Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Sự thật về "Đền thờ Đào Duy Từ" trên báo "Bình Định online"- Đào Duy An

SỰ THẬT VỀ "ĐỀN THỜ ĐÀO DUY TỪ"
           TRÊN BÁO "BÌNH ĐỊNH ONLINE" NGÀY 17.03.2019

       (Nguyên văn bài viết "Phản bác trang điện tử “Bình Định Online” về việc viết sai sự thật lịch sử “đền thờ Đào Duy Từ” "của tác giả Đào Duy An - Tựa đề do Phố núi và bạn bè đặt lại)

1. Đền thờ là công trình kiến trúc nhằm thờ một vị thần hoặc anh hùng dân tộc hoặc danh nhân quá cố.

Đào Duy Từ (1572-1634) [1] là quân sư của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên [2]. Ngay buổi đầu diện kiến Chúa Sãi Đào Duy Từ đã được trao chức Nha uý Nội tán, tước Lộc Khê hầu, trông coi việc quân cơ trong ngoài và tham lý quốc chính.

Chỉ vỏn vẹn 8 năm phò Chúa Sãi từ 1627 đến 1634 nhưng Đào Duy Từ đã khắc hoạ hình ảnh đặc dị một người thầy của Chúa Sãi, một học giả, một chính trị gia, một chiến lược gia, một kiến trúc gia, một kỹ thuật gia, một nghệ sư tài hoa; ông là người góp phần định hình được nhà nước, địa lý và bản sắc Đàng Trong.

Ông mất ngày 17 tháng 10 năm Giáp Tuất (1634).

Đền thờ Đào Duy Từ tại Cự Tài, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay do họ tộc Đào Duy Từ chăm lo hương khói hằng ngày, giỗ hằng năm từ 1634 đến giờ và bổ tu thì sử sách nào ghi chép?

“Đại Nam thực lục (chữ Hán: 大南寔錄) là bộ biên niên sử Việt Nam viết về triều đại các chúa Nguyễn và các vua Nhà Nguyễn” [3]. “Đại Nam thực lục” gồm 11 tập [4], ước tính 10 ngàn trang và 8 tập đầu đều nhắc đến Đào Duy Từ và hậu duệ ông. Tập 1 ghi rõ địa điểm mai táng Đào Duy Từ là xã Tùng Châu [4]. Xã Tùng Châu đến đời Gia Long được chia làm 9 thôn là Cự Tài, Phụng Du, Tấn Thạnh, Tân Bình, Phú Mỹ, Hội Phú, Phú Thọ, Cự Nghi và Cự Lễ. Những thôn này nay hay xã Tùng Châu xưa thì nay-năm 2019-thuộc hai xã Hoài Hảo và Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. 


“Đại Nam liệt truyện (chữ Hán: 大南列傳) là một bộ sách lịch sử ghi chép về gia phả Nhà Nguyễn, các sự tích, công trạng của các công thần, liệt nữ và danh tăng...; viết bằng chữ Hán do Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn.” [5]. Tập 1 ghi rõ là khi Đào Duy Từ mất “Chúa thương tiếc mãi, tặng phong Hiệp mưu đồng đức công thần, Đặc tiến Trụ quốc Kim tử vinh lộc đại phu, Thái thường tự khanh Lộc khê hầu, thụy Trung Lương, đưa về táng ở xã Tòng Châu, sai lập đền thờ.” [6]. Ghi chép này xác định năm lập đền thờ Đào Duy Từ là năm 1634.

“Đại Nam nhất thống chí (chữ Hán: 大南一統志) là bộ sách dư địa chí (địa lý-lịch sử) Việt Nam, viết bằng chữ Hán do Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn thời Vua Tự Đức.” [7]. Trong "Đại Nam nhất thống chí", tập 3, Nhà Xuất bản Thuận Hóa, Huế 2006, mục "Tỉnh Bình Định" có ghi chép rõ ràng về đền thờ Đào Duy Từ tại thôn Cự Tì (Cự Tài), huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định [8].

Qua ba bộ sử và địa lý của Vương triều Nguyễn thấy rằng đền thờ Đào Duy Từ do Chúa Sãi sai dựng nên vào năm 1634, tại thôn Cự Tài, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định ngày nay.

2. Từ đường là công trình kiến trúc nhằm thờ tổ tiên của họ nào đó.

Từ đường còn gọi là nhà thờ họ.

Dù Chúa Sãi đã cho lập đền thờ Đào Duy Từ tại thôn Cự Tài, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định sau khi ông mất vào năm Giáp Tuất (1634) nhưng Vua Tự Đức vẫn cho xây từ đường Đào Duy Từ vào năm 1859 (xây sau Đền thờ 225 năm) tại thôn Tài Lương (Ngọc Sơn), xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Đây là nơi thờ chính cha mẹ ông (Đào Tá Hán và Vũ Thị Kim Chi), viễn tổ và hậu duệ của ông. Các bàn thờ tại Từ đường được đặt như sau: Bàn thờ chính giữa là thờ Đào Tá Hán và Vũ Thị Kim Chi; bàn thờ phía bên tay trái nhìn từ ngoài vào là thờ ông nội Đào Duy Từ-Đào Duy Trung…; bàn thờ bên tay phải là thờ Đào Duy Từ và Cao Thị Nguyên còn bàn thờ hai bên là thờ hậu duệ Đào Duy Từ. Chưa thấy sử sách ghi chép về từ đường Đào Duy Từ.

3. Trong bài “Đền thờ Đào Duy Từ” đăng trên trang điện tử “Bình Định Online” ngày 17/3/2019 [9] hai tác giả Thủy Khuy-Ngọc Nhuận đã viết sai sự thật lịch sử: Đây là từ đường Đào Duy Từ chứ không phải đền thờ Đào Duy Từ. Cũng theo ảnh chụp trong bài báo đề cập trên bốn chữ Nho trên cổng Từ đường đọc là "Quốc Công Từ Môn", nghĩa là Cổng Từ đường Quốc Công. Đào Duy Từ được truy phong Hoằng Quốc Công nên cổng Từ đường đề tên như vậy. Như vậy hai tác giả Thủy Khuy-Ngọc Nhuận vừa viết sai về đền thờ Đào Duy Từ vừa không đọc được chữ Nho trên cổng từ đường Đào Duy Từ.

Theo Điều 9, Luật Báo chí 2016 [10], các hành vi bị nghiêm cấm gồm nội dung: “Xuyên tạc lịch sử…”, “Thông tin sai sự thật…”. Vậy hai tác giả Thủy Khuy-Ngọc Nhuận có vi phạm Điều 9 này không và nếu có thì xử sao?


Đào Duy An - Xóm Gà 30/5/2019
Hình ảnh tư liệu:

Sự thật về "Đền thờ Đào Duy Từ"
Đền thờ Đào Duy Từ tại Cự Tài, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định
do Chúa Sãi cho xây năm 1634


Sự thật về "Đền thờ Đào Duy Từ"
       Từ đường Đào Duy Từ vào năm 1859 (xây sau Đền thờ 225 năm) tại thôn Tài Lương (Ngọc Sơn), xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Đây là nơi thờ chính cha mẹ ông (Đào Tá Hán và Vũ Thị Kim Chi), viễn tổ và hậu duệ của ông. Các bàn thờ tại Từ đường được đặt như sau: Bàn thờ chính giữa là thờ Đào Tá Hán và Vũ Thị Kim Chi; bàn thờ phía bên tay trái nhìn từ ngoài vào là thờ ông nội Đào Duy Từ-Đào Duy Trung…; bàn thờ bên tay phải là thờ Đào Duy Từ và Cao Thị Nguyên còn bàn thờ hai bên là thờ hậu duệ Đào Duy Từ. Chưa thấy sử sách ghi chép về từ đường Đào Duy Từ. 
Trong ảnh: Người mặc áo ba lỗ là Đào Duy Nhơn-đang trông coi Từ đường và người kia là Đào Duy Hương-Thành viên Ban Quản trị Đền thờ Đào Duy Từ.


Sự thật về "Đền thờ Đào Duy Từ"
Đại Nam thực lục tập 1 ghi chép địa điểm mai táng Đào Duy Từ.


Sự thật về "Đền thờ Đào Duy Từ"
Đại Nam liệt truyện tiền biên tập 1 ghi chép về đền thờ Đào Duy Từ.


Sự thật về "Đền thờ Đào Duy Từ"
Đại Nam nhất thống chí ghi chép về đền thờ Đào Duy Từ.


Sự thật về "Đền thờ Đào Duy Từ"
Sự thật về "Đền thờ Đào Duy Từ"
Bài “Đền thờ Đào Duy Từ” đăng trên trang điện tử “Bình Định Online” ngày 17/3/2019 [9] hai tác giả Thủy Khuy-Ngọc Nhuận đã viết sai sự thật lịch sử: Đây là từ đường Đào Duy Từ chứ không phải đền thờ Đào Duy Từ.


Sự thật về "Đền thờ Đào Duy Từ"
Bốn chữ Nho trên cổng Từ đường đọc là "Quốc Công Từ Môn", nghĩa là Cổng Từ đường Quốc Công. Đào Duy Từ được truy phong Hoằng Quốc Công nên cổng Từ đường đề tên như vậy.

Tài liệu tham khảo.

1. Đào Duy Từ. [https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%A0o_Duy_T%E1%BB%AB]. Truy cập 30/5/2019.
2. Nguyễn Phúc Nguyên. [https://vi.wikipedia.org/…/Nguy%E1%BB%85n_Ph%C3%BAc_Nguy%C3…]. Truy cập 30/5/2019.
3. Đại Nam thực lục. [https://vi.wikipedia.org/…/%C4%90%E1%BA%A1i_Nam_th%E1%BB%B1…] . Truy cập 30/5/2019.
4. Đại Nam thực lục. [ https://sites.google.com/site/sachsuvietnam/dai-nam-thuc-luc]. Truy cập 30/5/2019.
5. Đại Nam liệt truyện. [ https://vi.wikipedia.org/…/%C4%90%E1%BA%A1i_Nam_li%E1%BB%87…]. Truy cập 30/5/2019.
6. Đại Nam liệt truyện. [https://sites.google.com/…/sachsuvietnam/dai-nam-liet-truyen]. Truy cập 30/5/2019.
7. Đại Nam nhất thống chí. [https://vi.wikipedia.org/…/%C4%90%E1%BA%A1i_Nam_nh%E1%BA%A5…]. Truy cập 30/5/2019.
8. Đại Nam nhất thống chí. [https://sites.google.com/…/sachs…/dai-nam-nhat-thong-chi-new]. Truy cập 30/5/2019.
9. Đền thờ Đào Duy Từ. [http://www.baobinhdinh.vn/viewer.aspx…]. Truy cập 30/5/2019.
10. Luật Báo chí. [http://vanban.chinhphu.vn/…/…/portal/chinhphu/hethongvanban…]. Truy cập 30/5/2019.

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian