Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Một góc nhìn về nhạc phẩm “Đóa hoa vô thường” (P2)- BVHH

MỘT GÓC NHÌN VỀ NHẠC PHẨM "ĐÓA HOA VÔ THƯỜNG" (P2)

3. Tình yêu say đắm và hạnh phúc lứa đôi

Một góc nhìn về “Ðoá hoa vô thường"
NS Trịnh Công Sơn
     Chúng ta cùng ông TCS đi vào khổ thơ số 6, xin góp tên cho khổ thơ là ‘Trăng mật”. Vì ở khổ thơ này, cho chúng ta biết hạnh phúc của họ có những gì. “từ nay tôi đã có người – có em đi đứng bên đời líu lo” hai câu lục bát này đối chỉnh và cân phương. Đối với tác giả thì “đã có người”, có nghĩa là ông đã thỏa mãn... Còn đối với “người” của ông thì sao? Chúng ta thấy ngay trạng huống tinh thần rất phấn khởi, rất yêu đời, rất hạnh phúc của nàng, qua hai động từ “đi và đứng” trong niềm vui từ nội tâm dâng trào sóng nhạc. Ngài Trịnh quả là bậc thầy trong tu từ, khi diễn tả tâm trạng hạnh phúc của người yêu bằng lối hành văn kỳ cục mà cực kỳ biểu ý. Xin cùng nghiền ngẫm câu thơ “có em đi đứng bên đời líu lo”. Em đi hay em đứng thường hàm nghĩa hoạt động đi tới hoặc đứng lại, nghĩa cơ bản nó là thế. “Líu lo” là từ láy thường được dùng để nói về tiếng chim hót líu lo (chim có khỏe mạnh, có no lòng, có sạch sẽ, có hứng khởi ... thì mới hót và hót líu lo với nhiều giọng hót và nhiều cung bậc, đặc biệt là những bài hót có âm vực cao). Hoặc một đứa trẻ nếu có được sự thương yêu chăm sóc chu đáo của cha mẹ, giúp cho bé có được tâm lý tự nhiên, cởi mở dẫn đến hành vi nói líu lo, nói liên tu, nói về bất cứ mọi chuyện cho cha mẹ nghe. Ở câu thơ này, ngài Trịnh lại ghép những hoạt động đời thường với biểu hiện líu lo bên đời của nàng. Líu lo trong câu làm trạng ngữ bổ ngữ cho động từ “đi – đứng”. Dùng từ và đặt câu như thế, buộc chúng ta phải hiểu rằng: “cô ấy đi đứng mà vui hát líu lo” như chim hót líu lo, hoặc như em bé nói líu lo vì cảm giác an toàn từ cha mẹ đem lại. Cái hay của câu ở chỗ: cô ấy vui sống bên đời không phải chỉ vì tự thân cô ta vui thỏa mãn mà còn là nhờ bạn tình của cô đã làm “chỗ dựa an toàn tuyệt hảo cho cô. Khéo quá ngài Trịnh ơi !

        Từ nhận định trên, chúng ta nhìn vào bốn câu cuối để đồng thuận cùng tác giả là: “từ nay tôi đã có tình – có em yêu dấu lẫy lừng nói thưa – từ em tôi đã đắp bồi – có tôi trong dáng em ngồi trước sân”. Họ trao tình yêu của bản thân cho bạn tình và được nhận lại trọn vẹn từ bạn tình. Họ luôn “tương kính như tân”, luôn chăm lo vun đắp cho cuộc sống lứa đôi. Ý của tác giả hẳn nhiên là thế, nếu ai còn nghi ngờ thì xin mời tìm nghe nhạc phẩm này và để ý đến đoạn tiết tấu trình bày vui vẻ, rộn ràng nhất của nhạc phẩm với loại nhịp 2/4.



       Tìm hiểu đến đây, có lẽ có độc giả nghĩ, tình yêu đôi lứa mà chỉ có “trăng mật” thì hơi hiếm trên đời. Nếu có ai nghĩ thế thì xin cho người viết được bắt tay đồng thuận. Đúng vậy, vì cuộc sống “chung” của hai con người trước đây hoàn toàn lạ nhau, chắc chắn sẽ có “đụng”. Xin thưa, tác giả TCS cũng rất thành thực khi nói về kinh nghiệm “sống chung và đụng”. Vấn đề là, khi tìm hiểu khổ thơ thứ bảy và thứ tám – chúng ta sẽ tìm hiểu luôn cách thức giải quyết của họ khi có “đụng”.

          Mùa đông cho em nỗi buồn
           Chiều em ra đứng hát kinh đầu sông
           Tàn đông con nước kéo lên
           Chút tình mới chớm đã viên thành
” 

                           (khổ thơ 7)

     Chúng ta thấy từ “buồn” xuất hiện, buồn vì mùa đông u ám và lạnh giá, đó là nói theo khách quan của thời tiết. Nhưng câu “chiều em ra đứng hát kinh đầu sông” lại cho chúng ta thấy một lý do “buồn” chủ quan từ trong lòng cô gái. Buổi chiều cô ra đứng hát kinh đầu sông. Câu này mở ra cho người đọc những thắc mắc:

     1/ Em ra đứng hát kinh là chỉ mình em ra đứng chứ không phải cả hai người ra đứng hát kinh, mà đã nói hát kinh thì có nghĩa đó là một hoạt động của niềm tin tôn giáo. Từ đó ta suy ra cô nàng có niềm tin tôn giáo, còn anh chàng là người không tín ngưỡng hoặc không cùng tín ngưỡng với cô nàng! Và nói theo ngôn ngữ hiện đại thì hai anh chị này có một cuộc hôn nhân liên tôn.

       2/ Cô nàng ra hát kinh ở “đầu sông”. Sao lại chọn đầu sông? Xin thưa, đầu sông hay cuối sông để sau này xét. Giờ chúng ta xét đến việc cô đứng đầu sông hát kinh vào mùa đông, xin nhìn vào hai câu tiếp “tàn đông con nước kéo lên – chút tình mới chớm đã viên thành”. Mùa đông đến em buồn, tàn đông sang xuân em vui. Huề.


Một góc nhìn về “Ðoá hoa vô thường

     Mùa đông ra hát kinh đầu sông gởi nước đem đi một thông điệp nào đó đến phía cuối sông, tàn đông con nước kéo lên, có nghĩa là có “hồi âm” hoặc sinh khí mùa xuân. Vậy là vui. Đã vui thì còn đâu buồn! thế nên “chút tình mới chớm đã viên thành”. Theo người viết hiểu từ “viên thành” là thành công viên mãn. Nói cách khác là họ bắt đầu hòa hợp nên một. Chúng ta cùng mừng cho tình yêu của hai người đã viên thành.

          “Từ nay anh đã có nàng
          Biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca
          Mùa xuân trên những mái nhà
          Có con chim hót tên là ái ân
” 

                      (khổ thơ 8)

     Toàn bộ khổ thơ số tám, cho chúng ta thấy hạnh phúc của họ. Nào là: có nàng, biết ơn sông núi, tiếng ca, mùa xuân, mái nhà, chim hót, ái ân. Ở đoạn này người viết xin dừng lại một chút ở câu “biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca”. Vấn đề gây suy nghĩ là: sao chàng đang yêu và được nàng yêu say đắm, lại không nói “biết ơn em” mà lại nói biết ơn sông núi ? Xin thưa, chàng là người có lòng biết ơn - đây là một đức tính tốt. Chàng biết ơn nàng là tất nhiên, nhưng nàng từ đâu mà có? Chàng nghĩ nàng từ đất nước - sông núi mà có. Có quê hương thì mới có nàng. Vậy chàng biết ơn sông núi và sáng tác nhạc ca ngợi sông núi gọi là đáp đền ơn sâu. Qua câu này cũng cho người nghe hiểu rằng “Chàng theo truyền thống Nho Gia”.


Nghệ thuật ca từ của Trịnh Công Sơn qua tác phẩm “Ðoá hoa vô thường

4. Tình yêu ngọt ngào - hạnh phúc dâng cao - điềm báo

     Chúng ta cùng lắc lư thật chậm theo nhịp 6/8 và âm giai Trưởng, ca từ của khổ thơ thứ 9 được vang lên, du dương, bay bổng.

     “Sen hồng một nụ - Em ngồi một thưở - Một thuở yêu nhau - có vui cùng sầu - từ rạng đông cao - đến đêm ngọt ngào - Sen hồng một độ - Em hồng một thuở xuân xanh - Sen buồn một mình - Em buồn đền trọn mối tình”.

     Người viết nhận ra, với tiết tấu đặc biệt khác so với các đoạn tiết tấu khác trong bài, với âm giai Trưởng, với nhịp điệu 6/8 hiếm gặp trong âm nhạc, tiết tấu đong đưa đu võng, du dương lãng mạn… Có vẻ đây là đoạn nhạc tác giả viết để dành tặng riêng cho Vợ Yêu Dấu. Xét về ca từ, xin có những ghi nhận sau: Cô gái ấy tên là Sen Hồng, hay Chàng gọi nàng là Sen Hồng qua hai câu cuối “Sen buồn một mình – Em buồn …” .

     Ý thứ hai: Chàng biết nàng rất yêu chàng, nhưng chàng cũng biết nàng vẫn luôn mang một nỗi buồn một mình mà chàng không thể sẻ chia!! Sao tôi biết ? Nhạc sỹ nói “em buồn một mình” đấy.

    Ý thứ ba, đã thấy dấu hiệu của vô thường ngay trong lúc hạnh phúc nhất! “Em hồng một thuở xuân xanh”. Vâng, chỉ một thuở… mà thôi!



"Đóa hoa vô thường" hòa tấu Nguyễn Ngọc Châu
5. Sinh ly tử biệt: khổ thơ thứ 10

           “Một chiều em đứng cuối sông
           Gió mùa thu rất ân cần
           Chở lời kinh đến núi non
           Những lời tình em trối trăn…


     Đã có một sự thay đổi vị trí, những khổ thơ trên nói “em đứng đầu sông”, nhưng giờ “em đứng cuối sông”. Phải chăng, tác giả muốn dùng hình ảnh dòng chảy của con sông để ẩn dụ về sức khỏe của Vợ mình, hoặc ẩn dụ về quê gốc của nàng.

     Cộng thêm thời khí “gió mùa thu rất ân cần” có nghĩa là mùa thu thì lá vàng rơi, mà lá càng nhanh rời cành khi có gió, lá càng nhanh rơi về cội hơn vì gió quá ân cần (gió mạnh!) thật khâm phục tài hoa dùng từ của ngài Trịnh. Nói là nàng yếu đau gì gì đó rồi chết… thì là văn quèn của tôi, dễ hiểu … mà dễ quên! Văn như của ngài Trịnh mới là văn.

     Nàng đã suy kiệt rồi thì lời kinh của nàng lại chuyển hướng! trước đây thì “đứng hát kinh đầu sông” (là còn hát được và còn đứng ở đầu sông, là ở đầu nguồn, là nơi của núi non cao) còn giờ thì “đứng cuối sông” chở lời kinh đến núi non là làm công việc chèo ngược dòng, khó khăn lắm thay!

     Câu “những lời tình em trối trăn” khiến người viết suy nghĩ vẩn vơ: Mái nhà hạnh phúc của hai người là ở đầu sông, nàng đứng ở cuối sông, vậy chàng ở đâu? Chưa biết! Nhưng khi nàng nói “trối trăn” thì tất nhiên phải có chàng nghe, chứ không lẽ có người khác nghe mà không phải là chàng! Vậy suy ra: chàng cũng ở cuối sông cùng nàng. Vậy cuối sông đây có ý nghĩa gì? Xin mời chúng ta cùng đọc bốn câu sau của khổ thơ số 10.

          Một thời yêu dấu đã qua
           Gót hồng em muốn quay về
           Dù trần gian có xót xa
           Cũng đành về với quê nhà
”   


     Chết rồi! nàng đã chết rồi! nhưng ông không nói từ “chết” mà lại mượn ý của thành ngữ “sinh ký tử qui”. Chết là “về! về với quê nhà”. Cách dùng từ như trên cũng nói lên ý tưởng của tác giả về Vợ Yêu là: “Em là nàng tiên giáng trần, vì yêu anh nên đã sống với anh một thời gian, rồi lại phải trở gót về tiên cảnh”.

Một góc nhìn về nhạc phẩm “Đóa hoa vô thường”

     Chúng ta là người ngoài cuộc nên trước cái chết của nàng, chúng ta có buồn đôi chút và có nỗi niềm vọng hướng chia sẻ niềm đau với tác giả, rồi xong, vì người chết thì đã chết, người sống thì vẫn phải tiếp tục sống. Thế nhưng, tác giả là người trong cuộc, là người trực tiếp đón nhận nỗi niềm tử biệt. Ông có phản ứng nào?

6. Đau khổ và thương nhớ suốt đời:

     Tiêu đề trên đại diện cho cả khổ thơ số 11:

         “Từ đó trong vườn khuya
         Ôi áo em xưa là
         Một chút mây phù du
         Đã thoáng qua đời ta


         Từ đó trong hồn ta
        Ôi tiếng chuông não nề
        Ngựa hí vang rừng xa
        Vọng suốt đất trời kia

        Từ đó ta ngồi mê
        Để thấy trên đường xa
        Một chuyến xe tựa như
        Vừa đến nơi chia lìa


        Ông Trịnh đã không đi tìm một người yêu khác, ông chỉ sống để yêu và tưởng nhớ nàng, nỗi đau gào thét trong ông như tiếng ngựa lẻ bạn hí vang não nề vang rừng khuya, nỗi đau làm tê liệt hoàn toàn mọi cảm xúc, để chỉ còn ngồi mê … Cũng trong niềm đau, ông nhìn ra “tính phù du của mọi sự”. Hợp rồi tan, đời người như một chuyến xe – đi rồi sẽ phải đến.

Một góc nhìn về nhạc phẩm “Đóa hoa vô thường”

7. Giải pháp của nhạc sỹ

     Ở khổ thơ thứ 11, diễn tả niềm đau chôn kín của tác giả, dường như vô phương giải tỏa. Thật may, tác giả đã tìm được lối ra cho mình. Chúng ta cùng nghiền ngẫm khổ thơ 12:

          “Từ đó ta nằm đau
          Ôi núi cũng như đèo
          Một chút vô thường theo
          Từng phút cao giờ sâu …


     Ở đây, càng chỉ rõ ông đã nhận ra bản chất vô thường của vạn vật. Ngay núi non hay đèo cao là biểu tượng trường tồn cũng không còn thường hằng như ông nghĩ. Giờ đây ngay núi cũng như đèo cũng vương một chút vô thường, là núi mòn – đèo hư. Ông đã có kinh nghiệm một thời để yêu. Ông có thể cùng với bạn tình trải qua những đau khổ của kiếp người: sinh – lão – bệnh, cùng trải qua bằng tình yêu và bản lãnh của cả hai người. Nhưng đứng trước “cái chết”, bạn tình của ông thúc thủ và ông cũng bó tay. Vô thường trước đây chỉ như một thử thách để rèn luyện chí làm trai, giờ vô thường được thể hiện ngay trên chuyện sinh tử của chính bạn tình! Tác giả chỉ còn biết rên “từ đó ta nằm đau!!!”. Nằm mà nhớ những thời khắc thăng hoa “phút cao” hay ngay trong góc kín của tâm hồn “giờ sâu” mà đau đớn cho cái vô thường. Trên đây là nói về cái ngộ của tác giả: về VÔ THƯỜNG.

     Nói về bạn tình “Sen Hồng” của tác giả.

      Nàng đã chết! âm dương cách biệt! không còn thấy nhau. Ông Trịnh biết rõ điều đó. Vấn đề là: ông không muốn điều đó. Xem chừng nhận định của người viết có vẻ ngang ngược quá! Xin thưa rằng nói phải có chứng, và tôi có bằng chứng như sau.

           “từ đó hoa là em
           Một sớm kia rất hồng
           Nở hết trong hoàng hôn


     Ba câu này ông nói về ai? Ai cũng dễ trả lời là nói về người ấy. Nhưng cô ấy chết rồi mà, làm sao lại biến thành hoa? Trong triết lý Nhà Phật có chuyện người luân hồi thành hoa không? Dứt khoát không có. Vậy cái ý niệm “hoa là em” của ông Trịnh từ đâu mà có? Ông đã làm “bất tử hóa” bạn tình bằng tư tưởng của Đạo Nho (Đạo Lão) là chủ trương bất tử, tức là quan niệm con người lúc chết, sự sống con người được thay đổi chứ không mất đi. Vậy “từ đó hoa là em” có nghĩa là “em biến thành hoa”.

     Tất nhiên, có thể hiểu, ông đã có một cuộc đối thoại liên tôn trong nội tâm giữa tư tưởng Nhà Phật và triết lý Đạo Nho. Người viết không dám có ý ngược gì cả, chỉ mong tìm hiểu, suy nghĩ và lý luận để hiểu được nội tâm của tác giả “Đóa Hoa Vô Thường” mà thôi.

     Thế là em bất tử, luôn ở cùng anh dưới hình dáng hoa quỳnh. Vậy ông yêu bạn tình quá cố hay giờ ông yêu hoa quỳnh? Xin thưa hai tình yêu này của ông nồng say như nhau. Và đây chính là lý do người viết nói ở cuối mục số 2/: ông đặt tên cho mối tình này là “MỘT ĐÓA HOA QUỲNH”.

     Bởi vì hoa quỳnh chỉ nở về đêm, nở nhanh và tàn nhanh, Ngài Trịnh lại bất tử hóa người yêu bằng ý niệm nàng biến thành hoa quỳnh “nở hết trong hoàng hôn – đợi gió vô thường lên – từ đó em là sương – rụng mát trong bình minh”. Rồi, thế là Người Yêu của Ngài Trịnh đã bất tử: ban đêm là hoa quỳnh, ban ngày là sương. Thi vị quá, lãng mạn quá, liêu trai lắm, chung thủy trọn đời ông Trịnh nhỉ.

     Phần ông Trịnh Công Sơn: từ đó ta là đêm vâng ông là đêm để hoa quỳnh nở, không có đêm thì không có hoa quỳnh. Vậy ông là đêm để nàng sống bất tử dưới dạng thức hoa quỳnh: đây vừa là giải pháp cho tình yêu chung thủy của ông, vừa là nguyên lý cho sự bất tử của vợ ông, lại cũng là lý do tồn tại và yêu “đêm” trong các tác phẩm khác của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.

Kết luận

     “Đóa Hoa Vô Thường” là đóa hoa không trường cửu, hoa quỳnh vào ban đêm mau nở mau tàn là một minh chứng rất rõ cho tính chất vô thường của vạn vật và con người. Nhưng khi hoa nở thì là hoa đang hiện hữu, khi hoa tàn thì lại biến thành sương vào ban ngày, bản chất của sương là nước. Vậy thì sương hay nước vẫn là những dạng thức tồn tại vào ban ngày, dẫu là cũng có một chút vô thường theo.

     Đến đêm hoa quỳnh lại nở … Vậy phải chăng đóa hoa vô thường của nhạc sỹ họ Trinh vẫn mang trong mình cái gì đấy thuộc miên trường?

     Phần còn lại của kết luận xin dành cho bạn đọc...

BVHH

Một góc nhìn về “Ðoá hoa vô thường

Phụ chú: Đôi nét về hoa quỳnh

     Cây hoa quỳnh có tên khoa học Epihyllum oxypetalum (D.C.) Haw. Thuộc họ xương rồng (Cactaceae). Cây không có lá, thân dẹp dài uốn lượn và có khía, hoa mọc từ khía. Cây có nguồn gốc từ Châu Mỹ

     Hoa nở về đêm trắng toát, thơm, hoa ăn được…
      Trong thú chơi quỳnh, các cụ cũng uống rượu chờ hoa nở, vì hoa nở có giờ, khoảng 9 - 10 giờ đêm, hoa nở rất nhanh, xòe ra 1 - 2 giờ rồi cụp lại …

      Quỳnh thường được trồng vào chậu để khiêng đi khiêng lại xem hoa dễ dàng. Trồng bằng cách cắm cành vào mùa xuân. Trồng ra bồn, ra đất đều được. Chịu nắng chịu hạn rất tốt.


     Theo truyền thuyết, thời nhà Tùy, Tùy Dạng Đế hôn quân vô đạo, trác táng, xa hoa, phung phí, đêm nọ nằm mơ thấy một cây trổ hoa đẹp. Đúng lúc đó, ở chùa Dương Ly thành Dương Châu đang đêm bỗng có ánh sáng như sao sa và hương thơm sực nức lạ lùng khiến dân chúng đổ xô đến xem. Cạnh giếng nước trong sân chùa mọc lên một cây lạ, nở một đóa hoa ngũ sắc với 18 cánh to ở trên, 24 cánh nhỏ ở dưới, hương ngào ngạt bay tỏa khắp nơi nơi. Dân chúng đặt tên là hoa Quỳnh.


(nguồn: http://www.nhipcautamgiao.net- ST sưu tầm)

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian