Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Đêm thu nghe quạ kêu- Thơ: Quách Tấn, diễn ngâm: Lan Hương

Đêm thu nghe quạ kê

ĐÊM THU NGHE QUẠ KÊU
                 Thơ: Quách Tấn, diễn ngâm: Lan Hương

Từ Ô Y hạng rủ rê sang,
Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng...
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng,
Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng.
Bồn chồn thương kẻ nương song bạc,
Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng.
Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi,
Tình hoang mang gợi tứ hoang mang...
     Bài thơ ra đời nhân dịp tác giả đi bốc thuốc cho mẹ một đêm có trăng và bước chân ông giẫm lên những chiếc mo nang khô gây nên tiếng sột soạt khiến bầy quạ đang ngủ trên cây bỗng giật mình vỗ cánh kêu vang dậy. Bài thơ này ông đã thai nghén mười hai năm, viết xong trong nửa đêm rồi hai năm sau mới sửa lại.
     (Nguồn: Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (1932-1941), NXB Hoa Tiên, Sài Gòn, 1967)
----------------------------------------------

Đọc thêm: (Trích biên luận của Huyền Viêm về "Ô y hạng")

     Nhà phê bình Hoài Thanh – trong cuốn Thi nhân Việt Nam – ghi chú rằng : ”…… chữ “Ô” ở đây không có nghĩa là con quạ. Quách Tấn dùng điển sai (1), nhưng điều ấy tưởng chẳng có quan hệ gì lắm”.
 
     Người yêu thơ chờ đợi câu trả lời của thi sĩ Quách Tấn, nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng hoàn toàn, chẳng hiểu tại sao. Hơn hai mươi năm sau, nhà thơ Đông Hồ trách Hoài Thanh : ”…… Đã biết rằng sai mà lại bảo rằng không có gì quan hệ. Lòng dễ dãi và tính cẩu thả đó, Hoài Thanh đâu có dè làm hại cho bao nhiêu kẻ “tận tín thư” ! (2).

     Khách yêu thơ đã hoang mang lại càng thêm hoang mang. Lẽ nào một bậc thâm nho (3), sành thơ Đường như Quách Tấn lại hiểu sai một điển tích rất thông thường và phổ biến như điển “Ô y hạng”? Vậy thì sự thật ở đâu?

     Bây giờ xin trở lại xuất xứ của điển “Ô y hạng”. Đó là nhan đề một bài thơ hoài cổ rất nổi tiếng của Lưu Vũ Tích (772-842) đời Đường, nguyên văn như sau :

Chu Tước kiều biên dã thảo hoa,
Ô y hạng khẩu tịch dương tà.
Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến,
Phi nhập tầm thường bách tính gia.


烏 衣 巷
朱 雀 橋 邊 野 草 花
烏 依 巷 口 夕 陽 斜
舊 時 王 謝 堂 前 燕
飛 入 尋 常 百 姓 家

     Tản Đà dịch :

Bên cầu Chu Tước cỏ hoa,
Ô y đầu ngõ, bóng tà tịch dương.
Én xưa nhà Tạ, nhà Vương
Lạc loài đến chốn tầm thường dân gia.


     “Ô y hạng” nghĩa là ngõ áo đen, ở huyện Giang Ninh (Nam Kinh ngày nay). Thời nhà Tấn trung hưng, họ Vương (Vương Đạo), họ Tạ (Tạ An) là hai nhà quí hiển ở đấy, con em họ đều mặc áo đen nên người ta gọi con đường có nhà hai họ ấy ở là “Ô y hạng” (chữ“Ô” ở đây chỉ có nghĩa là màu đen). Bài thơ này không hề nói gì đến con quạ cả mà chỉ nói đến con chim én (yến), ý rằng ngày trước ở lâu đài họ Vương, họ Tạ, chim én đến làm tổ rất nhiều mà bây giờ thì bay vào nhà dân dã tầm thường ẩn trú; cảnh quí hiển của Vương, Tạ đâu còn nữa, lâu đài xưa cũng đổ nát điêu tàn. Tuy nhiên chủ đích của tác giả không phải vịnh chim én (yến) mà chỉ mượn chim én để nói lên nỗi niềm hoài cổ.

     Điều đáng chú ý là chữ “Ô” (10 nét 烏) vừa có nghĩa là màu đen, vừa có nghĩa là con chim quạ. Rắc rối là ở chỗ đó. Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan viết : ”Nếu kể về sự dùng điển thì Quách Tấn đã dùng điển quá cầu kỳ, nhưng “ô y” là áo đen thì cũng có thể chỉ vào bộ lông con quạ ; song nếu bầy quạ mà ở “Ô y hạng” thì cũng khí nhạo đời quá, nhất là hai chữ “rủ rê” lại có cái ý không hay” (Nhà văn hiện đại).

     Vào khoảng năm 1967 hay 1968, trường Đại học văn khoa Sài Gòn, lúc ấy đã dời về đường Cường Để (nay là đường Đinh Tiên Hoàng), chẳng biết có phải muốn thử tài thí sinh hay không, lại ra đề thi cho sinh viên chú thích và bình giảng một bài thơ nôm rất cổ :

Ô y làng nọ vừa ban tối,
Vương Tạ lầu kia hãy hé rèm.
Chớp cánh đã gần nơi sở cậy,
Tạn màn chi quản chỗ nghi hiềm.
Líu lo như tỏ năm xưa cách,
Bay liệng dường quen chốn cũ tìm.
Lấm lét những lo không nóc đỗ,
Tơ bay hoa rụng nỗi buồn thêm (4).


     Bài thơ này trích trong một truyện thơ nôm cổ nhất ở Đàng Trong, viết hồi đầu thế kỷ 18 là “Truyện Song Tinh” (cũng gọi là Song Tinh Bất Dạ) của Nguyễn Hữu Hào (?-1713). Truyện Song Tinh ra đời trước Lục Vân Tiên gần thế kỷ rưỡi, đến nay đã hơn ba trăm năm. Đây là bài thơ “Vịnh chim yến” của một nhân vật trong truyện Song Tinh là nàng Nhụy Châu, mượn lời vịnh chim yến để tỏ tình, ngỏ ý, gửi đến người yêu lý tưởng, một nhân vật khác là chàng Song Tinh đang trọ học tại nhà nàng (5).

      Chúng ta đều biết những chữ “Ô y” và “Vương Tạ” là dùng điển trong bài thơ của Lưu Vũ Tích trên đây. Thấy một đề thi rắc rối như vậy, chắc ai cũng muốn biết các sinh viên văn khoa hồi đó đã bình giảng như thế nào. Theo lời một vị giám khảo chấm bài thi ấy thì gần phân nửa thí sinh giảng là bài thơ nói về “con chim quạ” ! Tiếc thay, những thư sinh đó cũng không hẳn là học kém cả, mà chỉ vì vội vàng, thiếu suy xét và quá tin vào sách nên lầm lẫn một cách tai hại. Nhiều sinh viên đã dẫn chứng bài thơ “Đêm thu nghe quạ kêu”của Quách Tấn mà câu đầu là “Từ Ô y hạng rủ rê sang” . Nhan đề bài thơ là “Đêm thu nghe quạ kêu” mà câu đầu là “Từ Ô y hạng rủ rê sang” thì ô y không phải là chim quạ, chớ còn là giống chim gì nữa mà rủ rê sang? (6) Thế mới chết !

     Rõ ràng “ô y” không hề có nghĩa là con chim quạ mà chỉ có nghĩa là áo đen. Vậy tại sao thi sĩ Quách Tấn lại viết như vậy và có dùng điển sai như Hoài Thanh nhận xét không?

     Khi nhà thơ Bàng Bá Lân soạn bộ “Kỷ niệm văn thi sĩ hiện đại” (2 quyển) có liên hệ với thi sĩ Quách Tấn để xin tài liệu thì nhận đước một lá thư dài của Quách Tấn trong đó có đoạn nói về “lịch sử” “tâm sự” (7) của bài thơ “Đêm thu nghe quạ kêu” như sau :

      “...Nguyên một buổi chiều cuối thu năm Đinh Mão (1927) tôi ở Trường Định xuống An Thái hốt thuốc cho bà thân tôi. Lúc trở về thì trời đã tối. Theo con đường gần và dễ đi nhất, tôi qua bến đò An Thái sang An Vinh (8), rồi theo đường ven bờ sông Côn đi thẳng lên. 

      Đêm hôm ấy có trăng nhưng không được sáng vì trời nhiều sương. Tôi vừa đi vừa nghĩ vơ vẩn. Chợt đến một khúc đường tre che khuất cả bóng trăng và mo nang rụng đầy mặt đất. Tôi giẫm phải những mo khô mới rụng, tiếng kêu sột soạt làm bầy quạ đang ngủ trên cây giật mình vỗ cánh kêu vang dậy. Tiếng kêu thình lình giữa đêm vắng nghe vừa rùng rợn vừa lạnh lùng. Cả mình tôi rởn ốc. Từ ấy tiếng quạ ám ảnh tôi luôn. 

      Cách ba tháng sau, bà thân tôi mất. Tiếng quạ vẫn cứ theo tôi, nhưng giọng rùng rợn lạnh lùng đổi thành giọng não nùng. Qua một thời gian khá lâu, tiếng nghe thưa dần và nhạt dần rồi lịm tắt. 


      Mùa hạ năm Kỷ Mão (1939), một đêm trăng tôi ngồi hóng mát cùng nhà tôi và một người bạn trên bờ đầm Nha Trang ở trước mặt nhà. Lúc ấy đã khuya. Nghe tiếng phở rao, nhà tôi gọi. Không thấy trả lời, anh bạn gọi tiếp. Tiếng gọi bị núi Sinh Trung bên kia đầm dội lại, ngân dài trong đêm khuya…. Tiếng quạ năm xưa trong tâm hồn tôi vụt thức dậy rộn ràng… Rộn ràng nhưng dịu dàng chớ không rùng rợn, cũng không não nùng như ngày trước. 


      Trở vô nhà, suốt đêm tôi không ngủ được. Tiếng quạ vang vang bên tai và gợi lên không biết bao nhiêu là ký ức. Phần thì nhớ mẹ già xưa, phần thì thương cảnh làng cũ, bồi hồi áo não…. tôi nằm im lìm để cho nước mắt trào ra. Niềm nhớ thương vơi theo nước mắt và lòng tôi êm dịu dần dần. Toan ngồi dậy ghi lại dòng cảm xúc, song thắp đèn sợ quấy rầy giấc ngủ của vợ con, tôi đành nằm yên đợi sáng. 


     
Sáng hôm sau nhằm ngày chủ nhật được nghỉ, tôi toan lấy giấy bút để làm thơ thì khách đến ! Thế là mất hết buổi sáng. Chiều đến, đóng kín cửa phòng, một mình ngồi lập ý.Vừa nghĩ đến chữ “quạ” thì liên tưởng ngay đến màu đen, đến chữ “ô”. Chữ “ô” làm nhớ đến bài thơ “Ô y hạng” của Lưu Vũ Tích. Những cảnh trong thơ hiện mơ màng ra trước mắt. Tôi đặt bút xuống bàn, ngồi nhắm mắt lại để cho lòng vui theo cảnh. Bầy yến dễ thương bỗng bay tản mác rồi nhập lại nơi một lùm tre cao. Tre che khuất bóng bầy chim én nhưng lại đưa ra mấy tiếng quạ rộn ràng. Liền đó, như một cuốn phim, những cảnh bến đò An Thái, con đường ven sông Côn dần dần hiện ra dưới bóng nguyệt mờ sương. Rồi tiếng quạ ngân lên, và theo dư âm, bến đò An Thái biến thành bến Phong Kiều của Trương Kế…. Và con sông Côn biến thành sông Xích Bích với con thuyền của Tô Đông Pha trôi chầm chậm dưới bóng trăng thu….” (9).

     Thế là bài thơ “Đêm thu nghe quạ kêu” đã hình thành trong khung cảnh ấy. Ta chú ý đến câu này của tác giả :”Vừa nghĩ đến chữ “quạ” thì liên tưởng ngay đến màu đen, đến chữ “ô”. Chữ “ô” làm nhớ đến bài thơ “Ô y hạng” của Lưu Vũ Tích”. Như vậy, theo tác giả, đây chỉ là sự liên tưởng, chứ không phải hiểu sai điển, vì tác giả hiểu chữ “ô” là màu đen chứ không phải là con chim quạ. Rồi tác giả lại viết “bầy yến dễ thương bỗng bay tản mác rồi nhập lại nơi một lùm tre cao. Tre che khuất bóng bầy chim én….” 

     Như vậy, tác giả vẫn nghĩ loài chim nói đến trong bài “ Ô y hạng” là chim én chứ đâu phải chim quạ vì lông chim én cũng màu đen.

      Liệu lời giãi bày ấy của tác giả có trả lời được sự phê bình của Hoài Thanh và có giải tỏa được nỗi băn khoăn thắc mắc của khách yêu thơ chăng?

(nguồn: http://newvietart.com)

(1) Nhà thơ Đông Hồ không chịu nhận “Ô y hạng” là điển tích mà cho rằng đó chỉ là “thi liệu.
(2) “Tận tín thư “ : đặt hết niềm tin vào sách.
(3) Thi sĩ Quách Tấn còn là dịch giả của một cuốn thơ Đường và cuốn “Tố Như thi” dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du.
(4) Theo “Truyện Song Tinh” của Nguyễn Hữu Hào do Đông Hồ khảo cứu và sao lục (trang 96). “Truyện Song Tinh” do Nguyễn thị Thanh Xuân khảo đính có một số chữ chép khác.
(5) Úc viên thi thoại” của Đông Hồ (NXB Mặc Lâm Sài Gòn 1969).
(6) Sách đã dẫn.
(7) Chữ của thi sĩ Quách Tấn.
(8) Những địa danh ở tỉnh Bình Định.
(9) Trích “Kỷ niệm văn thi sĩ hiện đại” của Bàng Bá Lân, quyển II trang 67.

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian