Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Tôi đi dạy (hồi ký Sơn Ca)- Phần 4

TÔI ĐI DẠY
(Hồi ký của Sơn Ca)
Xem lại phần 3:          
PHẦN 4:
Tôi đi dạy (hồi ký)- Sơn Ca

KHÓ KHĂN CŨNG TẠO CHO TÔI CƠ HỘI THỬ THÁCH VỀ TÌNH YÊU THƯƠNG CON NGƯỜI TỪ CHÍNH TRONG TRÁI TIM CỦA MÌNH

Tôi sẽ kể về những học trò đặc biệt của tôi

Chúng ta nên biết. Trước khi làm nghề dạy học, chúng ta đã làm học trò. Tuổi trẻ có nhiều lầm lẫn để trưởng thành, giáo viên là người đã trải qua, để hiểu để biết cách đưa các em ra khỏi sai lầm nguy hiểm.
Ngày mai khi các em lớn lên, nếu các em là người tốt, các em sẽ đem niềm vui hạnh phúc đến cho mọi người xung quanh và cho chính mình.

Nếu các em hư thì là mầm mống độc hại cho xã hội và cho mọi người xung quanh.

Tôi luôn luôn nghĩ rằng những thanh niên ngang tàng nhất, bướng bỉnh nhất là những thanh niên giàu tình cảm nhất. tình cảm ấy bị chôn lấp. Nếu ta khai quật lên được, tình cảm sẽ làm mềm những trái tim ngỡ rằng chai lì, sắt đá. Đó cũng là nghệ thuật trong nghệ thuật dạy học.

Tôi biết nếu tôi thành công trong việc giáo dục các em đó, các em sẽ cho tôi một tình thương yêu tha thiết hơn bất cứ ai cho tôi.

    Mỗi lần những tội phạm xảy ra trong xã hội bị bắt đi tù và có thể ở án tử, nhưng sau đó những người này lại run sợ và hối hận. Tôi cứ suy nghĩ hoài, tội ác chỉ xảy ra trong môi trường mà xung quanh thích hợp với nó, khi những cái ác không bị đập tắt.
 Nếu nhà trường  quan tâm đến giáo dục tình thương yêu con người, biết đồng cảm với nỗi đau của người khác, thì khi đó cái ác mới giảm nhiều đi.


    ******
Một câu chuyện buồn tôi gặp khi đi dạy, điều này làm tôi miệt mài ngăn học sinh mình khỏi những nơi không được kiểm soát, những nơi trẻ em không được giáo dục đầy đủ và là nạn nhân của đáy xã hội.

Một vụ đánh nhau ngoài trường, sau khi họ bắt được thủ phạm là học sinh trong trường, lúc đó em đang cầm trong tay con dao vừa đâm người khác. Bằng chứng đã rõ ràng, nhà trường bắt buộc phải kỷ luật đuổi học và gia đình phải bồi thường cho nạn nhân.

Mẹ hung thủ là người buôn bán nhỏ, tảo tần nuôi con ăn học, học sinh đó chỉ học yếu, không thích đến trường, nên bị những thanh niên bên ngoài lôi kéo.
Rủ đi đánh nhau, tranh hùng.

Khi xô sát, một em đưa dao cho em này nói đâm đi, trong khi giữa hai người này không thù oán gì với nhau. Khi công an tới mọi người chạy hết, em này tỉnh lại thì thấy mình đang cầm dao trong tay đâm người…

Khi sự việc xảy ra em khóc, kêu cứu. Không ai cứu được em.
Vậy là họ đã vất ra xã hội một mầm mống có thể làm hại cho xã hội và người khác, nếu …
    
    *****

Thật ra tôi không thể đưa tay che được ánh mặt trời, những năm đầu đi dạy tôi phải đương đầu với những tội phạm ngầm trong xã hội mà đang mặc áo học sinh.

Trấn lột học sinh, mang dao kiếm tới trường, ghi số đề và cả cho vai nặng lãi…

Nếu thầy cô không cẩn thận sẽ thành nạn nhân của chúng.

Những đối tượng này vào lớp cứ hiên ngang, giờ học cứ lầm lì hay nằm ngủ. Giáo viên bảo nhau để tránh hiểm họa cho mình.

Để được bình yên, tôi phải nói nhỏ và năn nỉ,  “ em thương cô, tránh lớp cô ra nhé”. Nó cũng quân tử, hứa là làm. Và vô tình cô cũng trở thành đồng minh của nó.

Tôi nhớ lớp tôi có một học sinh là cháu trai duy nhất của dòng họ, sợ quá bắt con nghỉ học, nó không chịu, gia đình mới đến nhờ cô giúp, tôi phải năn nỉ em nói cho tôi biết ai có thể gây họa cho em để tôi đi điều đình.

Ở Việt Nam, mọi lãnh vực, người ta vẫn đánh giá trị tài năng qua bằng cấp. Do đó, xảy ra nạn sính bằng cấp. Và người ta cứ lầm tưởng bằng cấp cao là trí thức. Cho nên, muốn được xưng tụng là trí thức, cần học hành để đỗ đạt nhiều bằng cấp.

Con cái đang tuổi đi học là cha mẹ cứ đẩy các em đến trường với nhiều lý do.
Gia đình có thân thế thì nay mai các em có cơ hội làm quan.

Con cái có bằng cấp đi làm thì kiếm sống không vất vả như cha mẹ.

Cho con đến trường chứ ở nhà lại đi lang thang.

    
    Điều đặc biệt, những học sinh cá biệt không học mà lúc nào cũng có điểm cao, và hài hước là những học sinh gây án ngoài xã hội, khi xem lại học bạ thì là học sinh học tốt, và xếp loại học tốt nên được đánh giá là đạo đức tốt.
     Có lạ gì đâu, nó bắt những đứa học khá phải làm bài cho nó.

Tôi kể về lần tôi đụng phải iên hùng này

Một lần coi kiểm tra, lúc nào tôi cũng nghiêm túc, đó là vì học sinh, kiểm tra đúng thì tạo công bằng và kích thích việc học tiến bộ của học sinh. Nhưng hôm đó tôi thấy mấy học sinh cứ lục đục, tôi yêu cầu các em ngồi yên, các em hướng mắt nhìn về tôi vẻ sợ sệt, tôi bổng hiểu ra vấn đề.

Tôi nghiêm khắc yêu cầu các em im lặng làm bài.

Iên hùng này thấy không được rồi, tức giận. Em sắn tay áo lên chuẩn bị làm một hành động nào đó như đe dọa tôi. Mà tôi cũng nóng thật!
Tôi thách thức em, cũng bằng những học trò cá biệt của mình ( chúng nó cũng sẳn sàng bảo vệ cô bằng mọi giá – và cũng anh chị như nhau), tôi dùng cả những từ của dân anh chị.

“ Em chưa là cái đinh gì đâu, cô nói một tiếng học trò cô cho em ra bả”.

Vẻ mặt và giọng nói của tôi lúc đó khá ngang tàng và bất chấp.
Có lẻ anh chàng đã biết sợ, và ngừng đe dọa tôi.Tình huống sư phạm này không có trong sách nào.

    *****

Không ai nghĩ rằng làm cô giáo như tôi, với vẽ ngoài khá hiền lành, mà khi tiếp xúc với những đối tượng cộm cán tôi linh hoạt như vậy.

Lúc đầu tôi không biết tại sao những thành phần cá biệt đó không làm hại tôi.

Vẻ bề ngoài ?  giọng nói cương quyết nhưng nhẹ nhàng của tôi ? Hay cách xử lý thấu tình đạt lý bằng yêu thương của tôi đối với các em?

    *****

Tôi đang đứng trên bục giảng bài thì hai khuôn mặt lạ đứng trước cửa. Một người tóc dài cột ra phía sau và một người nữa mặt đỏ lừ vì rượu.

Linh cảm báo cho tôi điều chẳng lành, nhưng tôi vẫn bình tĩnh chào em và nhẹ nhàng hỏi xem có việc gì?

Có thể cách cư xử của tôi không thể làm cho hai thanh niên đó hung hãn được, em chào lại và nói lý do.
Lúc đó cả trường tôi đang nín lặng cầu cứu công an 113, hai thanh niên đó ngang nhiên bước vào trường đi một đoạn dài đến lớp tôi đang dạy trên lầu.

-    Cô cho em gặp học sinh….
-    Có chuyện gì không em ?
-    Chuyện em cần giải quyết, cô không can thiệp được đâu

Học sinh trong lớp tôi hoảng sợ dạt vào một góc.

Tôi hoãn binh bằng nhiều cách, cả cách tôi xuống nước.

-    Em thương cô đừng làm điều gì trong giờ cô dạy, nhà trường không cho cô dạy nữa, tội cô lắm ( cô hiền ghê !!!)
-    Để cô giải quyết cho em, nó nhỏ xíu à, em đánh nó bẩn tay ( tôi đâu ngờ học sinh đó là trùm bụi đời, đâm chém không nương tay)
-    Để cô mời phụ huynh lên giải quyết ngay cho em.

Tôi nhìn ra hành lang thì công an 113 đang vũ trang tiến vào.

-    Tôi nói “ em đi từ từ ra, đừng chạy để công an không làm gì em, cô sẽ ra nói, em không gây ra chuyện gì cả”.
Vậy là mọi chuyện êm xuôi cả hai bên, sau đó mọi chuyện họ bình tĩnh giải quyết với nhau.

        *****

Tôi không phải sinh ra phù hợp với nghề giáo, ngay từ khi ngồi ghế nhà trường tôi chưa bao giờ mơ ước mình làm cô giáo.

    Có thể vì tính cách của tôi không được chuẩn bị cho nghề giáo. Cuộc đời thì không ai biết được ngày mai, và tôi cũng không thể nghĩ, sau 13 năm tốt nghiệp phổ thông tôi làm nghề cô giáo.

    Tôi đem cá tính ngay thẳng và tình thương yêu không tính toán vào nghề, khi tôi đi dạy ở cái tuổi khó đồng hóa tôi với mọi người, tôi không lụy tiền và lụy quyền lực.

    Tôi kể bạn nghe hai tình huống sư phạm này mà có thể phụ huynh gặp đầu tiên trong đời.

1.    Em học sinh này là đứa con được cưng chiều trong gia đình giàu có. Năm nào phụ huynh cũng xung phong làm ban đại diện phụ huynh để thầy cô bỏ qua những sai trái của em. Điều này đã làm em nghĩ ai cũng như vậy và quen với quyền lực.

Không dạy được tôi mời phụ huynh lên nói thẳng là tôi sẽ thi hành kỷ luật. Nếu anh không muốn kỷ luật con anh, làm xấu mặt anh thì anh đưa con ra trường khác học. Sự thẳng thắn của tôi khác người đã làm em run sợ.

Có lẽ con cái ngang bướng xem thường cô giáo một phần cũng do phụ huynh xem thường thầy cô trường tôi. Tôi nhớ hôm họp phụ huynh đầu năm, anh này khoe rằng con cái tôi học giỏi, đang học trường nha và trường đại học gì đó, tôi buồn khi đứa con út này vào trường này.

Tôi trả lời rằng: “ Nếu anh không tôn trọng chúng tôi thì con anh cũng sẽ không tôn trọng chúng tôi, nếu học sinh mà không tôn trọng thầy cô thì sẽ không học hỏi gì ở chúng tôi đâu”. Đây cũng là lý do tôi mời phụ huynh lên nói chuyện.

Sau khi đi nơi khác học một thời gian, quay về trường em đã biết điều hơn.

Có lúc em bỏ nhà đi và lầm lũi trở về, cha em không nói con được, phải nhờ tôi đến khuyên em. Tôi vẫn đến.

2.    Một em học sinh nam, là con đích tôn duy nhất của dòng họ, cũng được cưng chiều.Năm học trước em đã ở lại lớp, theo quy chế, nếu năm nay ở lại lớp nữa sẽ bị nghỉ học.

    Tôi không muốn em phải nghỉ học nên nhân nhượng trước khi kỷ luật đối với những vi phạm của em. Thấy vậy em trở nên bất chấp và nghĩ, chắc cô giáo hiền, dễ chịu.

    Mà tôi cũng nóng thật! cái nguy nữa là khi tôi đã nói thì bằng mọi giá sẽ làm. Chắc lúc tôi tuyên bố nếu không kỷ luật em tôi sẽ bỏ dạy, lời nói và ánh mắt tôi như nảy lửa.

    Chiều hôm đó cha mẹ em tới nhà tôi nói chuyện, lúc đầu tôi cũng rất cương quyết, nhưng rồi cũng xuôi lòng trước tình phụ mẫu.

    Trưa hôm sau, vào lúc đầu giờ tôi mời cha em đến lớp – một bài học về giáo dục thật bất ngờ và đáng giá.

    Học sinh đó cũng giật mình khi thấy cha mình đến lớp. Tôi yêu cầu em phải xin lỗi cha mình, vì những vi phạm của mình mà cha em phải đến đây, sau đó trước lớp em phải xin lỗi cô vì hôm qua em đã thiếu tôn trọng cô ngay ở lớp này.

    Tôi nghiêm khắc với tình yêu thương đã chinh phục được một học sinh, một đứa con khó bảo. Và từ đó không bao giờ em vi phạm nữa.

     Luôn yêu quý cô giáo mình, và có cả những lúc tâm sự với cô giáo những thầm kín của mình với những yêu thương gởi gấm.

     Người ta có thể dạy con cọp làm xiếc, tại sao người ta không dạy được học trò hư hỏng nên người hữu ích, lương thiện, ngoan lành?
Xem tiếp phần 5       
Sơn Ca

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian