Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Vầng trăng bên sông- Sông Cửu

VẦNG TRĂNG BÊN SÔNG
(Truyện ngắn Sông Cửu)
1.

Dòng sông quê tôi ngoằn ngoèo, tháng - năm bên bồi - bên lở. Nội kể thuở nội còn con gái, lòng sông chỉ là cái lạch nhỏ do nước đổ dài theo lối dấu chưn đi của bầy rái  tạo thành. Khi nước ròng sát, xăn quần lội qua ngang không ướt. Vậy mà lúc tụi tui lên tám thì nó rộng phình ra, bề ngang có chỗ đến mười hai, mười ba thước, tàu ghe ngược xuôi tắp nập, nhà cửa san sát chen chút ven bờ. Chiều chiều nước lớn người từ đồng ruộng trở về tắm giặt, bơi lội khiến hai bên bờ sông càng náo nhiệt thêm . Những đêm sáng trăng má thường dẫn tôi lên trên cầu mát ngồi nghe tiếng hò lảnh lót của chị Bảy đưa đò:

Hò ơ ...Đầu nhà có ba bụi duối
Cuối nhà  có cội cây đa ... ơ ...
Anh đi đâu nhớ ghé lại nhà...hò
Trước thăm phụ mẫu ... hò ơ...
Trước thăm phụ mẫu... Sau là thăm em...ơ !
Vầng trăng bên sông

Cuộc sống bình an, giản di, mộc mạc của người dân quê tôi năm xưa là như thế. Vậy mà trãi qua bao "vật đỗi sao dời" , tôi vẫn không đời nào quên được . Đi đâu vài ba ngày tôi cũng nhớ con sông , nhớ quê . Tôi thầm nghĩ, nếu không có dòng sông, thì bà con "hai sương một nắng" quê tôi không biết trút nỗi nhọc nhằn cơ cực nơi nào ?! Hồi đó, nếu có ai hỏi: "Quê hương là gì ? Chắc chắn tôi sẽ trả lời không chút đắn đo: CON SÔNG và VẦNG TRĂNG. Ôi! Vậy mà bây giờ vì một hoàn cảnh "nghịch lý" thúc đẩy tôi phải đành xa nó... Nhưng tôi luôn luôn thầm thương trộm nhớ nó! Tôi luôn tạ ơn Đấng đã tạo dựng ra nó. Tôi nghĩ. Có nó; Dòng sông và vầng trăng thì con người sẽ sống yên lành và nhân ái hơn.
Hò ơ... Chèo ghe bẻ bắp bên sông
Bắp chưa cứng hạt bẻ bông làm cờ.
Niềm vui tuổi thơ của tôi được cất giữ trong hai câu hò dễ thương nầy. Bãi bồi bên kia sông là thôn Giồng-Đồng quê ngoại tôi. Từ Hè đến Thu, rẫy bắp trồng nối dài thoai thoải .Qua mùa nầy, nguồn vui đám trẻ con chúng tôi nâng lên gấp đôi ngày tư, ngày tết. Đêm sáng trăng lũ nhãi ranh xóm tôi cũng tụ tập ra đây đủ mặt. Lũ con trai bên kia sông theo cậu Năm . Đám con trai bên nầy sông theo chú Út, dàn quân hai bên chơi trò "Cờ Lau Tập Trận", mê lắm. Cậu Năm và chú Út giao: bên nào thua phải vào rẫy của mình bẻ bắp về đãi bên thắng... Còn bọn con gái chúng tôi thì làm "em gái hậu phương", chia nhau đi lượm củi khô, ôm rơm ra bờ sông chờ đoàn quân thắng trận mang bắp trở về .

Trăng vừa mọc lên là trận chiến mở màn. Hạm đội "ghe tam bản" của chú Út nhắm thẳng mục tiêu rẫy bắp tiến công. Chiến thuyền "xuồng ba lá" của cậu Năm tôi cũng dàn quân dọc bên kia bờ sông để đánh trả. Tiếng kèn lá, tiếng hò reo hòa với tiếng trống thúc quân bằng thùng thiếc giục giã liên hồi. Hai viên "Tư Lệnh" chú Út và cậu Năm đứng trên cầu lượt trận chấm điểm ai thua, ai thắng. Khi ánh trăng treo lơ lửng trên ngọn cây quéo đầu làng, là lúc chiến trận kết thúc. Đám "Em Gái Hậu Phương" tụi tui cũng bắt đầu đốt lửa. Số bắp trái bên thua trận bẻ mang về đều để nguyên vỏ bỏ vào lửa nướng. Vị ngọt của bắp tỏa thơm ngây ngất. Bọn con trai mình sũng ướt, đầu còn đội mão xanh làm bằng lá bắp có cắm cờ lau, ồn ào, ca hát, nhảy múa quanh lửa như những người rừng. Đầu đảng trong đám tiểu yêu phía cậu Năm tôi là một anh chàng nhóc có biệt danh là Thanh "Cào Cào" bởi cặp giò dài khi đi cũng như chạy của anh ta. Đêm nào Thanh cũng lén bẻ thêm một trái bắp dành riêng đem tặng cho tôi (lén,vì cậu Năm và chú Út dặn mỗi đứa chỉ bẻ 1 trái thôi) Anh ta học trên tôi mấy lớp . Khi tôi học lớp ba trường làng thì anh ta học lớp nhứt trường tỉnh . Vậy mà lúc nào anh chàng cũng gọi tôi bằng "Cưng" , làm như người ta là con nít còn bồng. Ghét nhứt là mỗi lần đưa bắp cho tôi, anh ta chống nạnh hai tay bảo giọng kẻ cả:

- Huệ! Cho cưng nè. Ăn đi. Ngoan!

Tôi trừng mắt cự lại:

- Bắp ăn cắp... Ai thèm !

Tụi con gái cười rần rần chọc quê... Tôi tưởng anh ta nổi quạu, ai ngờ anh ta tỉnh bơ. Còn nhăn răng cười nữa chớ. Thấy dễ ghét!

Đêm khuya. Con nước rông tràn bờ, làm dòng sông mênh mông . Bắp nướng chín, cả bọn xúm lại chia nhau, xít xoa cạp nóng quanh ánh lửa bập bùng. Tiếng ca hát, tiếng trò chuyện quyện thơm với mùi bắp nướng ngập tràn hương vị quê tôi !

3.

Có niềm vui nào chẳng tàn đâu. Tuổi thơ dù đẹp mấy rồi cũng qua. Những năm lên Trung học. Cứ mỗi lần gần tới Hè, thì bọn tôi lại nôn nao muốn được mau về thăm lại dòng sông trăng thân yêu quê tôi. Thỉnh thoảng tôi cùng mấy nhỏ bạn rủ nhau đạp xe ra bến Bạch Đằng để xem tàu và ngắm trăng lên từ bên kia bờ Thủ Thiêm. Đứa nào cũng bảo: "Trăng Sài Gòn không đẹp bằng trăng quê mình!" Năm vừa học xong Đệ Nhị thì bà nội gọi tôi về. Vì theo quan niệm xưa của bà là con gái dù học giỏi đến đâu rồi cũng phải về "làm dâu" cho thiên hạ thôi. Tôi xin ba cho học tiếp, ba bảo không dám cãi lời nội. Thấy tôi khóc, cô tôi cằn nhằn ba tôi:

- Con nhỏ đang học giỏi. Khi khổng khi không cậu bắt nó bỏ học. Cậu mợ sợ hao tốn để chị lo cho nó .
- Đâu phải ý vợ chồng em. Ba tôi nói - Nội nó định gả nó cho thằng Thanh, con thầy giáo Nho ở Tân Hào đó. Cậu Năm nó làm mai. Ngoại nó cũng bằng lòng rồi. Vợ chồng em cũng muốn để cho nó học tới nơi, tới chốn như ý chị, nhưng ai dám cãi má ?

Nghe ba nói tôi tức cậu Năm xanh mặt. Khi không đi làm mai làm mối gã cháu cho cái ông tướng "Cào Cào" nầy hè...Nhớ lại trò chơi "Cờ Lau Tập Trận", Thanh Cào Cào bẻ bắp tặng tôi, gọi tôi bằng "cưng", bị mấy nhỏ chọc quê, tôi tức cười nhưng cố cắn chặc môi dằn lại không cười. Cô tôi nhìn thấy tưởng là tôi tức giận nên đến vuốt tóc tôi an ủi:

- Thôi, theo ba con về đi. Đừng cãi lời nội, nội buồn. Ít bữa cô về thưa lại với nội. Biết cô thương nên tôi bướng:

- Gả chồng... Con không thèm chịu đâu. Cô tôi cười rồi dỗ ngọt:

- Cháu là đứa con ngoan. Không nghe lời nội để mang tội bất hiếu à ? Lời răn của Chúa là phải hiếu kính với ông bà cha mẹ. Con quên rồi sao? Bà nội thương, lo cho con, con phải biết hiếu thảo chớ. Ý con thế nào, thì về tỏ bày cho nội biết. Ép dầu ép mỡ chứ ai nỡ ép duyên. Con gái đừng ăn nói ngang bướng như vậy không nên. Phạm Lời Răn CHÚA buồn con đó...

Nghe cô tôi nhắc LỜI RĂN, lòng tôi bỗng thấy nhẹ hẳn ra. Bao nhiêu nan đề trong thi cử học hành, trong suy tư trăn trở suốt chặng đường của tuổi học trò tôi đều cầu xin Chúa và luôn được Ngài ban cho. Có lần nào Chúa bỏ tôi đâu. Bầy cháu tám đứa, tôi là đứa được nội cưng chiều nhiều nhất . . .Trong lúc đầu óc tôi nghĩ ngợi lung tung thì cô tôi nắm tay bảo tôi qùi xuống. Tôi thấy cô tôi rơm rớm nước mắt .Nhưng bà vẫn lớn tiếng cầu nguyện cho tôi:

- Chúa ơi! Con xin dâng phó định mệnh cháu Huệ và gia quyến con cho Ngài !

Tôi cũng nhắm mắt thầm xin Đức Chúa Trời an bày cho cuộc đời mình. Và cũng thật lạ lùng, tôi cảm thấy trong lòng vô cùng bình thản. Và tôi ngoan ngoãn theo ba tôi trở lại dòng sông và vầng trăng tuổi thơ của tôi...

4.
"GHÉT CỦA NÀO TRỜI TRAO CỦA ĐÓ"

Kính mời qúi bà, qúi chị, qúi vị nghe lại "mẫu đàm thoại vui" của hai vợ chồng anh Thanh và Chị Huệ bạn học cũ của bà xã tui( người kể lại phần đầu trong câu chuyện nầy). Hiện anh Thanh và chị Huệ đang định cư tại California Hoa Kỳ trong cùng một chung cư với chúng tôi:

Chị Huệ: (đang nói chuyện với Lê Quế Anh thì quay lại gọi chồng)

- Nè! Ông ơi!

Anh Thanh: (Buông tờ báo nhìn vợ)

- Tới nữa... Chuyện gì đây?

Chị Huệ : (cười cười... hỏi giọng thắc mắc )

- Tui đố Ông và chị Anh nghen.Tại sao người già ưa nhắc về chuyện qúa khứ qúa vậy?

Anh Thanh: ( Cười khà...vui vẽ )

- Có gì khó hiểu đâu... Những người giữ niềm tin được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời như anh chị em mình thì an tâm theo sự an bày của Thượng Đế. Còn những ai chưa có cơ mai gặp được Chúa, nhất là tuổi cao niên hoặc trung niên, ranh giới giữa sống và chết. Biết chuyện tương lai thế nào nữa mà hỏng nhắc nhiều về quá khứ? Như bà chẳng hạn, nếu không có Thánh Kinh soi dẫn thì tôi nghĩ rằng, chắc tối ngày bà cũng chỉ nhắc "Vầng Trăng Bên Sông - Cờ Lau tập trận - Thanh Cào Cào - Bẻ bắp cho em..." toàn ba cái chuyện đồ cổ thôi. "Cưng" thấy đúng hông ?

Chị Huệ: (Lườm chồng...nhìn chúng tôi cười )

- Xí ! Tui ghét cái tiếng "cưng" cũ mèm đó lâu rồi nghen !

Anh Thanh: (Gật gù, cười khà khà...)

- Ghét đúng thôi. Vì tiếng "cưng" là qúa khứ. Nhưng Anh và anh Tư nghĩ coi . Cái qúa khứ riêng tư nầy nó gắng liền với hiện tại và tương lai. Hồi còn là cô bé răng khểnh, tui lén bẻ bắp nướng cho bả cạp cười chơi, tui cũng gọi là "cưng". Viết bức thư tỏ tình đầu tiên khi bả học xong trung học, tui cũng viết rõ ràng là "Cưng thân yêu !" Rồi từ ngày thành vợ thành chồng đến nay tôi có thay đổi chữ "cưng" hồi nào đâu ? ( Anh Thanh quay sang bà xã  tôi ) Có chị Anh biết đó . Lòng dạ tui thẳng ngay vậy đó, chứ ai như bả (!)

Chị Huệ: (trừng mắt)

- Tui làm sao? Tui thay đổi à ?
Anh Thanh: (Tằng hắng, cười cười nói với vợ chồng tôi )
- Đó! Anh chị thấy chưa ? Bả đổi thay mà bả đâu có hay... Hồi vợ chồng son lúc nào bả cũng gọi Anh ơi...Xưng Em với tôi ngọt xớt. Chừng có đứa con đầu lòng bả đổi tiếng Anh thành “Mình”. Sanh thêm ba đứa nữa cái bả đổi Mình thành "Ba Sắp Nhỏ". Mới có thằng cháu ngoại nè, mấy tháng nay thôi, bả gắn cho tôi tiếng "Ngoại Thằng BOY" liền. Đi đâu cũng gọi " Ông ngoại ơi . . .Ông ngoại ơi !" Dễ tức ! ( Anh Thanh gật gật đầu cười nhìn chị Huệ hỏi) - Ghét. Sao ưng tui làm chồng? Ghét. Sao có 4 mặt con? Ghét. Sao bỏ Dòng sông - Vầng trăng - rẫy bắp theo người ta qua Mỹ chi vậy?...Bà lý giải coi tại làm sao ? . . .

Chị Huệ : ( làm mặt nghiêm )

- Thì..."Ghét của nào Trời trao của đó chớ sao". Ai cũng biết . Khỏi lý sự chi dài dòng...

Anh Thanh: (lắc đầu lia lịa...)

- Trật rồi cưng ơi! Theo tui, định mệnh mỗi con người đều do Chúa an bày . Mưu sự tại nhân - Thành sự do Thiên đồng nghĩa với "ghét của nào Trời trao của đó" như cưng đã nói. Cưng thấy đúng hong? . ...

Chị Huệ : ( mĩm môi , giọng như nói lẫy )
- Đúng . . .Đúng tuốt tuột. Ai cãi lại mấy người miệng lưỡi... Nhưng "ông ngoại" làm ơn cho xin lại tiếng "cưng" đi . . .
Vợ chồng tôi và anh Thanh nheo mắt nhìn chị Huệ cưới trừ...


(Viết tặng chị Huệ và anh Thanh)
Sông Cửu

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian