Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Tôi đi dạy (hồi ký Sơn Ca)- Phần 6

TÔI ĐI DẠY
(Hồi ký của Sơn Ca)
Xem lại phần 5:     

Tôi đi dạy (hồi ký)- Sơn Ca


BÂY GIỜ- 20 NĂM SAU ĐÃ CHỨNG MINH CHO NHỮNG GÌ TÔI ĐÃ LÀM.

    Hôm nay ngày 2 tháng 9 năm 2022, học sinh mời tôi về dự khóa 1999- 2002, sau 20 năm các em tốt nghiệp phổ thông.

    Tôi vui lắm và hồi hộp mong đến ngày gặp mặt các em. Lớp 10B, lớp đầu tay trong trường phổ thông của tôi.

    Lớp 11B11, lớp thứ hai với nhiều học sinh đặc biệt và cũng khá cá biệt.Và những lớp khác mà tôi đã dạy Anh văn các em.

     Lứa học sinh này có nhiều biến động.

     Năm đó có tất cả 31 lớp 10 với sỉ số mỗi lớp hơn 50 học sinh. Học sinh đa phần là học yếu và trong những gia đình vất vả mưu sinh.

    Học sinh được xếp theo khu vực sinh sống, theo từng phường, chắc thầy hiệu trưởng nghĩ như vậy thì tạo điều kiện cho các em trong giao tiếp và học tập.

    Nhưng có điều tôi nói thêm, có những vùng lại tập trung nhiều học sinh cá biệt, vì gia đình khó khăn, mãi đi kiếm sống không có thời gian dạy dỗ con mình.

     Lớp 12 lại một lần thay đổi lớp nữa, học sinh lớp 12 sẽ xếp lớp theo vần, để khi thi tốt nghiệp có nhiều cơ hội được gần nhau. Buồn! ĐỂ DỄ GIÚP NHAU.

    Tuổi học trò mà, chơi sướng hơn học chứ, rủ nhau bỏ học đi chơi, hay cùng nhau nghĩ ra được trò gì, thú vị lắm.

     Phải nói là giáo viên chúng tôi rất vất vả.

     20 năm ra trường kiếm sống, có thể các em đã hiểu được những vất vả đã qua của giáo viên, nên bây giờ về trường các em gởi đến thầy cô bao yêu thương và lòng biết ơn. Chúng tôi đọc được điều đó.

     Điều tôi không ngờ là trưởng ban tổ chức cuộc hội ngộ là em học sinh đã để lại một kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời đi dạy của tôi. Tên của em khá đặc biệt mà tôi không thể quên được, nhưng hơn 20 năm sau gặp lại thì tôi không nhận ra em, em vui mừng khi gặp lại cô nhưng tôi không biết em là ai…

     Em giới thiệu em là Giáp Văn Tí, một cái tên khá đặc biệt.

     Năm tôi dạy em, trường tôi là trường bán công, như những điều tôi đã nói về tình hình học tập và nề nếp của học sinh năm ấy thật bất ổn. Tôi cố gắng tìm mọi cách cho học sinh học và hiểu bài tôi dạy, ( một điều bất lợi cho tôi là tôi không dạy thêm ở nhà như các giáo viên khác, như thói quen học sinh đi học kèm là chính, lên lớp thì không chú ý nghe giảng).

     Tôi buồn và lo lắng cho tương lai các em, cũng như tương lai của xã hội sau này, dạy học sinh không học và không hiểu, ( có một đặc điểm ngày ấy tôi quan sát học sinh là, những học sinh con nhà nghèo học yếu thường rụt rè, tự ti cứ cúi mặt xuống không dám nhìn cô giảng bài và nhìn lên bảng).

     Tôi nói sao cũng không thay đổi được tình trạng đó, không dạy được tôi buông phấn rồi tâm sự những lo toang của tôi với tương lai của các em,( một điều mà các em chưa gặp ở giáo viên nào bao giờ).

     Tôi nghĩ nước chảy rồi đá cũng mòn, những gì tôi nói sẽ giúp các em thức tỉnh được đôi điều.

     Buồn quá tôi tính bỏ dạy, thì 20 tháng 11 năm đó em Tí đến thăm và nghe tâm sự buồn của tôi. Em nói “ Cô đừng bỏ dạy, những gì cô nói sẽ rất có ích cho học sinh sau này, cô tiếp tục dạy để những em học sinh sau này còn nghe cô nói”.

     Vì câu nói này của em, tôi đi tiếp chặng đường giáo dục của mình thêm 18 năm sau nữa.
Tôi đã truyền ngọn lửa giáo dục cho em, và em quyết tiếp nối con đường của cô, cho dù em sẽ gặp bao nhiêu là gian nan.

     21 năm sau gặp lại em, tôi chỉ biết em đang là một thầy giáo, mặc dù em không xin được dạy ở một ngôi trường nào. Em bận rộn với công việc tổ chức, tôi chưa có thời gian nói nhiều với em.

     Thay mặt các em về trường, ban tổ chức đã tặng quỹ khuyến học nhà trường 30 triệu đồng, 20 triệu tặng 4 thầy cô có hoàn cảnh khó khăn cùng một tivi Samsung 55 in.

     7.30 tôi đã đến trường, tôi là người đến thứ hai, sau cô Hương Lan.

     Các em vui mừng đón hai chị em tôi, người đầu tiên là một cậu học trò nhỏ người nhưng rất nhanh nhẹn, em giới thiệu em là thiếu tá trong quân đội.

    Em nào cũng chào cô, cô nhớ em không, em nhớ cô.

    Thật tình mà nói với các em là, những năm đó có không có thời gian để nhìn kỷ để nhớ đến khuôn mặt của em nào, ngoài những em ngày nào cô cũng phải chú ý và kiểm soát.

    Lứa tuổi teen của các em là giai đoạn rất quan trọng trong cuộc đời, em ghi nhớ rất rõ những gì xảy ra vào thời đó và nhất là những gì làm tổn thương mình.

     Cũng may là những năm đó cô trò rất thân thiết, các em hay đến nhà cô chơi, có gì cô trò cùng ăn. Lứa tuổi đó, giai đoạn xã hội ngày đó mà, ăn gì cũng ngon, cũng nhớ đến suốt đời.

    20 năm không gặp, các em cũng đã sống một đoạn đời dài của mình với bao thăng trầm cuộc sống. Có em đã có con 20 tuổi, em vui mừng gặp cô và kể lại niềm vui của gia đình mình.

Chúng tôi chụp với nhau những tấm hình để lưu lại giây phút đó.

     Những em ngày xưa làm khổ thầy cô nhất, khuôn mặt không thể quên được thì nay em tự tin về thăm trường thăm thầy cô với lòng biết ơn sâu sắc.

    Đây là đề tài giáo dục mà ta cần nghiêm túc học tập và phân tích.

    Tình yêu thương, thông cảm  và hiểu biết lứa tuổi sẽ đưa các em đi qua một đoạn đời quan trọng.

     Mọi chuyện rồi sẽ qua, khi các em nhận thức ra vấn đề các em sẽ thành người tốt, sẽ biết ơn thầy cô và tiếp tục nuôi dưỡng những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
 
        ******

MỘT ĐIỀU LUÔN LÀM TÔI TRĂN TRỞ, TẠI SAO BÂY GIỜ XÃ HỘI NHIỀU TỘI PHẠM Ở LỨA TUỔI THANH THIẾU NIÊN

    Cấu trúc xã hội, an sinh xã hội hay chính quyền là những vấn đề tôi không bàn tới, vì quá lớn và quá rộng, tôi không có nhiều kiến thức để đưa ra vấn đề giải quyết, nhưng tôi luôn trăn trở, nếu được giáo dục tốt hơn thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn, sẽ yên bình hơn.

    Tôi chỉ cố làm tất cả những gì có được, xã hội bớt đi một tội phạm thì sẽ đem đến hạnh phúc cho nhiều người xung quanh, đặc biệt là chính người thân của các em.

    NHỮNG LÝ DO THEO TÔI CÓ THỂ TẠO RA TỘI PHẠM TRONG XÃ HỘI.

1.    Không có công ăn việc làm, nghèo đói, không đủ ăn, tận cùng của xã hội đưa đến đói ăn vụng túng làm càng.
2.    Cờ bạc, ma túy, nợ nần với xã hội đen.
3.    Không được giáo dục đầy đủ về đạo dức.
4.    Cái ác không bị lên án. Có nhiều cơ hội xảy ra khắp nơi.
5.    Lún sâu vô môi trường của thanh thiếu niên hư hỏng.
Những tội phạm về tham nhũng hay lừa đảo, những tội phạm kinh tế lớn thì giáo dục ngoài khả năng rồi, không bàn tới.

SỰ ĐỘC ÁC KHỞI SINH TỪ ĐÂU QUA KHUNG CỬA GIÁO DỤC

    Khi bước vào nghề tôi vô tư suy nghĩ rằng, làm giáo dục phải có cái tâm, phải nghĩ cho người khác trước mình, tôi đã nhận được những gì tốt đẹp của giáo dục thì tôi sẽ truyền dạy lại như vậy.
    Tôi luôn nghĩ đến sứ mệnh thiêng liêng của giáo dục là, dạy cho con người cách sống với đồng loại, dạy cho con người biết cách sống, biết tồn tại trong cuộc sống và có tri thức để sống và phát triển.
    Nghề dạy học đã làm tôi phải thay đổi những thói xấu của mình, phải luôn nhắc nhở mình về chức năng và nhiệm vụ của mình, và phải luôn luôn nâng cao kiến thức cho dù tuổi tác và thời gian.
    Tôi cũng đang lý tưởng hóa nghề dạy, và nghĩ đây là môi trường tốt đẹp nhất cho con cháu chúng ta lớn lên, trường học là nơi các em được học hành, được yêu thương. Tình thương sẽ lan tỏa ra xã hội.
    
Nhưng không phải vậy.

Năm đầu tiên bước vào nghề, tôi thấy thầy giáo đánh đứa trẻ không tự vệ như kẻ thù, ông ta trút giận xuống đưa bé để xả tức. Đó cũng là một trong những nguyên nhân mà lúc đó tôi muốn bỏ nghề, tôi không chấp nhận được cảnh đó.

Đây là bạo hành nhìn thấy được, còn những bạo hành không nhìn thấy được, nó ẩn nấp trong chương trình, trong cách dạy và cách kiểm tra. Học sinh và phụ huynh không thể làm gì được, sau này dần dà nó nhiễm vào học sinh, vô thức học sinh chấp nhận nó như sự đương nhiên. Điều đáng sợ nhất là là cái ác cái vô cảm đã trở thành phổ biến.

Những năm cuối của thế kỷ 20, gần 25 năm xã hội bấp bênh trong kinh tế, cha mẹ quay quắt trong kiếm sống nuôi con, sống và tồn tại theo thời gian mà không ai có thể làm thời gian ngừng trôi được.

Con cái sinh ra lớn lên phải được ăn để mà sống, phải được đến trường theo dòng chảy của cuộc sống.

Tôi làm công việc giáo dục vào thời điểm đó. Chứng kiến trẻ vị thành niên phạm tội mà không khỏi đau lòng, trong đó có học sinh trường tôi khi ấy.

Ngày ấy học sinh bỏ học vì nhiều lý do là chuyện bình thường, rồi ra quậy phá để chứng tỏ mình ngoài xã hội.

Một vụ án mà tôi giật mình.

Một em gái “ kiêu hùng” làm đàn chị, đâm chết một em gái đi đường mà không gây oán thù gì với em, mà chỉ là một va chạm nhỏ trên đường, thấy ghét là đâm, và đâm cho đến chết.

Tôi không biết mặt em, nhưng nghe giáo viên trong trường kể lại, em gặp thầy cô lúc nào cũng khoanh tay thưa lễ phép. Học sinh tôi kể tiếp, em là người yêu của học sinh lớp tôi chủ nhiệm ( tôi đang để em này lui tới nhà tôi học tập, em ngoan ngoãn học ở nhà tôi mà không làm sai một điều gì, đôi lúc lại vòi vĩnh cô như đứa trẻ con), cũng đã có lần em học sinh nữ này đến nhà tôi ngoan ngoãn xin phép cô cho em đi chơi với bạn.

Em vi phạm ở lứa tuổi vị thành niên, nên sau đó một thời gian em ra tù, nhưng rồi không biết em đã học được gì qua những trải nghiệm cay đắng đó, một quá khứ buồn mà khó xóa nhòa được, những định kiến mà xã hội đã mặc định trên em, để em có cuộc sống bình yên thật là gian nan.

Đây cũng là lý do mà tôi luôn trăn trở trong giáo dục đạo đức cho học sinh.

    ******

Tôi quay lại những nguyên nhân làm học sinh bỏ học, những nguyên nhân mà làm hỏng chức năng giáo dục.

Chương trình thì bất cập, có những kiến thức đã cũ từ bao đời nay, thậm chí đã quá lạc hậu, có những môn không biết học để làm gì, nhưng cũng phải học và phải đạt được một mức điểm như mong muốn.
Nói về giáo dục KIẾN THỨC, là nhằm cung cấp sự hiểu biết về thế giới xung quanh, về lịch sử, về bản thân và sự vận hành của vật chất qua các môn học lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học... Điều quan trọng là những kiến thức này nên là những kiến thức hữu dụng, áp dụng được vào cuộc sống thực tế. Nhiều kiến thức học rồi nhưng không biết để làm gì. Với kiến thức về xã hội học như lịch sử thì cần phải khách quan và có bài học cho tương lai, tránh những dẫn dắt mang tính định hướng.

Ngày nay, với internet, người ta có một đại dương kiến thức để tìm hiểu những điều mình cần biết và đối chiếu với những gì mình được (bị) dạy. Sẽ có những phản ứng ngược nếu người ta tìm thấy rằng mình đã bị dạy bằng kiến thức không thật hay nửa sự thật.

Cách dạy thì là cả một đề tài lớn, giáo viên rụt rè áp dụng phương pháp đổi mới( họ cứ loa lên là đổi mới, nhưng chỉ trong những tiết dạy để chấm điểm hay có người khác vào dự). Còn hằng ngày thì cứ ê a trôi qua.

Cách kiểm tra thì áp lực, mà đôi khi tiêu cực nữa.

CHUYỆN KIỂM TRA VÀ THI CỬ

Chuyện xảy ra khi còn thi tốt nghiệp cấp 2, chuyện cũng lâu rồi khi tôi mới đi dạy, tôi được phân đi coi thi ở một trường cấp 2, ban giám khảo thấy không bảo tôi làm theo ý họ được nên chỉ xếp tôi làm giám thị hành lang, 6 buổi thi thì xếp tôi hết 5 buổi.

Khi tôi mới về trường cấp 3, ngày ấy hội đồng thi tốt nghiệp thật kinh khủng, bên ngoài ném bài vào, bên trong như cái chợ.

Năm ấy tôi đi xuống huyện coi thi, phải ở phòng trọ, ban phụ huynh trường nói tiếng là hổ trợ thầy cô ở xa đi coi thi, nhưng gần như là mua chuộc cả hội đồng thi cho con họ.

Tôi vẫn coi thi nghiêm túc, xui cho tôi hôm đó coi phải phòng thi của con em họ, thí sinh không coi giám thị ra gì, ngang nhiên vi phạm, tôi không chấp nhận được.

Trưa hôm đó phụ huynh tìm đến phòng tôi ở và đe dọa…
Rồi đã có lúc giáo viên đi coi thi bị chận đánh trên đường về nhà.

Khi không ai bảo vệ mình thì giáo viên cũng phải tìm cách nào đó.

Giáo viên gián tiếp tiếp tay cho những điều đó vì cuộc sống của họ, họ trực tiếp gây hại và cũng là người bị hại.

Điều rộng và phổ quát nhất là, giáo viên bắt buộc phải dạy theo một chương trình bị áp đặt từ trung ương đến địa phương, họ phải dạy theo một loại sách giáo khoa, và âm thầm dạy theo sách giáo viên mà những người soạn sách giáo khoa đã soạn sẵn cách dạy.

Họ đã đánh đồng tất cả, giáo dục con người phải chuyên biệt, vì không ai sinh ra giống nhau cả, cho dù là sinh đôi sinh ba cùng trứng. Giáo viên không được dạy cái gì họ được nhận biết, được hoc. Được dạy theo từng trình độ hay từng đối tượng học sinh.

Và rồi giải pháp cuối cùng là họ phải làm theo đa số để được tồn tại.

Tôi nhìn vào cuộc sống xã hội chung quanh mình, nơi những cái ác cứ điềm nhiên xảy ra, mà họ không còn cảm thấy là sai nữa, vì mọi người cũng đang điềm nhiên làm như vậy mà, ví dụ đơn giản như:

-    Để kiếm sống họ làm nghề nông, trồng những cây hay rau, mà họ bán ra hằng ngày, họ dùng thuốc sâu và những chất hóa học có thể gây hại cho người, để cây trông đẹp tốt, dễ bán. Họ trồng riêng để mình ăn, rồi họ cũng mua lại những đồ độc hại của người khác bán cho mình. Một vòng luẩn quẩn người này hại người kia và cái kết, căn bệnh ung thư quái ác, khó chữa và tốn rất nhiều tiền trở nên phổ biến .

-    Cái ác nghiễm nhiên trong một môi trường kiếm sống chật hẹp, họ giành nhau cơ hội kiếm tiền và tự phát triển lên những trò lừa đảo.Tôi không nói những người này sẽ chuyên sống như vậy, cũng trong hoàn cảnh này nhưng còn người cùng khổ sống với nhau, họ lại yêu thương và đùm bọc nhau.

-    Ngày nay trong thế giới mạng internet, cái ác trong những lời bình luận, cái ác hội đồng tấn công một người mà chưa bao giờ gặp, cũng như không làm hại gì đến họ, họ dấu mặt và hại người khác. Khi đọc thấy ý kiến khác với mình thì có người phản ứng như muốn ăn tươi nuốt sống người khác, dùng lời lẽ tục tỉu để thóa mạ. Điều đó cho thấy sản phẩm của nền giáo dục khiếm khuyết về giáo dục nhân cách.

       ****

Tình trạng dạy thêm nổ ra để đáp ứng nhu cầu của học sinh, lúc đầu nó mang tính đáp ứng tốt đẹp của nó, nhưng rồi nó biến tướng thành những tệ nạn. Đa số giáo viên đều dạy thêm, và rồi ai cũng mặc định cho cái đúng của nó, và ngơ đi những cái sai của mình.

Khi mới đi dạy, tôi dạy trên lớp học sinh không hiểu gì cả, rồi theo quán tính học sinh xin cô dạy thêm, tôi đồng ý.

Theo chu kỳ kiểm tra, học sinh hỏi cô kiểm tra gì ngày mai? Tôi hơi sốc khi lần đầu tiên gặp phải.Tôi không đáp ứng điều đó, vậy là học sinh không học nữa.

Tôi không nói tất cả chuyện dạy thêm là sai, nhưng cái đúng đứng xen kẻ với cái sai, làm thành một bức tranh loạn sắc.

Khi chính quyền ra tay, nhưng buồn là những cái sai này lọt vào những đôi mắt không mang tính giáo dục. Họ trừng trị cái sai cho thỏa mãn tính nhỏ nhen của họ.

CHUYỆN BUỒN TRONG GIÁO DỤC MÀ TÔI NGHE KỂ TỪ NHÂN CHỨNG

Chuyện về dạy thêm học thêm.

Đây là vấn nạn trong giáo dục mà không thể nói hết những cái hại và cái tiêu cực của nó, nhưng không thể nào giải quyết được vấn đề này.

Đó là nồi cơm, là cách kiếm tiền của nhiều giáo viên, cho nên nhiều người luôn tìm ra lý do chính đáng cho việc dạy thêm, rồi dần dần họ xem đó như một điều đương nhiên và tất yếu trong cuộc sống.

Nói đi rồi lại nói lại, đồng lương giáo viên không đủ trang trải cuộc sống, nhưng công việc của giáo viên lại nhiều áp lực, những áp lực không tên và áp lực vô lý, những thế lực ngầm trong giáo dục mà giáo viên phải chi những khoản tiền không nhỏ. Vì vậy để sống, để tồn tại , bằng mọi giá họ phải có tiền.

Giáo dục để kiếm nhiều tiền sẽ khó mang lại chức năng cao cả của giáo dục, không là tấm gương tốt để giảng dạy đạo đức cho học sinh, những đức tính hy sinh vì cộng đồng, lòng bao dung với những người yếu thế sẽ rất khó dạy.
 Một tấm gương thầy cô đem đến cho học sinh, là làm sao có thật nhiều tiền để ta có thể mua được tất cả thì thật là thất bại của giáo dục.

Nhiều giáo viên để kiếm được tiền không khỏi phải đắng cay vì đồng tiền.

Đây là một ví dụ

Khi xã hội lên án việc tiêu cực của việc dạy thêm học thêm, chính quyền phải đưa ra giải pháp là quản lý việc dạy thêm học thêm. Nhưng rồi giáo viên cũng biến tướng để thích nghi, họ cũng nghĩ ra mọi cách để dạy, nhưng cũng không khỏi ê chề, khi đó cũng là cơ hội cho những kẻ tiểu nhân hại người, họ vui sướng khi phát hiện được vấn đề và cho đấy như một thành tích.

Có cầu ắc có cung, nhiều phụ huynh không thể giữ con và dạy con vì lâu nay cứ đưa đến nhà cô, cô vừa là người giữ trẻ vừa chịu trách nhiệm với điểm số của các con.

Không gởi cô thì bây giờ con tôi biết đi đâu biết học sao.

 Lâu nay giáo dục Việt Nam chỉ đào tạo như nuôi gà công nghiệp, không dạy cách tự học, khả năng thích ứng hay kỷ năng sống cho con người. Lúc nào cũng lệ thuộc.

Họ cấm dạy thêm học thêm, thế là nhà cô lúc nào cũng phải đóng cửa, xe các con đi học dấu ở một nơi xa, các con phải chui qua ba cửa mới vào chỗ để học. Vậy mà họ vẫn phát hiện được, họ vui sướng với thành tích của họ khi bằng mọi giá đột nhập vào nhà cô bắt tại trận và lập biên bản.
 Hình ảnh cô giáo rúm ró như một tội nhân trước mặt học sinh, một hình ảnh chẳng đẹp đẽ tí nào, vậy sao mà giáo dục cho học sinh được.

Tôi quay về vấn đề, cái ác được tạo ra trong giáo dục như thế nào? Nó lan ra xã hội, và làm xã hội rối loạn và bất an.

Suốt chặng đường đi học của một học sinh cứ phải “chạy”. Chạy điểm, chạy trường, chạy thành tích, rồi cuối cùng là chạy việc làm. Tất cả đều phải bằng tiền, đồng tiền lên ngôi, có thể làm tất cả bằng tiền.

Lương tâm và đạo đức con người bị lu mờ vì tiền.

Cha mẹ cho con đi học, mong cho con cái sau này có cuộc sống tốt đẹp, có công ăn việc làm, có việc nhẹ lương cao. Điều này cũng đang xoay quanh đồng tiền, có tiền sẽ mua được tất cả.

Rồi đến chuyện thành tích trong giáo dục. Đầu tiên là trong các cơ quan nhà nước hằng năm khen thưởng con cái có thành tích, với danh nghĩa tốt đẹp là khuyến học, cha mẹ có con có thành tích thì được thưởng và thấy tự hào, còn những người khác thì thấy buồn và tủi thân, rồi những lỗ hổng trong giáo dục làm họ có thể mua tất cả bằng đồng tiền, họ mua điểm cho con để được thành tích, họ đã vô tình làm hại con mình.

Tôi vô tình trở thành nạn nhân của điểm. Lúc đầu tôi rất sốc và không lý giải được, bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao?. Các em cũng là nạn nhân và không có cách nào khác là phải làm như vậy. Bây giờ tôi thấy nhiều người khi sống không theo guồng quay của xã hội thì gặp rất nhiều khó khăn. Xã hội làm cho con người trở nên vô cảm, không suy nghĩ đến nỗi đau của người khác trước khi làm một điều gì.

Xem tiếp phần 7       
Sơn Ca

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian