Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Sông Ba đòi thủy điện trả nước- ST

Sông Ba đòi thủy điện trả nước...

       LD: Trong số trước, Phố núi và bạn bè có đăng lại bài viết: "Thủy điện bức tử sông Đắk Bla" nói về việc thủy điện thượng Kon Tum với sơ đồ khai thác chuyển nước từ đầu nguồn sông Đăk Bla (Kon Tum ) về sông Trà Khúc (Quãng Ngãi)- một khi đưa vào vận hành sẽ làm cạn kiệt nguồn nước dòng sông Đăk Bla Kon Tum với những hậu quả khó lường. Để có cái nhìn thực tế hơn, kỳ này Phố núi và bạn bè xin đăng lại một bài viết mới đây trên báo Pháp luật và đời sống ngày 02/04/2013 với tiêu đề "Sông Ba đòi thủy điện trả nước- Lãnh đạo tỉnh Phú Yên và Gia Lai tiếp tục đòi thủy điện An Khê - Ka Nak phải trả nước về cho sông Ba." (http://phapluattp.vn/20130401115558684p0c1015/song-ba-doi-thuy-dien-tra-nuoc.htm) để bạn đọc cùng suy ngẫm
------------***----------

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên và Gia Lai tiếp tục đòi thủy điện An Khê - Ka Nak phải trả nước về cho sông Ba.

     Không chỉ sông Vu Gia bị thủy điện Đăk Mi 4 can thiệp thô bạo mà sông Ba, con sông dài nhất miền Trung, cũng bị thủy điện An Khê - Ka Nak lấy nước rồi đổ sang sông Kôn gây ra khô hạn, thiếu nước sinh hoạt ở vùng hạ du.

     Can thiệp thô bạo

     Trong cuộc làm việc mới đây với Bộ Công Thương, lãnh đạo tỉnh Phú Yên tiếp tục kiến nghị các cơ quan trung ương xem lại việc vận hành của công trình thủy điện An Khê - Ka Nak trên thượng nguồn sông Ba.

     Thủy điện An Khê - Ka Nak có thiết kế hai bậc cách xa nhau hàng chục cây số. Bậc trên là thủy điện Ka Nak lấy nước từ thượng nguồn sông Ba, đổ vào hồ chứa Ka Nak (trên địa bàn huyện K’bang, Gia Lai) có dung tích 285 triệu m3. Sau khi chảy qua các tua bin của thủy điện bậc trên Ka Nak, thay vì phải trả nước lại cho sông Ba, toàn bộ nguồn nước này dồn vào một hồ trung chuyển có dung tích 5,6 triệu m3 rồi dẫn theo đường ống xuyên đèo An Khê dài 14 km để đổ dựng đứng xuống thủy điện bậc dưới là An Khê nằm trên địa bàn huyện Tây Sơn (Bình Định). Do áp lực nước lớn nên thủy điện An Khê có công suất lên đến 160 MW. Sau đó, nguồn nước này đổ ra sông Kôn, chảy về hạ lưu Bình Định.

     Do dòng chảy bị bẻ quặt, 90% lưu lượng nước sông Ba bị lấy tức tưởi nên nhiều đoạn bên dưới của sông Ba đã trở thành “sông chết” vào mùa khô, trong khi mùa mưa lại xả lũ về sông Ba, góp phần gây lũ hạ du gây bức xúc cho người dân sinh sống ở đây.

Sông Ba đòi thủy điện trả nước- chuyện nóng Gia Lai
Sông Ba đoạn qua Thị xã An Khê ngày xưa
     Gây họa cho nhiều tỉnh

     Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND thị xã An Khê, nói: “Những ngày qua, dù có mưa ở thượng nguồn nhưng thủy điện Ka Nak chỉ xả ra sông Ba 4 m3/giây nên không tạo nổi dòng chảy, không cuốn được nước thải từ các nhà máy khiến sông bị ô nhiễm nặng. Ngoài thị xã An Khê, các huyện Kon Chro, Đắk Pơ, Ia Pa, Krông Pa, thị xã Ayun Pa (Gia Lai) cũng đang lâm vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước tưới trầm trọng. Sự can thiệp vô lý, thô bạo vào quy luật dòng chảy tự nhiên đã và đang giết chết sông Ba, ảnh hưởng trầm trọng đến hàng vạn cư dân sống ven sông và vùng hạ lưu rộng lớn”.

     Theo Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, hiện hàng loạt công trình cung cấp nước sinh hoạt tập trung, công trình thủy lợi, trạm bơm dọc sông Ba đang bị “treo” vì không có nguồn nước. Ông K’Pa Thuyên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, nói: “Hầu hết nước từ thượng nguồn sông Ba bị đổ ra sông Kôn nên dòng sông khô cạn, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước tưới tại nhiều địa phương ở Gia Lai càng bức bách hơn”.

Sông Ba đoạn qua Thị xã An Khê hôm nay

     Còn ở vùng hạ du Phú Yên thì hàng loạt trạm bơm ven sông Ba bị “treo” từ nhiều tháng qua. Ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Hòa, bức xúc: “Hàng ngàn người dân thị trấn Củng Sơn và xã Suối Bạc đã và đang rất khốn đốn vì nhà máy nước thiếu nước để hoạt động, phải ngừng hoạt động nhiều ngày liền. Hàng ngàn hecta đất sản xuất đang thiếu nước tưới nhưng nhiều trạm bơm cũng không còn nguồn nước để hoạt động”.

     Cả chục cây số sông Ba đoạn bên dưới Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ đã trơ đáy từ cuối năm 2012, hệ thống thủy nông Đồng Cam cũng thiếu nước để vận hành. Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, nói: “Các nhà máy thủy điện, nhất là thủy điện An Khê - Ka Nak tích nước nhưng không tính đến nhu cầu nước của vùng hạ du. Hiện hàng vạn cư dân sống ở vùng hạ lưu đang đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, sản xuất trầm trọng”.

Sông Ba đòi thủy điện trả nước- chuyện nóng Gia Lai
Cả chục cây số sông Ba đoạn bên dưới Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ đã trơ đáy

     Trong khi đó, ông Tạ Xuân Chánh, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Bình Định, cho biết mới đây hơn 300 hộ ở địa phương này đã bị mất hàng chục hecta đất ở, đất sản xuất do bị sạt lở, bồi lấp vì lưu lượng nước chảy ra sông Kôn tăng bất thường!

     Đã phản đối nhưng cứ làm

     Liên tục trong những năm qua, tỉnh Phú Yên đã nhiều lần kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN xem xét việc vận hành của thủy điện An Khê - Ka Nak.

     Ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên, nói: “Trước đây, khi EVN đưa ra bản thiết kế công trình thủy điện An Khê - Ka Nak, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã có kiến nghị không nên xây dựng công trình theo thiết kế trên”.

     Trong công văn gửi Bộ Công Thương mới đây, UBND tỉnh Phú Yên nhắc lại: Năm 2006, tỉnh không thống nhất việc chuyển nước sông Ba sang sông Kôn để xây dựng thủy điện An Khê - Ka Nak; trường hợp cần thiết phải xây dựng thủy điện này, EVN phải có biện pháp đảm bảo môi trường sinh thái, chống nhiễm mặn ở hạ lưu sông Ba. Thời điểm đó, UBND tỉnh Phú Yên cũng yêu cầu EVN nghiên cứu phương án xây dựng các hồ thủy lợi hạ lưu thủy điện Sông Ba Hạ nhằm duy trì lượng nước cần cấp cho nông nghiệp, công nghiệp, dân sinh và những mục tiêu khác. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án thủy điện An Khê - Ka Nak, EVN chưa có biện pháp để đảm bảo lưu lượng nước tối thiểu cần cung cấp cho sông Ba, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Phú Yên” - ông Trúc nói.

     Trong một cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ TN&MT, Công Thương, EVN, ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho rằng những hệ lụy của thủy điện An Khê - Ka Nak đã được báo trước. Theo ông Dũng, ngay từ khi bản thiết kế công trình thủy điện này được công bố, trình duyệt, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã phản ứng quyết liệt vì sông Ba sẽ cạn kiệt nguồn nước, đặc biệt là những hiểm họa từ các hồ chứa vào mùa mưa lũ mà các địa phương vùng hạ du phải hứng chịu. Tuy nhiên, những ý kiến này không làm thay đổi được bản thiết kế, công trình vẫn xây dựng theo phương án ban đầu và hậu quả đang ngày càng hiện rõ.


    Năm 2006, tỉnh không thống nhất xây dựng thủy điện An Khê - Ka Nak, yêu cầu nghiên cứu phương án xây dựng các hồ thủy lợi hạ lưu để duy trì lượng nước cần cấp cho nông nghiệp, dân sinh... Tuy nhiên, EVN phớt lờ ý kiến của tỉnh.
Ông NGUYỄN THÁI HỌC, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên

     Cần có đợt khảo sát toàn diện để đánh giá lại tài nguyên nước sông Ba. Nên sớm có một cơ quan quản lý, điều tiết nguồn tài nguyên nước này, không nên để mạnh ai nấy sử dụng; không để kéo dài tình trạng thủy điện muốn sử dụng nước ra sao thì sử dụng, muốn xả bao nhiêu cũng được.
                           Ông BIỆN MINH TÂM, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên

     Việc phát triển ồ ạt các công trình thủy điện trong những năm qua đã và đang đặt tài nguyên nước nói riêng và hệ sinh thái của các vùng đầu nguồn, các sông suối Việt Nam vào tình trạng báo động về cạn kiệt và suy thoái khó hồi phục. 
                         TS ĐÀO TRỌNG TỨ, Viện Quản lý nước quốc tế - IWMI  
(Theo Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam)
(Tác giả:TẤN LỘC- ST sưu tầm)

COMMENTS G+/FB:

1 Comments
  1. Anonymous11/4/13

    Cai kieu gi kì vay? PY, GL deu khong dong y, cuoi cung van xay, xảy roi xum nhau la lang la xom. Chang hieu noi cai co che nha nuoc nay, chang giong ai

    ReplyDelete

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian