Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Vài cảm nhận khi đọc GỌI ĐÊM TRỞ GIÓ của Bùi Cửu Trường- Đặng Xuân Xuyến

Vài cảm nhận khi đọc GỌI ĐÊM TRỞ GIÓ
                                              của BÙI CỬU TRƯỜNG

GỌI ĐÊM TRỞ GIÓ


GỌI ĐÊM TRỞ GIÓ

Gió sao không lùa mé Tây
- cái phía nhà em không cửa.
mà cứ lọn dai, lọn dài buốt giá
len qua kính mà run!

Ở đâu, ơi ngàn thương?
Đi đâu, ơi vạn nhớ?

Nẻo về tàn lá cỏ
Lối sang mờ màn mưa...

Gió bấc căm căm rét cóng cơn mơ
thốc ngược gối gường trống vắng.

Đông mình em / cây đường lập cập.
Đông mình em / sương muối buốt khuya

Trở gió. Rét về
Sao Người không về lại?

Gầm gào gió cơn man dại
hù doạ đêm mồ côi.

      Trở gió 24/11/2016
      BÙI CỬU TRƯỜNG
      (Hạt Cát Diệu Sinh)


LỜI BÌNH:

     Tôi thích “Gọi đêm trở gió” của nhà thơ, bác sĩ Bùi Cửu Trường vì bài thơ được viết như trải lòng, rất thật mà câu chữ lại sáng, đẹp, thanh thoát. Đọc đi đọc lại, tôi càng thích bài thơ hơn. Và dù đã rất buồn ngủ, tôi cũng cố ngồi viết vài cảm nhận về bài thơ hay, nhưng buồn mà đẹp này.

     Ấn tượng níu giữ tôi đầu tiên là câu:
Nẻo về tàn lá cỏ
Lối sang mờ màn mưa..
.
     Câu thơ thật hay, đẹp. Và cả lạ nữa.

     Tôi chưa được gặp cách diễn tả nỗi đau xa cách nào bằng hình ảnh: “Nẻo về tàn lá cỏ / Lối sang mờ màn mưa...”, hay và lạ vì bảng lảng nét liêu trai như thế. Có thể là vì tôi ít đọc, nhất là thơ thì lại càng lười đọc nhưng ở 2 câu thơ này, cách diễn đạt như thế, không phải là tình cảm nhớ nhung thông thường vì xa cách, mà là vời vợi những nhớ thương của người sống với người đã khuất, là nỗi đau khôn nguôi bởi sự cách trở bất khả kháng của Âm - Dương cách biệt. Đấy là câu thơ hay và đẹp của tình nghĩa Tào Khang, hoàn toàn không dành cho tình yêu trai gái.

     “Nẻo về tàn lá cỏ / Lối sang mờ màn mưa...” cứ bồng bềnh nhân ảnh, cứ bảng lảng nét liêu trai, như là những ngăn trở bất khả kháng, càng khiến nỗi trống vắng trong “Gọi đêm trở gió” thêm hoang hoải, xót xa.

     Tôi đã suýt bật khóc khi đọc:
Trở gió. Rét về
Sao Người không về lại?
     Câu “Trở gió. Rét về” được ngắt làm 2 nhịp bằng dấu chấm ngăn cách, đã đẩy sự cô đơn, trống vắng của “Gọi đêm trở gió” thêm vời vợi, xót xa. Đấy không chỉ là lời cảm thán của tâm trạng xót xa khi Đông về mà là cả sự nhớ nhung được dồn nén bấy lâu. Đọc: “Sao người không về lại?”, tim tôi như thắt lại, cứ mường tượng tới hình ảnh một thiếu phụ ngoái đầu, đăm đắm ánh nhìn hướng về phía cánh cửa như đang ngóng chờ một “Người” nào đó rất quan trọng “về lại”, diết da lắm, mà cũng tuyệt vọng lắm. Câu thơ bật ra như tiếng thổn thức của nỗi lòng, như trải ra để mong được vơi đi nỗi nhớ nhung đang bào xát con tim. Dường như vì sự nhớ thương đến khắc khoải, cũng da diết đã từ rất lâu, khiến thiếu phụ đụt hơi, đuối sức. Câu: “Sao Người không về lại?”, nghe như một tiếng nấc nghẹn của sự nhớ thương đến tuyệt vọng, âm điệu nhỏ dần, nhỏ dần, xót xa, nghẹn đắng:
Trở gió. Rét về
Sao Người không về lại?
     Hình ảnh đẹp. Rất thơ! Rất họa! Tôi cứ ngẩn ngơ với ý nghĩ: Giá như bài thơ dừng lại ở đây thì hay hơn, vì như thế bài thơ sẽ gợi cảm xúc hơn, ấn tượng hơn, và chất thơ sẽ đẹp hơn.

     Vâng! Đấy chỉ là vài cảm nhận của tôi khi đọc “Gọi đêm trở gió”. Và những cảm nhận đó có thể sẽ không trùng với ý tác giả, nhưng như thế thì tôi cũng rất cám ơn nhà thơ Bùi Cửu Trường đã cho tôi thưởng thức một bài thơ hay, để tôi thêm cảm nhận về một cung bậc tình cảm qua bài thơ lấp lánh những nhớ thương đến xót lòng.

Hà Nội, 3 giờ sáng 02.03.2018
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian