Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Nhạc Bolero- Song Thao (ST sưu tầm)

NHẠC BOLERO 
(Tác giả: Song Thao)

Hàn Mặc Tử (Trần Thiện Thanh)

Tôi không nhớ năm nào nhưng trước 1975, khi bản nhạc Hàn Mặc Tử của Trần Thiện Thanh đang phổ biến hết cỡ, một nhà trong xóm tôi ở Thị Nghè ngày nào cũng mở oang oang như muốn có lòng tốt cho cả xóm được nghe ké. Tội cho Hàn Mặc Tử, sáng sớm, khoảng 7 giờ mỗi ngày, đều bị đánh thức dậy đi bán trăng. Có lẽ trăng khó bán nên rao bán cả ngày cũng chưa xong. Ngày hôm sau bán tiếp.

“Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò”.


Tôi không phải là người thích nghe nhạc bolero nên cũng có lúc khó chịu. Nhưng biết nói sao, dân chúng mải mê với chuyện bán trăng, có kêu cảnh sát can thiệp về chuyện làm ồn ào cả xóm cũng không nỡ. Xóm giềng qua lại nhìn mặt nhau hàng ngày, ai nỡ cản chuyện bán buôn của ông nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Nhạc bolero ngày đó quả đã lấn át tất cả các loại nhạc khác. Với lời ca trữ tình bình dân, giản dị được viết trên những giai điệu chậm buồn đều đều có pha âm hưởng dân ca, hát bằng giọng thứ quãng âm trung hoặc trầm, nhạc bolero dễ nghe, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, chất chứa nỗi niềm của lớp người bình dân trong xã hội. Hầu như mỗi người nghe đều tìm được niềm tâm sự hoặc kỷ niệm của mình trong những bản nhạc này.

Nhạc bolero có tại miền đất phía Nam trong những năm từ 1955 tới 1975. Theo một tài liệu chưa thật chính xác thì bài bolero đầu tiên của Việt Nam là bài “Duyên Quê” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ:

“Em gái vườn quê
cuộc đời trong trắng
Dầm mưa giãi nắng
mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm
Anh biết mặt em
một chiều bên thềm
Giọng hò êm đềm và đôi mắt em long lánh sau rèm
Ai hát ngoài ao
chừng ngồi giặt áo
Giọng hò êm quá
mà anh ngỡ ai rót mật vào lòng
Anh cuốc vườn sau
mặt trời trên đầu
Ruộng vườn lên màu
vì em ước mong đây đó chung lòng”.

Nhưng nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, trong bài báo “Bài Bolero Đầu Tiên Trong Âm Nhạc Việt Nam”, đã cho bài “Nắng Chiều” của Lê trọng Nguyễn, được sáng tác vào năm 1952, mới đích thị là bản bolero đầu tiên của Việt Nam. Nhưng có người phản biện là bài “Nắng Chiều” không phải là bolero mà là rumba-bolero! Tôi mù tịt về nhạc nên chẳng dám có ý kiến.

Nhạc sĩ lão thành Tuấn Khanh, chủ nhân tiệm phở Hoa Soan rất nổi tiếng hiện nay ở Nam Cali, nhớ lại: “Khi ở ngoài Bắc, trước năm 50, 51, 52, 53, 54 bắt đầu di cư vào miền Nam thì chưa có phong trào bolero, hiếm lắm, tìm mãi mới có một bài. Vào đến miền Nam thì thấy bắt đầu từ những người ở Hải Phòng, những nhạc sĩ như Trịnh Hưng, Hoài An, Phó Quốc Thăng, Phó Quốc Lân, rồi Huyền Linh. Khi ở miền Bắc thì chưa nghe được tác phẩm Lam Phương. Ở Hà Nội thì chỉ nghe đài Sài Gòn, chưa thấy bolero và chưa thấy tác giả Lam Phương. Khi vào đến trong Nam thì những bản nhạc của Trúc Phương nổi lên.” Hai ca khúc nổi tiếng khắp hang cùng ngõ hẻm tới các phòng trà, đại nhạc hội và ngay cả ở các vùng quê hẻo lánh là “Quán Nửa Khuya” của Tuấn Khanh và Hoài Linh và “Nửa Đêm Ngoài Phố” của Trúc Phương.

Nhạc Bolero- Song Thao (ST sưu tầm)

Việc nhạc bolero phổ biến trong quần chúng bình dân khiến lợi nhuận thu được của các tác giả rất dễ chịu. Nguồn thu lớn nhất là những bản nhạc được in và bán ra dưới hình thức những tờ nhạc rời với giá ai cũng có thể mua được, ai cũng có thể hát được. Các bản nhạc thành công được các nhà xuất bản săn đón. Người ta có thể kể tới các nhà xuất bản: Tinh Hoa, Sóng Vàng, Khai Sáng, 1001 Bài Hát, Thanh Hương, Nhạc Mới, Diên Hồng, quán nhạc Mỹ Hạnh....và được phát hành tại các sạp dọc đường Lê Lợi, Công Lý với giá 7 đồng mỗi bản. Tác giả được hưởng khoảng 50%.

Đời sống tinh thần của tầng lớp bình dân phong phú hẳn lên. Túi tiền của các nhạc sĩ sáng tác nhạc bolero cũng rủng rỉnh hẳn lên. Một Tuấn Khanh khác, nhạc sĩ Tuấn Khanh “trẻ”, hiện sống ở Việt Nam, cho biết là thời đó các nhạc sĩ Hàn Châu, Đài Phương Trang, Mặc Thế Nhân đã thu vào những khoản tiền như mơ. Các ca sĩ, nhạc công thu âm cho các chương trình của đài phát thanh, và sau này cho đài truyền hình cũng ăn theo một cách sung túc. Nhạc sĩ Tuấn Khanh nhớ lại: “Chẳng hạn như, lúc đó giá thu âm một bài hát ở đài phát thanh là khoảng 500 đồng, dành cho nhạc công. Nhạc trưởng và ca sĩ thì vào khoảng 700 đồng/bài. Để dễ hình dung, đời sống vật chất lúc đó là khoảng 14 đồng/lít xăng và một lượng vàng núi thì khoảng 15.000 đồng. Tuy vậy, khi thu cho các hãng băng thì giá tiền cao hơn, ví dụ như danh ca số một thời đó là bà Thái Thanh, thu một bài hát là 5.000 đồng. Giai đoạn đó, một chiếc Honda-dame 50cc nếu mua ngay tại salon vào khoảng 25.000 - 28.000 đồng, còn nếu đặt mua bên Nhật chở qua, nguyên thùng có thể lên đến 36.000 đồng. Nhưng chỉ cần có một bài hát ăn khách thì chuyện mua một chiếc xe thời thượng như vậy rất dễ dàng. Huyền thoại trong giới ca nhạc sĩ về thu nhập, phải kể đến con số thu được hơn 2 triệu đồng cho một bài hát là “Nguyễn Thị Mộng Thường” (Trần Thiện Thanh), kế đến là “Chuyện Tình Thiếu Nữ Tên Thi” (Hoàng Thi Thơ) với thu nhập 1,7 triệu đồng”.

Nhạc bolero còn được gọi là nhạc phổ thông, nhạc đại chúng, nhạc mùi, nhạc quê hương hay nhạc sến, là loại nhạc làm ra tiền, hơn hẳn loại nhạc thính phòng hay nhạc sang. Điều này làm ngơ ngác các nhạc sĩ viết nhạc sang. Nhiều người đã đổi lối viết nhạc để có chút phần trong chiếc bánh hấp dẫn này. Như nhạc sĩ Trường Sa với các bản “Chuyện Tình Người Đan Áo” và “Hành Trang Giã Từ”, Hoàng Trọng với bài “Cánh Hoa Yêu”, Phạm Mạnh Cương với “Thế Rồi Một Mùa Hè”, và ngay cả Phạm Duy với “Ngày Em Hai Mươi Tuổi” và “Anh Hỡi Anh Cứ Về”. Biên giới giữa các nhạc sĩ sáng tác nhạc sang với nhạc sến phai mờ đi. Các nhạc sĩ chuyên chú vào nhạc bolero cũng có vài bản nhạc khá “sang”. Như Anh Bằng với “Nỗi Lòng Người Đi” và “Mất Nhau Mùa Đông”, Trần Thiện Thanh với “Người Yêu Tôi Khóc” và “Chiều Trên Phá Tam Giang”, Lam Phương với “Cho Em Quên Tuổi Ngọc” và “Chờ Người”, Nhật Ngân với “Một Mai Giã Từ Vũ Khí” và “Qua Cơn Mê”.

Nhạc bolero nhịp nhàng, dễ hát, dễ nghe, rất gần gũi với đa số quần chúng. Mỗi bản nhạc như một câu chuyện buồn vui, rất quen thuộc với đời sống thường ngày của chúng ta. Nghe bolero là nhắc nhở tới những kỷ niệm buồn vui của đời người. Tác giả Lê Phi Tân, trong bài “Bolero Chợ Nọ”, kể lại: “Hồi sinh viên, có lần cùng anh bạn ở cùng phòng ký túc xá đại học đạp xe về quê mình chơi. Trên đường từ Huế về làng, ghé vô cái quán cà phê chẹp chẹp ở chợ Tây Thành nghỉ chân và từ chiếc loa của quán giọng ca da diết của Quang Lê cất lên: “Đường xưa lối cũ, có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo. Đường xưa lối cũ có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi. Đường xưa lối cũ có tiếng ca, tiếng ca trên sông dài. Đường xưa lối cũ có tiếng tiêu, tiếng tiêu ru lòng ai”...Anh bạn là người thành phố vỗ đùi cái bép: “Tau nghe bài ni nhiều rồi nhưng chỉ có trong khung cảnh thôn dã như thế này nó mới thấm”. Tại sao lại chợ Nọ? Đây là một ngôi chợ nổi tiếng của làng Dương Nỗ, ven Huế, thuộc Phú Vang. “Bolero chợ Nọ” ý nói là thứ nhạc quê mùa. Nhưng nhiều khi cái quê mùa của bolero cũng đánh động được tâm hồn của những người thành thị, những người có kiến thức. Thích nhạc bolero nhưng họ mang mặc cảm, không dám cho bạn bè biết.

Tác giả Lý Hữu Phước, trong bài “Nhạc Sến Quê Hương”, diễn tả tâm trạng đó: “Từ năm 1954 đến 1975, âm nhạc miền Nam rất phong phú và đa dạng, gồm đủ thể loại: nhạc tiền chiến, nhạc “sến”, nhạc du ca, nhạc phản chiến, nhạc trẻ, nhạc hùng ca tâm lý chiến, nhạc tình… Hồi xưa lúc còn đi học, chúng tôi thường chê bài nhạc “sến”, cho là không có đẳng cấp (class)! Học sinh, sinh viên thường thích nghe những bài ca của các nhạc sĩ tên tuổi và các loại nhạc Tây phương bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp… Đến nỗi, hồi học trung học tôi thích mấy bài ca của nhạc sĩ Nhật Trường mà không dám công khai thú nhận vì trong đám bạn có đứa cho rằng nhạc của “Kép Nhựt” (xin đừng đọc lái) là loại nhạc demi-sến! Sau này lớn lên, tôi không thể phủ nhận được những giá trị, sự đa dạng và tính sáng tạo của nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh: ít nhứt những sáng tác của ông liên quan đến bao kỷ niệm, những địa danh, chiến trận, giai đoạn lịch sử mà thế hệ chúng tôi đã từng. Hồi xưa chúng tôi thường cho rằng các bạn thích nghe nhạc sến, gọi các bạn ấy “cải lương” hay “sến nương”. Bây giờ nghe lại những bài ca cũ mà nhớ về những chuyện thời xa xưa, những kỷ niệm cũ và cảm thấy lòng xao xuyến và thấm thía được những giá trị của dòng nhạc boléro xưa và từ nay tôi dùng danh từ “nhạc sến” một cách trang trọng”.

Tôi có thời gian thụ huấn ở quân trường Quang Trung. Quanh tôi là những chàng trai còn rất trẻ vừa dấn thân vào đời lính. Họ có những tâm tư riêng mà tôi không có. Bởi vì khi đó tôi đã trên ba chịch cái xuân xanh, chỉ đi thụ huấn chín tuần rồi trở về nhiệm sở cũ làm việc lại. Thời gian ở quân trường như một giai đoạn ngắn, xa rời công việc thường ngày rồi để lại trở về với đời sống cũ. Trong những dịp đi ứng chiến ban đêm, những chàng trai vừa khoác chiến y thường ngồi hát khe khẽ:

“Bạn ơi, mai này ai hỏi đến tên tôi
thì xin hãy đáp khoác chiến y rồi


Người thư sinh ấy đã xếp bút nghiên giã từ trường yêu với bao nhiêu bạn hiền, có về là khi nước non vui bình yên”.

Trong đêm tối, dù không cùng tâm trạng đó, tôi vẫn buồn vô hạn, nước mắt rươm rướm. Bản nhạc “sến” nhưng sao lúc đó đánh động vào lòng người đến như vậy. Chỉ sau ít tuần bộ đồ lính sẽ được tôi trút bỏ nhưng với họ, bộ đồ này sẽ dính vào người họ trong một thời gian dài cho tới khi, nếu may mắn sống còn, họ mới buông bỏ được. Ai bảo nhạc sến, nhất là nhạc lính, không có giá trị của chúng.

Ông bạn Bùi Bảo Trúc cũng có tâm trạng như tôi. “Lời ca lãng mạn, hơi bầy đặt, rẻ tiền nhưng tội nghiệp vô cùng. Tôi nhớ một tối lén đi uống bia với người bạn tiễn chàng đi lính. Bài hát ấy được hát lên bởi một người bạn bên những chai bia đầu tiên. Nội trong năm ấy, cả hai đều chết trận. Hai năm sau, tôi đi học xa, mấy năm sau mới về. Tôi không nghe những bài hát ấy nữa. Tôi nghe Beatles, rock, nhạc cổ điển Tây phương, nhạc đồng quê, nhạc dân ca Mỹ. Những bài hát như thế phải có cả trăm bài cho đến nay vẫn còn được hát lên. Hát để nhớ lại những bất hạnh của một thời tuổi trẻ. Những chuyện đáng lẽ phải quên đi. Nhưng những chuyện đó cũng lại là một phần của đời sống chúng ta.

Chúng ta phải cám ơn những bài hát ấy mặc dù chúng bi thảm, đau đớn. Chúng vẫn nhắc chúng ta về những thương tích không bao giờ lành trên cơ thể của mỗi người… Nhưng ngày nay, còn đươc mấy người hát những bài hát ấy. Và nếu hát chúng lên thì có được bao nhiêu người xúc động? Cám ơn những bài nhạc lính.

 Xin lỗi những bài nhạc lính, những bài nhạc có một thời mà không ít người trong chúng ta đã coi thường nó, cũng có thể đã khinh bỉ nó, coi nó là quê mùa, sến… trong khi chúng hay biết là chừng nào. Tôi thành thật xin lỗi những bài nhạc lính, xin lỗi các tác gỉả, những người hát chúng, một trăm ngàn lần. Mà vẫn thấy chưa đủ”.

Nhạc bolero là thứ nhạc viết cho sự buồn bã, cho những chia ly dang dở. Hơi nhạc não nề, thê lương, nghẹn ngào, đau đớn, tiếc nuối. Nó toát ra nỗi bất hạnh nhưng không hận đời, hận người. Những bản nhạc bolero đầu tiên xuất hiện sau 1954 tại miền Nam không thê lương như những bản sau này, khi chiến tranh càng lúc càng khốc liệt, số thanh niên phải rời ghế nhà trường, khoác áo ka-ki, tham gia vào cuộc chiến ngày càng nhiều. Họ ra đi vì không thể đứng ngoài cuộc chiến, dù mỗi cuộc ra đi đều mang một thảm cảnh riêng. Mẹ già, vợ dại, con thơ bị bỏ lại. Nhưng vào tuổi vừa rời ghế nhà trường, họ thường bỏ lại những mối tình với những nàng thiếu nữ ngây thơ trong trắng. Nỗi đau rời xa bao giờ cũng là những chia ly rốt ráo. Ngày mai, biết ra sao!

Sau 1975, nhạc bolero vẫn sống với dân miền Nam qua những ca sĩ hát rong tại các bến xe bến cảng. Dân miền Bắc cũng khoái nhạc bolero. Tuấn Vũ và Hương Lan đã về hát tại nhà Hát Lớn Hà Nội vào tháng 8 năm 2010. Trong suốt nửa tháng trình diễn, khán giả rầm rập kéo tới tuy giá vé cao ngất ngưởng, vé có chỗ ngồi tốt nhất lên tới 1 triệu 700 ngàn đồng mà vẫn hết bay. Mới đây, tháng 6 năm 2022, Trường Vũ cũng đã về Việt Nam trình diễn nhạc quê hương tại bốn thành phố: Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Lạt. Không biết họ có hát nhạc lính không. Tôi nghĩ là không. Nhưng tôi nghĩ những người lính bên nào cũng có những tâm tình như nhau. Có thể những người lính miền Bắc, khoảng cách của họ với người thân xa vời hơn, đời sống trong rừng núi gian khổ hơn, họ cũng có những tâm tình đậm đà hơn qua những bản nhạc lính đầy tâm sự của miền Nam.

Người lính năm xưa Quan Dương, đang sống ở hải ngoại nhưng vẫn chưa nguôi những khúc nhạc lính.

Nhà vắng chỉ có hai ông cháu mình
Để dỗ Celine ngủ
Ông nội bật tivi mở nhạc lính trữ tình
Điệu bolero vừa sến lại vừa linh
Làm hai ông cháu cùng phê tới bến
Ông nội phê vì nhớ ngày xưa đi chinh chiến
Rừng núi sình lầy nhớ bà nội ở hậu phương
Celine phê vì được ông nội thương
Đầu tựa vào vai ông lim dim đôi mắt
Celine rất ngoan vì Celine không khóc
Ông nội cũng ngon lành giấu nước mắt vào trong
Nhớ một thời mang hoài bão qua sông
Chí lớn không thành Kinh Kha bỏ mình trên đất trích
Ông nội cũng bỏ xứ khi quê hương rơi vào tay giặc
Kiếp lưu vong mới đó đã ba đời
Ai làm cho bolero chơi vơi
Cứ ray ráy xỉa vào tim rợn người không chịu thấu
Ông nội ghì chặt Celine lên bờ vai xương xẩu
Celine cũng lờ đờ như nhạc thấm vào trong
Hai ông cháu mình cứ thế mà lưu vong


Rồi cả hai chìm vào giấc ngủ.
Song Thao- 08/2022 (ST sưu tầm)
nguồn: Website: www.songthao.com

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian