Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Nỗi lòng của Cha- Phan Nhật Bắc

NỖI LÒNG CỦA CHA

     Mấy hôm nay bận bịu quá tôi quên mất không coi trong di động, đến nay mới mở ra thì thấy một tin nhắn chúc mừng Ngày của Cha. Tôi bàng hoàng, thì ra ngày của Cha đã qua. Ông quý tử của tôi trước kia năm nào vào ngày của Cha và Mẹ đều có quà, nhưng từ khi lấy vợ ở riêng thì nó tịt chỉ có tin nhắn, không lòi ra một xu mua quà dù chỉ là một món quà nhỏ đượm tình cha con. Tôi ngồi thừ ra không dám nghĩ thêm nữa. Tuổi trẻ bây giờ sống rất ích kỷ, chúng có thể bỏ ra hàng trăm dollars mua quà cho bạn gái, nhưng với cha mẹ thì rất ư là keo kiệt. Bạn tôi có đứa con làm  bác sĩ. Ngày sinh nhật ba, nó mời ba nó vào một nhà hàng đãi ăn, tiếng là đãi nhưng thực ra…chỉ có một món ăn không phải trả tiền. Trời ạ, của nhà hàng cho không sẵn dịp rơi vào ngày sinh nhật, còn nó là một bác sĩ có tiền triệu trong tay mà không mua nỗi cho ba mình một món ăn cho đàng hoàng…Ngay cả giao tiếp trong gia đình cũng dần bất đồng, vì tuổi trẻ hải ngoại thế hệ thứ hai và thứ ba nói tiếng Việt ba rọi. Ông quý tử của tôi- khi tôi kêu dậy vào buổi cuối tuần, mở mắt phán một câu: ông trời chưa mở đèn mà ba… rồi ngủ tiếp. Chúng nó có lối suy nghĩ và hành động như người Úc, không thích đồ ăn Việt, ngày nào cũng cơm tụi nó ngán ngẫm hỏi: Mình ăn cơm hoài không ngán sao ba? Chúng dần mất hết nguồn gốc, có chăng chỉ là mái tóc đen và màu da vàng…

Nỗi lòng của Cha

      Buồn quá, tôi đi về phía thềm ngồi nhìn vạt nắng ban mai loáng xuống tia nắng vàng êm dịu của buổi mùa đông. Hoa tulip  vợ tôi trồng đã chớm nụ nơi cuối vườn. Chim sẻ non ríu rít tập bay, nhiều khi  chúng mất đà rơi vào đầu tôi. Chim chóc nơi này thân thiện với con người vì được bảo vệ cẩn thận, cho chúng ăn cũng bị phạt vì luật cấm cho ăn (sợ chúng bị mập và béo phì mất khả năng tự sinh tồn.) Nhưng chúng cứ tìm về mỗi buổi chiều, cả một đại đội chim đậu trên cây đào nhìn vào nhà. Có 2 vợ chồng quạ khoan dạn dĩ đi luôn vào cửa, đôi khi chúng ở  ngay sau lưng lên tiếng chíp chíp như muốn nói: con về nè cho ăn đi…Ngày hai bữa chúng như những đứa trẻ ăn no rồi đi chơi. Có khi con về sớm, con về muộn hết đồ ăn, tôi bịa chuyện với vợ: con chim về sớm hỏi: - Hôm nay mày sao về muộn vậy, hết đồ ăn rồi? - Tao vừa đi chơi với bạn gái, nhưng tao bị ngộp  thở nên về muộn. - Sao ngộp  thở?  - Vì con bạn tao nó bị  viêm cánh (hôi nách), tao choáng quá nên  bay về chậm… Vợ chồng tôi cùng cười vang.Tính tôi  rất tếu lâm, tôi hay hư cấu các câu chuyện cười nhằm đem đến niềm vui cho bạn bè. Sợ thiếu gạo trong thời COVID-19, vợ tôi đi gom gạo cho người và cho chim trữ đầy nhà kho. Người ăn thì ít nhưng chim thì nhiều, có khi cả hai lon gạo mỗi lần. Chim nếu cho ăn khác gạo không ngon là chúng chê, thêm mấy ông hội đồng thành phố Brimbank nơi tôi ở thường đi canh chừng, nếu họ bắt gặp cho chim ăn thì bị phạt 600 dollars !

     Tuổi của tôi ngày xưa chỉ biết Vu lan và bông hồng cài áo trong ngày báo hiếu cho Mẹ nhưng không biết đến ngày của Cha. Tôi chợt nhớ đến ba tôi, một người cha tuyệt vời mà tôi có. Năm tôi lên hai, khi mẹ tôi mất, tự tay ông chôn cất mẹ tôi ngay trong ngày mùng một Tết. Đêm đó ông phóng hỏa đốt nhà căn nhà tranh vách đất cháy bùng rồi như Phạm Công cõng Cúc Hoa gùi tôi trên lưng, tay dắt ông anh thứ tám 5 tuổi, băng ruộng vượt sông Trà khúc ra đi trong đêm tối như mực. Ba tôi không thể sống trong bưng biền đầy nghi kỵ, nguy hiểm khi ông còn phải nuôi nấng, chăm lo cho hai anh em chúng tôi. Miền Trung đất cày trên sỏi đá, mảnh đất thân yêu không đủ cưu mang, cũng không sống nổi giữa hai dòng nước, ông lại ra đi. Vào Biên Hoà, đi Hậu Giang không thoát khỏi sự dòm ngó của thế lực mới, có lần cha tôi suýt bị cho vào bao bố thả trôi sông, ông vùng vẫy tháo chạy như một con hổ. Thoát nạn ông về an cư tại thành phố biển Phan Thiết, nơi ông có chỗ dựa vững chắc là nhà một ông phú hộ và lấy vợ khác. Rồi ông lại một lần hộ tống tôi trên một chuyến xe đến trường TSQ Vũng Tàu, vào tận văn phòng hiệu trưởng, chắc chắn là tôi không trốn được theo tiếng gọi của bụi đời mới quay ra. Cổng trường buổi trưa mùa hè năm 1966 nóng như đổ lửa, tôi đứng bên trong muốn chạy ra, thót lên lưng ông để  ông cõng tôi lần cuối, nhưng bây giờ tôi là một ông lính nhóc có số quân không còn tự do. Khung trời đã hẹp, những ngày rong chơi bắt dế bắt cua không còn, tôi chỉ còn hình ảnh một người cha. Đến năm 1975 ông lại tiễn tôi vào trại cải tạo, lúc bà kế mẫu bỏ ông đi theo người con vừa tập kết về để lại cho ông cái quần lãnh đen ông mặc vào khi nhớ bà. Sỏi đá đi nữa cũng cần có nhau, bà mẹ kế tôi đoạn tuyệt một cách tàn nhẫn dù đã có một đứa con gái 16 tuổi với ba tôi. Bà vứt bỏ em tôi như một con vịt con giữa dòng đời nghiệt ngã. Nhìn ba tôi tôi thương vô cùng, thông cảm cho một người đàn ông…

     Ba tôi, người cha vĩ đại đã ra đi năm 1984. Hơn 40 năm trên miền đất mới xa quê hương mịt mù, tôi chưa một lần về thăm mộ, thắp cho ông vài cây nhang hay nhổ cỏ dại trên nấm mồ của ông. Tôi cũng là một người cha vĩ đại của con tôi như nó thường nói với bạn bè của nó, cho dù ngày father-day chỉ nhận được vỏn vẹn có vài dòng tin nhắn chúc mừng. Đúng là dòng đời nước chỉ chảy xuôi, buồn thật là buồn. Tôi càng thấm thía và thương ba tôi vô cùng. Có lẽ một ngày nào đó con tôi sẽ nhớ đến tôi như hôm nay tôi nhớ ba tôi, biết đâu lúc đó tôi đã ra đi thật xa và nó không bao giờ gặp lại ./

Phan Nhật Bắc

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian