Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Khát- Hoàng Thị Viễn Du

 KHÁT
-Truyện ngắn của Hoàng Thị Viễn Du-

        Rũ rũ mái tóc đang còn lấm tấm những giọt mưa Qùi kéo ghế ngồi đối diện Thùy.

        Quán cà phê có hoa Qùi vàng, buổi chiều mưa vắng khách, lâu lắm rồi hai đứa mới có dịp đi rong mưa thế này kể cũng thú vị chán .

        Bản nhạc Celebre Valse của Bramhs vang lên dìu dịu :

        "Trong chiều dần im hơi nguời ngồi thương nhớ bao ngày vui, một ngày xưa cũ, đời còn đương tơ…"

        Qùi chìm đắm trong tiếng nhạc, một vùng ký ức và giấc mộng cuộc đời đang bủa vây quanh mình.


Khát- Hoàng Thị Viễn Du

        Ngày xưa lúc còn dạy học ở làng Towân, những chiều mưa như hôm nay ngóng xuống cuối dốc chờ cô bạn nhỏ. Từ trên cao chiếc xe đạp thả dài,mái tóc lồng lộng, chị nhìn và thích câu hát của TCS:

        - Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua...

        Chị thầm gọi cô ban nhỏ là "cơn mưa nhỏ êm đềm", có bạn bao nhiêu là niềm vui. Mưa, hai đứa dắt díu nhau đi lang thang rong mưa đến nhà một vài người bạn đàn hát. Nắng rủ nhau lên đồi Chưpao dang tay hét vang trên đỉnh đồi cao lộng gió.

        Thấy cuộc sống sao mà đẹp quá. Cuộc sống hồn nhiên và những niềm vui tưởng chừng như bất tận. Rồi bỗng gặp và yêu anh.

        Chẳng hiểu vì cái gì, những lời thơ hoa mỹ, giọng địa phương ngọt ngào hay cái ít nói thâm trầm che dấu của anh đã cuốn hút chị. Chị yêu anh, yêu nồng nàn, yêu tha thiết, yêu cả bước anh đi, yêu cả chỗ anh ngồi, yêu anh chị yêu cả tiếng địa phương của anh. Những ngày xa nhau, nghe đâu đó tiếng nói của quê hương anh chị cũng thấy ấm lòng và thân thiết làm sao.

        Rồi lấy nhau, cái mà chị ước mơ hy vọng đã không có, cái mà chị có được lại là cái làm cho chị thất vọng và đau khổ.

        Điều mà chị trân trọng ở một con người là lòng nhân hậu và vị tha mà sao tìm hoài không thấy. Chị ngở ngàng khi anh hoạnh hoẹ từng cái gối cưới, chiếu chăn {vì anh ở rể }và mỉa mai số quần áo ít ỏi của cô giáo vùng cao thời bao cấp. Anh thất vọng vì chị lấy chồng mà cha mẹ không cho được gì, có chăng là mớ kiến thức với tấm bằng tốt nghiệp Trung học sư phạm .

        Những ngày tháng đầu tưởng chừng hạnh phúc lại là nước mắt, những khổ đau dằn vặt làm chị lao đao. Chị không hiểu vì sao anh lấy chị, anh yêu chị vì cái gì, nhiều khi chị tự hỏi "Là anh đó ư?".

        Anh người đầu tiên kể cho chị nghe chuyện "Hai món quà tặng" của O henri và chị với ảo tưởng anh cũng như thế, yêu hết mình và cao thượng như những nhân vật trong truyện. Chị tự hỏi liệu tình yêu của mình có thể làm thay đôi bản chất một con người chăng? Vậy mà chị vẫn iêu, ngay cả khi anh tra gạn chị chuyện tiền bạc, nhưng vẫn dấu diếm gởi về cho mẹ anh, chị vẫn không hết yêu anh . Rồi nghe lời anh nghỉ dạy về quê phụng dưỡng mẹ già.

        Những năm tháng tù đày với lễ nghi phong kiến, chị héo hắt tàn tạ. Vợ chồng con cái lại dắt díu nhau vào Tây Nguyên, bắt đầu với những bữa cơm độn sắn và nương rẫy. Bạn bè khuyên chị nên làm hồ sơ xin đi dạy lại, lúc giấy tờ xong là lúc anh lâm bịnh nặng. Không thể nhìn chồng con chết đói, chị bắt đầu cho cuộc sống mới, ông anh chồng dạy cho nghề làm kẹo me.

        Thế là đạp xe đi bỏ mối cho các hàng bán lẻ, những ngày đạp xe đi từng quán mời chào, vui có, buồn có, tủi nhục có. Con dường vào huyện dài bao nhiêu chị đạp theo từng đó, đi về gần bốn chục cây số, nhưng bù lại chị có tiền để mua thuốc cho anh.

        Bữa cơm đã có hơi hướm thịt cá, những hôm hết hàng nhanh chị về sớm, tranh thủ cuốc dọn vườn tược, tối về làm hàng. Nhìn Anh xanh sao ốm yếu vẫn nén tiếng rên, ngồi giúp chị làm hàng, viên từng viên me ném vào thau đường, chị thương anh đứt ruột .

        Hai đứa con bé tí, đứa lên năm, đứa lên bảy cũng biết thương ba mẹ, em đếm viên cho vào bì, anh hơ, xâu thành từng chùm cho mẹ ngày mai đi bỏ mối, làm xong cha con lăn ra ngủ .Chị lại tranh thủ ánh trăng đem sớt ra dãy cỏ đến khuya, ông hàng xóm ái ngại: "Cô đạp xe đi cả ngày sao không tranh thủ nghỉ sớm đi ,khuya rắn xanh hay ra lắm đó". Chị chỉ dạ và cười.


Khát- Hoàng Thị Viễn Du

        Lúc đạp xe trên con đương lồi lõm với cái nắng cháy người, chị chỉ ao ước làm sao có thật nhiều tiền, để ngày nào con chị cũng có quà bánh, có tiền mua thuốc cho anh, có đường để pha nước chanh, sáng nào chị cũng có caphê để uống, thế thôi.

        Những khát vọng một thời chị dìm xuông, đôi lúc đạp xe ngang một ngôi nhà vẳng vẳng tiếng máy hát bản nhạc của TCS:


        "Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi…"

        Chị dừng xe dừng xe kiếm chỗ đứng nghe hết bản nhạc rồi đạp xe đi tiếp. Trong con mắt bạn hàng chị là người đàn bà lam lũ ít học, chị co mình lại cho vừa mắt người đời. Đôi bàn tay ngày xưa chỉ biết lướt nhẹ trên phím đàn và miệt mài với cây bút, giờ chai cứng, sạm đen.

        Chị bằng lòng với cuộc sống và hạnh phúc mỗi lần trở về nhìn da anh hồng lên một tí, hai đứa con ríu rít chia quà bánh.

        Cứ thế chị cuộn mình theo vòng quay của bánh xe.

        Cuộc sống dần đỡ hơn, anh khỏi bịnh cùng phụ chị mua bán, chị vẫn thèm thuồng ao ước có sách báo để đọc sau một ngày mỏi mệt, nhưng vùng sâu vùng xa , với đồng tiền kiếm được ít ỏi, chị đành vùi sâu ước mơ. Có anh, thời gian đạp xe của chị được chia sẻ, chị lại lao vào vườn cà phê, để an ủi mình chị thường nghĩ đến bạn bè. Những tình thân chị khép chặt trong một ngăn nỗi nhớ với trái tim nhỏ bé chia làm nhiều mảnh

        Những buổi đàn hát thâu đêm suốt sáng, những đêm mưa dầm trong con phố nhỏ, cả bọn kéo nhau rong mưa từ đầu dốc đến cuối dốc rồi ngược lại, nhìn nhau ướt như chuột lột lại phá lên cười. Những ngày lãnh lương ý ới gọi nhau đi ăn hàng, những trái bắp nướng, những miếng chuối chiên và còn nhiều, nhiều nữa, những khuôn mặt, những kỷ niệm như một cứu cánh.

        Chị làm và làm, làm mãi miết, không mệt nhọc, không cảm thấy khổ cực.

        Đời sống thay đổi thì lòng người cũng thay đổi, những bà chị anh giàu lên, cũng là lúc anh hay quát nạt, gắt gỏng khi nói về tiền bạc. Chị ngỡ ngàng khi nghe anh nói "Bà không có quyền gì hết, tiền bạc của tôi cả, của chồng chứ làm gì có công vợ. Bà có đổ mồ hôi đâu mà bà đòi hưởng, của chị của em tôi hết, bà không có gì cả "

        Chị ngồi ngây như đá, đau khổ dằn vặt, xót xa lẫn tủi nhục, tiền bạc của bà, của tôi làm chị mệt mỏi chán chường. Nhũng năm hạn, rồi giá cà phê tụt xuống, rồi thất thu. Nhũng người buôn bán nhỏ lẻ như anh chị cũng dần rơi vào bế tắc, thế là ở nhà nuôi heo, làm rẫy cũng thất bại, chị xoè tay nhận từng đồng đi chợ, tủi nhục và cam phận. Chị vẫn thèm thuồng có cà phê để uống, có sách để đọc, dù gần nhà có điểm Văn hoá bưu điện, nhưng không dám đặt mua vì sợ thâm vào khoản chi tiêu trong tháng.

        Những lần về phố, bạn bè hỏi "mày sống thế nào", chị cười "như tụi mày thấy đó tao vẫn sống, vẫn thở và vẫn thiếu văn hoá " - Ở gần bưu điện văn hoá mà thiếu văn hoá".

        - Ừ món ăn tinh thần tao đói lắm!



        Thế rồi từ những người bạn, chị có báo để đọc, có máy để nghe nhạc, chị sung sướng như tìm lại được mình. Nhưng những lời nói của anh ngày một thêm phũ phàng và tàn nhẫn. Chị thất vọng và đau khổ vô cùng, nhưng nếu để thoả mãn cái "Tôi" của chị và cái "Ta" của anh thì con chị sẽ trở thành nạn nhân mà tiếp tục chung sống thì quả là đày đoạ tủi nhục cực cùng.

        Chị nhớ, nhớ những tháng ngày bình yên diệu vợi, nhớ những cơn mưa buổi chiều dìm chị trong nỗi nhớ thương anh. Rồi chị lại nhủ "Thôi hãy ngủ yên đi, những cơn mưa êm đềm của một thời quá khứ, để ta mãi nhớ thương như đã từng thương nhớ những kỷ niệm ngọt ngào ở làng TơWân nhỏ bé xa xưa".

        Chị dằn vặt, khổ đau, âm u, lẩn quất. Cho đến một ngày, cô bạn bán cà chua ở chợ giản đơn .

        - Thôi thì bước qua thời con gái như tao với mày thì coi như mình đã chết rồi đi, chết rồi thì biết chi buồn, biết chi vui … Mày sống ngu đi, ngu để không biết tự ái, không biết nhục. Nhịn đi, nhịn không phải là thua mà là được, được cho những đứa con mày yên tâm ăn học, được cho tâm hồn tụi nó bình yên và phẳng lặng được có cha có mẹ như mọi người".

        Thế là chị thấy mình đang sống.

        Sống để chiều nay theo chân cô bạn nhỏ, sau hơn ba chục năm mới có được một buổi chiều thong dong dưới mưa đến quán cà phê nghe nhạc, tiếng nhạc như rứt ruột:

        "Yêu nguời là không nguôi sầu tình chan chứa trong chiều vơi …"

        Chị xoè tay ôm mặt, cô bạn thảng thốt:

        - Sao thế ?
        - Tao nhớ tao quá !


        HOÀNG THỊ VIỄN DU

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian