Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Bầy thiên nga vỗ cánh (kỳ 1)- Phan Nhật Bắc

BẦY THIÊN NGA VỖ CÁNH
Phan Nhật Bắc
KỲ 1:

Cứ mỗi năm đến hẹn lại lên, tôi lại về thăm Swan Hill. Năm nay có phần đặc biệt vì tôi nhận một email từ ông bạn Úc già kèm theo một di chúc. Tôi hơi làm lạ, mình đâu có ai thân nhân ở nơi Swan Hill khỉ ho cò gáy, nhưng đọc kỹ là di chúc của ông bác sĩ Williams. Ông để lại cho tôi mảnh đất nông trại khoảng hai mẫu tây trị giá khoảng $50.000 dollars. Chúng tôi đồng ý tặng lại và làm giấy chuyển nhượng cho nhà thờ và họ đạo tại đó vì thật ra tuổi tôi đã trên 60, không còn màng đến của cải tài sản từ trên trời rơi xuống.

Tôi nói với vợ thu xếp áo quần lặt vặt book vé xe lửa đi sớm về Swan Hill. Câu chuyện thằng “Chinese” lưu lạc đến vùng đất xa lạ là tôi bắt đầu từ khi chân ướt chân ráo đến với cái bệnh xá đìu hiu nằm tại Swan Hill ( Đồi Thiên Nga), những địa danh như Mangoes Hill (Dốc Xoài), Broken Hill ( Đồi đứt đoạn) hay Tamarind Hill (Dốc Me)… nghe rất mộc mạc quê mùa giống như ở quê hương tôi.

Vợ tôi đưa tôi đến ga xe lửa, tôi khoác cái túi xách lủi vào sân ga. Chiếc xe lửa hiện đại chạy trên 100 cây số giờ không như cách đây 42 năm bò ì ạch bằng máy dầu cặn. Vào tìm số ghế ngồi xong tôi thả hồn về dĩ vãng …

Bầy thiên nga vỗ cánh- Phan Nhật Bắc

Tháng 2 năm 1978 Văn phòng tìm việc tại Trung tâm tạm cư dành cho dân tị nạn Việt Nam gọi tôi lên. Ông già Úc nhướng đôi kính cận nhìn tôi:

- Hello mày khỏe không?

- Khoẻ thưa ông.

- Tao có việc làm này cho mày đúng như nghề nghiệp của mày ghi trong hồ sơ tị nạn. Mày là Medical Assistant đã làm trong Bệnh viện Quân đội à? Mày là Vi xi, hay South VN đánh thuê cho Yankee?

Tôi không hài lòng vì câu hỏi này nhưng tụi Úc đa số không thiện cảm với chính quyền Miền Nam vì thời đó Đảng Lao động Úc đã bang giao với chính quyền đương nhiệm và có cảm tình với Cộng sản VN.

- Ông nghĩ sao mà hỏi tôi câu này? tôi là dân tị nạn chứ không phải di dân. Tôi ra đi từ miền Nam và là lính miền Nam, không phải Vi xi.

- Ô tao xin lỗi, trong hồ sơ ghi không rõ ràng, thôi bỏ qua. Cho tao hỏi mày có bằng cấp gì mang theo không ?

- Tôi ra đi chỉ có cái body và cái bằng lái xe quân đội.

Tôi trả lời giọng không vui vì ông này cũng là dân kỳ thị đầu đen.

- À được, mày có cái này cũng tạm. Tao viết cho mày một lá thư giới thiệu đến văn phòng Bệnh xá Swan hill nói là mày đã làm tại Second field Hospital, trình độ như Master Nurse bên này. Mày đồng ý tao cho người đánh máy cái sơ yếu là mày có 4 năm kinh nghiệm với nghề Baby Delivery (Hộ sanh) như trong hồ sơ cá nhân của bộ Di trú.

Trời mẹ ơi ! Tôi nghe muốn lùng bùng lổ tai, thôi kệ nó cứ hạ hồi phân giải. Không biết cha thông dịch viên bên trại tị nạn nào chơi tôi nên dịch như vậy. Tôi chỉ khai là có làm việc đỡ đẻ cho gia đình quân nhân chứ có phải hộ sanh?

- Ngày thứ hai mày lên đây nhận thư giới thiệu, vé xe lửa cùng cái cheque $70 dollars trợ cấp một tháng. Mày có gì hỏi thêm không?

Tôi lắc đầu cám ơn ông ta, quay ra đi lang thang trên con đường hun hút trước mặt. Một nỗi lo âu vu vơ về vùng đất nơi tôi sẽ đến nhận việc. Làm cu li tại nhà máy ráp xe thì vui hơn vì nhiều người Việt, có thể chén thù chén tạc bù khú với nhau cuối tuần cho quên đời ly hương- nhưng tôi còn thích nghề y, nên cứ đi thử xem sao. Mình phiêu lưu cả ngàn dặm bây giờ có 200 cây số có gì mà lo ngại. Và chẳng có gì phải sửa soạn, với cái ba lô và vài bộ đồ giống như lính ngày xưa, tôi lên văn phòng nhận việc lấy thư giới thiệu, vé xe lửa cùng tấm checque; xong đón xe bus đến nhà bank bỏ vào rồi đi thẳng ra ga Flinder lên chuyến tàu 10 giờ sáng. Chân ướt chân ráo đến Úc tôi vẫn còn lớ ngớ với những địa danh xa lạ, từng trạm xe… nhưng không sao, chỉ sợ ngủ quên rồi đi tuốt luôn. Ngồi an tọa vào số ghế tôi nhìn bâng quơ ra khung cửa sổ. Trời xám xịt vì cơn mưa chợt kéo đến. Tôi bỗng nhớ Việt Nam kinh khủng, một nỗi nhớ không tả được. Lòng bỗng chùng xuống, nước mắt muốn rơi. Nhìn bên dưới sân ga không người yêu, không bạn bè, không một ai tiễn đưa và không cả quê hương. Tiếng còi tàu báo hiệu rời bến, tàu bắt đầu tăng tốc khi ra khỏi thành phố. Những nông trại lúa mì thẳng tắp không một ngôi nhà. Lúc còn ở trại tị nạn nhiều người Việt từ chối đi Úc nói là đi kinh tế mới. Tôi không hiểu họ đi tị nạn hay đi du lịch, cứ một hai đòi đi Mỹ. Bây giờ nhìn những cánh đồng mênh mông bát ngát tận chân trời tôi mới thấm. Nước Úc lãnh thổ rộng gần bằng nước Mỹ mà dân số năm 1978 thời tôi đến chỉ có 14 triệu dân. Xe lửa vùn vụt đi ngang những trang trại trồng dâu và táo không có một bóng người. Đến ga Bendigo xe dừng đón khách, một ông lính Úc lên xe ngồi cạnh tôi. Ông nhìn tôi, tôi nhìn ông không ai nói một lời. Khoảng một thơi gian khá lâu ông mới mở mồm hỏi tôi: - Mày là Chinese? lúc này chẳng ai biết người Việt hễ đầu đen là Tàu. Tôi làm thinh không trả lời nhìn ra khung cửa

- Hi Sir, cho xem vé.

Tôi móc vé ra đưa cho người soát vé rồi im lặng

- Can you speak English? Ông lính lại lên tiếng, tôi gật đầu

- Mày là Chinese?

- No, tao là người Việt tị nạn.

Ông lính Úc rú lên mừng rỡ chụp vai tôi như người bạn cố tri:

- Ô My God, tao đã từng đến xứ của mày.

Ông mở cặp da đưa tôi coi bản tướng mạo quân vụ và hình ảnh lúc ông tham chiến tại Việt Nam. Tôi không mấy hứng thú vì buồn nhớ cảnh rời miền Nam ly hương đến đây. Ông lính Úc cấp Đại úy hỏi:

- Mày có trong quân đội không?

- Có. Tôi ở trong quân đội 10 năm (4 năm lính và 6 năm trong trường TSQ, đủ 10 năm trong lính)

Ông ngạc nhiên nhìn khuôn mặt còn non choẹt của tôi không tin, nhưng không hỏi gì thêm. Ông nghĩ tôi ba xạo nên không thèm nói thêm một lời.

Còn 100 cây số nữa đến Swan Hill. Tôi nhắm mắt thả hồn trong giấc mộng. Bên tôi ông lính Úc ngáy như kéo gỗ.

Tôi hỏi ông lính Úc khi thức dậy:

- Ông có chạm trán với VC bao giờ chưa?

- Có đụng lai rai nhưng tao thoát chết mấy lần

Tôi cười nói:

- Nhờ ông ngủ ngáy lớn nên VC nó sợ.

Ông ta cười ha hả:

- Mày biết đùa tao rất thích, nhưng lúc đó tao không đi kích đêm, mà lúc trẻ tao không ngáy như bây giờ.

- Ông không tin tôi đi lính 10 năm? Tôi hỏi

- Never, mày còn quá trẻ mà

Tôi giải thích, ông ta mới hiểu ra và hỏi:

- Giờ mày đi đâu?

- Tôi đến Swan Hill nhận việc

- Việc gì ở đó? Mày muốn làm nông dân?

- Không, tôi nhận việc ở một bệnh xá nhỏ cách đó 8 cây số

- Mày là doctor ? Ông ta hỏi lại

- Không phải doctor chỉ phụ tá thôi

-Tao cũng xuống Swan hill, nhà vợ tao ở đó. Có ai ra đón mày không ?

- Có xe bệnh xá hẹn đón tôi rồi.

Ông lính Úc đưa địa chỉ và số phone cho tôi và hẹn sẽ tìm tôi ở bệnh xá. Biết tôi là sĩ quan trợ y của VNCH ông mừng vui rủ tôi lên nhà hàng làm ly bia

- Tôi chỉ uống vào buổi tối, đang đói cho bia vào khó chịu lắm

- Ha ha… thì làm cái hamburger rồi bia sau.

Tôi lắc đầu nhưng rồi cũng theo ông lên nhà hàng. Giờ ăn trưa khách đông nghẹt. Tôi là thằng đầu đen duy nhất trong đám da trắng đi với một ông đại úy người bản xứ. Mọi việc đều vui vẻ. Rồi ông Đại úy giới thiệu tôi với ông bếp trưởng, ông ta mừng tôi một ly Victoria Bitter. Bụng thì đói, tọng vào một ly bia muốn quắc cần câu nên tôi đòi ăn trưa

- Tao sẽ đãi mày món ăn đặt biệt

Ông bếp trưởng sau một hồi trong bếp mang ra một cái đùi cừu tổ chảng hơn cả 3 ký. Ông tưởng tôi ăn giống người Úc. Ông cũng là cựu quân nhân Úc đã giải ngũ nên rất có cảm tình với cánh lính. Khách trong nhà hàng khi biết tôi là người Việt tị nạn cũng tiếp rất nồng hậu. Có hơi men tôi bắn tiếng Anh vi vút kể về chuyến vượt biên trên biển, thỉnh thoảng bí từ tôi chêm tiếng mẹ đẻ bọn họ cũng gật đầu lia lịa dù chẳng hiểu thằng chệt này nó nói cái gì. Ông đại úy Úc cũng bô bô nâng tôi lên tận mây xanh. Bia vào lời ra, tôi quên mất là tôi đang nhận việc làm, ngày đầu tiên điều cấm kỵ là có hơi men. Mấy ông Úc cứ mời toàn là ly cối, tôi chơi luôn nhưng vào nhà vệ sinh móc họng cho nôn ra nên tỉnh rụi, trong khi ông Đại úy Úc loạng choạng. Chúng tôi về lại chỗ ngồi

- Mày uống bia như uống nước lạnh mà không say. Ông lè nhè

Bụng cồn cào, trước khi rời nhà hàng tôi quơ một khúc bánh mì đen như than hầm lần đầu tôi thấy dấu trong túi quần đem ra nhai nhóc nhách.

Đến ga Swan hill xe dừng, tôi và ông lính Úc chia tay hẹn gặp lại. Xuống xe lửa. Trời xám ngắt, có một ông tây và một bà mập đưa tấm bảng tên tôi ra quơ. Thật ra cũng chẳng cần tấm bảng vì tôi là tên đầu đen duy nhất trên chuyến xe

- Mày là Lee?

-Yeah.

Cả hai bắt tay tự giới thiệu là nhân viên Bệnh viện Swan hill đến đón về gặp giám đốc bệnh viện trước, rồi mới về bệnh xá cách hai chục cây số. Tôi không thắc mắc và không cần hỏi thêm theo ra xe. Chiếc Holden xe của Úc mang bảng số công xa màu đỏ

- Đồ dùng mày chỉ có như vầy sao? Ông Úc hỏi

- Vâng thưa ông, tôi chỉ có gia tài là cái túi xách này

Cả hai người cùng cười. Họ ít nói chuyện, tôi cũng ngậm tăm không biết nói gì. Bầu trời mưa rơi lác đác thật ảm đạm. Đến bệnh viện Swan hill- cũng bề thế cở một Bệnh viện tỉnh bên Việt nam dù chỉ là một cái quận, hai người Úc dẫn tôi vào phòng đợi rồi bảo chờ. Khoảng 5 phút sau một ông mang cặp kính cận dày như đít chai bia vào phòng nhìn tôi và cái hồ sơ trên tay, giới thiệu là giám đốc bệnh viện này. Không bắt tay ông vào đề ngay:

- Tiếng Anh mày đủ để nhận công việc này. Theo như hồ sơ mày có 4 năm kinh nghiệm tại một Bệnh viện quân đội bên Việt nam phải không?

Tôi gật đầu. Ông ta nói thêm:

- Bên này không có những căn bệnh ôn đới như sốt rét, càng không có giang mai, lậu… Những căn bịnh nhiều là tim, béo phì, tiểu đường… Công việc không có gì nhiêu khê, mày ký vào khế ước với mức lương bắt đầu là 10 ngàn một năm, mỗi năm tăng 1 phần trăm. Có gì thắc mắc gặp tao.

Ông đưa tôi hồ sơ, tôi chẳng cần xem và ký ngay rồi đưa lại. Mọi việc xong tôi theo hai người Úc về Murawee. Con đường Niemannrd vắng lặng toàn tên thổ dân, hai bên đường đồng cỏ dại mênh mông. Ông Úc chợt lên tiếng:

- Lee, mày về bệnh xá gặp ông Dr John ở đó, tụi tao chỉ là nhân viên hành chánh. Công việc nhàn hạ ăn rồi ngủ, ngủ rồi ăn. Mày có thể rong chơi khắp chốn bằng ngựa. Dân bản địa là người Aboriginal. Mày có thể đi câu tại Sông Murray nhiều cá chẽm nếu thích câu cá.

- Tôi chưa biết nhưng sẽ nghe lời ông. Phải tập cưỡi ngựa chứ không bị té. Bên tôi ngựa chỉ dùng kéo xe, tôi sợ chúng đá nên chưa bao giờ dám thử leo lên lưng.

Cả hai người đều cười. Câu chuyện bắt đầu cởi mở. Tôi đi vào con đường trải nhựa đen, bệnh xá nằm hút gần khu rừng cây khuynh diệp trông như một khách sạn nhỏ. Dân cư ở đây thưa thớt toàn làm nông trại.

Xe vừa vào sân, ông Dr John đứng bên trong nhìn ra cười xã giao rồi đi ra bắt tay:

- Tao rất vui và hân hạnh mày nhận việc ở đây. Phía cuối có căn phòng trống mày tạm ở đó nếu thích, còn không ra phố mướn chỗ ở. Ngoài phố có quán bar và chỗ đánh cá ngựa.

Đua ngựa là truyền thống của tiểu bang Victoria, tôi không có máu cờ bạc nhưng máu dê thì đầy huyết quản(!)

- Tôi ở tạm căn phòng đó rồi tính sau

Ông Dr. John đưa chìa khóa phòng nói:

- Mày cứ nghỉ ngơi từ từ rồi làm việc. Ăn uống xuống nhà ăn bệnh xá không tốn tiền cứ ăn thoải mái. Lương sẽ vào sổ bank của mày mỗi hai tuần. Mai tao dẫn đi giới thiệu mọi người làm quen

Căn phòng khá rộng, cửa sổ nhìn ra phía con sông, tường sơn màu xanh nhạt, một tủ lạnh một bếp ga đủ để cho một người ở. Tôi quăng túi xách vào tủ rồi lăn ra giường đánh một giấc đến xế chiều vì còn thói quen ngủ trưa chẳng ai màng đến. Thức dây tôi đi loanh quanh. Bệnh xá chỉ khoảng 50 giường bệnh, ngoài sân vườn tược được chăm sóc ngăn nắp. Vài người bệnh tò mò nhìn tôi lang thang trên sân cỏ.

- Mr Lee- Bà nhân viên hành chính người khi sáng đến ga Swan hill đến gọi tôi - Mày muốn ăn chiều thì vào giờ này.

Bà đưa tôi tấm ghi giờ giấc của căn tin, tôi nhận lấy và cám ơn bà. Tôi cảm thấy đói nên đi thẳng vào nhà ăn tự lấy đồ ăn. Đồ ăn của Úc nơi nào cũng giống nhau, khoai tây thịt trừu và bánh mì súp bột thịt gà, thỉnh thoảng cũng có mì Ý. Tôi ngán tận cổ, thèm nước mắm và thèm cơm. Nhìn đồ ăn bày ra chẳng có gì hấp dẫn, tôi ăn vội chén súp gà với bánh mì, thêm cái bánh meat pie mà tôi đã có dịp ăn tại trường TSQ. Bánh ăn cũng ngon nhưng chẹp nhẹp giống như cứt trâu nếu không cẩn thận sẽ dính vào áo; món này là quốc hồn quốc túy của Úc giống như bánh tét của Việt nam. Ông thổ dân làm nhà bếp nhìn tôi lom lom lạ lẫm. Tôi cười cười chào ông

- Ê mày thằng China, mày ở đâu lạc lõng vào đây?

Tôi khựng lại khi nghe tiếng nói ồm ồm như bò của ông ta. Tuổi còn trẻ dễ nóng tánh và tự ái, tôi nói với ông

- Không phải việc của ông, chuyện của ông là nấu ăn. Tôi là người Việt không phải China

Nói xong tôi đi ra. Một vài bệnh nhân nhìn tôi thắc mắc

Đêm xuống rừng cây khuynh diệp chim Kookatoo bay về náo nhiệt, chúng réo nhau vang dậy cả một góc bên kia bờ sông vốn là một nhánh của con sông Murray. Tôi quay về phòng, vừa bật đèn tôi thấy một bóng người thoáng hiện rồi biến mất trong tích tắc. Tôi dụi mắt vì ánh đèn sáng, tay nổi da gà và hơi lạnh chạy dài từ sống lưng. Căn phòng trở nên lạnh lẽo như có âm khí. Lò mò định đốt lò sưởi dầu, tôi lại không có diêm quẹt vì không hút thuốc. Có tiếng gõ cửa, bà nhân viên lúc sáng lại xuất hiện mang cho tôi đủ thứ trong một chiếc xe đẩy của siêu thị

- Lee, tao mang cho mày vật dụng cá nhân. Mày xem lại thiếu thứ gì mai nói với tao.

Tôi cám ơn bà và hỏi:

- Bà ơi, căn phòng này trước có ai ở không ?

Bà nhìn tôi rồi nói

- Có ông làm vườn ở nhưng ông ấy chết trong căn phòng này vì bị đột quỵ rồi. Mày sợ ma không?

Tôi lắc đầu nói:

- Người ta mới đáng sợ

Bà Úc cười rồi đi ra không quên chúc tôi ngủ ngon, nhưng tôi không ngủ ngon được vì căn phòng lạ. Tôi dùng diêm quẹt mồi lò sưởi nhưng cháy được một lúc rồi tắt ngấm vì hết dầu. Nhìn cái điện thoại ở nơi bàn tôi chẳng biết gọi cho ai. Lục tung hết thì tìm được chai rượu, tôi cho vào bình sưởi rồi đốt lại. Căn phòng ấm áp và tôi thấy một khuôn mặt lung linh mờ ảo nhìn tôi từ khung cửa rồi biến dạng. Tôi bực mình nói ma hả, welcome, tôi thí mạng cùi chẳng sợ hãi. Đêm mùa thu nơi này thật dài, tôi nằm suy nghĩ về cuộc đời mình. Ông già tôi chấm tử vi nói tôi có số Thiên di, Đào hoa, Thái dương chiếu mệnh; tôi nghĩ thầm đào hoa gì ở đây toàn Úc đen… rồi chìm vào giấc ngủ. Khuya cái đồng hồ điện chợt reo lên làm tôi thức giấc. Lò sưởi hết nhiên liệu tắt ngấm, tôi vo tròn trong túi ngủ mang theo cũng tạm ấm. Tôi tắt điện cái đồng hồ nhưng nó tự động bật on và reo liên tục. Thì ra ma chơi tôi. Người với ma bắt đầu đấu trí, tôi rút điện quăng cái đồng hồ vào góc phòng thì lò sưởi bật cháy. Căn phòng chập chờn trong ánh lửa ma quái. Tôi niệm câu thần chú Án ma ni bát di hồng mà mà bà dì tôi dạy, lại khấn đại Thần linh Thổ địa: đất có thần thiêng sông có hà bá, tôi là dân tị nạn đến đây nhận việc làm, xin phù hộ cho tôi đừng phá…. Chẳng hiểu linh nghiệm hay không mà ma để yên tôi ngủ một giấc đến sáng…

Mặt trời vừa ló lên đã gần 8 giờ, tôi bật dậy, thay đồ vệ sinh xong đến căn tin ăn sáng. Gặp ông Dr John ngồi đó cùng đám nhân viên. Họ có ý chờ tôi.

- Chào buổi sáng.

Tất cả mọi đứng cả dậy chúc mừng tôi đến đây. Họ giới thiệu từng người, không phải thằng cu mít, xoài hay ổi mà toàn tên tây có dài có ngắn, tôi không có bộ nhớ tốt để nhớ hết nên chỉ toét miệng cười xã giao. Khi ông John nói tôi là người Việt tị nạn và một Medical Assistant trong quân đội thì có tiếng hỏi:

- Mày là VC? Uncle Ho?

Tôi nhìn ông tây nha sĩ rồi lắc đầu. Ông Jonh giải thích rõ ràng cả đám mới hiểu ra, họ nhìn tôi thông cảm

- Thôi ăn sáng. Mày uống cà phê thì có máy pha cà phê tự làm nơi góc kia

Tôi hỏi ông uống không tôi làm luôn, ông gật đầu. Cà phê nguyên hạt được xay từ cái máy để cuối phòng ăn. Tôi pha theo lối Việt nam, ông John khen ngon đáo để

Tôi ăn sáng bánh mì và ba cái trứng gà chiên, nhâm nhi ly cà phê đầu tiên tại Murrawee khỉ ho cò gáy này rồi theo ông Dr John đi hết Bệnh xá để ông giới thiệu từng khu vực. Một bệnh xá đúng tiêu chuẩn của một bệnh viện tiểu khu ở Việt Nam

Công việc nhàn hạ, chỉ chăm sóc các bệnh nhân tim, tiểu đường rồi cấp cứu khi có tai nạn giao thông. Còn lại ăn rồi ngủ. Buổi trưa tôi biến về phòng ngủ đến 2 giờ chiều. Ông Dr John chẳng quan tâm vì ông biết tụi Á châu hay ngủ trưa, ông để tôi thoải mái, chỉ cần buổi sáng phải đúng giờ vậy thôi.

Một buổi trưa ông John kêu tôi:

- Lee, ngày xưa mày có đỡ đẻ phải không?

Tôi nói có

- Mày lên phòng sản phụ giúp bà Kate một tay. Có ca đẻ khó.

Tôi đi lên phòng sản khoa. Vừa chui đầu vào tôi nghe mùi mùi nước ối, mùi thổ dân hôi nồng muốn dội ngược. Trên bàn đẻ người thiếu phụ da ngăm đen đang rặn. Đứa bé đẻ ngược, chân đã ra những đầu không ra được. Bà Katy thọc nguyên tay vào cửa mình tìm cách lôi đứa bé đang kẹt ngay xương chậu nhưng đành chịu. Tôi thay bà Katy kiểm tra rồi nói: Phải mổ thôi, không còn cách nào khác. Nhưng phải gọi ông Dr John xuống quyết định vì không khéo đứa bé chết sẽ bị kiện tụng lôi thôi- bên này khác bên Việt Nam. Ông John bảo:

- Chuyển lên Bệnh viện Swan hill, nơi này mình không đủ phương tiện. Mày đi theo luôn Lee

Chiếc xe cấp cứu hú còi chạy đi. Trên đường đi tôi để tay và ống nghe lên bụng sản phụ nghe ngóng thai nhi có thở và cử động không nhưng tất cả im lặng. Đến Bệnh viện Swan hill họ đưa ngay vào phòng mổ nhưng đứa bé chết ngắt lâu rồi. Lôi đứa bé mặt đen thui, mồm há ra xong, ông bác sĩ hỏi tôi:

- Sao không chuyển lên đây sớm hơn?

- Tôi không có ý kiến thưa Bác sĩ. Ông nên hỏi bà Katy và Dr John.

- Thôi mày về đi để tao nói chuyện với Dr John.

Tôi ra xe về lại Bệnh xá Murawee. Ông Dr John biết tin rồi nên chỉ lắc đầu nói:

- Xui xẻo thôi, không có gì phải lo. Bà Katy đã làm hết mình. Thôi mày về nghĩ đi, tao thấy mày cũng mệt rồi.

Tôi về phòng tắm, nước nóng làm tôi sảng khoái. Tôi chợt lo không khéo ông John lại đưa tôi xuống phòng sản khoa, đều mà tôi đã làm trong thời chiến tranh, bây giờ dính vào mệt lắm, rất ngại. Thôi kệ đến đâu hay đến đó.
*  *
*

Thắm thoát tôi đã làm việc gần một tháng. Nhớ bạn bè ở Melbourne tôi gọi về thăm, tụi nó đòi lên thăm tôi. Ông bạn người Huế và Thu cả gia đình họ muốn biết Swan hill. Tôi nói nơi đây chẳng có gì để thăm chơi, nếu muốn câu cá thì được. Tôi quyết định phải tìm một chỗ ở tươm tất có phòng khách để tiếp bạn bè chứ căn phòng bé tí nơi bệnh xá này không tiện. Lục trên mấy tờ báo lá cải địa phương đầy rẫy quảng cáo, tôi chọn căn hộ một phòng ngủ và mua luôn chiếc xe cũ đời 1970 để tiện đi lại. Đêm cuối cùng ngủ tại căn phòng bệnh xá bóng ma lại hiện về. Trời vừa chạng vạng mới 6pm bên ngoài đã đen kịt. Khi ánh lửa lò sưởi bùng lên tôi mơ màng thấy ông Úc già đi vào ngồi bên lò sưởi nhìn tôi rồi nói: - Mày dọn ra tao rất buồn nhưng căn phòng này của tao. Chúc mày vui vẻ. Nói xong ông ta đứng dậy kéo tấm chăn của tôi ra quăng vào một con thỏ rồi biến mất. Tôi giật mình thức dậy. Dưới chân tôi một con thỏ đang nằm, dường như nó đang cần hơi ấm. Tôi bật đèn nơi đầu giường, con thỏ vẫn nằm yên nhìn tôi. Tôi cũng để yên rồi ngủ tiếp. Sáng ra con thỏ không còn, căn phòng không có một khe hở, tôi lục hết mọi nơi không biết con thỏ chui vào chui ra ở chổ nào.

Tôi kể lại câu chuyện cho bà nhân viên Úc, bà nói:

- Mày gặp ma rồi, mà mày tin có ma không?

- Tôi tin, tôi gặp nhiều lần nhưng không sợ lắm. Có điều lạ là con thỏ tôi đã vuốt nó lúc ông làm vườn bỏ vào chăn sáng ra biến mất.

- Có lẽ mày bị ảo giác

- Chắc vậy. Hôm nay tôi báo tin cho bà tôi dọn ra ở ngoài khu phố gần cái câu lạc bộ ở cuối đường cho thoải mái.

- Mày cần gì nói với tao. Giường ngủ, ti vi trong nhà kho mày cứ dùng. Tất cả là đồ mới toanh.

- Cám ơn bà, tôi cần thì sẽ lấy vào thứ bảy cuối tuần này.

Hành trang chẳng có gì, tôi bỏ vào cốp chiếc xe chạy về căn hộ. Một phòng ngủ sáng sủa tươm tất với đầy đủ nội thất, vật dụng kể cả tủ lạnh và tivi. Máy giặt thì bên dưới xài chung. Hàng xóm nhốn nháo khi có một ông đầu đen dọn đến, cũng chào hỏi xã giao một cách dè dặt. Tôi chẳng quan tâm ngả mình xuống cái nệm nằm suy nghĩ mông lung. Bắt đầu từ đây tôi tự nấu ăn và phải chi trả thêm mọi thứ nhưng ở miền Murrawee này giá rẻ mạt.

Đêm xuống tôi thả bộ đến cái Club xem nhân tình thế sự. Club nằm cuối con đường Oak cùng đường với nơi tôi ở, chưa nhộn nhịp vì còn sớm. Ông Úc chủ quán thấy tôi mở cửa đi vào lấy làm lạ. Tôi lên tiếng:

-Hi Sir. Tôi đến kiếm gì ăn uống vài ly beer được không?

- Ok xin mời. Có thực đơn trên bảng, đặc biệt đêm nay có múa cột. Mày muốn xem thì mua ticket 5 dollars một vé nhưng không được sờ mó.

Tôi là người khách đầu tiên ngồi một nơi khuất vắng kêu một đĩa thịt bò với khoai tây và súp gà, phải chờ bếp ga nóng mới nấu được. Khách đến lai rai. Có một bọn choai choai mình mẩy xăm tum lum đi vào nhìn thấy tôi, chúng làm lạ nói với đồng bọn:

- Có một thằng Chine ngồi kia

Cả đám kéo đến cà khịa nhưng khi biết tôi làm ở bệnh xá chúng trở nên vui vẻ lui về phía sàn múa cột. Đến 8pm màn múa bắt đầu

Ánh lửa than bập bùng, đèn đổi màu. Lần đầu tiên tôi được xem nữ múa cột uốn éo với thân hình không còn mảnh vãi. Cô nàng còn khá trẻ cở 19 hay 20. Màn múa cột gay cấn làm lũ đàn ông hoan hô náo nhiệt. Khi ánh đèn bật sáng trở lại tôi mới nhìn kỹ cô gái đẹp. Nàng xuống ngồi chung với đám xăm phía trước, tụi nó xầm xì gì đó hướng về phía tôi. Cô gái cũng nhìn rồi đứng dậy tiến về bàn tôi ngồi một mình với ly Poster còn sủi bọt

- Hi, tôi ngồi được không ?

- dĩ nhiên được

Cô gái có khuôn mặt Á châu lai nét đẹp nửa Đông nửa Tây rất thanh tú

- Anh là Chine?

- Tôi người Việt

- Ôh, chú tôi cũng từng đi lính tại Việt Nam. Ông đang nghỉ phép tại nông trại ở đây

Thì ra cô này là cháu ông đại úy lính Úc tôi gặp trên xe lửa một tháng trước

- Cô có nét lai Á châu cô biết không ?

- Mẹ tôi là người Phi Luật Tân

- Tôi mời cô thêm ly bia nhé

- OK nhưng một ly thôi, tôi phải làm việc.

Có hơi men nên tôi dạn dĩ:

- Cô thích múa cột ?

Cô ta trả lời tỉnh bơ:

- Tôi làm kiếm tiền. Múa cột chỉ thoát y 90 phần trăm không có gì xấu. Tụi sinh viên nữ ở các thành phố lớn nhiều đứa cũng làm, kiếm rất nhiều tiền nhưng tôi không thích mấy nơi đó. Tôi thích cuộc sống bình yên nơi này. Anh là bác sĩ ?

- Không tôi là Medical Assistant trong Quân đội

- À bên này có thể gọi là Master Nurse. I see, còn tôi không học đại học và cũng không thích học nữa.

Cô gái trả lời với ánh mắt mơ màng nhìn lên trần nhà. Tôi không nói gì thêm đứng lên trả tiền rồi chúc tạm biệt

- Tên tôi là Jenny, mình có thể gặp nhau lần tới được không?

- Gọi tôi là Lee nếu thích. Cứ gặp tôi vào cuối tuần tại đây.

- Ok, hẹn gặp lại

Đêm đầu tiên về căn hộ lạnh lẽo, tôi nằm vật ra giường ngủ say một giấc đến sáng không mộng mị. Vừa mới vào bệnh xá làm việc thì bà nhân viên văn phòng gọi:

-Lee mày có điện thoại.

Thì ra mấy ông bạn tôi ở Melbourne đòi lên chơi cuối tuần sau

- Bao nhiêu người?

- Khoảng 4 người

-Ngủ bụi nghe, có nữ không?

- Có vợ chồng Tuấn Huế

-OK, tụi mày nhớ mang theo mền và cần câu cá.

Tôi vào nhà kho bệnh xá vác thêm vài tấm nệm về bỏ vào góc phòng nhưng thật ra không cần vì lúc đó ngủ không cần nệm cũng chẳng sao. Công việc tại bệnh xá dạo này chẳng có gì, sáng tôi đi xuống phòng bệnh lấy hồ sơ cập nhật do áp huyết, chích vài mũi thuốc Indocid vào khớp xương cho mấy ông già đau khớp trầm trọng. Vật dụng y khoa nơi này toàn đồ cổ: máy do áp huyết còn dùng ống thủy ngân to như cái cục gạch nặng nề. Thân chủ của bệnh xá là những dân cư thổ dân bản địa. Họ hiền lành chất phát như người Êđê ở Kon Tum nhưng đa số nát rượu. Họ nhậu kinh khủng, tiền trợ cấp của chính phủ Úc không đủ cho họ nhậu. Họ có lá cờ riêng nửa đỏ nửa đen, chính chính giữa là mặt trăng màu vàng. Thật ra đất nước này của họ bị thực dân Anh chiếm và đày đám tù nhân đến đây. Úc chỉ mới hình thành quốc gia gần hai trăm năm và tổ tiên là những tù nhân đến từ Anh. Có những đêm tôi trực nói chuyện với vài ông thổ dân có học, ông nói tụi da trắng giết thổ dân như săn lùng một con vật. Thổ dân cũng chống cự nhưng gậy gộc cung tên làm sao chống lại với súng đạn. Tôi có đọc một bài viết nói thổ dân Úc có nguồn gốc từ Đông dương tức là Việt nam, Lào, Campuchia ngày nay khi lục địa Úc còn nối dài với Á châu; nhưng hơi nghi ngờ vì thổ dân Úc cao to, đầu vồ xấu xí hơn các bộ tộc người Thượng tại Đông dương. Họ giống dân Phi châu hơn, tiếng nói và văn hóa khác nhau rất nhiều. Thôi chuyện này để các nhà nhân chủng học bàn luận. Thời gian còn lại là tôi học thêm tiếng Anh, đọc thêm sách y khoa tại thư viện. Ông Bác sĩ trưởng Bệnh xá thỉnh thoảng gặp tôi khuyên nhủ ông nói

- Mày nên quên quá khứ để làm lại cuộc đời. Nên đi học lại, nếu Anh ngữ mày qua được kỳ thi trắc nghiệm của Medical council, tao sẽ giới thiệu cho.

Có những đêm tôi khóc một mình trong căn phòng khi nhớ Việt Nam và bà nhân viên đều kể lại như mật vụ. Không phải bà soi mói theo dõi tôi nhưng bà để ý đến tôi vì lạ lẫm vậy thôi. Tại cái làng hẻo lánh Murawee này một thằng đầu đen hiện diện cũng là đều lạ.

Cuối tuần dài ngày nghỉ các ông bạn tôi kéo lên. Họ khởi hành từ 5 giờ sáng đến Murawee gần 8 giờ. Căn hộ nhỏ trở nên ồn ào với người Việt xí xô xí xào bằng ngôn ngữ lạ làm mấy ông tây mất thiện cảm. Tôi tuổi còn trẻ chẳng cần bang giao quốc tế là gì, cũng chẳng quan tâm mình là dân ăn nhờ ở đậu- cứ coi nước Úc như của 18 đời vua Hùng để lại mà vui đi câu cá nơi nhánh sông Murray. Cá không cần mồi đặc biệt, chỉ móc bánh mì cũng bắt đầy nhóc và không được thả xuống lại. Toàn loại cá chẽm đen tạp ăn đem về nấu canh chua. Nhà tôi chẳng có nồi niêu gì ráo, lấy đại cái thau rửa mặt của bệnh nhân mà cũng chẳng có bếp ga, tụi tôi nấu bằng củi phía sân sau lửa khói mịt mù. Mấy ông tây chửi toáng lên đồ mọi rợ. Sự hiềm khích bắt đầu từ đây.

Tối đến thêm một ông bạn tôi từ Sydney đi xe lửa xuống. Tôi kéo hết vào cái Club coi múa cột nhậu nhẹt tưng bừng. Khi ban nhạc vừa dứt bản nhạc giật gân, ông Đức bạn tôi nhào lên bảo ban nhạc chơi lại nữa để ông nhảy. Trời đất, tôi sợ đánh lộn nhưng không, ông chủ quán cho chơi tiếp. - Hôm nay là ngày vui sinh nhật tao, thoải mái luôn. Thế là ông bạn tôi quậy tưng bừng một mình một sân khấu, ban nhạc cũng nổi hứng khi thấy thằng Chine nhảy quá sung. Con bé múa cột cũng ngứa tay ngứa chân nhào lên sân khấu nhảy theo. Ông bạn tôi giật micro hát bản nhạc Tàu bài Máu nhuộm Thượng hải. Ông rống lên: lọn phắn, lọn lầu…Ban nhạc cũng hay, họ đệm rất đúng điệu. Hát xong ông cầm cái đĩa sứ táp một cái nhai nhồm nhoàm. Cả ban nhạc tắt tị. Xong cái đĩa sứ ông chụp ly rượu mạnh nốc cạn rồi nhai luôn cái ly rau ráu. Tôi biết ông bạn hiền từ nhỏ của tôi từng học bùa và đang lên cơn bùa nhập. Cả club lặng ngắt, tụi Úc trố mắt nhìn ông bạn vàng tôi nhai ly. Xong ông vụt chạy ra đường nói là chạy bộ về Sydney, tụi tôi rượt theo đứt hơi mới kè được ông về xe. Khi tôi quay lại quán tính tiền, ông chủ quán nói:

- Free, khỏi tiền. Tao muốn gặp thằng superman nhai ly vào ngày mai

Tôi ú ớ không hiểu thì ông cười:

- Mai tao đem phóng viên truyền hình đến quay lại cảnh nhai ly, đĩa rồi làm làm chuyện lạ bốn phương. Bạn mày sẽ có khối tiền

Chuyện gì chứ chuyện lạ mấy tên nhà báo Úc đánh hơi rất lẹ. Hôm sau vừa mới mở mắt, ông chủ club đã cho người đến mời tụi tôi ăn sáng, nói tụi phóng viên từ Sydney xuống đang chờ.

Phan Nhật Bắc
(Xem tiếp kỳ 2)              

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian