Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Thơ chống Chuột hay thơ chống Đảng?!- ST

THƠ CHỐNG CHUỘT HAY THƠ "CHỐNG ĐẢNG" ?!?

     Đầu Xuân 1984, báo Đảng Thanh Hóa có mở cuộc thi “Xướng họa thơ vui, năm Tý nói chuyện chuột”. Ông Mai Bình- Chủ tịch Hội văn nghệ Thanh Hóa có chấp bút bài xướng:
Năm Tý về đây nhắc chuyện đời
Không coi chừng chuột, chuột sinh sôi!
Chùm nem sơ hở con chù vọc
Đĩa chả thờ ơ lũ cống lôi!
Lạ nhỉ ? chơi không toan gọn lốm,
Ở kìa ! ngồi rỗi chực ngon xơi!
Hẹn nhau sắm bả phòng năm chuột
Hễ chúng bò ra giết tiệt nòi!

Ông Hoàng Tuấn Phổ năm 80 tuổi

     Trong số các bài họa có bài của ông Hoàng Tuấn Phổ bút danh Cao Đăng- là hội viên Hội văn nghệ Thanh Hóa, nguyên bộ đội, đảng viên với 20 tuổi Đảng, từng được Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba, Huy chương chiến sĩ văn hóa :
Giống chuột làm sao vẫn sống đời?
Con đàn cháu lũ cứ sinh sôi!
Đồ ăn bè cánh chia phần nhậu,
Của để tớ thầy hợp sức lôi !
Tiếc lọ chê ai đành chuột phá,
Hoài cơm trách bạn để mèo xơi!
Triệt đường ẩn nấp hang cùng hốc,
Cống lỗ chi chi cũng hết nòi!
     Đây là bài thơ “chống chuột” thật sự đúng nghĩa đen, dù nghĩa bóng chống lại những tiêu cực thời nào cũng có. Thế nhưng tổ chức Đảng địa phương cho rằng “nó” đang “chống” Đảng! Họ phân tích: “Con đàn cháu lũ” ở đây ý chỉ “con ông cháu cha” đời nối đời hưởng đặc quyền đặc lợi. “Đồ ăn bè cánh chia phần nhậu, Của để tớ thầy hợp sức lôi” ám chỉ chuyện vây bè, kéo cánh, ăn cắp của công, tham ô, hối lộ, móc ngoặc với nhau. Của ít chia nhau ăn, của nhiều hợp sức lôi về nhà làm giàu. Không thể chấp nhận được ! Chế độ này là khối “đại đoàn kết”, chỉ có quan hệ “đồng chí” “đồng nghiệp”, tại sao lại có từ “bè cánh”, “tớ thầy” ở đây ? Cao Đăng nói “Tiếc lọ”, thì “lọ” cũng là “bình”. Mà “bình” không phải “Mai Bình” còn ai vào đây ? Hóa ra, cấp trên vì nương tay với “Bình” nên không chống tiêu cực ? Thật quá “thâm ý” ! “Hoài cơm trách bạn để mèo xơi”, “mèo” đây đích thị là những người nắm pháp luật rồi ! Dám nói họ là “hoài cơm” sao ? Lại còn định “Triệt đường ẩn nấp hang cùng hốc, Cống lỗ chi chi cũng hết nòi!” Cao Đăng muốn “diệt” tận gốc, từ “ông to” đến “ông nhỏ” kia ư ?

     Thế là chín tháng trời ròng rã, ông Hoàng Tuấn Phổ liên tục phải trần tình, kiểm điểm, suýt nữa vị khởi tố… Rốt cuộc vẫn không thể nào thanh minh được, và ngày 3.9 .1984 ông bị buộc thôi việc, khai trừ đảng vì tội “chống Đảng” !


Một trong những bản điều trần ngày ấy

     Dù sao thì ông Hoàng Tuấn Phổ vẫn còn may mắn hơn nhiều văn nghệ sỹ khác, vì năm năm sau ông đã được phục hồi danh dự. 34 năm trôi qua, giờ đây ngoài 80 tuổi, ông vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, vẫn miệt mài dồn tâm huyết cho công trình “Tinh hoa văn hóa xứ Thanh”. Nhắc lại chuyện cũ, ông chỉ cảm thán:
Sờ râu lão Tý tay còn nhớp,
Chạm vía cụ Mèo mạng suýt toi!”
ST ( lược trích từ blog Lê Xuân Quang)

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian