Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Chiếc đinh thuyền- Nguyễn Bàng

CHIẾC ĐINH THUYỀN

Khi hai người đã ngồi bên bộ ghế mây bóng màu nâu vàng, cụ giáo Nhâm mới khoan thai nhìn người khách trẻ để tìm lại dấu vết tuổi mười ba mười bốn của người hoc trò cũ. Lòng già xôn xao một niềm vui khó tả. Mười lăm năm trước, khi Vũ Hưng chào thầy, theo gia đình vào Nam, thầy Nhâm cũng thôi cầm phấn lên bục giảng, dời thanh phố về nghỉ hưu ở quê nhà. Ai ngờ lại có hôm nay, từ đầu kia cách trở tới 2000 cây số, người học trò cũ lặn lội lần tìm về tận cái làng quê hẻo lánh này thăm cụ.

- Em ra Bắc có việc gì thế? Cụ giáo Nhâm đầm ấm hỏi.

- Dạ thưa thầy - Vũ Hưng lễ phép trả lời, vẫn chăm chú nhìn cụ giáo, lòng vui mừng vì thấy bóng dáng tuổi già mới in trên mái tóc bạc phơ còn mọi dáng vẻ thầy vẫn như xưa: mảnh khảnh, tinh anh và phúc hậu - Con được ra Thủ đô họp mặt các nhà doanh nghiệp trẻ tài năng. Họp xong, mọi người lên Sapa nghỉ mát, con con xuôi xuống biển về lại thành phố tuổi thơ của con với mong muốn chính là đươc gặp lại thầy. Con thật xúc động vì đã ngần ấy năm mà thoạt nhìn, thầy đã nhận ngay ra con, cái thằng “Hưng Đinh thuyền’’ đã làm thầy nhọc lòng dạy dỗ.

Chiếc đinh thuyền- Nguyễn Bàng

Nghe Vũ Hưng tự goi minh bằng biệt danh “Hưng Đinh thuyền”, cụ giáo Nhâm mỉm cười, vụt nhớ lại lần đầu tiên cụ nghe thấy cái tên đó.

Cuối hè năm ấy, cô hiệu trưởng đưa cho thầy Nhâm một bản danh sách học sinh mới trúng tuyển vào lớp 10 của trường kèm theo một nụ cười rất tươi “Chỉ hết năm hoc tới là thầy nghỉ hưu. Lẽ ra phải để thầy thôi làm chủ nhiêm lớp để hưởng chút thanh nhàn. Nhưng theo báo cáo của địa phương hoc sinh ở khu vực Cầu Sắt rất phức tạp, vì vậy lại xin thầy ra tay cầm quân ở khu vực ấy năm đầu cấp hộ chúng em”. Thầy Nhâm vui vẻ nhận ngay. Cô hiêu trưởng phấn khởi nói thêm “Nhưng em không bắt thầy ăn cả khúc đầu cùng xương cùng xẩu mà đã cắt cho thầy ba hoc sinh thuộc diện khá, giỏi ở khu vực khác, trong đó có một em được tuyển thẳng đấy ạ!

Hôm nhận lớp, kiểm đủ tên 62 học sinh, thầy Nhâm cho chúng ngồi tại chỗ dưới gốc cây bàng ở sân trường rồi lên Văn phòng làm như phải hôi họp gì trong đó để xem lũ gà mới thấy vắng chúa nhà sẽ làm những trò gì, Quả nhiên chúng ồn lên ngay như họp chợ. Bọn con gái túm tụm vào nhau nói cười ồn ã. Lũ con trai nhấp nhổm trêu chọc nhau chí choé. Bỗng có tiếng kêu ré lên: ”Ối đứa nào ném đấy!” Một đứa con gái ở hàng đầu vừa xoa má trái vừa quay nhìn lại phía sau. Từ hàng cuối, một thằng con trai mặt mũi nom sáng sủa ngang nhiên đứng thẳng người, cười toe toét: “Xin lỗi nhé!” rồi chạy thoắt lên chỗ con bé vừa bị ném, xà xuống bên cạnh, chớt nhả hỏi: “Có đau không, để mình xoa đền?”. Miệng nói tay làm, nó vuốt nhanh lên má con bé.

- Đồ đểu! – con bé phản ứng ngồi giật lại rồi chồm lên vả cho thằng kia một cái tát.

Thầy Nhâm vội vã ra khỏi phòng, Cả lớp như một đoàn tàu dồn toa rất nhanh, trật tự ngay trở lại. Bỗng trong đám con trai nghe có tiếng thì thào “Chết cha thằng Hưng Đinh thuyền rồi!” khiến thầy Nhâm sững người lại vì Hưng Đinh thuyền hay Vũ Hưng, theo danh sách chinh là Hạt giống đỏ mà nhà trường đã ưu tiên cho lớp thầy. Nhưng thầy tảng lờ như không nghe thấy gì rồi cho lớp vào phòng học để xếp chỗ ngồi.

Hết buổi, thầy gặp riêng lớp trưởng được tạm cử, nhà ở cùng phố với Vũ Hưng, hỏi vì sao Vũ Hưng lại có tên là Hưng Đinh thuyền? Nó thưa, tuy ở cùng phố, nhưng nó phải học ở trường theo địa bàn, còn Vu Hưng xin được vào trường chuyên của Thành phố nên không rõ lắm. Nhưng nghe mấy đứa chơi với Vũ Hưng kể thì Vũ Hưng bị một đứa ngồi cùng bàn thù ghét. Thằng này tên là Chiến còn gọi là Chiến Búa vì nó thường thủ trong cặp một chiếc búa nhỏ dùng để đánh nhau. Một lần Chiến Búa gây sự với Vũ Hưng rổi rút chiếc búa ra doạ đánh khiến Vũ Hưng bỏ chạy. Bị rượt đuổi đến bờ sông thì tình cờ Vũ Hưng trông thấy một chiếc đinh thuyền của những người thợ chữa thuyền bỏ quên trên bãi cát, vội nhặt lên đánh lại làm Chiến Búa bị thương ở cổ tay, rơi văng cả búa. Cái tên "Hưng Đinh thuyền" có lẽ từ ấy mà ra.

Buổi tối, thầy Nhâm đang căm cụi xếp danh sách học sinh thì có tiếng gõ cửa. Khách là một phụ nữ trẻ, gọn gàng duyên dáng trong bộ quần áo cán bộ sang trọng, tự giới thiệu là mẹ của Vũ Hưng, cán bộ phòng kế toán Công ty Vận tải biển. Thầy Nhâm niềm nở tiếp vị phụ huynh học sinh đầu tiên của lớp và không hề đả động gì đến việc đùa nghịch tinh quái của đứa con nên bà mẹ chuyện trò với thầy rất tự nhiên và luôn tỏ ra hãnh diện về nó: “Bố cháu là sĩ quan quân đội đóng ngoài đảo xa nhưng cháu ngoan lắm ạ, bốn năm liền học cấp hai, cháu đều là hoc sinh giỏi!”. Rồi đặt lên bàn thầy một chiếc túi nylon màu đỏ căng phồng, nét mặt tươi cười: “Gọi là chút quà kính thầy nhân buổi cháu được nhận thầy nhận lớp mới!”

Thầy Nhâm đã nhã nhặn chối từ.

Ba hôm sau trường kiểm tra chất lượng hai môn Văn và Toán lớp 10 để phân loại học sinh. Kết quả, lớp thầy Nhâm kém nhất khối không làm thầy ngạc nhiên nhưng điểm riêng của Vũ Hưng Văn 5, Toán 4! Lẽ nào một học sinh được tuyển thẳng lại thế.? Thầy vội mượn học bạ của Vũ Hưng và như bị lóa mắt bởỉ các con số ghi điểm tổng kết cuối năm lớp 9: Tất cả các môn đều từ 8,5 trở lên. Riêng môn Toán 9,1. Đúng là giỏi toàn diện! Gần 40 năm dạy học cho thầy thấy có cái gì đó rất nghiêm trọng ở đứa học trò này!...

Cụ giáo Nhâm bông ân cần hỏi:

- Bố mẹ em có mạnh khỏe không?

Giọng Vu Hưng bỗng đượm buồn:

- Cám ơn thầy, Mẹ con vẫn khoẻ mạnh. Nhưng bố con... bố con đã mất năm ngoái rồi ạ!

- Sao lại thế? - Cụ giáo Nhâm thảng thốt hỏi - Bố em còn trẻ mà.

- Bố em bi ung thư phổi!

- Thầy thành thật chia buồn với gia đình em!

Thầy giáo Nhâm khẽ nói và cúi thấp mái đầu bạc phơ để tưởng niệm người đã mất. Căn phòng như có một luồng khí lạnh thổi vào khiến cả hai thầy trò cùng ngồi thu mình lại. Giây phút sau cụ mới ngẩng đầu lên;

- Thầy chỉ gặp bố em có một lần nhưng ấn tượng lần gặp ấy thật sâu sắc.

Suốt một tuần, cả trường nhộn nhịp chuẩn bị lễ khai giảng năm học mới, cuốn hút thầy Nhâm vào các công việc khiến thầy quên bẵng đi những uẩn khúc về Vũ Hưng. Mà nó cũng tham gia tốt mọi sinh hoạt tập thể lớp về mọi mặt. Lớp thầy luôn được biểu dương dưới cờ về mọi mặt thi đua nên thầy thấy thanh thỏa trong lòng. Nhưng thật bất ngờ, khi cô hiệu trưởng vừa dứt hồi trống đón chào năm học mới thì có tin Vũ Hưng bị công an bắt về tội đánh nhau có vũ khí. Tang vật là một chiếc đinh thuyền nhọn hoắt. Đối thủ của nó là Chiến Búa đã chạy thoát. Thầy Nhâm phải đích thân lên Công an phường bảo lãnh cho Vũ Hưng được thả ra. Vụ việc ồn lên trong Hội đồng giáo viên. Nhiều người lo lắng cho cái danh hiệu “Trường tiên tiến cấp Thành, đòi đình chỉ học tập Vũ Hưng và đưa ra Hội đồng kỷ luật. Cô hiệu trưởng hỏi ý kiến thây Nhâm. Thầy thành thật nhận mình có lỗi khi không sát sao với Vũ Hưng và xin thêm một thời gian nữa để giáo dục nó.

Thầy cho Vũ Hưng đến nhà, nhẹ lời hỏi vì sao nó đánh nhau. Nó mạnh dạn thưa ngay, nó bị Chiến Búa đón đường đánh trước. Nhưng khi thầy hỏi vì sao Chiến Búa thù ghét nó thì nó thẫn người ra mới ấp úng trả lời vì nó không cho Chiến Búa chép bài kiểm tra cuối năm học

Chiến Búa chắc là học rất kém nhưng qua kiêm tra chất lượng mới đây thì Vũ Hưng đâu phải là học sinh giỏi. Để cho rõ ngọn ngành, thầy Nhâm lần tìm đến nhà Chiến Búa. Thấy thầy hỏi, Chiến Búa tức tối nói luôn; Cháu ghét thằng Hưng Đinh thuyền lắm. Mẹ nó quen cô giáo chủ nhiệm lại mời riêng một số thầy cô đến dạy thêm nó nên bài kiểm tra nào nó cũng được biết trước, lúc làm bài che che giấu giấu không cho cháu chép một chữ!

Tuy lời Chiến Búa là lời con trẻ nhưng cũng làm sáng tỏ đôi điều thầy phán đoán. Thầy đến ngay nhà Vũ Hưng gặp mẹ nó và được đón tiếp trang trọng trong căn phòng khách bầy toàn những tiện nghi hiện đai. Khi biết bài kiểm tra của con bị dưới điểm trung bình, bà mẹ không tỏ ra lo lắng mà lại đon đả đặt ngay vấn đề sẽ mời thầy chủ nhiệm và một số thầy cô nũa đến dạy thêm cho nó rồi hồ hởi kể về sự đối xử chu đáo của mình với các thầy cô. Đến khi hay việc Vũ Hưng bị Công an bắt, mặt mẹ nó vụt tái đi, nhưng đôi môi vẫn run rẩy đổ lỗi cho Chiến Búa là đứa bạo nghịch và lêu lổng đã gây ra mọi chuyện oan cho con mình, rồi nhìn thầy bằng đôi mắt van lơn, xin thầy lo giúp cho ổn thỏa, gia đình xin đội ơn và hậu tạ. Thầy Nhâm tế nhị trao đổi một số biện pháp giáo dục gia đình rồi ra về.

Tối hôm ấy, thầy quên hết sự mệt nhọc ban ngày, nghĩ cách làm thế nào để phối hợp tốt giữa nhà trường và gia đình Vũ Hưng trong việc giáo dục nó. Nhưng cốt cách mẹ nó như thế, thật là khó. Còn bố nó, ở ngoài hải đảo, ông ta biết những gì về con minh trong thành phố? Lại dễ gì gặp được ông ta? Là một quân nhân, biết đâu ông ta sẽ có những ý kiến tốt để dạy dỗ con mình? Băn khoăn nghĩ thế, thầy quyết định viết một bức thư gửi ra hải đảo và chỉ hy vọng sẽ được bố nó có thư phúc đáp. Nào ngờ, thư gửi đi chưa đầy tuần lễ đã thấy ông Vũ Hải, bố Vũ Hưng hiện diện ở nhà thầy. Sau cái bắt tay chào hỏi xã giao, ông Vũ Hải oang oang bộc tuệch nói ngay: “Cảm ơn thầy đã gửi thư cho tôi. Nếu không có thư của thầy, tôi sẽ không bao giờ biết được con tôi đang tụt dần xuống con dốc của sự hư hỏng. Mặc dù đang mùa luyện quân, tôi cũng xin phép đơn vị về gặp ngay thầy. Thưa thầy bao năm nay, tôi đã sống trong hạnh phúc vì nghĩ mình có có đứa con trai chăm ngoan, học giỏi. Cuối năm học nào mẹ nó cũng gửi ra cho tôi giấy khen của nó. Tôi kiêu hãnh khoe với đồng đội, báo cáo lên đơn vị để lĩnh phần thưởng gửi về cho nó. Nào ngờ, chiều nay, mẹ nó đã khóc vì xấu hổ và ân hận khi nói ra sự thật. Thì ra ở các cơ quan công sở bây giờ, người ta không dùng sự giàu sang để khoe mẽ nhau nữa mà chuyển sang cách khác: Khoe con! Ai cũng muốn khoe con tôi học trường chuyên, lớp chọn, con tôi là học sinh giỏi, Kỳ nghỉ hè nào công đoàn các cơ quan cũng long trọng tổ chức lễ phát phần thưởng cho các con cán bộ, công nhân viên chức đơn vị mình đã đạt danh hiệu “học sinh Tiên tiến”. Các bà mẹ cũng thơm lây, được nhận giấy khen “Phụ nữ đảm việc nhà, giỏi việc cơ quan”! Vợ tôi cũng bị lôi cuốn vào cái vòng xoáy hư danh ấy. Đáng lẽ phải khổ công tốn sức day bảo con cái thì cô ấy lại tìm cách đi ngắn nhất là lo lót cho nó, biến nó thành một thứ cây tầm gửi trong học tập và tu dưỡng.

Cảm động trước tấm lòng ngay thẳng chân thật của một vị phu huynh học sinh, thầy Nhâm đã bàn bạc cặn kẽ với ông Vũ Hải cách kéo Vũ Hưng lên khỏi con dốc nó đang bị tụt rồi đưa cho ông chiếc đinh thuyền bên Công an đã giao lại cho thầy, bảo ông đưa về cho Vũ Hưng để nó tự xử lý.

- Ồ! Thế thày không sợ cháu nó lại dùng chiếc đinh này đẻ đánh nhau nữa hay sao?

- Tôi tin nó không dám như thế! - Thầy Nhâm vui vẻ khẳng định....

- Thưa thầy! - Vũ Hưng vẫn trong tâm tư tưởng nhớ người bố đã khuất, cắt ngang đòng hồi tưởng của cụ giáo - Bố con vẫn nhắc đến thầy luôn. Trước khi mất, bố con còn dặn con, hễ có ra Bắc là phải tìm thăm thầy. Hôm nay chắc vong linh bố con thoả nguyện lắm. Nhưng con còn muốn xin thầy một điều...

- Em cứ nói đi! – Cụ giáo sốt sắng nói

- Tuần sau là đến ngày giỗ đầu bố con. Con muốn mời thầy vào Nam thắp cho bố con một nén hương, cũng là dịp thầy cho con đưa thầy đi thăm đất nước một chuyến!

Cảm động trước tình nghĩa của người học trò cũ, cụ giáo trầm ngâm giây lát rồì gật đầu:

- Thầy cảm ơn em!
* *
*

Giỗ đầu ông Vũ Hải được gia đinh tổ chức đơn giản nhưng nghiêm túc sâu sắc. Khách mời khoảng hai chục người, toàn là ruột thịt và bạn bè thân thiết của nhà họ Vũ đang ở miền Nam. Cụ giáo Nhâm là vị khách cao niên và được trọng vong nhất.

Sau khi tiễn hết khách ra về, Vũ Hưng mời cụ lên nghỉ trên chiếc sập khảm trai kê cạnh bàn thờ rồi mở tủ mở ngăn kéo lôi ra một cái hộp gỗ nhỏ lại bên cụ, bẽn lẽn như một đứa trẻ hỏi:

- Thầy con nhớ chiếc đinh thuyền đã đưa cho bố con không?

- Thầy nhớ!

- Dạ! Nó đây!

Vũ Hưng từ từ mở chiếc hộp để lộ dưới đáy một chiếc đinh thuyền màu xám đen bọc trong một lớp nylon bóng trắng.

- Em vẫn còn giữ nó cơ à?

- Vâng ạ! Vũ Hưng thưa rồi lấy ra chiếc đinh thuyền đưa lên ngang mặt ngắm nghía - Nó là một vết nhơ trong thời niên thiếu của con nhưng nó cũng là một người ban thân thiết luôn nhắc nhở con phải tu thân. Trước hôm ra đảo, bố con đã thức trọn đêm bên con, kể lại cuộc gặp mặt với thầy và khuyên nhủ con mọi nhẽ rồi đưa chiếc đinh thuyền này cho con và bảo thầy gửi lại để con tự xử lý. Thú thật con cũng chưa biết làm gì với nó thì hôm sau có giờ sinh hoạt lớp, thầy kể cho lớp một câu chuyện ngoại khoá đến nay con vẫn nhớ như in:

“Ngày xưa có một nhà hiền triết, khi thấy mình làm một việc xấu thì tự đóng một chiếc đinh lên cột nhà khi làm một việc tốt thì tự nhổ đi một chiếc đinh. Sau một thời gian, nhà hiền triết giật mình thấy trên cột nhiều đinh bị đóng quá. Ông lo lắng rồi quyết chí tu thân từng ngày từng việc. Chẳng bao lâu, trên cột đã nhổ hết đinh. Nhưng vẻ mặt nhà hiền triết vẫn buồn rười rượi. Có người thấy vậy, hỏi vì sao thì hiền triết đáp:

Đinh dù đa nhổ được ra,

Vết kia còn đó dễ mà sạch ru?

Rồi tiếp: Nếu mà hiểu sớm điều này thì chiếc cột kia đã không có vết đinh! Con có cảm tưởng, thầy kể câu chuyện ấy vừa cho cả lớp nghe vừa riêng cho con, Về nhà, con kể lại với me con rồi nghe lời khuyên của mẹ, con tới nhà Chiến Búa xin lỗi nó, cùng nó giảng hòa. Nó bảo, thế thì hai thằng đem chiếc búa và chiếc đinh thuyền vứt xuống sông cho khuất mắt. Con lại kể cho nó nghe câu chuyện đó và bảo hãy giữ chúng lại để chúng nhắc nhở mình đừng bao giờ làm việc xấu nữa!

Vũ Hưng nhẹ đăt chiếc đinh thuyền vào hộp rồi đem cất vào tủ. Cụ giáo Nhâm trìu mến nhìn theo người học trò cũ:

- Và cuối năm học đó, em đã quyết phấn đấu trở thành một học sinh giỏi thực thụ.- Cu giáo Nhâm nói.

- Vâng! - Vũ Hưng lễ phép ngoảnh mặt lại nghe. - Đó là nhờ lòng bao dung và công ơn của thầy!!

- Không! - Cụ giáo Nhâm điềm đạm nói – Công ơn của bố em đấy!

Rồi cụ rời khỏi chiếc sập đến bên bàn thờ ông Vũ Hải đang tàn tuần hương đốt lên một nén hương thơm mới!

NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: 61B, ngõ 311, đường Đằng Hải,
quận Hải An, thành phố Hải Phòng.
Email: bnguyen37@gmail.com

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian