Chuyện về Thầy xem tướng Bùi Cao Thế- Đặng Xuân Xuyến
Phố núi và bạn bè... Chút gì để nhớ!
CHUYỆN VỀ THẦY XEM TƯỚNG BÙI CAO THẾ
Anh, nhà thơ, nhà tướng thuật, nhà phong thủy học... Ái Nhân BÙI CAO THẾ là đồng hương xã với tôi. Cha anh là người thôn Gia Cốc (làng Cốc), mẹ anh là người thôn Đỗ Thượng (làng Đọ), chị cùng mẹ khác cha với anh là người thôn Đỗ Hạ (làng Đá), thôn tôi. Anh hơn tôi cũng kha khá tuổi nên thủa nhỏ, tôi chỉ biết anh qua lời khen của làng xóm: hiền lành, chăm chỉ và học giỏi.
Lớn lên, tôi đi lính, học Đại học, rồi lập nghiệp ở Hà Nội, về quê chỉ chớp nhoáng. Anh cũng thoát ly, xa quê từ rất sớm. Thế nên, tôi chỉ bập bõm biết về anh. Nghe làng xã kể thì đời anh cũng nhiều lao đao, lận đận. Tốt nghiệp Học Viện Chính trị Bắc Ninh năm 1987, anh vào làm giảng viên một trường Đại học Quân sự trong Nha Trang thì cuối năm đó anh bị tai nạn giao thông, rồi một năm sau (1988) anh bị thần kinh, phát điên. Người ta đồn, không phải anh điên vì tình mà có lẽ vì học nhiều, đọc nhiều nên bị ngộ chữ. Nghe kể, lúc điên, anh cứ trần như nhộng, chạy lăng quăng khắp nơi, nghêu ngao mấy câu “cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao” rồi ré lên cười, rồi nức nở khóc. Có lúc, anh vỗ ngực, nhận mình là “thần tiên giáng thế”, là “Ngọc Nữ cô nương” đầu thai xuống nhân gian để cứu độ chúng sinh, rồi múa may quay cuồng, rồi trèo vắt vẻo lên ngọn cây, ngồi líu lo những lời ca chỉ mình anh “hiểu”. Mẹ anh, cạn khô nước mắt vì xót con. Chị anh, rộc người, héo rũ vì thương thằng em hóa dại. Anh cứ điên điên khùng khùng, cứ chợt ré lên khanh khách cười, rồi lại thổn thức từng chặp, từng chặp, cứ thế, gần mười năm dở điên dở dại. Hết dặt dẹo Hưng Yên, lại dật dờ ra Quảng Ninh, rồi lang bạt lên tận Lào Cai, Yên Bái để anh tự cười, tự khóc với bóng của chính mình. Rồi anh gặp chị, vợ anh bây giờ, khi những cơn điên mà dân gian xót xa gọi là “Trời đày” chợt lắng xuống. Bìu díu, đưa nhau về ngõ 399 Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội cùng góp sức nhóm bếp dựng nhà. Anh hết điên từ đấy và tự dưng biết xem bói, rồi nổi danh là thầy phong thủy, là tướng thuật gia, là thầy cúng trừ tà, bốc bát nhang mát tay, nhiều phép thuật... Anh làm thơ, nghe kể, từ trước lúc anh bị điên. Giờ tỉnh, không bị điên, anh vẫn làm thơ, nhưng hăng hơn, say hơn, say lắm, còn tự phong cho mình là Vua Mộng của Cõi Trời, trót say rượu đánh rơi chén ngọc nên đáp xuống Cõi Người đi tìm chén ngọc mà phiêu bồng cùng thơ phú. Anh đã ra 8 tập thơ và dõng dạc tuyên bố, sẽ ra 10 tập thơ hoặc hơn nữa, hơn nữa... Tiền thì có lúc anh đủ tiêu, có lúc thiếu khi mua đồ nhưng thơ thì anh nhiều lắm, dồi dào như mạch ngầm tuôn chảy... Mến anh, người quê tôi gọi anh bằng cái tên “Thế điên” trìu mến. Cư dân trên facebook quý anh, rúc rích gọi anh là “Vua Mộng” như lúc hứng lên anh tự ban tự nhận. Bạn bè thì tếu táo bông đùa kêu anh là “Thế hâm”, “Thế dở”. Còn tôi, vẫn quen gọi anh là “Anh Thế”, như ngày còn bé tẹo, ở quê.
Tiếng là đồng hương xã, cùng ở Hà Nội, cách nhau chừng 45 phút đi xe máy nhưng bao năm nay, phải quyết tâm lắm tôi mới đến thăm anh được 2 lần:
Lần thứ nhất: sau nhiều lần hò hẹn, sáng 12 tháng 08 năm 2014, tôi mới sang thăm anh.
Lần ấy, khi đến, anh đang xem bói cho mấy khách ở Thanh Hóa. Nghe anh tư vấn cho khách: - “Hạn năm 49 tuổi là hạn về sức khỏe, về tính mạng nên em phải thật cẩn trọng mấy vấn đề đó nhưng nếu vợ chồng em khởi công làm nhà hoặc sửa nhà năm 49 tuổi này thì không ngại, lại rất tốt.”. Tôi thầm nghĩ, năm 49 tuổi, Hạn có sao Thái Tuế chủ về quan sự, khẩu thiệt, hao tốn tiền bạc, ốm đau, tang chế… nên dân gian mới tránh làm nhà, sửa nhà vì lo lắng do vất vả mà suy kiệt sức khỏe dẫn đến đổ bệnh, nguy hại đến tính mạng. Và trong quá trình thi công sẽ có nhiều rủi ro, bất trắc nên người ta nghĩ cần đề phòng ốm đau bệnh tật, nguy hại đến tính mạng vẫn là hơn, vì thế mới kiêng. Nhưng nếu nhà có điều kiện kinh tế, không phải lo lắng chuyện tiền bạc, thợ thuyền, không phải trực tiếp trông coi, đốc thúc việc thi công thì có thể “mượn tuổi 49” làm nhà, cho “hao tốn tiền bạc”, để “của đi thay người” mà tránh họa. Đấy là cách chọn lựa đáp án của số phận đã được thiên định để thuận theo số, không nhất thiết phải làm thầy mới biết. Nghĩ vậy, nên tôi không đề cao vị trí làm “thầy” của anh lắm.
Ngồi chừng hai mươi phút, khách về, anh tiếp chuyện tôi. Có lẽ do bệnh nghề nghiệp, hoặc biết tôi không thích đàm đạo chuyện thơ văn nên anh nhìn tôi, phán: - “Cung Nô của chú xấu lắm. Là người sống tình cảm nên chú hết lòng với bạn bè chiến hữu nhưng lại hay bị bạn bè phản bội, chơi đểu lắm. Đểu ở chỗ là toàn những thằng mà chú hết lòng vì nó, coi nó như ruột thịt, thậm chí cưu mang còn hơn ruột thịt...”. Năm này, năm nọ... chuyện nọ, chuyện kia.... Anh nói cứ như là tôi đã kể cho anh nghe. Tôi ngớ người vì anh đoán quá chuẩn, nhưng rồi tôi nghĩ, người cùng xã, nghe chuyện từ người làng xã nên anh biết, nói đúng cũng phải thôi. Rót rượu, rồi giục tôi nâng chén, anh thủng thẳng: - “Cưới vợ đi chú. Gà trống nuôi con cực lắm.”. Tôi cười, thoáng chút ngạc nhiên: - “Bác làm thầy xem tướng, biết cung Thê của em nát bét như thế mà lại khuyên em cưới vợ nữa? Người không biết về tướng thuật khuyên em đã đành, bác là người sành tướng thuật sao lại khuyên em như thế?.”. Anh tủm tỉm: - “Ừ. Biết là cung Thê của chú xấu lắm, xấu tai xấu hại, xấu hơn cả cung Nô nhưng chú làm sao cải số được. Tuổi còn trẻ, sự nghiệp đang phát triển, còn rất nhiều những tham-sân-si với đời, chú ạ.”. Tôi trầm ngâm: - “Em đã giải tán Công ty từ đầu năm ngoái, chỉ giữ lại Nhà sách Bảo Thắng, chắc vài năm nữa sẽ giải nghệ xong.”. Anh nhếch miệng: “Chú chỉ giỏi xạo. Nghe mọi người nói Công ty của chú cũng lớn lắm, có thị phần toàn quốc mà nói giải tán công ty như kiểu buôn thúng bán mẹt... Chú nói chuyện cũng hài nhỉ...”. Tôi khẽ cười, lặng im, không trả lời. Chừng mười phút, khi đã nhìn kỹ mặt tôi, anh gật gù: - “Như thế là chú chọn lựa hoàn cảnh để thuận theo Số Mệnh chứ không phải chú cải số, không phải chú cãi Mệnh. Chú chọn tự hành xác, tự cầm tù bản thân để không tù mà như tù, không tu mà như tu, vẫn thuận theo số mà tránh được những rắc rối với pháp luật ở hậu vận, hạn chế những đổ vỡ thêm về tinh thần. Tất cả vì cậu ấm. Chấp nhận những thua thiệt của bản thân để con cái được yên ổn nhất, an toàn nhất. Ừ. Cách đó cũng được nhưng phải thật kiên trì và chịu khổ nhiều lắm. Cung Di, cung Nô như thế, chú phải quyết tâm nhiều lắm mới làm được. Khó lắm chú ạ. Sợ chú không làm được, rồi thêm khổ. Luật Trời, khó lái lắm, dù là lái theo số Mệnh. Sơ sẩy một chút, là rách việc lắm, nhục lắm....”. Đến đây, thì tôi thực tin anh là người am hiểu về tướng thuật, làm thầy “giúp thiên hạ” cũng phải.
Tiễn tôi lên đầu ngõ, thấy tôi có vẻ còn băn khoăn, anh hỏi: - “Chắc chú lấn cấn về thế đất nhà anh?.”. Tôi thật lòng: - “Em thấy khí âm vẫn nhiều lắm dù anh đã thiết kế phòng ốc, bài trí cây cảnh để khắc phục.”. Anh chậm rãi: -“Lúc mua đất, làm gì có tiền mà anh được quyền lựa chọn. Thế đất xấu nhưng tiền không có, đành nhắm mắt mua để giải quyết chỗ ăn chỗ ở. May là chỗ quen biết nên người ta chịu bán nợ cho đấy. Biết khắc phục bằng thiết kế phòng ốc, bài trí cây cảnh cũng không thể giải quyết triệt để được thế đất “ao tù” này, nên anh khắc phục thêm bằng 2 chữ Thiện Tâm, hy vọng “ao tù” sẽ thành “huyệt tụ”. Ơn trời. Về đây hơn mười năm, anh đã trả hết nợ mua đất, xây được ngôi nhà mấy tầng, tuy còn nhiều khó khăn nhưng anh cũng đã lo cho chị và 2 cháu có cuộc sống tạm ổn”. Về nhà, tôi ngẫm nghĩ mãi những điều anh nói. Trang Đặng Xuân Xuyến cũng đã đăng mấy bài anh chấp bút về phong thủy nhưng các bài viết (của nhiều tác giả, không riêng tác giả Ái Nhân - Bùi Cao Thế) thường nặng tính lý thuyết, “phô trương học thuật” để đề cao cái “tôi” của tác giả, nên nếu không được “mục sở thị” thực tiễn ứng dụng lý thuyết phong thủy vào cuộc sống thì khó đánh giá được “tay nghề” của tác giả. Tôi yêu thích văn hóa tín ngưỡng nên tự thu lượm kiến thức từ sách vở, từ học hỏi, anh làm thầy, là người kiếm tiền của thiên hạ từ những kiến thức phong thủy ứng dụng vào cuộc sống thì đương nhiên kiên thức về phong thủy anh hơn tôi hẳn “cái đầu”, nhưng những gì tôi kiểm chứng ở lần gặp này, dù chưa nhiều nhưng quả thật anh là người thực tài về xem tướng, còn phong thủy vẫn lợn gợn vài ba dấu hỏi.
Lần thứ hai tôi sang thăm anh là ngày 14 tháng 07 năm 2017, cũng để tặng anh tập thơ Cưỡng Xuân vừa ra.
Ngồi chưa ấm chỗ, anh đã “soi” tôi, rồi túc tắc: -“Cung Tài của chú đang vượng, sáng lắm, dạo này được khen nhiều cũng phải. Nhưng vượng chỉ được một thời gian ngắn nữa sẽ bị ám khí lấn vào, cẩn thận kẻo bị kẻ tiểu nhân phá bĩnh. Cung Tài của chú lạ lắm, sáng mà lại hãm, luôn bị tiểu nhân chọc phá. Phần do chú thẳng quá, thật quá, sống không khôn khéo. Phần do thiên hạ hiểu sai, suy diễn không đúng nên ghen ghét. Mà nếu có gọi cung Tài của chú là cung Chiêu Thị Phi cũng chẳng ngoa...”. Tôi không hoài nghi lời anh “phán” dù không tự xem tướng (mặt) được vì bị bệnh mù màu (không xem được họa - phúc qua ám tướng), nhưng tôi “linh cảm” được điều đó từ những chiêm nghiệm của bản thân. Rồi anh “khoe” chuẩn bị ra tập thơ thứ 8, tôi thật lòng: - “Sao anh không gộp làm 1, 2 hoặc 3 tập thật đầy đặn làm kỷ niệm, chứ thơ ai mua mà in lắm thế, tốn tiền.”. Anh bần thần, nhát gừng: - “Cũng là trời đày cả thôi. Vì đam mê mà chú. Cũng như chú, cũng in hàng bao nhiêu đầu sách đấy thôi.”. Tôi cười, nửa đùa nửa thật: - “Thơ thẩn vừa vừa thôi anh, suốt ngày lướt mây lướt gió như thế, rồi khổ chị, khổ các cháu.”. Anh nhìn xa xăm, uể oải: - “Với lại, phải ra nhiều tập thơ, phải tạo được “hiệu ứng” thì mới được xét kết nạp vào Hội Nhà Văn. Hôm nọ, có người nói với anh là họ phải mất hàng trăm triệu mới được xét kết nạp vào Hội đấy.”. Tôi tròn mắt nhìn anh, không ghìm được chua xót: - “Sao phải khổ thế anh? Người ta cố chen vào Hội để hưởng quyền lợi, bổng lộc của chế độ chứ anh vào chỉ để giải quyết chuyện “con gà”, chuyện “một miếng giữa đàng” thì vào làm gì.”. Nhấp chén rượu, vẻ không ưng, anh chuyển đề tài về xem tướng, luận số nhưng chắc vẫn còn nhiều lợn cợn về chuyện thơ văn nên chưa được mươi phút, anh đã quay lại đề tài cũ: - “Chú làm thơ, viết văn chỉ để giải khuây khác với anh viết thơ, làm văn vì đam mê nên không thể áp đặt quan niệm về Hội của chú vào anh được. Chú có thể dị ứng với từ Hội này, Hội kia, người này, người nọ, nhưng cũng không nên áp đặt với anh, với mọi người như thế. Với lại, chú mới làm thơ có mấy năm nay, chứ anh làm thơ từ thời chú còn cởi truồng...”. Định phân trần với anh vài câu để anh không hiểu lầm, không giận thì 3,4 khách xem của anh vào, nhìn tôi, anh nhẹ nhàng: -“Anh bận rồi, chú lên tầng hoặc kiếm chỗ khác ngồi chơi nhé.”.
Tôi chào anh về. Ra đầu ngõ, gặp mấy thanh niên quãng mười tám đôi mươi, tưởng tôi là khách đến xem, dừng xe hỏi: -“Chú ơi, thầy Thế xem có chuẩn không ạ?”. Tôi thật thà: -“Chú không phải là khách xem bói nhưng chú thấy nhà thầy Thế có nhiều khách đến xem lắm.”.
Về nhà rồi mà tôi mãi vẩn vơ: Sao anh không tranh thủ lúc còn trẻ, lúc đương được Trời cho nhiều lộc lá mà chuyên tâm vào việc “ăn mày lộc Thánh” để tạo tích lũy, phòng lúc ốm đau bệnh tật, ham mấy chuyện thơ phú hão làm gì? Vài năm nữa, khi tuổi cao, sức yếu, lộc Trời cho đến lúc phải cạn, phải kiệt mà nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như bước dồn vó ngựa thì sao? Nhưng rồi, tôi nghĩ: Đời mà! Mấy ai dễ vất bỏ được những Tham - Sân - Si ngồn ngộn trước mắt ra ngoài vòng danh lợi để an nhiên tự tại với cuộc sống thanh bần? Dù anh có là thầy tướng số đang được nhiều lộc lá Trời cho, thì dao sắc vẫn không gọt được chuôi, anh vẫn chỉ là một trong những con thiêu thân đang luẩn quẩn chạy vòng quanh bánh quay định sẵn của số phận.
Anh, tôi và bao người khác, chỉ là những con thiêu thân nhốn nháo chạy vòng quanh chiếc đèn cù số phận. Biết đấy nhưng giãy không ra. Muốn thoát nhưng càng vẫy vùng thì sợi dây “nghiệp chướng” càng thêm xiết chặt. Không biết thì sao cũng được nhưng biết rồi thì thôi đành lựa cách để thuận số mà sống. Bất chợt, tôi nhớ tới câu đám trai làng thường tếu táo: “Vui nhưng đừng vui quá!”. Vâng! Có lẽ nên vậy chăng với số phận của mình?!
Anh, nhà thơ, nhà tướng thuật, nhà phong thủy học... Ái Nhân BÙI CAO THẾ là đồng hương xã với tôi. Cha anh là người thôn Gia Cốc (làng Cốc), mẹ anh là người thôn Đỗ Thượng (làng Đọ), chị cùng mẹ khác cha với anh là người thôn Đỗ Hạ (làng Đá), thôn tôi. Anh hơn tôi cũng kha khá tuổi nên thủa nhỏ, tôi chỉ biết anh qua lời khen của làng xóm: hiền lành, chăm chỉ và học giỏi.
Lớn lên, tôi đi lính, học Đại học, rồi lập nghiệp ở Hà Nội, về quê chỉ chớp nhoáng. Anh cũng thoát ly, xa quê từ rất sớm. Thế nên, tôi chỉ bập bõm biết về anh. Nghe làng xã kể thì đời anh cũng nhiều lao đao, lận đận. Tốt nghiệp Học Viện Chính trị Bắc Ninh năm 1987, anh vào làm giảng viên một trường Đại học Quân sự trong Nha Trang thì cuối năm đó anh bị tai nạn giao thông, rồi một năm sau (1988) anh bị thần kinh, phát điên. Người ta đồn, không phải anh điên vì tình mà có lẽ vì học nhiều, đọc nhiều nên bị ngộ chữ. Nghe kể, lúc điên, anh cứ trần như nhộng, chạy lăng quăng khắp nơi, nghêu ngao mấy câu “cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao” rồi ré lên cười, rồi nức nở khóc. Có lúc, anh vỗ ngực, nhận mình là “thần tiên giáng thế”, là “Ngọc Nữ cô nương” đầu thai xuống nhân gian để cứu độ chúng sinh, rồi múa may quay cuồng, rồi trèo vắt vẻo lên ngọn cây, ngồi líu lo những lời ca chỉ mình anh “hiểu”. Mẹ anh, cạn khô nước mắt vì xót con. Chị anh, rộc người, héo rũ vì thương thằng em hóa dại. Anh cứ điên điên khùng khùng, cứ chợt ré lên khanh khách cười, rồi lại thổn thức từng chặp, từng chặp, cứ thế, gần mười năm dở điên dở dại. Hết dặt dẹo Hưng Yên, lại dật dờ ra Quảng Ninh, rồi lang bạt lên tận Lào Cai, Yên Bái để anh tự cười, tự khóc với bóng của chính mình. Rồi anh gặp chị, vợ anh bây giờ, khi những cơn điên mà dân gian xót xa gọi là “Trời đày” chợt lắng xuống. Bìu díu, đưa nhau về ngõ 399 Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội cùng góp sức nhóm bếp dựng nhà. Anh hết điên từ đấy và tự dưng biết xem bói, rồi nổi danh là thầy phong thủy, là tướng thuật gia, là thầy cúng trừ tà, bốc bát nhang mát tay, nhiều phép thuật... Anh làm thơ, nghe kể, từ trước lúc anh bị điên. Giờ tỉnh, không bị điên, anh vẫn làm thơ, nhưng hăng hơn, say hơn, say lắm, còn tự phong cho mình là Vua Mộng của Cõi Trời, trót say rượu đánh rơi chén ngọc nên đáp xuống Cõi Người đi tìm chén ngọc mà phiêu bồng cùng thơ phú. Anh đã ra 8 tập thơ và dõng dạc tuyên bố, sẽ ra 10 tập thơ hoặc hơn nữa, hơn nữa... Tiền thì có lúc anh đủ tiêu, có lúc thiếu khi mua đồ nhưng thơ thì anh nhiều lắm, dồi dào như mạch ngầm tuôn chảy... Mến anh, người quê tôi gọi anh bằng cái tên “Thế điên” trìu mến. Cư dân trên facebook quý anh, rúc rích gọi anh là “Vua Mộng” như lúc hứng lên anh tự ban tự nhận. Bạn bè thì tếu táo bông đùa kêu anh là “Thế hâm”, “Thế dở”. Còn tôi, vẫn quen gọi anh là “Anh Thế”, như ngày còn bé tẹo, ở quê.
Tiếng là đồng hương xã, cùng ở Hà Nội, cách nhau chừng 45 phút đi xe máy nhưng bao năm nay, phải quyết tâm lắm tôi mới đến thăm anh được 2 lần:
Lần thứ nhất: sau nhiều lần hò hẹn, sáng 12 tháng 08 năm 2014, tôi mới sang thăm anh.
Lần ấy, khi đến, anh đang xem bói cho mấy khách ở Thanh Hóa. Nghe anh tư vấn cho khách: - “Hạn năm 49 tuổi là hạn về sức khỏe, về tính mạng nên em phải thật cẩn trọng mấy vấn đề đó nhưng nếu vợ chồng em khởi công làm nhà hoặc sửa nhà năm 49 tuổi này thì không ngại, lại rất tốt.”. Tôi thầm nghĩ, năm 49 tuổi, Hạn có sao Thái Tuế chủ về quan sự, khẩu thiệt, hao tốn tiền bạc, ốm đau, tang chế… nên dân gian mới tránh làm nhà, sửa nhà vì lo lắng do vất vả mà suy kiệt sức khỏe dẫn đến đổ bệnh, nguy hại đến tính mạng. Và trong quá trình thi công sẽ có nhiều rủi ro, bất trắc nên người ta nghĩ cần đề phòng ốm đau bệnh tật, nguy hại đến tính mạng vẫn là hơn, vì thế mới kiêng. Nhưng nếu nhà có điều kiện kinh tế, không phải lo lắng chuyện tiền bạc, thợ thuyền, không phải trực tiếp trông coi, đốc thúc việc thi công thì có thể “mượn tuổi 49” làm nhà, cho “hao tốn tiền bạc”, để “của đi thay người” mà tránh họa. Đấy là cách chọn lựa đáp án của số phận đã được thiên định để thuận theo số, không nhất thiết phải làm thầy mới biết. Nghĩ vậy, nên tôi không đề cao vị trí làm “thầy” của anh lắm.
Ngồi chừng hai mươi phút, khách về, anh tiếp chuyện tôi. Có lẽ do bệnh nghề nghiệp, hoặc biết tôi không thích đàm đạo chuyện thơ văn nên anh nhìn tôi, phán: - “Cung Nô của chú xấu lắm. Là người sống tình cảm nên chú hết lòng với bạn bè chiến hữu nhưng lại hay bị bạn bè phản bội, chơi đểu lắm. Đểu ở chỗ là toàn những thằng mà chú hết lòng vì nó, coi nó như ruột thịt, thậm chí cưu mang còn hơn ruột thịt...”. Năm này, năm nọ... chuyện nọ, chuyện kia.... Anh nói cứ như là tôi đã kể cho anh nghe. Tôi ngớ người vì anh đoán quá chuẩn, nhưng rồi tôi nghĩ, người cùng xã, nghe chuyện từ người làng xã nên anh biết, nói đúng cũng phải thôi. Rót rượu, rồi giục tôi nâng chén, anh thủng thẳng: - “Cưới vợ đi chú. Gà trống nuôi con cực lắm.”. Tôi cười, thoáng chút ngạc nhiên: - “Bác làm thầy xem tướng, biết cung Thê của em nát bét như thế mà lại khuyên em cưới vợ nữa? Người không biết về tướng thuật khuyên em đã đành, bác là người sành tướng thuật sao lại khuyên em như thế?.”. Anh tủm tỉm: - “Ừ. Biết là cung Thê của chú xấu lắm, xấu tai xấu hại, xấu hơn cả cung Nô nhưng chú làm sao cải số được. Tuổi còn trẻ, sự nghiệp đang phát triển, còn rất nhiều những tham-sân-si với đời, chú ạ.”. Tôi trầm ngâm: - “Em đã giải tán Công ty từ đầu năm ngoái, chỉ giữ lại Nhà sách Bảo Thắng, chắc vài năm nữa sẽ giải nghệ xong.”. Anh nhếch miệng: “Chú chỉ giỏi xạo. Nghe mọi người nói Công ty của chú cũng lớn lắm, có thị phần toàn quốc mà nói giải tán công ty như kiểu buôn thúng bán mẹt... Chú nói chuyện cũng hài nhỉ...”. Tôi khẽ cười, lặng im, không trả lời. Chừng mười phút, khi đã nhìn kỹ mặt tôi, anh gật gù: - “Như thế là chú chọn lựa hoàn cảnh để thuận theo Số Mệnh chứ không phải chú cải số, không phải chú cãi Mệnh. Chú chọn tự hành xác, tự cầm tù bản thân để không tù mà như tù, không tu mà như tu, vẫn thuận theo số mà tránh được những rắc rối với pháp luật ở hậu vận, hạn chế những đổ vỡ thêm về tinh thần. Tất cả vì cậu ấm. Chấp nhận những thua thiệt của bản thân để con cái được yên ổn nhất, an toàn nhất. Ừ. Cách đó cũng được nhưng phải thật kiên trì và chịu khổ nhiều lắm. Cung Di, cung Nô như thế, chú phải quyết tâm nhiều lắm mới làm được. Khó lắm chú ạ. Sợ chú không làm được, rồi thêm khổ. Luật Trời, khó lái lắm, dù là lái theo số Mệnh. Sơ sẩy một chút, là rách việc lắm, nhục lắm....”. Đến đây, thì tôi thực tin anh là người am hiểu về tướng thuật, làm thầy “giúp thiên hạ” cũng phải.
Tiễn tôi lên đầu ngõ, thấy tôi có vẻ còn băn khoăn, anh hỏi: - “Chắc chú lấn cấn về thế đất nhà anh?.”. Tôi thật lòng: - “Em thấy khí âm vẫn nhiều lắm dù anh đã thiết kế phòng ốc, bài trí cây cảnh để khắc phục.”. Anh chậm rãi: -“Lúc mua đất, làm gì có tiền mà anh được quyền lựa chọn. Thế đất xấu nhưng tiền không có, đành nhắm mắt mua để giải quyết chỗ ăn chỗ ở. May là chỗ quen biết nên người ta chịu bán nợ cho đấy. Biết khắc phục bằng thiết kế phòng ốc, bài trí cây cảnh cũng không thể giải quyết triệt để được thế đất “ao tù” này, nên anh khắc phục thêm bằng 2 chữ Thiện Tâm, hy vọng “ao tù” sẽ thành “huyệt tụ”. Ơn trời. Về đây hơn mười năm, anh đã trả hết nợ mua đất, xây được ngôi nhà mấy tầng, tuy còn nhiều khó khăn nhưng anh cũng đã lo cho chị và 2 cháu có cuộc sống tạm ổn”. Về nhà, tôi ngẫm nghĩ mãi những điều anh nói. Trang Đặng Xuân Xuyến cũng đã đăng mấy bài anh chấp bút về phong thủy nhưng các bài viết (của nhiều tác giả, không riêng tác giả Ái Nhân - Bùi Cao Thế) thường nặng tính lý thuyết, “phô trương học thuật” để đề cao cái “tôi” của tác giả, nên nếu không được “mục sở thị” thực tiễn ứng dụng lý thuyết phong thủy vào cuộc sống thì khó đánh giá được “tay nghề” của tác giả. Tôi yêu thích văn hóa tín ngưỡng nên tự thu lượm kiến thức từ sách vở, từ học hỏi, anh làm thầy, là người kiếm tiền của thiên hạ từ những kiến thức phong thủy ứng dụng vào cuộc sống thì đương nhiên kiên thức về phong thủy anh hơn tôi hẳn “cái đầu”, nhưng những gì tôi kiểm chứng ở lần gặp này, dù chưa nhiều nhưng quả thật anh là người thực tài về xem tướng, còn phong thủy vẫn lợn gợn vài ba dấu hỏi.
Lần thứ hai tôi sang thăm anh là ngày 14 tháng 07 năm 2017, cũng để tặng anh tập thơ Cưỡng Xuân vừa ra.
Ngồi chưa ấm chỗ, anh đã “soi” tôi, rồi túc tắc: -“Cung Tài của chú đang vượng, sáng lắm, dạo này được khen nhiều cũng phải. Nhưng vượng chỉ được một thời gian ngắn nữa sẽ bị ám khí lấn vào, cẩn thận kẻo bị kẻ tiểu nhân phá bĩnh. Cung Tài của chú lạ lắm, sáng mà lại hãm, luôn bị tiểu nhân chọc phá. Phần do chú thẳng quá, thật quá, sống không khôn khéo. Phần do thiên hạ hiểu sai, suy diễn không đúng nên ghen ghét. Mà nếu có gọi cung Tài của chú là cung Chiêu Thị Phi cũng chẳng ngoa...”. Tôi không hoài nghi lời anh “phán” dù không tự xem tướng (mặt) được vì bị bệnh mù màu (không xem được họa - phúc qua ám tướng), nhưng tôi “linh cảm” được điều đó từ những chiêm nghiệm của bản thân. Rồi anh “khoe” chuẩn bị ra tập thơ thứ 8, tôi thật lòng: - “Sao anh không gộp làm 1, 2 hoặc 3 tập thật đầy đặn làm kỷ niệm, chứ thơ ai mua mà in lắm thế, tốn tiền.”. Anh bần thần, nhát gừng: - “Cũng là trời đày cả thôi. Vì đam mê mà chú. Cũng như chú, cũng in hàng bao nhiêu đầu sách đấy thôi.”. Tôi cười, nửa đùa nửa thật: - “Thơ thẩn vừa vừa thôi anh, suốt ngày lướt mây lướt gió như thế, rồi khổ chị, khổ các cháu.”. Anh nhìn xa xăm, uể oải: - “Với lại, phải ra nhiều tập thơ, phải tạo được “hiệu ứng” thì mới được xét kết nạp vào Hội Nhà Văn. Hôm nọ, có người nói với anh là họ phải mất hàng trăm triệu mới được xét kết nạp vào Hội đấy.”. Tôi tròn mắt nhìn anh, không ghìm được chua xót: - “Sao phải khổ thế anh? Người ta cố chen vào Hội để hưởng quyền lợi, bổng lộc của chế độ chứ anh vào chỉ để giải quyết chuyện “con gà”, chuyện “một miếng giữa đàng” thì vào làm gì.”. Nhấp chén rượu, vẻ không ưng, anh chuyển đề tài về xem tướng, luận số nhưng chắc vẫn còn nhiều lợn cợn về chuyện thơ văn nên chưa được mươi phút, anh đã quay lại đề tài cũ: - “Chú làm thơ, viết văn chỉ để giải khuây khác với anh viết thơ, làm văn vì đam mê nên không thể áp đặt quan niệm về Hội của chú vào anh được. Chú có thể dị ứng với từ Hội này, Hội kia, người này, người nọ, nhưng cũng không nên áp đặt với anh, với mọi người như thế. Với lại, chú mới làm thơ có mấy năm nay, chứ anh làm thơ từ thời chú còn cởi truồng...”. Định phân trần với anh vài câu để anh không hiểu lầm, không giận thì 3,4 khách xem của anh vào, nhìn tôi, anh nhẹ nhàng: -“Anh bận rồi, chú lên tầng hoặc kiếm chỗ khác ngồi chơi nhé.”.
Tôi chào anh về. Ra đầu ngõ, gặp mấy thanh niên quãng mười tám đôi mươi, tưởng tôi là khách đến xem, dừng xe hỏi: -“Chú ơi, thầy Thế xem có chuẩn không ạ?”. Tôi thật thà: -“Chú không phải là khách xem bói nhưng chú thấy nhà thầy Thế có nhiều khách đến xem lắm.”.
Về nhà rồi mà tôi mãi vẩn vơ: Sao anh không tranh thủ lúc còn trẻ, lúc đương được Trời cho nhiều lộc lá mà chuyên tâm vào việc “ăn mày lộc Thánh” để tạo tích lũy, phòng lúc ốm đau bệnh tật, ham mấy chuyện thơ phú hão làm gì? Vài năm nữa, khi tuổi cao, sức yếu, lộc Trời cho đến lúc phải cạn, phải kiệt mà nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như bước dồn vó ngựa thì sao? Nhưng rồi, tôi nghĩ: Đời mà! Mấy ai dễ vất bỏ được những Tham - Sân - Si ngồn ngộn trước mắt ra ngoài vòng danh lợi để an nhiên tự tại với cuộc sống thanh bần? Dù anh có là thầy tướng số đang được nhiều lộc lá Trời cho, thì dao sắc vẫn không gọt được chuôi, anh vẫn chỉ là một trong những con thiêu thân đang luẩn quẩn chạy vòng quanh bánh quay định sẵn của số phận.
Anh, tôi và bao người khác, chỉ là những con thiêu thân nhốn nháo chạy vòng quanh chiếc đèn cù số phận. Biết đấy nhưng giãy không ra. Muốn thoát nhưng càng vẫy vùng thì sợi dây “nghiệp chướng” càng thêm xiết chặt. Không biết thì sao cũng được nhưng biết rồi thì thôi đành lựa cách để thuận số mà sống. Bất chợt, tôi nhớ tới câu đám trai làng thường tếu táo: “Vui nhưng đừng vui quá!”. Vâng! Có lẽ nên vậy chăng với số phận của mình?!
Hà Nội, 28 tháng 01 năm 2018
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
0 Comment: