Cảm nhận khi đọc tập thơ SÓNG NGẦM của Ngô Nguyễn- Đặng Xuân Xuyến
Phố núi và bạn bè... Chút gì để nhớ!
CẢM NHẬN KHI ĐỌC TẬP THƠ SÓNG NGẦM CỦA NGÔ NGUYỄN
Nhận được tập thơ Sóng Ngầm cũng đã mươi ngày nhưng bận quá nên chiều nay tôi mới “lôi” Sóng Ngầm ra đọc. Giở đi giở lại, cứ vẩn vơ ý nghĩ: thơ tình của nhà thơ tuổi đã xấp xỉ 80 không biết cái “khoản yêu” kia có được “hùng hục như trâu húc bờ” hay chỉ “lả lướt” vài ba nét nhấn nhá cho có chút vị gọi là hương yêu? Nghĩ thế nên tôi chưa vội đọc mà lẩn thẩn ngồi đếm xem tập thơ có bao nhiêu bài. Vâng. Tập thơ nho nhỏ, xinh xinh với 80 bài, đa phần là những bài thơ ngắn, số đông là thơ tình. Đúng như tiêu đề của tập thơ: SÓNG NGẦM - Thơ tình Ngô Nguyễn đã trình làng.
Cũng lâu rồi, tôi lười đọc, lười viết nên hôm nay sẽ chịu khó ghi lại vài dòng cảm nhận khi đọc Sóng Ngầm, vừa để luyện trí nhớ, chống lão hóa, vừa có bài đưa lên trang blog cá nhân. Vâng! Tiện cả đôi đường! Rất thực dụng đấy ạ!
Đọc Sóng Ngầm, với những câu: Ngỡ như/ mắc bả bùa yêu/ Bốn con mắt/ cứ vụng về tìm nhau (Mắt chạm mắt), chắc sẽ có ai đó nhăn mặt: Thơ gì mà xưa cũ thế? Ờ thì... Đứng trước người mình “thích”, mình “si mê”, ai chẳng có những phút giây “vụng về” khi đưa mắt “tìm nhau”. Tình huống đấy quen lắm nhưng không hề cũ, mà luôn luôn mới. Tình yêu với những rung cảm của trái tim thì làm gì có chuyện cũ? Yêu là yêu! Thế thôi! Phải yêu, phải “thèm yêu” thì mới có những hình ảnh đẹp, lãng mạn, đầy chất thơ: Lâu nay/ khô cạn ước mong/ Dập dờn cánh bướm/ uốn cong dáng chiều...(Thèm yêu) chứ? Khi yêu, ai lại lôi khái niệm cũ mới ra để so đo?!
Ở tuổi gần 80 mà tình yêu (đôi lứa) trong ông vẫn đằm những khát khao trẻ trung, bạo dạn: Áo em/ cháy đỏ lũy tre/ Ngỡ là bó đuốc/ đốt hè nóng ran... (Áo đỏ), vẫn như những “khối tình” đượm sẵn lửa: Môi em/ diềm phải bao diêm/ Môi anh vừa chạm/ bật lên cháy bùng... (Nụ hôn đầu), vẫn thòm thèm những trận yêu được “cuồng loạn”: Nụ hôn/ cuồng loạn bão mưa/ Hạn lâu/ cơn lũ chỉ vừa mát cây! (Hạn hán). Đấy! Gần 80 tuổi, tưởng thi sĩ đi lại còn khó khăn, thở còn đã nhọc, đã khó, ấy vậy mà thi sĩ Ngô Nguyễn vẫn hừng hực “máu lửa” như thế, kém sung sức so với thanh niên cũng đâu có nhiều.
Tuy là nói vui như thế, nhưng thật lòng, thơ Ngô Nguyễn ít có những giằng xé dữ dội của tâm trạng, của những ham muốn yêu đương xác thịt mà thường là những chuyển biến rất nhẹ nhàng, những xáo trộn tình cảm vẫn còn nằm trong sự “kiểm soát” và “giữ gìn” của lý trí, kiểu: Ừ thì,/ gió thoảng mây bay/ Ừ thì,/ chỉ cái chau mày/ nhếch môi....(Ừ thì)... của những nỗi buồn chơi vơi, của những xâm chiếm nhẹ nhàng hồn cốt: Được lời/ em đến thăm nhà/ Ngó cau/ cau mới đang hoa/ bao giờ (Mùa cau)... Tình yêu đấy “sạch” quá, “lành” quá. Ôi! Tình yêu! Phải có những lườm nguýt “ứ hự”, phải có những cắn, cấu, cong người, những “nổi loạn”, hả hê... thì mới sướng, mới khoái, mới đã, mới đích thực là tình yêu, chứ cứ lượn lờ mây trôi cá lội, í a í a thì quá chán... Vâng! Tôi quan niệm tình yêu phải vậy. Có lẽ do tuổi tác, do “tạng người” mà tình yêu trong thơ thi sĩ Ngô Nguyễn mới mang mang gam trầm?
Tuy không nhiều, dù “hiếm hoi” gặp sự “nổi loạn” của Ngô Nguyễn trong tình yêu như ở “Em - Áng mây chiều”: Gió tứ phía/ Thốc bập bùng/ Cánh diều nổi loạn/ bứt tung dây giằng, hay như trong “Bão gần”: Bão nào đến/ tự nơi xa/ Từ cô hàng xóm/ thốc qua nhà mình... nhưng sự “nổi loạn” chỉ thoảng qua “bấy nhiêu” thôi cũng đã “thổi” vào “hồn yêu” của ông thêm sắc diện, khiến thơ Ngô Nguyễn đậm thêm chút hương vị của tình yêu.
Tập thơ Sóng Ngầm với những bài thơ “ấn tượng”: Tiếng Kinh, Mùa Cau, Lưng Lửng... với những câu thơ có thể gọi là tinh tế, như: Mắt nàng/ nào phải lưỡi dao/ Liếc mòn vẹt đá/ chém nhào ngã cây...(Mắt), Gặp em/ nửa lạ/ nửa quen/ Nửa vồ vập/ nửa mon men rụt rè (Nửa), Nỗi sầu/ thấm ướt trang kinh/ Gió lùa hoang lạnh/ rùng mình/ kinh rơi! (Tiếng Kinh), Ngắn dài/ chân vẫn chân thôi/ Miễn là/ đỡ được thân người thẳng ngay! (Chân dài),... tuy không mới, chưa thật sự đặc sắc nhưng như thế cũng đã có sức nặng đủ để níu giữ Sóng Ngầm đọng lại trong tâm trí người đọc.
Gập tập thơ lại, tôi cứ tiếc: Giá nhà thơ Ngô Nguyễn “máu lửa” thêm chút nữa, bạo liệt “xác thịt” thêm chút nữa... Nhưng rồi tôi lại thần người với suy nghĩ: Gần 80 tuổi rồi mà vẫn yêu được như thế là nhà thơ vẫn còn sung sức lắm, oách lắm, còn hơn chán vạn kẻ... Vài chục năm nữa, không biết tôi (kẻ đang than thở) có “máu lửa” bằng nửa của nhà thơ không? Hay lúc đấy có cố lê lết nụ cười cũng đã là quá khó...
Nhận được tập thơ Sóng Ngầm cũng đã mươi ngày nhưng bận quá nên chiều nay tôi mới “lôi” Sóng Ngầm ra đọc. Giở đi giở lại, cứ vẩn vơ ý nghĩ: thơ tình của nhà thơ tuổi đã xấp xỉ 80 không biết cái “khoản yêu” kia có được “hùng hục như trâu húc bờ” hay chỉ “lả lướt” vài ba nét nhấn nhá cho có chút vị gọi là hương yêu? Nghĩ thế nên tôi chưa vội đọc mà lẩn thẩn ngồi đếm xem tập thơ có bao nhiêu bài. Vâng. Tập thơ nho nhỏ, xinh xinh với 80 bài, đa phần là những bài thơ ngắn, số đông là thơ tình. Đúng như tiêu đề của tập thơ: SÓNG NGẦM - Thơ tình Ngô Nguyễn đã trình làng.
Cũng lâu rồi, tôi lười đọc, lười viết nên hôm nay sẽ chịu khó ghi lại vài dòng cảm nhận khi đọc Sóng Ngầm, vừa để luyện trí nhớ, chống lão hóa, vừa có bài đưa lên trang blog cá nhân. Vâng! Tiện cả đôi đường! Rất thực dụng đấy ạ!
Đọc Sóng Ngầm, với những câu: Ngỡ như/ mắc bả bùa yêu/ Bốn con mắt/ cứ vụng về tìm nhau (Mắt chạm mắt), chắc sẽ có ai đó nhăn mặt: Thơ gì mà xưa cũ thế? Ờ thì... Đứng trước người mình “thích”, mình “si mê”, ai chẳng có những phút giây “vụng về” khi đưa mắt “tìm nhau”. Tình huống đấy quen lắm nhưng không hề cũ, mà luôn luôn mới. Tình yêu với những rung cảm của trái tim thì làm gì có chuyện cũ? Yêu là yêu! Thế thôi! Phải yêu, phải “thèm yêu” thì mới có những hình ảnh đẹp, lãng mạn, đầy chất thơ: Lâu nay/ khô cạn ước mong/ Dập dờn cánh bướm/ uốn cong dáng chiều...(Thèm yêu) chứ? Khi yêu, ai lại lôi khái niệm cũ mới ra để so đo?!
Ở tuổi gần 80 mà tình yêu (đôi lứa) trong ông vẫn đằm những khát khao trẻ trung, bạo dạn: Áo em/ cháy đỏ lũy tre/ Ngỡ là bó đuốc/ đốt hè nóng ran... (Áo đỏ), vẫn như những “khối tình” đượm sẵn lửa: Môi em/ diềm phải bao diêm/ Môi anh vừa chạm/ bật lên cháy bùng... (Nụ hôn đầu), vẫn thòm thèm những trận yêu được “cuồng loạn”: Nụ hôn/ cuồng loạn bão mưa/ Hạn lâu/ cơn lũ chỉ vừa mát cây! (Hạn hán). Đấy! Gần 80 tuổi, tưởng thi sĩ đi lại còn khó khăn, thở còn đã nhọc, đã khó, ấy vậy mà thi sĩ Ngô Nguyễn vẫn hừng hực “máu lửa” như thế, kém sung sức so với thanh niên cũng đâu có nhiều.
Tuy là nói vui như thế, nhưng thật lòng, thơ Ngô Nguyễn ít có những giằng xé dữ dội của tâm trạng, của những ham muốn yêu đương xác thịt mà thường là những chuyển biến rất nhẹ nhàng, những xáo trộn tình cảm vẫn còn nằm trong sự “kiểm soát” và “giữ gìn” của lý trí, kiểu: Ừ thì,/ gió thoảng mây bay/ Ừ thì,/ chỉ cái chau mày/ nhếch môi....(Ừ thì)... của những nỗi buồn chơi vơi, của những xâm chiếm nhẹ nhàng hồn cốt: Được lời/ em đến thăm nhà/ Ngó cau/ cau mới đang hoa/ bao giờ (Mùa cau)... Tình yêu đấy “sạch” quá, “lành” quá. Ôi! Tình yêu! Phải có những lườm nguýt “ứ hự”, phải có những cắn, cấu, cong người, những “nổi loạn”, hả hê... thì mới sướng, mới khoái, mới đã, mới đích thực là tình yêu, chứ cứ lượn lờ mây trôi cá lội, í a í a thì quá chán... Vâng! Tôi quan niệm tình yêu phải vậy. Có lẽ do tuổi tác, do “tạng người” mà tình yêu trong thơ thi sĩ Ngô Nguyễn mới mang mang gam trầm?
Tuy không nhiều, dù “hiếm hoi” gặp sự “nổi loạn” của Ngô Nguyễn trong tình yêu như ở “Em - Áng mây chiều”: Gió tứ phía/ Thốc bập bùng/ Cánh diều nổi loạn/ bứt tung dây giằng, hay như trong “Bão gần”: Bão nào đến/ tự nơi xa/ Từ cô hàng xóm/ thốc qua nhà mình... nhưng sự “nổi loạn” chỉ thoảng qua “bấy nhiêu” thôi cũng đã “thổi” vào “hồn yêu” của ông thêm sắc diện, khiến thơ Ngô Nguyễn đậm thêm chút hương vị của tình yêu.
Tập thơ Sóng Ngầm với những bài thơ “ấn tượng”: Tiếng Kinh, Mùa Cau, Lưng Lửng... với những câu thơ có thể gọi là tinh tế, như: Mắt nàng/ nào phải lưỡi dao/ Liếc mòn vẹt đá/ chém nhào ngã cây...(Mắt), Gặp em/ nửa lạ/ nửa quen/ Nửa vồ vập/ nửa mon men rụt rè (Nửa), Nỗi sầu/ thấm ướt trang kinh/ Gió lùa hoang lạnh/ rùng mình/ kinh rơi! (Tiếng Kinh), Ngắn dài/ chân vẫn chân thôi/ Miễn là/ đỡ được thân người thẳng ngay! (Chân dài),... tuy không mới, chưa thật sự đặc sắc nhưng như thế cũng đã có sức nặng đủ để níu giữ Sóng Ngầm đọng lại trong tâm trí người đọc.
Gập tập thơ lại, tôi cứ tiếc: Giá nhà thơ Ngô Nguyễn “máu lửa” thêm chút nữa, bạo liệt “xác thịt” thêm chút nữa... Nhưng rồi tôi lại thần người với suy nghĩ: Gần 80 tuổi rồi mà vẫn yêu được như thế là nhà thơ vẫn còn sung sức lắm, oách lắm, còn hơn chán vạn kẻ... Vài chục năm nữa, không biết tôi (kẻ đang than thở) có “máu lửa” bằng nửa của nhà thơ không? Hay lúc đấy có cố lê lết nụ cười cũng đã là quá khó...
Hà Nội, chiều 27 tháng 09 năm 2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
0 Comment: