Liệu "Em ơi! Thành phố lại mưa" đã phải là một tuyệt tác thi ca?- Cô giáo Hoàng
Phố núi và bạn bè... Chút gì để nhớ!
Liệu "Em ơi! Thành phố lại mưa"
đã phải là một tuyệt tác thi ca?
-Cô giáo Hoàng-ĐH Sư phạm Hà nội-
EM ƠI! THÀNH PHỐ LẠI MƯA
Nghe không em lại mưa lên phố
Bao năm rồi, chiều ấy cũng mưa rơi...
Gió se sắt đưa anh vào nỗi nhớ
Mối tình thời trinh nữ xa xôi.
Thưở xưa ấy, em ơi! Như hoa nở
Say như mơ và mộng như thơ
Anh đã gặp em những tháng năm cát bụi
Khi trái tim yêu trong cõi vắng vật vờ.
Thành phố lại mưa…
Có nghe không em? Con chim trời, cá nước
Khúc nhạc chiều dìu dặt bay qua
Tình êm dịu bên em mơ màng quá
Thôi hết rồi! Tan vỡ bến bờ xa.
Tiếng mưa rơi não nề thao thức
Bóng hoàng hôn đỏ cũng xua tan
Bèo dạt sông trôi buồm anh không bến đỗ
Chân trời vương vấn dải mây lan.
Ôi, cuộc sống! Tình chỉ như màn kịch
Nào phải lỗi do anh? Đâu phải lỗi do em?
Anh đứng giữa trời mưa làm những vần thơ xao xác
Người con gái năm nào về như một bóng chim hoang...
Phạm Ngọc Thái
Nhà thơ Phạm Ngọc Thái có "chùm thơ tình trong mưa" rất có tiếng. Ở chùm thơ đó, tôi thích nhất bài Em Ơi! Thành Phố Lại Mưa này:
Nghe không em lại mưa lên phố
Bao năm rồi, chiều ấy cũng mưa rơi...
Ta đã nghe thấy tiếng mưa rơi mà là mưa rất mau... với bóng người con gái từ thuở nào đó. Nói về hình ảnh người yêu trong thơ mưa, một bài khác anh cũng viết:
Em bước nhẹ, những tháng năm hoang dại
Về bên anh mái tóc rối tơi bời
Anh hôn mãi những giọt mưa em thuở ấy
Dẫu chỉ thấy còn bong bóng vỡ đầy môi...
Đọc thơ mưa Phạm Ngọc Thái sao mà nhớ da diết về thuở ấy. Thời của tình yêu, mưa rơi lên tóc, ướt vai và ướt cả áo em. Tôi cũng thấy bồi hồi không khỏi chạnh lòng khi nghe giọng thơ anh:
Gió se sắt đưa anh vào nỗi nhớ
Mối tình thời trinh nữ xa xôi.
Theo ý trong bài thì thiếu nữ đó tác giả đã gặp vào những năm tháng phong trần dâu bể cuộc đời, chứ không phải thuở anh vẫn còn mộng mơ trên giảng đường đại học:
Anh đã gặp em những tháng năm cát bụi
Khi trái tim yêu trong cõi vắng vật vờ...
Nhưng những thông tin về đời tư tác giả bộc lộ qua các tác phẩm và dư luận, thời trai trẻ nhà thơ từng trải qua cả cuộc chiến tranh ngoài chiến trường. Vậy phải chăng cô thiếu nữ của bài Em Ơi! Thành Phố Lại Mưa này, anh đã gặp và yêu sau cuộc chiến tranh, khi đã rời bỏ đời lính trở về? Có thể người con gái, mối tình đầu của anh ở quê hương đã đi... lấy chồng. Để lại một nỗi buồn trống vắng, cô đơn trong lòng người lính... như lời thơ đã viết: Khi trái tim yêu trong cõi vắng vật vờ/- Một người lính trận lăn lộn qua cả cuộc chiến, tuổi trẻ phải vùi trong bom đạn, lại có tâm hồn lãng mạn của một nhà thơ, hẳn khi gặp một nàng thiếu nữ duyên dáng, trẻ xinh... trái tim ắt phải rung động mãnh liệt lắm! Tình yêu ấy giúp cho tuổi trẻ nhà thơ tưởng đã cỗi cằn, nay sống lại:
Thuở xưa ấy, em ơi! Như hoa nở
Say như mơ và mộng như thơ
Theo năm tháng được biết thì bài thơ tác giả sáng tác đã vào cái tuổi cập kề lục tuần rồi. Nghĩa là đến mấy mươi năm sau, vào một chiều thành phố mưa rơi lại đánh thức trái tim anh trở về với mối tình xa xưa đó:
Thành phố lại mưa...
Có nghe không em? con chim trời, cá nước
Khúc nhạc chiều dìu dặt bay qua
Hình ảnh "con chim trời, cá nước" ở đây ý muốn nói về sự xa cách, tình yêu đã trôi vào dĩ vãng... như con chim bay trên bàu trời mênh mang vô định, con cá ở ngoài sông xa tít tắp. Dẫu thế, bên tai anh vẫn văng vẳng tiếng yêu thương ngày nào tựa khúc mưa chiều dìu dặt. Em có nghe thấy, hay còn nhớ tới không? Trái tim thi nhân thổn thức hoà lẫn trong tiếng mưa thành phố, để cõi lòng bật lên thảng thốt như thể tình vừa mới mất:
Thôi hết rồi! Tan vỡ bến bờ xa...
Những dòng thơ trào ra nỉ non, tha thiết:
Tiếng mưa rơi não nề thao thức
Bóng hoàng hôn đỏ cũng xua tan
Bèo dạt sông trôi buồm anh không bến đỗ
Chân trời vương vấn dải mây lan.
Hàng loạt các hình ảnh được tác giả đưa vào làm biểu tượng: Từ tiếng mưa rơi não nề thương nhớ, đến cái bóng hoàng hôn đỏ trong cảnh chiều tà trời đất hay chiều cuộc đời của nhà thơ cũng đang nhạt nhoà, tan tác... như cánh buồm trên con sông tháng năm trôi dạt lênh đênh, không bờ bến đỗ. Lòng người thì hoang vu với vài đám mây trôi... Tất cả hoà quyện nhau để khắc hoạ tình yêu người ở trong mưa.
Tôi xin phân tích đoạn cuối cùng:
Ôi cuộc sống! Tình chỉ như màn kịch
Nào phải lỗi do anh? Đâu phải lỗi do em?
Các văn nghệ sĩ thường hay nói: Cuộc sống như một cái sân khấu lớn, ở trên đó mỗi con người là một nhân vật hay một vai diễn? Có phải vậy nên nhà thơ Phạm Ngọc Thái mới viết: Ôi, cuộc sống! Tình chỉ như màn kịch/- Tôi nghĩ, chẳng qua chỉ vì mối tình đã tan và tiếc nuối nên tác giả mới buông ra lời ca thán như thế? Bởi vì, nếu mối tình xa xưa ấy cũng chỉ như màn kịch thật, nhà thơ và người con gái kia cũng chỉ là vai diễn... thì sự chia tay là tất nhiên khi cái sân khấu đã đóng màn và tình yêu đã hết. Đằng này, mấy chục năm trôi qua mà lòng nhà thơ vẫn còn lưu luyến đến thế? Tưởng như máu tim anh đang rỏ xuống mỗi dòng thơ. Anh đã quá yêu người con gái đó nên mới buông ra lời qui tội cho cuộc sống đó thôi! Với những dòng tri kỷ ở trong thơ thì hẳn cô gái cũng đã rất yêu anh. Vậy vì sao cả hai người cùng yêu nhau mà mối tình lại tan? Ta không biết. Tác giả đã phân bua:
Nào phải lỗi do anh? Đâu phải lỗi do em?
Tôi còn nhớ bài thơ "Hoa huệ" của nhà thơ Bế Kiến Quốc (1949-2002), đã viết:
Hoa huệ trắng và bức tường cũng trắng
Sao bóng hoa trên tường lại đen?
Em đừng nhìn đi đâu thế em
Anh không biết vì sao, ai có lỗi...
Ở đây hình ảnh của bông hoa đã trở thành biểu tượng của tình yêu. Bông hoa huệ trắng và bức tường cũng trắng kia là thật. Nhưng tất nhiên bóng của nó hắt lên tường sẽ thành... đen. Ý nhà thơ muốn nói: Tình yêu có hai mặt - Nếu mặt trước của nó là hạnh phúc, niềm vui sướng và đam mê say đắm - Thì mặt sau của tình yêu lại là nỗi đau khổ vô hạn khi tan nát. Sẽ trở thành bi kịch, thất vọng của cuộc đời. Nhưng chính nhà thơ Bế Kiến Quốc cũng không lý giải nổi mối tình của mình đẹp thế sao lại vỡ? Ông xa xót mà thốt lên:
Anh không biết vì sao, ai có lỗi...
Nhưng mãi mãi vẫn còn câu hỏi
Sao bóng hoa trên tường lại đen?
Xin trở về với bài thơ Em ơi! Thành Phố Lại Mưa, khi mối tình không thành mà cũng chẳng lý giải nổi vì sao? nhà thơ cũng chỉ biết than:
Nào phải lỗi do anh? Đâu phải lỗi do em?
Phải chăng bởi duyên trời, hai người không có phúc phận được sống bên nhau? để cho con tim năm tháng phải dày vò mà tiếc nuối? để những chiều mưa rơi thành phố, anh thi sĩ lại thổn thức vì thương nhớ người yêu mà sáng tác lên những áng tình ca bất hủ để lại cho đời?... và bài thơ đã được kết:
Anh đứng giữa trời mưa
làm những vần thơ xao xác
Người con gái năm nào về như một bóng chim hoang...
Cũng không phải người con gái kia là cánh chim hoang đâu mà chính là lòng nhà thơ vất vưởng, vô vi như một bóng chim hoang. Tư duy thơ sâu lắng, ngôn ngữ hình ảnh thi ca sinh động, làn điệu nhụy nhàng mà không rơi vào sự bóng mượt nhàm chán.
Tôi cảm nhận Em Ơi! Thành Phố Lại Mưa là một bài thơ tình rất hay. Dầu thế vẫn chưa dám buông ra lời khẳng định nó đã trở thành một tuyệt tác thi ca hay chưa? mặc dù trong thâm tâm, ý nghĩ của tôi đã tin như vậy.
Cô
giáo Hoàng -ĐH Sư phạm Hà Nội
0 Comment: