Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Một thời binh lửa (kỳ 5)- Phan Nhật Bắc

MỘT THỜI BINH LỬA
(Hồi ức của Phan Nhật Bắc)
(xem lại kỳ 1, 2, 3, 4   
KỲ 5:

     Sài Gòn ồn ào náo nhiệt xe cộ, khói mù mịt, tiếng kèn inh ỏi điếc tai. Còn được 24 tiếng trước khi vô trường quân y, tôi lên xe ôm về nhà Dũng, tranh thủ thăm ba mẹ Dũng và chị Trang

Một thời binh lửa

     Căn nhà đồ sộ ngay trên đường Trương Minh Giảng đối diện viện Đại Vạn Hạnh làm tôi chùn tay, bên trong hai con chó to lớn nhìn ra không sủa, tôi kiếm soát lại địa chỉ, đúng rồi không sai. Tôi bấm chuông. Người đàn bà chạy ra, tôi đoán là vú nuôi. - “Chào vú con là bạn Dũng”, bà nghe xong không trả lời chạy vào bên trong. Trên sân thượng có đôi mắt một cô gái nhìn xuống. Mẹ Dũng chạy ra ôm lấy tôi khóc như mưa: “L đây hả ? mẹ cám ơn con đã lo chu toàn cho thằng Dũng”. Bà xưng mẹ với tôi ngọt ngào, tôi ôm bà dìu vào nhà. Cô bé chạy xuống nhìn tôi ngỡ ngàng. Căn nhà rộng mênh mông, trên bàn thờ hình Dũng lung linh dường như cười với tôi. Mẹ Dũng bảo:

     - Con lên lầu tắm rồi xuống đây dùng cơm nói chuyện. Trân đưa anh lên lầu chỉ phòng cho anh

     Trân chạy trước sau khi ném cái nhìn ra hiệu về phía tôi, đôi chân như con chim non thoăn thoắt lên thang lầu. Tôi bám theo bén gót. Dòng nước mát làm tôi tỉnh lại. Tôi diện bộ đồ vàng tiểu lễ huy hiệu trường quân y đỏ chói xuống lầu. Vắng chị Trang đi theo chuyến bay dài ngày. Mọi người chờ sẵn vừa ăn vừa nói chuyện. Nghe kể lại nguyên nhân chuyện Dũng mất, mẹ Dũng trách:

     - Sao con không đích thân chăm sóc nó?

     - Dạ con xin lỗi, chuyền cho nó 600cc máu xong con mệt quá nên không thể…

     Bà ồ lên khóc lớn và nhào tới ôm hun tôi khắp mặt mày:

     - Con ơi mẹ không biết nên trách con, mẹ xin lỗi.
    
     Tôi nhìn sang Trân và vú nuôi hai người cũng khóc, tôi buông đũa đứng lên lại bàn thờ Dũng thắp hương xong hỏi:

     - Bố đâu mẹ ?

     Bà khóc lớn hơn trả lời:

     - Bố mất năm vừa rồi, còn Dũng là con trai duy nhất…

     Tôi chếnh choáng ngồi xuống, bữa ăn dang dỡ trong nỗi buồn vây quanh, không gian cô đọng im lặng. Tôi quay trở lại bàn thờ Dũng gục đầu thật lâu, nước mắt hối hận tuôn tràn. Nếu đêm đó tôi cố gắng túc trực bên giường bệnh thì Dũng không chết, shock nước biển ít khi xảy ra nếu y tá có lương tâm một chút

     Trân đứng sau lưng tôi tự bao giờ, em bá vai tôi nói:

     - Mai mình đi thăm anh Dũng nhé !
Một thời binh lửa

     Nghĩa dũng đài và vành khăn tang Thanh kiếm, tượng người lính ngồi tiếc thương trước nghĩa trang Quân đội biên Hoà đìu hiu dưới mặt trời 10 giờ sáng, ánh mắt xa xăm dịu vợi. Tôi nhìn tượng người lính như một người bạn lâu năm về thăm, rồi dìu mẹ Dũng và Trân đi giữa hai hàng mộ tìm vần D. Mộ Dũng nằm đó với số quân, cấp bậc truy thăng. Tấm hình trên bia mộ bổng vụt sáng khi tôi quỳ xuống. Dũng ơi tao đây, thằng Bắc kỳ người em xóm Đạo, tao về thăm mày đây và sẽ tìm báo tin cho người con gái tên Như Nguyện nữ sinh Gia Long…

     Tôi trình diện Đại tá bác sỹ HCL chỉ huy trưởng cùng bác sỹ thiếu tá TXD trưởng phòng Huấn luyện đưa sự vụ lệnh chờ nhập khoá. Quay lại nhà Dũng, mẹ Dũng và Trân khuyên tôi đừng vào nội trú, cứ ở cùng họ cho đến khi học xong. Tôi đang phân vân thì mẹ Dũng nói:

     - Con cứ ở đây, nhà không có đàn ông mẹ buồn quá. Mẹ nhận con làm con nuôi chịu không?

     Tôi cảm động gật đầu quỳ xuống lạy bà một lạy và nói:

     - Con mồ côi mẹ lúc lên hai, xin mẹ nhận con một lạy.

     Cả nhà khóc òa. Trân nhào vào ôm tôi hun tới tấp, tôi sung sướng trong mái ấm gia đình từ đây. Công việc học hành cũng tuần tự đến, tôi thực tập tại Quân y viện Cộng hoà nhiều hơn. Chiếc xe La Dalat của ba nuôi tôi để lại tôi dùng lái đi hàng ngày. Rồi một chiều mưa tầm tả, về nhà, tôi thấy chiếc xe Air Viet Nam trước cửa. Vừa mở cổng, chị Trang nhào ra như cơn gió ôm tôi:

     - Em đừng nói chị biết hết rồi, chúc mừng em là thành viên của gia đình

     Hai chị em vào nhà, cười nói vui vẻ và vô cùng hạnh phúc trong tình thương yêu mới. Tôi kể về gia cảnh của mình, hẹn tất cả sẽ đi thăm ba má và em gái tôi sau khi tôi xong khoá học.

     Tôi bặt tin Huyền. Rồi Phương thuyên chuyển về Trung tâm chỉnh hình Nha trang, nó viết thư không nói gì đến nàng, tôi thêm bồn chồn lo lắng. Đọc được tâm trạng tôi chị Trang an ủi:

     - Em có chuyện không vui, bị bồ đá à? Chị cười giòn tan giọng cười trong như pha lê vỡ

     - Chắc vậy chị ơi

     Hai chị em đứng trên lan can nhìn xuống dòng người như con sông uốn khúc trên đường .

     - Em mà để bồ đá là quá dở.

     - Biết sao chị, gái thời chiến mà.

     Rồi chị Trang lên ca đi bay. Bé Trân thì đi học nó học lớp 9 bằng Thảo em gái tôi. Sáng sáng thuận tiện tôi thả nó xuống trường. Nó rất thương tôi, hay bắt kể đủ chuyện về lính, chuyện Dũng cùng bạn bè, chuyện thương binh, chuyện những người Thượng… Nó rất thích thú và cười ngặt nghẽo, nhìn nó có một tủ áo dài chục cái, tôi chợt nhớ Huyền và em tôi, lòng mang mang buồn.

     - Anh đang nhớ bạn gái hả? Trân lên tiếng

     - Bạn gái anh không thư cho anh buồn quá.

     Nó ngây thơ nói:

     - Như vậy bạn gái anh quên anh rồi, thôi có em nè đừng buồn.

     Tôi giựt mình, ồ con bé nầy, nhưng nhìn đôi mắt nai ngây thơ nhìn tôi không có một ẩn ý tôi an tâm:

     - Anh cám ơn em. Lo học đi, anh thương em như cô em gái ruột của anh vậy.
*  *
*

     Hiệp định Ba Lê- biên bản chạy làng chính danh của người Mỹ được ký gần một năm. Mỹ nhận về mấy trăm tù binh, xù không bồi thường số tiền 3 tỷ dollars như đã hứa. Hai bên vi phạm ngừng bắn, hàng ngày tố nhau như mổ bò. Ủy ban kiểm soát đình chiến 4 bên làm việc mệt nhoài . Chúng tôi học mà cứ lo lắng. Các bác sỹ cũng vậy, họ dạy cho hết giờ chạy về phòng mạch tư kiếm thêm tiền.Rồi Phước Long đánh lớn và miền Nam coi như không đủ quân chiếm lại. Rồi các ủy ban kiểm soát đình chiến giải tán. VNCH gọi các quân nhân tái ngũ chuẩn bị chống đỡ tuyệt vọng. Tôi nóng như lửa đốt. Thêm tin Huyền làm bé một ông đại uý làm tôi mất ngủ mấy đêm liền. Mẹ nuôi tôi biết chuyện an ủi tôi nhiều ngày, bé Trân cũng vậy. Nó bám riết lấy tôi sau khi học về. Chi Trang sắp lấy chồng, đám hỏi đã diễn ra. Anh phi công Air Vietnam bảnh chọe, khuôn mặt tươi tắn bên hôn thê xinh đẹp. Chị Trang hạnh phúc, trông chị thật rạng rỡ. Riêng tôi mặt tối xầm như mưa dầm lâu ngày.

     - Em ơi, lại chị cho coi hình con bạn chị, nó lớn hơn em 1 tuổi, chịu chị làm mai

     Cô gái có khuôn mặt lai Tây đẹp như Tây. Không làm tôi rung động nhưng để làm bà chị vui tôi hăng hái nhận lời.

     Đoan dừng lại trước cổng trường quân y với chiếc Honda PC màu đỏ chói chờ tôi. Tôi chạy nhanh ra mời Đoan vào quán nước gần đó. Nàng sang trọng đài các, tóc búi cao, vầng cổ trắng ngần thanh khiết. Hai đứa nhìn nhau hồi lâu chưa ai lên tiếng. Tôi hỏi:

     - Đoan dùng gì anh gọi

     - Chưa gì xưng anh liền- nàng phản pháo: - kêu bằng chị nghe chưa.

     Tôi thất vọng nhìn nàng bối rối vì quá lời, cả 2 im lặng. Vài câu nói vô hồn với nhau rồi chia tay không hẹn gặp lại. Chị Trang nói:

     - Hai đứa không có duyên thôi tự tìm lấy nha cu cậu.
* *
*

     Cuối năm 1973 khoá học cũng còn dài, tết sắp đến, tôi về Phan Thiết dẫn theo Trân. Chiếc xe Ladalat đậu vào sân nhà, ông già hết hồn tưởng vợ tôi, vì em trổ mã cao lớn. Thảo và Trân thân nhau ngay, 2 đứa đèo nhau trên xe đạp qua phố. Con bé thích thú ra mặt, đúng là tuổi con nít. Tôi nói sơ qua về chuyện bạn bè, chuyện tôi làm con nuôi gia đình Trân, ba tôi im lặng không nói một lời.

     Ba tôi im lặng là phải. Ông ít nói nhưng khi ông nói ra nó như một lời kinh của Khổng Tử. Tôi rất sợ khi nghe đến cả đời ông thanh liêm, làm một nơi dễ kiếm tiền, chỉ cần một vài khúc gỗ khi mùa lụt về ông báo mất là gia đình dư dả, ông cũng không làm. Ông ảnh hưởng ông nội tôi. Thời Thành Thái ông nội tôi dùi mài tứ thư ngũ kinh để ra Huế thi, chưa kịp thi thì Pháp ép triều nhà Nguyễn bãi bỏ khoa thi Tam trường. Ông tôi thất chí, về Quê Sơn tịnh làm ruộng. Ba tôi xong tiểu học Pháp, cưới vợ sớm để lo việc đồng án. Ba tôi có con năm 19 tuổi, rồi đi làm cho hãng cầu đường Pháp. Ông cũng nhiễm Nho giáo nặng, ép tôi phải học Tam tự kinh ...Cuối đời khi rảnh ông ngâm nga lẩy Kiều, không bao giờ uống rượu nhưng ghiền thuốc lá nặng không bỏ được. Ông không có bạn thân, người bạn thân là bà kế mẫu đẹp lão

     - Ba không nói gì sao?

     - Ba thấy phiền toái vì nhà mình nghèo quá, con nên giữ mình vì tiền bạc sẽ làm con người hư hỏng.

     - Dạ vâng, không sao con đang học có nơi cư trú và thương mình thì cũng được mà ba.

     Hai con bé về cùng một đám bạn, nhìn chiếc xe chễm chệ nơi sân chúng nhảy lên ngồi đòi tôi chạy một vòng, tôi đồng ý. Trân ngồi phía trước, phía sau đám con cháu của Thiết phiến công chúa vợ Ngưu ma vương la hét vui nhộn. Chúng chưa một lần được đi xe như thế nầy.

     Ngày vui qua mau hai đứa con gái bịn rịn chia tay. Con Thảo ghé tai vào Trân nói thầm gì đó, con Trân đỏ mặt đánh vào vai em tôi rồi nhìn tôi con mắt ướt rượt. Tôi đoán biết con tiểu yêu nhà tôi nói gì. Gió từ đồng ruộng thơm ngát mùi lúa chín, cánh đồng vàng rực, đàn bò thong thả băng qua đường. Tôi mong ước sự thanh bình nầy đừng vụt mất, quê hương dân tộc nầy khổ quá nhiều rồi. Nhìn Trân mơ màng ngủ gục, nét thanh tân trên khuôn mặt, đôi nhũ hoa mới chớm trong lớp áo lụa …tôi quay mặt đi xoá tan ý nghĩ vẩn vơ trong đầu. Xe đến nhà, ngôi nhà không có ai. Chắc mẹ đi chùa, vú nuôi đi chợ , hai con chó mừng rỡ khi Trân về, chúng không thân thiện với tôi là nhưng cũng không sủa, chỉ nhìn với đôi mắt hăm he…

     Tivi chiếu lại ngày Quân lực 19 tháng 6 và cuộc diễu binh hoành tráng, tôi không biết sức mạnh như thế nào, nhưng lệ thuộc vào vào ông bạn Mỹ quá nhiều. Toán TSQ diễn hành qua khán đài thật dễ thương, tôi chợt nhớ trường và muốn ghé thăm. Có thể chờ chị Trang về rồi cùng đi. Tết năm 1974 Giáp dần thật vui, đám cưới chị sau tết là tổ chức, đã gần kề. Tôi cũng sắp xong khoá học, ngày trở về Kon Tum không lâu. Có tin các phi công đang học bay bên Mỹ bị trả về vì hết ngân khoản, rồi dân biểu Mỹ qua thăm Việt Nam khuyên nên liệu cơm gắp mắm v.v…

      Tiếng pháo rước dâu vang lên, chị Trang về nhà chồng. Mẹ nuôi tôi thất thần, tôi không chịu nỗi cảnh nầy, nhưng chỉ biết ôm vai bà an ủi .Mẹ hỏi

     - Con có muốn lo lót để về đây không? Thằng chồng con Trang nói nếu con muốn, nó có thể nhờ cục Quân y cho con ở lại Sài Gòn, mẹ sẽ lo ngay trong ngày mai. Mẹ cũng tính làm cho thằng Dũng nhưng chưa kịp thì nó chết. Mẹ buồn quá con ơi…

     - Mẹ cho con suy nghĩ vài ngày.

     Nhưng rồi mọi chuyện xảy ra không như ý. Tháng 1 1974 hải quân Tàu chiếm Hoàng sa, bệnh viện tôi thảo công điện đòi trường Quân y trả tôi về đơn vị. Chị Trang ốm nghén gầy mòn, được bên nhà đồng ý cho về nhà mẹ ( con so về nhà mẹ). Anh Trung về lại không quân bay các chuyến bay C130 tiếp tế, vắng nhà miết. Tôi trở thành điểm tựa cho cả gia đình mẹ nuôi. Rồi trường quân y ra quyết định trả tôi về đơn vị cũ, yêu cầu phải trình diện nhanh nhất. Không dám đi xe đò, phương tiện máy bay quân sự chờ lâu, tôi câu giờ cứ vào phi trường đóng dấu chờ. Tôi như ngồi trên đống lửa.

     Chị Trang thấy tôi sốt ruột gọi điện vào Air Viet nam mấy lần rồi cũng mua vé được cho tôi. Cả nhà khóc tiễn tôi đi. Con bé Trân nói: Nhỏ Thảo em anh nói phải chi em là chị dâu của nó. Cả nhà sửng sờ, tôi đớ người ra. Mẹ nuôi nhìn tôi dò xét nhưng với đôi mắt dịu hiền. Tôi đứng dậy đến bên Trân ôm em vào lòng nói: - Anh thương em như em gái, như Thảo em anh mãi mãi suốt đời mà. - Nếu em yêu anh thì sao ? Anh có chấp nhận không ? - Mai nầy khi em lên đại học chúng ta sẽ bàn, em để anh đi vui vẻ, không vướng bận nha em. Tôi vuốt tóc em, khoác ba lô lên vai. Mọi người vỡ oà, chị Trang cứ ôm mãi tôi hôn, mẹ nuôi ngồi khóc còn Trân thì chạy lên phòng vú. Tôi thắp hương trên bàn thờ Dũng. Chiếc taxi rời nhà dưới cơn mưa nặng hạt, cuộc chia tay não lòng…


Nhà ga phi trường KonTum 1973

     Sau 2 tiếng bay phi cơ xuống phi trường KonTum, tôi đi nhờ xe công binh về đơn vị. Bệnh viện đã dời chổ, tôi đi bộ về phía Phan Đình Phùng thì may mắn gặp xe của bệnh viện đi qua. Tôi nhảy lên, tài xế quay đầu thả tôi xuống cổng. Tôi vào văn phòng, rửa mặt chải tóc đàng hoàng, nhìn lại quân phục có nghiêm chỉnh không rồi qua trình diện Chỉ huy trưởng- bác sỹ PMK trưởng khoa phẫu thuật lên thay ông bác sỹ L. Ông bảo tôi ngồi rồi hỏi:

     - Anh khỏe chứ, anh về đường bộ hay phi cơ?

     - Dạ em về bằng phi cơ

     - Anh câu giờ, gần tuần tuần bệnh viện đánh công điện giờ nầy tôi mới thấy anh

     - Thưa thiếu tá em xin phương tiện quân sự về KonTum không có, còn đi xe đò nguy hiểm quá . Trong sự vụ lệnh có con dấu của Ban chuyến vận sư đoàn 3 không quân đó ạ

      - Người ta đi xe đò, đường xá bây giờ sau hiệp định an toàn sao anh không đi? Tôi ký anh 5 ngày trọng cấm tội không tuân lệnh và điều động anh về phòng Nội thương 2 trong ngày hôm nay.

     - Dạ…

     Tôi chào ông rồi quay ra. Với năm ngày trọng cấm ghi trong quân bạ, đường lên lon của tôi đen như mõm chó. Tôi về lại phòng hồi sinh thu dọn đồ cá nhân. Bệnh viện mới màu sơn dầu của Mỹ rộng đẹp khang trang, trên vách vẫn dùng lại những hình chú chuột Mickey và vịt Donal do binh sỹ Mỹ vẽ rất sống động. Tôi đi trên con lộ tráng nhựa về phòng Nội thương 2. Bác sỹ trưởng khoa VGH mập trắng nhìn tôi cười như ông Phật Di lặc, tôi rất thích ông và chuyên môn ký nhái chữ ký của ông trong phiếu nhận thuốc, ông biết nhưng xề xoà.

     - Ông bị ông K ký củ (trọng cấm) sao nhăn nhó vậy?

     - Bị năm củ bác sỹ, vậy là em mang một mai lâu dài. Thôi kệ thầy tướng nói số quân của em số bù không đi lính lâu

     - Ông tin không?

     Tôi không trả lời, đứng lên đi xuống phòng bệnh, loe ngoe mấy ông thương binh mang đủ thứ giang mai lậu mủ, nám phổi…, đang chơi bài domino. Thấy tôi các ông không thèm chào, tưởng anh chàng nào đi lớ ngớ thăm bạn, tôi không buồn lên tiếng.

     Một quán nhỏ dựng lên sơ sài bằng vách ván thông từ thùng gỗ đựng đạn pháo 155 ly của ông Thượng sỹ Trai thường vụ bệnh viện để bán bún bò Huế. Vợ ông người Huế nhỏ nhắn hiền lành có 2 cô con gái đẹp, đám sinh viên Thủ Đức đi công tác tâm lý chiến lấn đất dành dân bu đầy. Tôi ăn cơm tháng quán nầy cho vui, nằm trước mặt bịnh viện. Một hôm trời bắt đầu tối, ánh điện vàng vọt tỏa ra không đủ sáng, đang ăn thì có tiếng la: cứu… cứu…, con tôi rớt giếng! Người thiếu phụ Thượng đầu tóc rũ rượi la khóc. Đám sinh viên Thủ Đức chạy, tôi cũng chạy ra cái giếng sau nhà, có người cầm khúc tre tầm vông khuấy như khuấy bột. Miệng giếng tối đen sâu hun hút, đám sinh viên không có ông nào phản ứng. Tôi vẹt các ông ấy ra, cởi giày nhảy ùm xuống, hụt chân, nước giếng tưởng cạn mà sâu lút đầu. Tôi lặn xuống vơ được đứa bé, bên trên thòng dây xuống, tôi tròng nó vào cho họ kéo lên. Kéo đứa bé lên xong họ xúm vào cấp cứu bỏ mặc tôi dưới giếng. Tôi cũng đuối la bai hãi, mãi lúc sau mới được kéo lên. May mắn cho đứa bé gần cả chục phút rơi xuống giếng vẫn được cứu sống. Mẹ nó lai Pháp, và gương mặt nó trông rất khôi ngô.

     Sáng sớm hôm sau, một nhóm người Thượng dẫn đầu là ông già làng nói tiếng Việt lơ lớ tìm tôi

     - Các ông gặp tôi có chuyện gì không ?

     - Tao đi thăm con ma mày bắt lên ở cái giếng hôm qua.

     Trời ạ, tôi lạnh người khi ông nói đến ma

     - Nó là cháu ông? Tôi hỏi

     - Ừ nó cháu tao, con của con nầy- Ông chỉ vào thiếu phụ đêm qua mắt thâm quầng nhìn tôi, có nét lai giống ông già làng lai Tây từng đi lính Pháp đang đứng trước mặt. - Con tao muốn gặp mày, nó muốn cho mày bắt cái nước đền ơn.

     Tôi lắc đầu. Người Thượng rất chất phác nghĩ sao nói vậy, họ muốn đền ơn tôi cứu đứa bé bằng cách cho bắt cái nước (tức làm tình) với người mẹ để lấy giống dù đang có chồng- người chồng mặt bộ đồ lính biệt kích đứng tỉnh queo kế bên.

     - Mày không muốn bắt cái nước thì lấy heo rừng vậy.

     Một sự trao đổi sòng phẳng, tôi đồng ý. Hôm sau ông chồng mang đến cho tôi một con heo rừng đã thui lông, tôi đem xuống nhà bếp bệnh viện nấu giả cầy đãi hết đơn vị…

Phan Nhật Bắc
(xem tiếp kỳ 6)    

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian