Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Các cuộc di cư đầu tiên của người Kinh đến Kon Tum &sự thành lập Đình làng Lương Khế- Tường Lam

Lịch sử các cuộc di cư đầu tiên của người Kinh đến Kon Tum
và sự thành lập Đình làng Lương Khế
                                                                                                           Tác giả: Tường Lam

Kon Tum là nơi hội tụ rất nhiều dân tộc anh em sinh sống, với số dân gần 450 ngàn người. Trong đó các dân tộc bản điạ như Xê Đăng, Ba Na, Jẻ - Triêng, J'Rai, B'râu và Rơ Măm là những cư dân bản địa có mặt lâu đời ở mảnh đất này. Cho đến nửa thế kỷ XIX bắt đầu xuất hiện người Kinh lên Kon Tum sinh sống... Trong quá trình làm việc tìm kế sinh nhai, họ đã tạo ra nhiều của cải vật chất và đã cho ra đời nhiều công trình văn hóa - lịch sử có giá trị cho đến ngày nay như: Nhà thờ Tân Hương, Nhà thờ Gỗ, đình Trung Lương, đình Lương Khế, chùa Bác Ái... Trong các di tích đó, đình Lương Khế là một trong những di tích về lịch sử văn hóa của cư dân miền Trung lên lập nghiệp ở Kon Tum và còn tồn tại đến ngày nay.  

Lịch sử các cuộc di cư đầu tiên của người Kinh đến Kon Tum

      Ngược dòng lịch sử tìm hiểu về nguồn gốc di cư của người miền Trung đến với mảnh đất này lần đầu tiên, được biết: Cuối đời vua Thiệu Trị, rồi kế đến là vua Tự Đức lên ngôi (1847) nhà Nguyễn ra sắc chỉ "Bình Tây Sát Tả" bố ráp đạo Thiên Chúa. Các nhà truyền giáo phải chạy đến Bình Định ngày nay để trốn tránh sự kiểm soát gắt gao của triều Nguyễn, việc truyền giáo trở nên khó khăn. Đứng trước tình thế đó, Đức Giám mục địa phận Qui Nhơn là Stéphan Cue'not đã cử nhiều Thừa sai tìm đường lên Cao Nguyên (lúc đó còn là rừng núi hoang sơ rậm rạp có rất nhiều thú dữ và chưa có sự kiểm soát của nhà Nguyễn nơi này) để lánh nạn và đồng thời tiếp tục truyền đạo nhưng đa số là thất bại. Mãi đến khi, việc tìm đường lên Kon Tum được giao cho Thầy Sáu Do (Nguyễn Do) thì mới đạt được ý nguyện.

      Tháng 4 năm 1848, thầy Nguyễn Do đã tìm ra con đường đi qua trạm Gò ở phía Bắc An Khê để tránh con đường độc đạo qua An Sơn (An Khê) luôn bị quân của triều đình nhà Ngyễn canh giữ nghiêm ngặt. Trong vai một người lái buôn, sau đó ông xin làm người giúp việc cho một người lái buôn khác để tìm cách lên Kon Tum. Năm 1850 thầy Nguyễn Do đã dẫn một phái đoàn gồm có cha Hoàng (Fontaine), cha Phêrô (P.Combe) và bảy thầy cùng một số học trò người Kinh lên Kon Tum.

      Đến Kon Tum các cha đạo đã bỏ tiền ra chuộc một số người Kinh (mà phần lớn là người Quảng Nam, Quảng Ngãi) là nạn nhân của các cuộc đánh cướp nô lệ đang sống trong các làng người Xê Đăng và họ đã chiêu mộ người Kinh đang theo đạo ở đồng bằng muốn tránh sự truy nã của triều đình nhà Nguyễn lên thành lập những làng mới.

      Lớp người đầu tiên này thấy nơi xứ lạ, đất đai phì nhiêu dễ bề sinh nhai nên họ đã liên lạc với người thân ở đồng bằng (Bình định, Quảng Ngãi) đưa lên lập nghiệp làm ăn, và cứ thế lần hồi người lên đông đúc lập nên một làng người Kinh đầu tiên ra đời tại Gò Mít, lấy tên là làng Trại Lý vào năm 1874, sau đổi thành làng Tân Hương, buổi đầu chỉ có 15 hộ và 100 khẩu.

      Cho đến năm 1883 ở Kon Tum có 4 làng họ đạo Thiên Chúa giáo và một cộng đồng khoảng 1.500 người Kinh sống cạnh người Ba Na và Rơ Ngao phần lớn họ là người quê ở Bình Định, Quảng Ngãi.

      Cuộc chuyển cư đông nhất lần hai của người Kinh lên Kon Tum có lẽ gắn liền với việc mở mang khai thác kinh tế đồn điền cà phê, cao su, lâm thổ sản của người Pháp trong những năm đầu thế kỷ XX.

      Đến năm 1933, khu vực xung quanh thành phố Kon Tum ngày nay đã có 10 làng người Kinh, trong đó có 8 làng theo đạo Thiên Chúa giáo: Làng Tân Hương (1874), làng Phương Nghĩa (1882), làng Phương Quý (1887), làng Phương Hòa (1892), làng Phụng Sơn (1924), làng Ngô Thạnh (1925), làng Ngô Trang (1925), và 2 làng không theo đạo: Làng Trung Lương (1914) và làng Lương Khế (1911).

...sự thành lập Đình làng Lương Khế
 
     Làng Lương Khế là một trong những làng người Kinh ra đời muộn hơn, họ xuất thân là những người buôn bán, trao đổi hàng hóa trên vùng Kon Tum. Một trong những người có công đầu tiên trong việc lập làng Lương Khế là ông Đặng Ngại (còn gọi là Đặng Huynh). Sau vài lần lên Kon Tum mua bán, ông Đặng Ngại thấy nơi này còn hoang sơ, đất đai trồng trọt rất tốt nên ông đã quay về Phù Mỹ (Bình Định) kêu gọi một số gia đình lên Kon Tum khai hoang lập nghiệp. Lúc đầu số người từ bình định lên Kon Tum chỉ hơn 10 gia đình vào năm 1911 gồm có ông Đặng Ngại, Nguyễn Hy, Thái Đặng, Huỳnh Thừa, Võ Thủy, Thái Nam, Trần Văn Hóa, Trần Ô, Ngô Đình Quang, Huỳnh Kiến.
Đình làng Lương Khế tọa lạc trên đường Trần Phú - TP. Kon Tum
     Những gia đình này đã bỏ công, bỏ sức, kể cả tiền bạc để thuê mướn nhân công, bắt đầu khai khẩn đất đai. Địa điểm đánh dấu khai sinh làng Lương Khế đầu tiên đó là địa điểm Am Bà (nay thuộc góc đường Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Đình Chiểu). Trong quá trình khai hoang, mở mang đất đai ranh giới của làng lúc bấy giờ phía Bắc giáp khu rừng (đường Phan Chu Trinh), phía Nam giáp làng Tân Hương (đường Nguyễn Đình Chiểu), phía Tây giáp làng Trung Lương (đường Hoàng Văn Thụ), phía Đông giáp làng Phương Nghĩa (đường Tăng Bạch Hổ).

      Trong những buổi đầu sơ khai lập địa, dân làng phải chịu biết bao cơ cực trước cảnh hoang vu, khí hậu khắc nghiệt, sơn lâm chướng khí, sốt rét, bệnh tật, thú dữ, rắn rết, đêm đêm cọp đến tận nhà rình bắt người. Trước những khó khăn thách thức đó, dân làng Lương Khế đã đứng ra lập một ngôi đình để thờ Thành Hoàng bản xứ, với mong muốn thần linh phù hộ cho dân làng an cư, lạc nghiệp. Đó là khoảng thời gian năm 1913.

      Lúc đầu, ngôi đình chỉ dựng tạm bằng mái tranh, vách nứa, nền đất, mặt đình quay về hướng nằm trên khu đất cao ở trung tâm của làng.

      Đến khoảng năm 1924-1925, cuộc sống của dân làng đã ổn định, sung túc, đầy đủ hơn. Họ nghĩ đến việc trùng tu lại ngôi đình, mái đình được lợp ngói vảy, sườn gỗ, tường gạch vôi vỉa. Trên đầu nóc nhà có đắp nổi tượng "Lưỡng long chầu nguyệt", các hàng cột ở tiền sảnh có khắc hình rồng uốn lượn. Và vào ngày 26 tháng 06 năm 1925, Đình Lương Khế đã được vua Khải Định ban sắc thần.

      Năm 1964, ngôi đình được kiến tạo lại mới hoàn toàn, phỏng theo kiến trúc dân gian Huế do ông Phạm Văn Lưu thiết kế và đốc công xây dựng. Ngày nay đình Lương Khế tọa lạc tại phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum. Mặt đình quay về hướng Tây giáp đường Trần Phú. Nhìn tổng thể kiến trúc theo kiểu chữ Môn, gồm có Chánh điện, nhà Tiền hiền và Cô hồn, trước mặt đình tạo dựng một bức bình phong án ngự có nắp nổi hình cuốn thư.

      Chánh điện là một ngôi nhà 3 gian 2 chái, cổ lầu, gian chính giữ rộng hơn gian hai bên. Cấu trúc đình theo kiểu chồng diềm hai tầng mái, mái đình lợp ngói vảy, trên bờ nóc ở chính giữa gắn hình "Lưỡng long chầu nguyệt". Bốn đầu đao tầng mái trên, dưới mái đình gắn dây cuốn.

      Trong chánh điện, ở trung tâm thờ vua tổ Hùng Vương, ở phía sau bàn thờ Vua Hùng là bàn thờ thần, hai bên tả hữu thờ Tiền hiền khai khẩn, Hậu tiền khai cơ. Trên 4 trụ cột treo bốn câu liễn đối được sơn son thếp vàng do bà con trong làng phụng cúng. Trên các mảng tường trong chánh điện treo các bản gỗ, khắc tên những người có công góp tiền của để kiến tạo đình.

      Ở dãy nhà quay về hướng Nam thờ các vị Tiền hiền có công khai phá xây dựng làng. Dãy nhà hướng Bắc là nơi dân làng hội họp trong các ngày lễ hàng năm của làng.

      Hằng năm, cứ vào dịp từ 14 tháng 2 âm lịch và ngày 10 tháng 3 âm lịch. Trong làng thường tổ chức lễ tế Thần, giỗ tổ Hùng Vương và hội làng. Các thủ tục làm lễ rất trang nghiêm, Văn tế có bài bản do các vị chức sắc trong làng đảm nhiệm nhất là thủ tục tế lễ trời đất, được chuẩn bị lễ vật công phu để dâng lên điện thờ và cả đoàn người đi dọc theo đường Trần phú từ phía đình tiến đến Điện Thánh Mẫu (nơi thờ Mẫu Thiên Y A Na), dẫn đầu là đội khèn, trống "bát âm" tiếp theo là ban tế lễ bận lễ phục có Long Đỉnh đi trước để rước sắc thần của vua Khải Định về Đình Làng.

      Sau buổi tế lễ dân làng mới tập trung vào ăn uống và bàn việc chung của làng, qua đó mới kể cho con cháu nghe về những người có công tạo dựng nên làng. Đến tối bắt đầu khai hội...Kết thúc lễ hội, Ban tế lễ lại đưa sắc thần về cất tại Điện Thánh mẫu.

      Nhìn lại lịch sử, Đình lương Khế từ khi lập đền đến nay đã gần 100 năm tuổi, trải qua biết bao biến cố lịch sử ngôi đình đã bị hư hỏng và mất mát rất nhiều về những di vật trong di tích. Phần kiến trúc bị thay đổi, các phần lễ hội bị lãng quên không còn tổ chức nguyên vẹn như xưa. Sau ngày giải phóng, việc chia tách phường lại chia cắt làng Lương Khế cũ thành nhiều khu vực khác nhau (phường Quyết Thắng, Phường Thắng Lợi...) do đó, người dân làng cũ bị tản mác, không còn điều kiện gắn bó như trước.

      Ngoài ý nghĩa là một chứng tích của người Kinh lên lập nghiệp sớm ở Kon Tum. Đình Lương Khế còn là một công trình kiến trúc dân gian của người Việt ở vùng miền Trung Việt Nam có mặt sớm ở Tây Nguyên cần được bảo tồn gìn giữ. Bên cạnh là một di tích về kiến trúc dân gian, cùng các di vật lịch sử được lưu giữ tại đình đã góp phần làm phong phú thêm vốn di sản văn hóa của địa phương và là tư liệu quý phục vụ cho công tác nghiên cứu lich sử, địa chí của tỉnh nhà. Sự có mặt của người kinh làng Lương Khế ở đây đã góp phần lớn công sức của họ trong quá trình khai phá để biến một vùng đất hoang vu thành những làng xóm trù phú, những ruộng rẫy tốt tươi, phố xá sầm uất ở Kon Tum như ngày nay.
( nguồn:  http://www.kontum.gov.vn)

COMMENTS G+/FB:

2 Comments:
  1. Trước 1975, tôi có học lớp 2 ở đình Lương Khế.

    ReplyDelete
  2. Ông Đặng Ngại (Ngãi)chính là ông cố ngoại của mình, hiện bài vị còn đang được thờ trong đình.Tiếc là không có gia phả để lại, lớp người lớn tuổi không còn... nên con cháu như mình cũng không biết được nhiều về một thời kỳ khai phá ban đầu gian khổ của cha ông...

    ReplyDelete

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian