Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Đôi điều về dòng sông ĐăkBla Kon Tum- ST

ĐÔI ĐIỀU VỀ DÒNG SÔNG ĐĂKBLA KON TUM


     Trên bản đồ đất nước Việt Nam, Đakbla là một con sông quá nhỏ lại nằm ở vùng cao hẻo lánh nên ít được người biết mà hầu như sách vở cũng không hề nhắc đến. Nhưng trong lòng người dân Kontum, đó lại là dòng sông độc đáo tuyệt vời, bởi vì không có sông Đakbla thì không có Kontum, xét về mặt lịch sử cũng như địa lý. Ngay cả cái tên Kontum cũng không thể có nếu không có dòng Đakbla uốn khúc. Những người xa xứ từng gửi gắm tuổi thơ đời mình trên dòng Đakbla, “nay trở về lòng chợt vui thấy sông không già” (*). Quả thật, qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, dòng Đakbla vẫn mơn mởn tình tứ uốn khúc ôm trọn cái thị xã nhỏ bé hiền hòa trên miền rừng núi xa xăm nầy. Nhưng trước những đổi thay đang diễn ra trước mắt, người dân Kontum có quyền tự hỏi tương lai nào dành cho dòng sông Đakbla và cho những con người thấp cổ bé miệng từ bao đời nay vẫn gắn bó với dòng sông nầy.

DÒNG SÔNG ĐĂKBLA KON TUM

ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

     Thật ra, từ thời hậu kỳ đồ đá cũ cách đây hàng vạn năm, từng có một quần cư khá đông đúc sinh sống trên khúc sông nầy. Cuộc khai quật năm 1999 và 2001 ở Lũng Leng (Sa Thầy) đã cho thấy những cư dân nầy đã phát triển nghề làm đồ gốm, đúc đồng, luyện sắt… và giao lưu với các dân tộc khác trong khu vực Đông Nam Á. Số lượng phong phú các di chỉ phát hiện ở Lũng Leng đã khiến các nhà nghiên cứu có cái nhìn khác về Kontum và Tây Nguyên, đồng thời phải viết lại lịch sử miền đất nầy. Nhưng quần cư đó lại nằm ở vùng hạ lưu sông Đakbla, nơi gặp gỡ con sông Krong Poco, cách thị xã Kontum ngày nay 15 km về hướng Tây và chưa được một tư liệu nào trước đây nói đến.

     Tài liệu đầu tiên ghi nhận cụ thể về dòng sông Đakbla là cuốn hồi ký (**) của linh mục Pierre Dourisboure (1825-1890), thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP), viết xong năm 1870 và xuất bản năm 1929 tại Paris, Pháp. Tác giả mô tả cảnh các vị thừa sai đầu tiên đi thuyền độc mộc thăm các làng Thượng dọc con sông, từng ra sông tắm và có người suýt chết đuối v.v… Sách ghi lại một đoạn thư Giám mục Cuénot viết cho các thừa sai như sau: “Khi các các cha đến chỗ cách Kơ Lăng một vài ngày đường về hướng Tây, và nếu các cha gặp được con sông mà người ta đã cho tôi biết, thì chắc các cha sẽ tìm thấy vùng đồng bằng ở hai bên bờ sông, các cha hãy hạ trại lưu trú ở đó, và hãy biết rằng các cha đang ở trong vườn nho được giao phó cho các cha chăm sóc vậy” (tr.41). Giám mục Cuénot còn biết rõ dòng sông Đakbla chảy ngược về hướng Tây nhập vào một con sông lớn bên Lào, vì thế dự án ban đầu của ngài là giao cho hai linh mục Fontaine và Dourisboure xuôi thuyền qua xứ Lào truyền giáo. Ngài còn cẩn thận gửi lên một ít sách học tiếng Xiêm (Thái Lan) là tiếng không khác tiếng Lào bao nhiêu. Dự án nầy không thực hiện được vì hoàn cảnh khắc nghiệt của miền đất mới đã làm tiêu hao sức lực và cả sinh mạng của nhiều thừa sai, nên các ngài đành dừng lại trên thung lũng của dòng sông Đakbla nay mang tên là Kontum.

     Kontum trước tiên là tên một ngôi làng Bahnar nằm trên hữu ngạn sông Đakbla, bởi vì bên cạnh làng (Kon) là một hồ nước (Tum) do con sông Đakbla uốn khúc tạo nên. Thực ra đây là một thứ đầm lầy mà trong tiếng Việt địa phương cũng gọi là “tum” khác với loại hồ sâu hình thành từ miệng núi lửa như hồ Tơ Nưng (Biển Hồ) ở tỉnh Gia Lai. Loại hồ hay tum nầy không sâu nên dần dần bị phù sa lấp cạn và trở nên đồng ruộng gọi là ô, nghĩa là đất thấp bên cạnh sông, không phải là rẫy trên đất cao. Làng Kontum ngày nay vẫn còn ở vị trí cũ, cuối đường Nguyễn Huệ, gần nhà thờ Gỗ và mang tên Kontum Pơnăm (Kontum Dưới) để phân biệt với Kontum Kơpâng (Kontum Trên) cách đó hơn cây số về hướng Bắc, trên đường Trần Hưng Đạo nối dài.


Có một dòng sông Đăk Bla

Dòng sông độc đáo của Tây Nguyên

     Về mặt địa lý, sông Đakbla là hợp lưu của ba con sông Đak Akoi, Đak Nghe và Đak Pone, bắt nguồn từ phía Bắc Huyện Đak Hà và Kon Plong gặp nhau tại Kon Brai, rồi chảy vào thung lũng, uốn khúc bao quanh ba mặt phía Đông, Nam và Tây thị xã Kontum, trước khi gặp sông Krong Poco ở huyện Sa Thầy, trở thành sông Sêsan chảy qua đập thủy điện Yali rồi sang lãnh thổ Cămpuchia và đổ vào sông Mê Kông tại Strung Steng.

     Nếu so với các con sông khác chảy qua bốn tỉnh Tây Nguyên (***) thì về nhiều mặt sông Đakbla không thể nào sánh bằng. Lâm Đồng có sông Đa Nhim tạo nên nguồn điện cho nhà máy thủy điện Krông Pha nổi tiếng, chảy qua các thác Prenn, Gougah, Liên Khương, Pongour rồi thành sông Đa Dung chảy vào sông Đồng Nai. Gia Lai có sông Ba dài trên 300 km chạy dọc theo địa phận tỉnh từ Bắc xuống Nam, đổ ra biển ở Phú Yên thành sông Đà Rằng với cây cầu dài nhất miền Trung. Ở Đak Lak, dòng sông S’rêpok chảy vào hồ Lak, hồ tự nhiên rộng nhất Tây Nguyên và đi qua nhiều thắng cảnh đẹp như Gia Long, Dray Sáp, Trinh Nữ, Dray Linh, Buôn Đôn trước khi trở thành con sông hùng vĩ chảy qua khu vườn quốc gia Yok Đôn rồi vào lãnh thổ Cămpuchia và gặp sông Mê Kông… Nhưng có một điều chắc chắn, không có các con sông nầy, thành phố Đà Lạt, Pleiku, Buôn Ma Thuột vẫn không có gì thay đổi, bởi vì những con sông nầy có dòng chảy ở khá xa và không hề có tác động nào đến bộ mặt các thành phố nói trên.

     Duy có sông Đakbla tuy rất nhỏ và ngắn, có lưu vực nằm gọn trong địa phận tỉnh, nhưng chính phù sa do dòng sông bồi đắp qua không biết bao ngàn năm đã hình thành nên thung lũng Kontum và biến tỉnh lị nầy thành vùng đất cát trắng độc nhất giữa miền Tây Nguyên đất đỏ bazan bao la. Chính trên thung lũng nầy mà thầy Nguyễn Do đã lập các làng mạc và nông trang đầu tiên cho cư dân người Việt từ duyên hải miền Trung lên đây lập nghiệp và trốn tránh nạn bắt đạo của Triều Nguyễn. Với loại đất cát pha thịt không mấy màu mỡ, người Pháp đã không lập đồn điền trà hay cà phê, cao su hay cây công nghiệp nào khác mà chỉ có những làng mạc nằm giữa đồng ruộng lúa nước tương tự như ở vùng duyên hải miền Trung.

     Du khách đến Kontum, dù từ hướng nào, sau khi đi qua vùng đất đỏ đặc trưng của Tây Nguyên, đều ngạc nhiên khám phá ra một bình nguyên đất trắng và cảm thấy thích thú hơn khi dạo quanh thị xã hầu như lúc nào cũng thấy ẩn hiện dòng sông Đakbla như một cái hồ lớn bao quanh. Hai bên bờ với những cụm tre xanh và các bãi cát trắng dài đã tạo cho thị xã một cảnh quan độc đáo riêng biệt, mặc dù hằng năm mùa nước lũ có làm con sông thay đổi, nơi bồi nơi lở, lúc tạo thêm rồi lúc phá đi những cù lao giữa dòng.

Nơi hợp lưu sông ĐăkBla và Pôkô

     Chính nhờ lượng phù sa phong phú mà sông Đakla là nguồn cung cấp cát sỏi hầu như vô tận cho ngành xây dựng của tỉnh nhà và các tỉnh lân cận. Và cũng vì những đặc trưng riêng của dòng sông mà từ bao đời nay, ngoài các cách đánh bắt tôm cá thông thường như câu, chài, lưới bén… người dân ở đây còn có một cách bắt cá không gặp thấy ở địa phương nào khác. Người Kinh có cách đánh trũ: dùng dây thừng có buộc vỏ nghêu sò kêu rột rạt xua cá tép vào trong một tấm lưới đặt tựa cái mùng lật ngược. Còn đồng bào Thượng thì nghĩ ra cách bắt cá khá đặc biệt, mà hình như tiếng Bahnar gọi là Kră (?): Đắp nên bờ đê nhỏ dài bằng cát sỏi dọc bờ sông, chừa lại hai đầu cho nước chảy ra vô, rồi ngủ lại trên bãi cát, chờ đêm khuya khi thấy cá vào đẻ, người ta chận hai đầu lại và bắt. Dấu vết của cách bắt cá của người Thượng còn để lại trên bãi cát trên các đoạn sông vắng.
“Trở về dòng sông tuổi thơ”
. . .
Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi.
Bao năm xa quê ấy. Trong mơ tôi vẫn thấy.
Hôm nay tôi trở về lòng chợt vui thấy sông không già.
. . .
Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà.
     Nghe giọng ca mượt mà của Mỹ Linh hát bài “Trở về dòng sông tuổi thơ” của Hoàng Hiệp trên đây, người dân Kontum xa xứ không khỏi bùi ngùi nghĩ về dòng Đakbla thân thương. Và mỗi lần được trở về quê xưa, một điều thật thú vị đối với khách lãng du là được ngồi quán bờ sông sau khách sạn Đakbla hay của Long “Trợn” (rể ông Phướng) trước đây nằm bên đường Bạch Đằng (xưa kia có tên Bok Kiêm) nhâm nhi ly bia lạnh mà ngắm lại dòng sông thưở nào. Đúng là dòng Đakbla không đổi thay bao nhiêu, như người tình cũ rất mực thủy chung, mặc dầu đã trải qua bao cuộc bể dâu: Vẫn những dãy núi trùng điệp nơi chân trời, vẫn các đám bắp hay luống đậu xanh rờn trên ô, vẫn những cụm tre già nổi lên trên bãi cát vàng chới…Chỉ cần nheo con mắt là thấy cả một bức tranh thủy mạc hữu tình từng quen thuộc ở cái tiền kiếp mơ hồ nào đó.


     Hướng mắt về khúc sông phía Nam nơi xưa kia có chiếc cầu gỗ hình vòng cung thấp lè tè của cái thời Kontum còn là thị trấn nhỏ bé, mà chỉ cần một cơn lũ nhỏ cũng đủ chia cách đôi bờ… Cây cầu gỗ đó giờ đây không còn để lại dấu vết nào, nhưng nhìn lại hình ảnh chiếc cầu năm xưa, người dân Kontum ở cái tuổi xồn xồn như thấy lại cả một thời ấu thơ khi còn hồn nhiên lội sông tắm truồng. Còn trước mặt, Hòn Bi nước xoáy nổi danh, nơi mà nói theo dân gian Hà Bá từng bắt đi bao nhiêu sinh mạng, vẫn còn đó, dấu tích của chân cầu đúc đầu tiên thời Pháp thuộc mà tương truyền bị nước lũ cuốn trôi ngay trong ngày khánh thành, trước sự chứng kiến của dân chúng. Nhưng đối với người viết, đám ô kia mới là nơi gợi lại nhiều kỷ niệm của cái thời còn học trường Cố thường ra đây tắm sông và chui vào đám bắp của ông Biện Hải bẻ những trái non vừa trỗ sữa mà cạp sống một cách ngon lành… Bất chấp khi vào lớp học có thể bị thầy Cúc, thầy Thanh, thầy Yến hay thầy Miên dùng roi ngũ trẫu, trồng làm hàng rào trường bà Sơ, quất cho nổi lằn mông đít…

     Từ vị trí trên, chúng ta còn chứng kiến cảnh đồng bào Thượng cơ cực suốt ngày đứng trên chiếc sỏng độc mộc gò lưng rải chài khắp mặt sông để kiếm vài con cá nhỏ đắp đổi cho bữa ăn đạm bạc hằng ngày. 

 
     Khung cảnh hoang dã thơ mộng của dòng Đakbla còn là nơi gặp gỡ (dĩ nhiên là trong bụi bờ) của nhiều đôi uyên ương nay đã thành ông bà con cháu đùm đề. Phải chăng vì lý do đó mà Đakbla từng có một khúc sông được gọi bằng cái tên rất gợi cảm, Paradis (Thiên Đàng), dường như nay là bãi cát dưới chân cầu treo Kon Klor.



     Hai lần người viết dẫn đoàn học trò cũ về tham quan dòng sông Đakbla, thấy “dòng sông tuổi thơ” của ông thầy vẫn nước trong mát mời mọc như hồi nào, các em đã có nhận xét: “Thầy quả thật là hạnh phúc, bởi sau hơn nữa thế kỷ mà thầy vẫn còn tắm lội trên dòng sông của thời thơ ấu, chứ con sông tuổi thơ của các em ở ngoại ô Sài Gòn giờ đây đen thui hơn nước cống…”.

Tương lai nào cho dòng sông Đakbla?

     Dòng Đakbla sở dĩ “vẫn như thưở ấy”(*) phải chăng là do sự may mắn của hoàn cảnh địa lý? Phải chăng vì Kontum là ngõ cụt, lại ở xa các cụm dân cư đông đúc, đất đai không màu mỡ nhiều để thu hút đám di dân tự do nghèo khổ từ miền Bắc và miền Trung ồ ạt đổ vào như các tỉnh Tây Nguyên khác.


     Nhưng từ ngày có con đường Trường Sơn nối Quốc lộ 14 với các tỉnh miền Bắc và miền Bắc Trung phần, Quốc lộ 24 đi thẳng Quảng Ngãi được trải nhựa… cũng như việc mở cửa khẩu Bờ Y ở khu ba biên giới Việt Miên Lào, Kontum không còn bị lãng quên. Khách thập phương dễ dàng đến Kontum bằng nhiều ngã. Theo số liệu mới nhất, dân thị xã Kontum đã vượt con số 120 ngàn, có mật độ trên 300 người trên một cây số vuông, tuy chưa đủ đông để làm ô nhiễm dòng Đakbla, nhưng cũng đáng báo động vì con sông vẫn là nơi hứng mọi thứ nước thải. Đập thủy điện Yali tuy có lúc làm cho dòng chảy Đakbla chậm lại tạo nên một lớp sình dưới đáy, nhưng cũng giúp điều tiết dòng nước trong mùa mưa lũ.

     Còn một điều may mắn nữa là nhà máy đường Kontum mua hằng mấy chục tỷ đồng từ phế liệu bên Trung Quốc về, nhưng chạy không được bao nhiêu vì cánh đồng mía ở đây không đủ cung cấp nguyên liệu, nhờ đó nước thải chưa làm ô nhiễm sông Đakbla ở làng Kon Rơbang và Phương Quý.


 cầu treo Kon Klor

     Về mặt tích cực, ngày nay có thêm chiếc cầu treo Kon Klor nối hai bờ vui giữa Phường Thắng Lợi và Đak Rơwa, giúp cho người dân khỏi đi vòng ngã Chư Reng xa hơn 30 cây số và đồng thời đó cũng là một thắng cảnh hiếm hoi trên sông Đakbla. Hầu như làng dân tộc Bahnar quanh thị xã đều được giúp dựng nhà rông giữa làng, nên dọc dòng sông thấp thoáng bóng dáng ngọn tháp cao vút như lưỡi rìu khổng lồ giữa lùm tre xanh rì và những con đường đất liên thôn được mở thêm nhiều để xe bò có thể qua lại dễ dàng giữa các làng.

     Nhưng người dân Kontum không khỏi e ngại trước cách làm du lịch theo kiểu “mì ăn liền”, không cần dùng cái đầu để động não và nhất không cần có cái tâm, miễn sao mau lấy tiền du khách trước mắt, không cần biết hậu quả tai hại về lâu dài. Bãi cát hoang sơ ở khúc sông đẹp nhất Kontum cạnh làng Kon Katu bên kia cầu Kon Klor là nơi người ta thường tổ chức cho du khách tham quan, đã bắt đầu trở thành một bãi rác với đủ thứ phế phẩm của người “văn minh” vô ý thức…

     Đành rằng tiềm năng du lịch của Kontum nghèo nàn so với các tỉnh khác ở Tây Nguyên, nhưng phải nói thị xã Kontum có cảnh quan độc đáo tuyệt vời do sông Đakbla bao quanh, có không khí trong lành, có những con người hiền hòa mộc mạc không bao giờ biết ngữa tay vòi tiền du khách như ở nhiều nơi khác trên đất nước này… Tại sao không nổ lực biến cả thị xã thành khu du lịch sinh thái, ở đó du khách tha hồ cuốc bộ hay đạp xe vào các làng mạc tiếp xúc với người dân tuy lam lũ kiếm miếng ăn hằng ngày nhưng cũng biết bảo tồn cái minh triết ngàn đời cha ông để lại, có thể dừng chân nghỉ ngơi hay tắm mát trên một bãi cát vắng dưới gốc tre già … Nên nhớ Kontum cho đến nay vẫn còn là tỉnh lị duy nhất ở Tây Nguyên mà hằng ngày có sự giao lưu dễ dàng giữa người Kinh với người Thượng, bởi vì đa số các làng dân tộc Bahnar, Jơrai…đều nằm dọc theo dòng sông Đakbla để có nước sinh hoạt, ăn uống, tắm rửa và tìm được chút ít cá tôm.

     Đi du lịch ngày nay đâu phải chỉ ngồi trên xe máy lạnh để nghe người hướng dẫn chỉ cho thấy công trình nầy thắng cảnh nọ, rồi vào ăn uống trong một nhà hàng sang trọng… mà chủ yếu là gặp gỡ con người, tiếp xúc với nền văn hóa sống động để người du khách cảm thấy cuộc sống mình phong phú thêm lên.


Đêm bên sông Đăk Bla

Thay lời kết: Hơn bao giờ hết dòng Đakbla cần những tấm lòng

     Từ hơn 30 năm qua, thiết nghĩ vì thiếu hiểu biết và nhiều nguyên nhân khác trong đó có bệnh duy ý chí và cái bụng ham hố vô độ…, người ta đã cho thực hiện nhiều công trình làm hủy hoại nghiêm trọng môi trường như việc chuyển thành phố Sài Gòn về hướng vùng trũng phía Đông (Nhà Bè, Thủ Thiêm, Bình Chánh…) khiến cảnh ngập lụt ngày càng vô phương giải quyết và làm hoang phí không biết bao nhiêu tiền của nhân dân. Người dân Kontum dù đang sinh sống ở đâu, hằng cầu Trời khẩn Phật cho những người có trách nhiệm ở địa phương biết rút được bài học môi trường mà có kế hoạch tổ chức và gây ý thức cho nhân dân biết gìn giữ cảnh quan độc đáo như món quà vô giá mà dòng Đakbla ban tặng cho Kontum. Bởi vì một khi dòng Đakbla bị ô nhiễm thì Kontum cũng không còn là Kontum và những người sống nhờ vào dòng sông đã mất đất sống nay lại mất thêm nguồn nước sống nữa.

     Đây cũng là vấn đề lớn đặt ra cho Tây Nguyên. Những biến động trong vài năm qua ở miền đất nầy và chắc chắn vẫn còn âm ỉ, âu cũng xuất phát từ nhân tâm của cư dân bao đời sống ở đây trước sự tàn phá không thương tiếc môi trường sống mà trách nhiệm trước hết đối với dân tộc thuộc về những kẻ đang cầm quyền.
                       
                                   Đinh Hồ (tháng 4.2006)- ST sưu tầm
_________________________________________
(*) Một câu trong bài hát “Trở về dòng sông tuổi thơ” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp.
(**) Hồi ký có tựa “Les sauvages Bahnar”, bản dịch tiếng Việt của Lm Đỗ Hiệu có tựa “Dân làng Hồ” xuất bản năm 1972.
(***) Cuối năm 2003, mới có thêm tỉnh Đak Nông, tách ra từ Đak Lak từ ranh giới sông S’rêpok và lấy thị trấn Gia Nghĩa làm tỉnh lị.

COMMENTS G+/FB:

1 Comments
  1. phan thanh tân9/12/13

    trong tất cả các tỉnh cao nguyên trung phần VN chỉ có kon tum là độc đáo nhất với con sông chảy ngang thị xã , dalat chỉ với con suối nhỏ người pháp dã quy hoạch một cái hồ trung tâm ( hồ xuân hương ) tp Dalat tạo cảnh quan tuyệt vời cho đô thị - chỉ cần làm một cái đập nhỏ ngăn nước kon tum sẽ có một cái hồ tuyệt đẹp và rồi kontum sẽ có một đô thị thật đẹp , thật lãng mạn như dalat . Có cai hồ trung tam như vậy các vùng đất xung quanh kon tum sẽ phát triển các đô thị có cảnh quan đẹp , lúc d901 chư ren , phương hòa và phương quý sẽ thay đổi nhanh chóng có sắc thái riêng biêt , kontum xứng đáng là thành phố hơn bây giờ - tiếc rằng trong quy hoach phat triển kon tum đến năm 2020 ko thấy phương án này , thế nhưng chỉ cần chúng ta có y tưởng là có thể thực hiện tốt điều này , tôi dã từng đề xuất với người bạn có chức sắc quan trong tại thị xã kon tum , nhung ko đuôc chú ý lắm , tôi sẵn sàng lấy kiến thức chuyên môn của mình để làm ko công cho tỉnh kon tum ... nhưng bây giờ những ý kiến ko vụ lợi như vây ko làm vừa lòng những người thích vụ lợi .... có cái đâp ngăn nước dâng lên 0,8m thôi bài hát em plieku se di vào quên lãng

    ReplyDelete

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian