Ký ức vụn- Trần Việt
Phố núi và bạn bè... Chút gì để nhớ!
Năm 2020 người dân cả nước oằn mình chống chọi với bão lũ và đại dịch Covid- 19 đế lại phía sau đầy dẫy khó khăn theo chân len lỏi đến từng gia đình. Về quê chạp mả lần này có đứa con đi cùng, chúng nó lớn lên ở thị thành chưa có được một ngày ở quê dù nơi đó đã gắn liền suốt đời trong lời khai lý lịch ; quê cha sinh quán đầy tự hào cái nôi trên quê hương đất võ.
Thôn Trường Định, huyện An Nhơn, Bình Định
Qua khỏi cầu Kiên Mỹ không quá dăm cây số là đến quê nhà. Con đường dẫn vào làng hôm nay sao lạ thế được bà con chăm chút sạch sẽ, bê tông phăng phiu quang đãng hơn xưa, người và xe cộ đi về có phần tập nập, hai bên vệ đường là những ruộng lúa đang thì con gái một màu xanh ngắt trải dài xa tít chân trời. Quê hương hôm nay thấy đẹp hơn nhiều khi tôi còn thuở nhỏ. Bước qua khỏi cổng làng tôi vẫn nguyên vẹn cảm xúc nao nao tháng chạp. Dù kinh tế eo hẹp, đủ đầy hay túng thiếu người dân quê vẫn rộn ràng sôi nổi chuẩn bị ngày giáp tết những đứa trẻ cũng lau nhau gọi Tết khiến lòng mình có cảm giác nao nao,vừa mừng vừa tủi, người lớn ra đường lại í ới chào nhau lại kể dăm ba câu chuyện nhà mình chuẩn bị cho Tết đến, xuân về an ủi tình thân bộn bề khó khăn của những ngày giáp tết
Có lẽ câu nói người xưa đã đúng “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết” được ăn no vào ba ngày Tết đó là một thông lệ vốn có tự ngàn xưa. Mọi người dù khẩn trương hay thầm lặng tất cả đều dành dụm và mọi lo toan vẫn là một biểu hiện tháng chạp. Nghĩ đến lại thấm thía lại thấy thương đời mẹ, thương các bậc sinh thành hơn cả đời chắc chiu mỗi khi nghĩ về tháng chạp.. Lễ chạp mả thường là ngày quy mô nhất của một tộc họ. cũng có thể được xem là ngày hội chiêm bái tri ân tổ tiên tộc họ về đông đảo nhất. Thật đúng là con cái chẳng bao giờ có thể đền đáp được công ơn cha mẹ. Những người con xa quê vẫn đau đáu trong lòng nhớ thương làng xóm, mồ mả tổ tiên và ngôi nhà xưa
Lần này có dịp ghé lại thăm bảo tàng Quang Trung, bảo tàng đã cải tiến hơn nhất là công tác hình ảnh được bổ sung nhiều tư liệu quí, tôi chỉ mong với qui mô dự liệu này nếu có công nghệ tiên tiên hổ trợ thì bảo tàng sẽ thật sự xứng tầm hấp dẫn trang trọng hơn.
Tán me cổ thụ ở vườn nhà Tây sơn
Sau tham quan tôi chụp tấm hình đứng dưới tán me cổ thụ ở vườn nhà Tây sơn Tam kiệt như để nhắc và nhớ lại những ngày xưa cũ. Tôi cũng như bao đứa trẻ ở làng cứ thế lớn dần lên dưới vòm me xanh. Mùa xuân đã về cội me già trong vườn đã thay áo mới hoa và trái đã nở rộ chuẩn bị tâm thế ươm mầm một mùa hè tinh nghịch của bọn trẻ chúng tôi ngày xưa. Khi còn là một đứa trẻ con tôi cũng biết nhiều hơn ngần ấy cây me sau những lần có dịp trở về với khoảnh vườn xưa.Nhất là vào quãng tháng 3 âm lịch mùa lúa đang gặt ngoài đồng, tiếng con chim “bắt cô trói cậu” đã bắt đầu gọi nhau inh ỏi.
Theo chân người lớn để thăm thầy trợ Đang, thầy Đoàn Mích… vào những ngày giáp tết (tết thầy), muốn vào cổng làng Vĩnh lộc tôi phải đi qua dưới tán me cổ thụ đầu làng hay những lần về thăm ngoại cây me Vân tường nó hiên ngang cao lớn sai trĩu quả đứng sừng sững soi bóng trên đồng lúa Vân tường quanh năm trù phú. Nơi đây đã ghi lại nhiều chiến công trong hai cuộc kháng chiến và cũng là điểm hẹn để trao đổi tin tức của nhà hoạt động Cách mạng và có thể nơi chuyện trò nghỉ trưa của cô bác nông dân… chắc bọn trẻ trong ký ức thích thú khi có những đợt gió mới thổi qua, me rơi rào rào, bộp bộp và không thể quên những chùm me “dốt dốt” hay những trái me “mõ” gõ lên kêu bồm bộp ngọt bùi, me non thì chấm chấm chén mắm ruốc cay xè…...Đã là me thì phải đủ vị có chua, có ngọt một hương vị tự nhiên rất đặc trưng bọn trẻ chúng tôi cũng rất khó quên...
0 Comment: