Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Tết xưa, tết nay- ST

TẾT XƯA- TẾT NAY

           Tết xưa - Tết nay không thể tránh khỏi có những điểm khác biệt. Thời gian trôi qua, có những phong tục tập quán đã dần phai nhạt và nhiều người cũng không còn háo hức chờ đón cái Tết như xưa nữa. Càng so sánh, chúng ta càng tiếc nuối cho những truyền thống dân tộc đang dần mai một. Tết xưa – Tết nay đáng vui hay đáng buồn là do cảm nhận, cách đón Tết riêng của mỗi người. Tuy nhiên, có những điều không thể thay đổi: Tết vẫn là dịp gia đình sum vầy, người người nhà nhà đều mong muốn Tết để về với gia đình, dành cho bố mẹ, ông bà những lời chúc từ tận trái tim.

         Vậy Tết xưa vui hơn hay là Tết nay đang dần nhạt đi? Chúng ta thử điểm qua một số thay đổi dễ thấy:


1- Thiệp chúc tết:

      Thiệp chúc tết với những hình ảnh về tết và mùa xuân cùng những lời chúc tốt đẹp nhất dành cho những người thân gần như đã biến mất trong vài năm trở lại đây. Có lẽ do thành tựu của thời đại công nghệ thông tin- người ta chúc nhau bằng  tin nhắn di động, qua các mạng xã hội…dễ dàng, nhanh chóng hơn là viết tay trên những tấm thiệp in sẵn và mất công, mất thời gian để gởi bưu điện như cách cổ truyền.


Tết xưa, tết nay

2. Bánh, mứt Tết:

      Tết xưa dân dã với những hộp bánh mứt Tết đơn giản, không quá cầu kỳ. Bánh, mứt ở quê thường gồm những món truyền thống tự làm như mứt dừa, mứt gừng, bánh in, bánh thuẩn... Bánh mứt ở thành phố thường mua sẵn, chủng loại phong phú tùy thích và thường có thêm một số hoa quả khô. Tết ngày nay những hộp mứt Tết chủ yếu được sản xuất công nghiệp và trang trí cách điệu sang trọng. Vẫn còn nhiều gia đình chọn cách làm mứt Tết tại nhà để đảm bảo an toàn, độ ngon miệng cũng như màu sắc đẹp mắt. Bên cạnh những hộp mứt Tết, thì những giỏ quà Tết sang trọng cũng được chọn lựa để làm quà biếu

3. Bánh chưng ngày Tết:

      Gói bánh chưng ngày Tết là một nét văn hóa đẹp truyền thống không bao giờ thay đổi được. Nếu như Tết xưa cả gia đình quây quần cùng gói bánh chưng bên nhau, thì ngày nay nhiều gia đình chọn cách mua bánh chưng, bánh tét làm sẵn ngoài hàng để tiết kiệm thời gian. Người ta thường nói chiếc bánh chưng gói sẵn đã vô tình tước đi mất tiếng cười nói rôm rả, tiếng trẻ con vui đùa bên nồi bánh chưng ngày Tết. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều gia đình chọn cách gói bánh chưng tại nhà để mang hơi ấm Tết về với gia đình, cũng như chia sẻ cho con cháu những nét văn hóa độc đáo của dân tộc.


Tết xưa, tết nay

4. Mua hàng Tết:

      Thói quen mua sắm Tết vẫn được giữ gìn từ Tết xưa đến Tết nay. Ngày xưa, vào những ngày giáp Tết các gia đình đều đi chợ quê sắm sửa quần áo mới cho trẻ nhỏ; đồ dùng, thực phẩm cho 3 ngày tết. Ngày nay, người dân chọn cách mua sắm Tết tại các trung tâm thương mại, siêu thị để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả cũng phải chăng. Việc dự trữ thực phẩm trong 3 ngày tết cũng giảm nhiều do người mua bán nhỏ thường mở hàng mua bán sớm, có nơi từ chiều mùng 1 tết đã nhóm chợ lại rồi.

5. Đốt pháo:

      "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh" đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về. Nếu như Tết xưa nhà nhà có tràng pháo giấy treo trước cửa để đốt, thì ngày nay pháo hoa được thay thế trong đêm giao thừa. Pháo hoa được bắn ở các địa điểm lớn, người dân háo hức đi chơi sớm, tìm những địa điểm đẹp nhất để ngắm pháo hoa. Pháo hoa đêm giao thừa chắc chắn sẽ đem lại sự thích thú cho trẻ con. Việc này đặt các gia đình trẻ vào tình thế khá nan giải: làm sao vừa đem lại cho con niềm vui thưởng thức pháo hoa mà lại vẫn chu toàn việc cúng tổ tiên đêm giao thừa đúng theo truyền thống bấy lâu của dân tộc để con trẻ hiểu được không khí thiêng liêng của đất trời vào thời khắc chuyển giao năm cũ – năm mới.


Tết xưa, tết nay

6- Truyền thống đoàn tụ, xum họp, thăm hỏi nhau:

      Tết trong quan niệm của người xưa là dịp để các thế hệ cháu con về đoàn tụ sum vầy bên bàn thờ tổ tiên và  mâm cơm gia đình. Tết nay nhiều gia đình trẻ chọn cách đi du lịch và ăn Tết trong quán xá, nhà hàng. Tết xưa cũng là dịp để bà con, bạn bè, hàng xóm láng giềng đi lại thăm nhau ( dù ngày thường vẫn gặp nhau đều đều); dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và bỏ qua, xí xóa những giận hờn, khúc mắc trong cuộc sống năm cũ. Truyền thống  tốt đẹp này còn duy trì khá tốt ở thôn quê, còn ở thành phố mai một đi nhiều

      Những câu thơ dí dỏm để thể hiện sự khác biệt giữa Tết xưa và Tết nay:


Tết này chẳng giống Tết xưa
Chẳng ai còn nhớ Tết xưa thế nào
Tết xưa cảm xúc nao nao
Tết nay cảm xúc cho vào hư vô
Tết xưa sếp thưởng tiền đô
Tết nay sếp thưởng hàng lô về dùng
Tết xưa chẳng muốn trôi qua
Tết nay chỉ muốn ở nhà cho xong
Tết xưa dạo bộ lòng vòng
Tết nay đánh võng uốn cong vỉa hè
Tết xưa bánh kẹo nước chè
Tết nay thanh niên chỉ nhăm nhe hút cần
Tết xưa nhọ nồi tình thân
Tết nay "sát phạt" mới gần nhau hơn
Tết xưa mọi thứ giản đơn
Tết nay vay mượn để hơn mọi người
Tết xưa xong Tết vui cười
Tết nay xong Tết nhiều người bi oan
Tết xưa được nhận phong bao
Tết nay con cháu nhao nhao đòi quà
Tết xưa tụ họp gần xa
Tết nay chỉ thấy lên bar, vũ trường
Tết xưa đốt pháo đầy đường
Tết này đốt pháo lên phường nha bây
Tết xưa đi hội ngắm cây
Tết nay đi hội bẻ cây bẻ cành
Tết xưa con trẻ hiền lành
Tết nay tí tuổi đã thành "dân chơi"
Cho dù thay đổi nhiều rồi
Nhưng đừng quên Tết ai ơi nhớ về!

      Còn rất nhiều những nét đẹp văn hóa cũng như phong tục truyền thống được giữ gìn từ Tết xưa đến Tết nay như xin lộc đầu xuân, lỳ xì, du xuân hay xin chữ... Mặc dù có nhiều thay đổi, song Tết vẫn là dịp quan trọng để cả nhà sum vầy, cùng nhau chúc Tết, cùng nhau cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc.

ST biên soạn từ interrnet

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian