Khải Mi- Hoàng Thị Viễn Du
Phố núi và bạn bè... Chút gì để nhớ!
Khải Mi
(Thương tặng Nguyễn thị Như Mai)
-*o0o*-
-*o0o*-
Từ trường khác chuyển về Nó được xếp vào lớp tôi.
Ở khuôn mặt nó, mọi cái đều to lạ thường ( Tôi không thể định hình được một thứ cây trái nào trên khuôn mặt nó cả. Trái Lê, trái Xoài hay trái Mận và trái Táo mà trái Xoan thì thú thật tôi chưa bao giờ nhìn thấy ).
Đôi mắt to, hàng mi dài cong vút. Khuôn mặt to để cân xứng với cái miệng rộng và hàm răng trắng đều tăm tắp. Chỉ có cánh mũi gọn xinh xinh là tương phản với khuôn mặt Nó.Nhanh chóng Nó là trung tâm chú ý của cả lớp. Nghịch ngợm và hài hước Nó vẽ rất đẹp. Nguyên nhân phát hiện ra tài vẽ của nó là sau tiết học của thầy Lục. Thầy giảng về cây Vông Đồng và ghi chú thêm trái nó tròn như bánh xe, hột nó rang ăn bùi và ngậy nhưng cái tác hại của nó thì thầy lại không nói.
Hậu quả là hôm sau hơn 20 đứa lớp tôi nghỉ học, đứa nào ăn ít thì cố lết đến lớp và rủ ra như con mèo ướt còn lại phải đi truyền nước vì ói mửa và tiêu chảy.
Hôm có tiết của thầy Nó đến thật sớm viết lên bảng dòng chữ thật to:
Lịch sử trái Vông Đồng.
Nguyên nhân xuất phát : Thầy Lục
Tiếp ở dưới nó vẽ một dãy hình, một cô bé đang rang hột Vông Đồng một cô ôm bụng rên “ ối đau quá má ơi ” một cô ói mửa.
Nó quay lại cười bí hiểm với những con mắt đổ dồn lên bảng, giơ gói giấy.
- Tao sẽ mời thầy ăn.
Lúc thầy vào lớp, sau màn chào hỏi thầy quay nhìn lên bảng, Nó đã đứng bên cạnh hai tay đưa gói giấy.
- Thưa thầy, thầy lừa tụi em – báo hại tụi em nghỉ học, bây giờ mời thầy cùng chia sẻ nỗi đau khổ của tụi em.
Thầy thề là không biết tác hại của nó nhưng nài nỉ, dồn ép lẫn ăn vạ cuối cùng nó cũng đẩy được những cái hột tai ác vào miệng thầy và hả hê xoa tay chờ kết quả.
Nhưng trái với dự tính của nó thầy chỉ ngậm và lén nhổ lúc nào không biết. Không trả thù được thầy nhưng từ đó Nó nổi tiếng vẻ đẹp. Lũ bạn lớp tôi vây lấy nó say mê với những cuốn truyện tranh Hoàng tử, Công chúa do nó viết và vẽ, cho thuê với giá 2 đồng một cuốn ( với cô học sinh lớp 9 như nó lúc ấy thì óc kinh doanh và cách phát huy năng khiếu khá tinh vi ).
Sau những cuốn truyện cho thuê, những cuốn chép nhạc và lưu bút ùn ùn kéo đến. Tài năng được phát huy, tiền thì rủng rẻng. Mắt no to hơn để nhìn tiền và miệng nó rộng hơn để ngoác ra cười với “ khách hàng ”.
Tôi là đứa vô danh tiểu tốt trong lớp thỉnh thoảng về cùng đường chợt thích Nó bới những trò nghịch ngợm và cái đầu thông minh của Nó.
Bao giờ Nó cũng là đứa đi học muộn nhất lớp, thường xuất hiện với vẻ ngượng ngùng ( giả tạo ) tay vân vê lọn tóc trước ngực để che hoặc là vết chè đậu đen hoặc vết tương ớt và vạt áo là tổng hợp bụi đất, vết xi rô v.v… nhìn mà phát ngán. Vậy mà nó vẫn tung tăng vào lớp, tung tăng trong sân trường, tung tăng xuôi ngược dốc mỗi ngày.
Vô tình tôi bị cuốn theo những trò nghịch ngợm của nó và thân nhau lúc nào không biết. Tốt nghiệp mỗi đứa một nghề. Tôi đi dạy, nó thì về làm kế toán ở một trường vừa học vừa làm.
Một hôm nó đến tìm tôi với môi đỏ má hồng. Tôi tròn mắt, nó cười ngạo nghễ.
- Bí quyết, bí quyết, mày thích không ?
Tôi gật đầu, nó chạy đi rửa mặt, lát sau quay lại nó thận trọng mở ví, nhẹ nhàng và nâng niu rút ra tờ giấy hương đỏ ( giấy thô được nhuộm màu đỏ để làm bao đựng hương ) và trước con mắt tò mò háo hức của tôi. Nó thè lưỡi liếm tờ giấy bặm đôi môi lại, thoa tới thoa lui cho đều và xoa lên má, thế là hai má hồng lên, đôi môi đỏ tươi.
Tôi bò ra cười như nắc nẻ, nó xịu mặt.
- Hỏi mày không làm dzậy lương không đủ ăn lấy đâu mà son phấn.
Tôi đành gật đù nhận từ tay nó ( tấm lòng thơm thảo ma quỉ ) miếng giấy hương và cũng trịnh trọng ép vào trang sách. Nhìn mặt tôi vẫn dàu dàu nó cong cớn.
- Lại làm sao rồi ? Lại ép lá Sầu Đâu làm thơ tình, rồi thấy chàng đi với người khác thì âu sầu héo hắt, lỡ đâu chị hay em gái hắn thì sao ? Mày có buồn rầu héo hắt mà chết thì hắn cũng coi như con ruồi chết thôi.
Nó đứng bật dậy dang tay xoay một vòng và nhún nhẩy.
- Này cô bé ơi ! Có thể chết như một con ruồi nhưng hãy chết trong tô canh nhà nó để nó không ăn được tô canh em nhé !
Tôi bật cười, vừa thán phục vừa sờ sợ trước cái lạc quan và tính toán của nó.
Ngày lĩnh lương đầu tiên nó rủ tôi và nhỏ H đi chơi. Đi chơi của tụi tôi lúc ấy chỉ là lang thang, thả bộ qua những ngã đường đầy thông và cây muồng vàng rôi tạt vào bánh béo Ngọc Hạnh, Ngọc Hiếu. Đích cuối bao giờ cũng là Biệt Điện với bãi cỏ xanh sạch sẽ và hàng Thông cao mát rượi, tha hồ lăn lóc và tán dóc.
Nhưng lần này hào phóng hơn, nó rũ tụi tôi vào quán, dõng dạc gọi
- Cho ba ly đá và một chai nước ngọt đi. Cô bé phục vụ ngạc nhiên nhìn – Nó gắt.
- Nghe không rõ hả, ba ly đá một chai nước ngọt.
Tôi và nhỏ H bụm miệng, nó lườm nhưng không nói gì. Đợi cô bé phục vụ đem ra như yêu cầu, nó hắng giọng.
- Cho ba tô phở nghe em.
Cô bé phục vụ chừng như sợ nghe lộn ngập ngừng, định hỏi lại, tôi vỗ nhẹ vào tay cô bé nói.
- Ba tô chứ không phải một tô ba đũa đâu em.
Cô bé rụt đầu, le lưỡi bước đi, nó nhìn tôi nheo mắt.
- Mày ăn hết tô phở có uống nỗi hết chai nước không ? không! phải không ? Đừng thắc mắc.
Ăn uống xong ba đứa lại về Biệt Điện. Nó biến đâu mất, một lúc quay lại. Nó vất trước mặt hai đứa bì Cóc dầm
- Đó, tao không hà tiện hai chai nước ngọt giờ làm gì có Cóc mà ăn. Đồ sĩ diện hảo.
Tôi và H chỉ biết cười trừ. Mọi sự đau khổ trên đời với nó đều nhẹ như lông hồng. Tôi vốn nhút nhát và chậm chạp nhìn nó như thần thánh. Nó hóa giải mọi nỗi đau khổ ( tưởng chết đi được ) của tôi một cách nhẹ nhàng.
Những lần nhìn khuôn mặt tiều tụy hốc hác vì phiền muộn của tôi, nó cười hô hố nhảy nhót chọc ghẹo, phân tích, mổ xẻ nỗi buồn của tôi thành trăm mảnh nhỏ tí - nhỏ tí.
Nó đọc sách nhiều. Dù vào đời mọi người nhìn nó như một con buôn, phe phẩy thực dụng. Chỉ tôi mới thấy ấn sau bề ngoài đó là một bộ óc thông minh tuyệt vời sự hiểu biết, cách nhìn nhận sự việc của nó mới tỉnh táo và khôn ngoan làm sao. Ở nó là một sự kết hợp, “ ngã quỉ súc sinh ” cũng là nó, ma quỉ thánh thần cũng là nó và hiện thân “ một cây si dữ, một cây bồ đề ” ( nhạc Phú Quang ) cũng là nó.
Bên cạnh đó cái nghịch ngợm cũng tăng lên theo tuổi đời của nó, làm tôi như say như tỉnh nghe nó lý giải về cuộc đời và hạnh phúc.
- Mày phải chấp nhận những cái tròn tròn méo méo của cuộc đời thôi. Tròn trịa quá cũng dễ chán mà méo mó quá cũng không được. Cuộc đời này không có gì tròn trịa cả. Cứ tròn tròn méo méo là tốt rồi.
Hành trang tôi bước vào đời cột thêm cái mặt cười nhăn nhở của nó và cái triết lý tròn tròn, méo méo đó.
Một lần với mặt cười rạng rỡ, với môi đỏ, má hồng “ giấy hương ” nó rủ tôi tới nhà người yêu của nó. Nhìn mắt nó ngời ngời hạnh phúc tôi cũng rộn rã theo. Nó nói.
- Mày biết không ? Chàng của tao cao ráo đẹp trai ác luôn. Trời ơi ! Mày mà thấy mắt chàng mày mê luôn đó. Cặp mắt đẹp nè – mũi cao – còn cái miệng thì duyên hết biết luôn.
- Thôi tao mà mê thì giành sao lại với mày.
Nó cười hì hì.
Người ra mở cổng cho chúng tôi và C người yêu nó. Không kìm được tôi “ ủa ” lên một tiếng. Nó nghiến răng trèo trẹo.
- Ủa sao dzậy cà, rõ ràng mỗi lần đi chơi với tao chàng cao lắm mà, sao giờ lùn một khúc dzậy
- Thì mày không thấy gấu quần chàng lết đất cả tấc sao. Có nghĩa là khi hẹn mày chàng đã kịp độn giày đế cao vào hiểu chưa ?
Nó ỉu xìu theo chân C vào nhà. C xin lỗi để vào chỉnh trang. Không biết anh chàng làm gì mà lâu quá. Hai đứa ngắm nhìn chung quanh nhà chán lại nhìn nhau. Chợt nó hỏi.
- Ăn bánh không mày ?
- Bánh đâu ăn ?
- Kìa.
Tôi nhìn theo tay nó, trên bàn thờ quanh nải chuối là những chiếc bánh in, bánh đậu xanh vo tròn gói trong những tấm giấy kiếng xanh xanh, đỏ đỏ xinh xắn. Tôi rùng mình, không đợi tôi hưởng ứng nó tỉnh bơ.
- Mày canh nhé.
Và nhón chân, lần lượt những cái bánh xinh xinh nằm gọn trong túi áo khoác của nó. Tôi sợ thót cả tim. Nháy mắt nó đã trở về chỗ ngồi xoay xoay ly nước trong tay.
C ra chuyện trò rôm rả. Anh mời hai đứa ở lại ăn cơm. Nó nhìn tôi rồi nói với C.
- Thôi ! Tụi em về, chắc nhỏ L trúng gió rồi, anh coi mặt nó xanh lè, trán với mũi toát hết mồ hôi rồi.
C cuống quít.
- Chết có cần dầu gió không em ? Hay để anh đưa hai cô về.
Trời ơi ! Giá lúc đó mà đủ dũng khí tôi đập cho nó một cái để nó bẹp lép như con ruồi mà không kịp tìm tô canh nào để chết thì hả dạ quá. Nó ỏn ẻn.
- Dạ thôi, để em đưa L về được rồi, hẹn anh lần sau vậy.
Tôi vội vã gần như chạy ra cổng, nó cũng rảo theo ra chiều lo lắng.
- Có sao không mày ?
Tôi nghiến răng lao như tên bắn, tai lùng bùng. Khuất xa góc đường nhà C, tôi dừng lại thở hổn hển. Nó trờ tới cười ha hả đập vai tôi.
- Đi mày ! Thẳng tới Biệt Điện chia chiến lợi phẩm. Tôi hét lên.
- Tao sợ mày rồi đó. Bữa sau tao không thèm đi với mày nữa đâu.
Nó đứng nghiêm trước mặt tôi, mắt lim dim. Hai tay chắp trước ngực.
- Mô phật bần tăng…
Tôi phì cười. Thế là xong.
-*o0o*-
Bạn bè trong lớp nó là đứa đứng nhất nhì về thành đạt. Trong cuộc sống luôn phải bon chen thủ đoạn tính toán và mưu toan nếu muốn vững chân đứng nên khó có thể nói tại sao người ta tốt vời người này mà xấu với người kia. Mỗi người một quan niệm, một cách sống. Tôi mặc kệ - lúc nào cũng nghĩ về nó – con bạn thông và nghịch ngợm của tôi, riêng tôi mà thôi.
Cái đứa tôi thất bại trong tình yêu, trong cuộc đời. Nhắm mắt bước vào cái vòng âm u, luẩn quẩn của cuộc sống, chợt buồn chợt vui. Trong đầu lúc nào cùng là một dấu chấm hỏi “ Thế nào là tình yêu ? ”. Đôi lúc tôi phải dựa vào vai nó ( bờ vai “ như cánh vạc bay ” mà lúc đi học lũ bạn thường gọi ) để nghe nó nói về Thiện Hữu Tất Đạt và tiếng OM huyền bí trong “ Câu truyện dòng sông ” của Hermann Hesse và cái tráo trở của con người trong “ Viên mỡ bò ” của Guy de Maupassant rồi câu nói “Ngày xưa làm gì có đường con người đi lại nhiều mà thành đường đó thôi”. Giờ thì bờ vai nó không còn gầy và tôi đã cũng đủ già để không còn ảo tưởng về một tình yêu không bao giờ có.
-*o0o*-
Chiều nay, nó tiễn tôi ra xe, về nơi mà tôi vừa vác nỗi buồn to như quả núi mặt ủ, mày ê đến với nó và về với tiếng muỗi vo ve bên tai.- Hãy cố yêu người mà sống – Tô son lên môi lạnh lùng
Hãy cố yêu người mà sống – mai rồi đời mình cũng qua (VTA)
Nó đưa cho tôi cuộn giấy qua cửa sổ xe.
- Tặng bức tranh mày yêu thích.
- Ủa tốt vậy sao ?
Nó chun mũi.
Tôi chồm ra cửa xe giơ điện thoại.
- Nè tao chụp cái hình này rồi phóng to gởi cho mày, để mày phân biệt thế nào là cái chun mũi của bà ngoại năm mươi và cháu bé hai tuổi nhé.
Xe chuyển bánh, nó vẫn đứng đó cười tươi rói. Tôi mở cuộn giấy.
- Cái đầu lâu toét miệng cười trên hai cục xương bắt chéo. Thêm dòng chữ “ tranh truyền thần của L ” Ôi ! Con bạn của tôi.
Nó vẫn rất là Khỉ Mai.
Hoàng Thị Viễn Du
0 Comment: