghỉ, mai có rảnh ông lại chửi tiếp nhé. Lại rộ lên tiếng cười. Làng Trúc Xuân như vừa được nghe vở hài kịch đặc sắc không mất tiền - mà lời thoại mới tuyệt làm sao, ngoa ngôn làm sao!

     Có lẽ do tủi hận, vợ Phục rón rén ra ngoài, khe khẽ kéo vạt áo chấm chấm những giọt lệ. Trời lúc này đã tạnh mưa, trăng đã chênh chếch rắc ánh vàng và gió thì cứ mơn man, nhè nhẹ. Vợ Phục cứ đi, như mộng ảo, như bị trời đêm quyến rũ. Bao nỗi hận, bao dồn nén lâu ngày cứ vơi dần, vơi dần, khi ngọn gió đêm cứ mơn man, ve vuốt cơ thể. Đến gốc đa cuối làng, hình như đã mệt mỏi, hoặc cũng có thể thị (Vâng, từ giờ phút này ta gọi vợ Phục là thị cho tiện, cho dễ gọi) muốn ngẫm nghĩ về số kiếp hẩm hiu, đen bạc của thị, hoặc cũng có thể thị muốn chiêm ngưỡng, tận hưởng sự quyến rũ của màn đêm nên không nhìn trước nhìn sau, cứ thế ngồi xuống. Ngồi một lát, chừng vài phút gì đó, thị cảm thấy không ổn, có cái gì lạ lạ khác thường. Thị nhìn ngang nhìn ngửa… và thị hoảng hốt: Trời ơi! Cái gì thế này? Một gã đàn ông đang cởi trần nằm ngủ. Thị vùng đứng dậy bỏ chạy. Được quãng vài mét, thị đứng lại thở, và thị tò mò muốn biết kẻ nào dám liều lĩnh đến vậy. Rón rén lại gần, từ từ cúi xuống… Thị rủn hết người: Gã Q! Sao gã lại nằm ở đây giờ này? Có thể gã đi đổ đó đêm, mệt quá ngủ thiếp đi chăng? Hay gã chán vợ?... Thị định đánh thức gã dậy nhưng thị ngại. Thị sợ những gì gã sẽ làm khi tỉnh giấc. Thị nghĩ ngợi. Thị lưỡng lự. Thị đắn đo khá lâu và rồi lý trí mách bảo: Không được! Mi còn chồng, còn con, còn danh dự! Thị rùng mình bỏ chạy, nhưng rồi cũng như lần trước, chạy được vài bước, thị không thể chạy được nữa vì đôi chân cứ nặng trĩu, đầu óc cứ quay cuồng. Thị cố gạt khỏi đầu hình ảnh người đàn ông tuổi tứ tuần với những múi thịt cuồn cuộn trên cơ thể cường tráng, với bộ ngực vạm vỡ và cái mùi mồ hôi rất bẳn gắt, rất khê nồng, rất đặc trưng đàn ông của gã, nhưng… thị không thể làm được. Hình ảnh cơ thể rất đàn ông, rất quyến rũ và cái mùi mồ hôi đậm đặc chất “đực” của gã cứ theo làn gió bám riết lấy thị, xoắn xuýt lấy thị, len lỏi vào tận trong cơ thể của thị làm thị khát, khát đến khô cuống họng. Thị muốn trốn chạy nhưng đôi chân dường như hóa đá. Người thị cứ nóng dần, nóng dần, nóng đến ngột ngạt. Vậy mà trời đêm lại cứ như vào hùa, như đồng lõa, như trêu tức cơn khát đang cồn cào trong thị làm thị càng bức bối, khổ sở. Thị không làm được! Thị ngồi bệt xuống thở dốc và hiêng hiếng ánh mắt dõi về phía gã. Đêm thì hoang vắng, tiếng dế lại nỉ non, ánh trăng thì cứ đĩ bợm rắc bạc lên con người gã, càng làm cho những bắp thịt của gã cuồn cuộn, căng đầy sức sống. Đầu óc thị như quay cuồng, như sắp nổ tung. Thị không thể chịu đựng thêm được nữa. Thị không thể!

     Thị từ từ đứng dậy, từ từ đi đến, cổ họng rát bỏng, hơi thở gấp gáp…

* *
*
     Người làng Trúc Xuân sẽ không đả động đến chuyện đó nếu như bố cu Tố không say rượu mà gây lộn. Kể cũng tội cho lão Phục, người cứ còm nhom, gân guốc, cái miệng cá ngão cứ ngoác ra trên bộ mặt xương xẩu, dù muốn giấu nhẹm đi nỗi nhục của thằng đàn ông nhưng không thể giấu được, vì hai thằng trời đánh thánh vật ấy, càng lớn càng chẳng giống lão tý nào, cứ phổng phao béo tốt, cứ đen sạm đen xì và đặc biệt cứ giống như tạc gã hàng xóm của lão. Thế mới chết lão! Thế mới khổ cho lão! Ôi, cái thằng Tố, giống bố đẻ từ cái dáng đi khuyệnh khoạng, nước da đen nhẻm đến cái khịt mũi lắc đầu… mà bố đẻ nó có xa xôi gì đâu, cách nhà lão chỉ dăm bảy ngôi nhà.

     Sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra nếu hôm đó lão không đi dự tiệc mừng bà Nga về nhà mới. Trời xui đất khiến thế nào mà gia chủ lại xếp lão ngồi cùng mâm với lão Q. Lão cũng đã đề phòng sẽ có chuyện gì đó xảy ra nên thoái thác nhưng bà Nga cứ khẩn nài, lão đành tặc lưỡi: Cứ coi như không có “nó” ngồi cùng mâm là được, mà nó có nói gì mình cứ coi như điếc là xong. Nghĩ vậy, lão mới tủm tỉm cười ngồi xuống. Nhưng sự đời không chiều theo ý lão, bởi sự đời vốm đã đỏng đảnh, cong cớn mà trong hoàn cảnh của lão thì… Những câu khen thằng cu Tố đẹp trai giống bố làm lão điên tiết, nhưng vì thể diện, lão cắn răng chịu đựng. Tợp nhanh ngụm rượu, lão và lấy và để, nuốt không kịp nhai, cốt cho xong bữa mà ra về, nhưng lão vẫn không được buông tha. Hình như những người cùng mâm không chịu cảm thông cho nỗi khổ của lão, hay họ cố tình “chơi đểu” lão mà cứ chuốc rượu, bắt lão cụng ly, vì thằng cu Tố với tướng tá ấy sau này đẹp trai phải biết, sẽ tài giỏi nhất vùng. Lão Q còn đểu giả, nhăn nhở hàm răng “ba sáu chín không” vàng khè, cụng ly chúc lão có hai thằng con, thằng nào cũng đẹp trai giống bố. Cầm cả bát cơm, lão ném thẳng vào mặt lão Q. Bữa rượu mừng bà Nga về nhà mới trở thành cuộc tử chiến. Vốn đã thâm thù, hận nhau đến tận xương tận tủy, giờ lại thêm men rượu, mọi sự thật được phơi bày…

     Cuộc “tử chiến” sẽ không kết thúc nếu cu Tố không cầm hòn gạch đáp trúng đầu lão Q làm lão Q bất tỉnh. Với tư thế là kẻ chiến thắng, lão Phục ôm chặt cu Tố, hôn lấy hôn để rồi ngẩng cao đầu nói giữa đám đông: Ai còn dám nghi ngờ thằng cu Tố không phải là con tôi? Khổ thân thằng Tố, mặt cắt không còn giọt máu, bị “bố Phục” kéo riết về nhà, vừa đi vừa cười ngặt nghẽo, vừa lảm nhảm: Cu Tố đích thực là con của bố Phục, đích thực cu Tố nhỉ…

     Hồi ấy, cu Tố mới bảy tuổi.
* *
*
     Từ ngày ấy, cu Tố mất mẹ. Nghe đâu, người làng Trúc Xuân bảo, sau khi lão Q tỉnh lại đã bỏ làng ra đi, còn mẹ cu Tố cũng khăn gói khỏi làng. Không biết lão Q có đi cùng mẹ cu Tố hay không? Người thì bảo mẹ cu Tố cùng lão Q ngược Lạng Sơn buôn hoa quả. Người thì lại bảo mẹ cu Tố lên Hà Nội làm ô sin, còn lão Q vào tận Đồng Nai trông coi xưởng gỗ cho thằng em họ. Chẳng biết đúng sai thế nào, chỉ tội cho thằng cu Tố, kể từ bữa đó, luôn bị bố Phục chửi bới, đánh đòn.

     Và hôm nay, cũng như mọi bận, cu Tố lại vừa đi vừa khóc, dân làng Trúc Xuân lại nhìn nhau cố nén tiếng thở dài.

Hà Nội, tháng 06 năm 2002
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian