Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Mỗi ngày chọn một niềm vui- Thảo Nguyên Hoang Mã

MỖI NGÀY CHỌN MỘT NIỀM VUI.

    Thường thì đầu năm mới, thiên hạ đổ xô đi "du xuân", lên chùa cầu xin tài lộc...chúng tôi lại chọn cho mình niềm vui khác: thăm những đứa trẻ bị bỏ rơi.

       Đoàn gồm ba người: Vy, Hương và tôi. Chúng tôi lặng lẽ khởi hành về tỉnh Gialai. Buổi sáng Tây nguyên mờ sương, gió chướng mang hơi lạnh quật phần phật bên ngoài. Quanh co trên những cung đường đẹp, gần trưa chúng tôi đến huyện Chư sê thuộc tỉnh Gialai. Điểm đầu tiên đến thăm là MÁI ẤM GIUSE ( thôn 1, xã Ia Hlop). Trước đó chúng tôi đã được anh Nhuỵ Gialai, một người bạn tại Pleiku tận tình giúp đỡ hướng dẫn...nhưng vẫn gặp đôi chút khó khăn. Vừa đi vừa hỏi đường, loanh quanh với những con dốc vắng hoe không một bóng người, xe chúng tôi lọt thỏm trong vườn cao su bát ngát, vườn tiêu trĩu hạt, cà phê bông trắng nở thơm ngạt ngào trong gió. Con đường đầy ổ gà, có lúc xe xốc lắc mạnh, cô Hương - bạn đồng hành xanh tái mặt vì say xe. Sự kiên nhẫn pha chút mạo hiểm cũng được đền đáp, cuối cùng thì "Mái ấm tình thương" cũng hiện ra. Cả ba thở phào nhẹ nhõm. Lúc này đã là 13 giờ trưa. Cái nắng nóng của miền núi phà thẳng vào da thịt, nhưng không làm chúng tôi mất đi sự xúc động đến lặng người khi nhìn các cháu chạy đến ôm chầm lấy mình!

      Thầy Nhật- người chủ của căn nhà đi vắng. Thầy vừa đưa hai em bị bệnh tiêu chảy lên Pleiku điều trị, vì ở đây trạm y tế không có thuốc chữa. Chị Trang - người phụ tá của thầy Nhật cho chúng tôi biết. Vẫn chất giọng nhỏ nhẹ có lúc đứt quãng chị kể :

      -Ở đây nuôi dạy gần 100 em (*). Hầu hết là người dân tộc thiểu số Giarai. Các em bị bỏ rơi từ các buôn làng vùng sâu. Nhiều em bị bệnh bẩm sinh tật nguyền...thầy đem về nuôi dạy. Trẻ đến tuổi đi học đều được đến các trường trong địa phương để học...

      Câu chuyện của chị Trang bị gián đoạn, khi một cháu bé gái khoảng 4 tuổi bỗng nhiên gào thét, đập đầu vào tường nhà. Chị Trang vội chạy đến dỗ và đưa cho bé hộp sữa. Cháu uống một cách vô thức rồi nằm im,mắt đờ đẫn nhìn vào khoảng không vô định...

      -Dạ! Mái ấm tự phát, chủ yếu là nhờ sự giúp đỡ của bà con. Năm rồi có một chùa ủng hộ số tiền nên xây được ngôi nhà hai tầng, tầng trên cho các cháu trai ngủ, tầng dưới cho cháu gái. Chị Trang lại tiếp tục câu chuyện. Thầy Nhật một mình lo toan mọi thứ. Em phụ giúp cho thầy. Những đứa lớn đi học. Ngoài giờ học lại chăm sóc những đứa nhỏ...

      Để hai bạn chuyện trò với chị Trang, tôi lướt quanh ngôi nhà. Diện tích không lớn lắm. Ngôi nhà cũ giờ được cải tạo thành căn phòng rộng để làm nơi sinh hoạt và học tập. Sát tường là kệ sách, rất nhiều sách vở được xếp gọn gàng ngăn nắp. Một bảng đen to, ở trên là những câu: TIÊN HỌC LỄ,HẬU HỌC VĂN. MỘT CHỮ CŨNG LÀ THẦY, NỬA CHỮ CŨNG LÀ THẦY. UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN. ĂN QUẢ NHỚ KẺ TRỒNG CÂY.

      Phía trước là căn phòng nhỏ đựng mấy bao gạo, thùng mỳ gói, có khoảng 5,6 bao to áo quần cũ. Chiếc sân được bóng cây che mát, một số cháu đang tha thẩn, một cậu con trai mặc chiếc áo vàng có đôi chân bị bại liệt bé tí tẹo co quắp, đôi mắt nhìn tôi như biết nói. Em 19 tuổi. Thầy Nhật nuôi đã lâu. Em không nói được, nhưng nghe và biết. Bạn tôi mời em hai chiếc kẹo Socola, em dùng tay xoa lên đầu mình tỏ thái độ cảm ơn. Nhưng em không ăn mà chìa chiếc kẹo cho một cháu bé nhỏ hơn đang đứng cạnh. Cháu bé này bị bệnh Down, nhận kẹo và vòng tay cúi gập người cảm ơn anh! Woa! Một hành động quá đẹp! Điều đó khẳng định: các cháu bé được giáo dục đạo đức làm người rất tốt!

      Một nhóm các cháu lớn tuổi ngồi quây quần bên hai chiếc bàn trò chuyện. Thấy chúng tôi, các cháu chào hỏi rất lễ phép. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy các cháu nhỏ nhẹ ngồi bên nhau chuyện trò bằng tiếng dân tộc Giarai. Không ồn ào, không trêu đùa nhau, không xô đẩy, phá phách. Tất cả hiền lành ngoan ngoãn như đang trong giờ học.

      Còn quá thiếu thốn điều kiện, vật chất. Còn quá đơn sơ... khi gần 100 cháu bé đủ mọi lứa tuổi , từ bé sơ sinh cho đến tuổi thành niên đang chung một Mái ấm!

      Nếu không có tình thương yêu vô bờ bến, không có sự nhẫn nại đến lạ lùng...những người như thầy Nhật không thể tạo dựng và nuôi dạy các cháu. Cảm phục!

      Xế chiều, chúng tôi ra về, chia tay đầy quyến luyến. Các cháu nhỏ tiễn chúng tôi với những bàn tay bé nhỏ vẫy chào. Ánh mắt đượm buồn.

      Ai đó một lần đi ngang qua tỉnh Gialai, nếu có thời gian xin hãy ghé lại: MÁI ẤM GIUSE . Địa chỉ: Thôn 1 xã Ia Hlốp, huyện Chư sê, tỉnh Gialai để thấy nơi đây có rất nhiều mảnh đời nghiệt ngã, đang cần sự trợ giúp của mọi người!

      Mọi tấm lòng hảo tâm hỗ trợ xin liên hệ trực tiếp Thầy Nhật, ĐT: 0907891220


Đầu xuân Mậu Tuất. Mồng 5 tháng giêng (20/2/2018 )
Thảo nguyên hoang mã

Mỗi ngày một niềm vui


Mỗi ngày một niềm vui


Mỗi ngày một niềm vui


Mỗi ngày một niềm vui


Mỗi ngày một niềm vui


Mỗi ngày một niềm vui


Mỗi ngày một niềm vui


Mỗi ngày một niềm vui


Mỗi ngày một niềm vui

Mỗi ngày một niềm vui

(*): Năm trước có 71 em


Tham khảo: https://laodong.vn/xa-hoi/vu-nguoi-chong-troi-cuu-71-tre-em-mo-coi-khuyet-tat-tai-gia-lai-cac-doan-tu-thien-da-toi-tham-tang-qua-642634.bld

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian