Người chơi đàn ở ga trung tâm (P1)- Xichlo-LtBNN
Phố núi và bạn bè... Chút gì để nhớ!
NGƯỜI CHƠI ĐÀN Ở GA TRUNG TÂM
P1.
Một buổi chiều mùa đông ướt át và lạnh lẽo ở trung tâm Sydney, dưới hầm bộ hành bên dưới con đường lúc nào cũng chật kín xe cộ nối liền ga Trung tâm và khuôn viên đại học UTS có một người đàn ông râu tóc lòa xòa ôm cây đàn ghi-ta cổ điển ngồi sau hộp đàn mở nắp, trong đó có vài đồng bạc lẻ của khách qua đường tốt bụng... Chiếc áo bông màu xanh biển tươi tắn tương phản một cách kỳ lạ với những nét sơn xám đỏ xen kẽ của bức tranh tường u ám sau lưng ông, diễn tả một con đại bàng với chiếc mỏ cong dữ tợn đang ngậm đuôi một con rắn mà phần đầu của nó cong lên, vòng ra xa đầu con đại bàng như một dấu hỏi ngơ ngác thất thần... Bộ râu quai nón rậm rì đen nhánh và mái tóc cũng thật đen, trên vầng trán cao đầy nếp nhăn làm cho người ta thật khó đoán tuổi của ông, năm mươi? sáu mươi? hay bảy mươi cũng đều có thể.
Tiết học cuối cùng trong ngày vừa tan, đám sinh viên gái trai già trẻ lũ lượt đi qua đường hầm này để vào ga Trung tâm, bắt những chuyến tàu điện tỏa đi khắp các vùng ngoại vi thành phố, tận những vùng xa xôi phía Tây Sydney, nơi các cộng đồng người Việt, người Hoa, người Trung Đông cư trú với nét văn hóa đặc trưng của mỗi vùng, và không khó để nhận ra những du học sinh người Việt, với dáng điệu tất bật vội vàng, hối hả đi vượt lên trên những khách bộ hành khác, để bắt kịp chuyến tàu đến nơi làm việc ngoài giờ, thường là những việc nặng nề, vất vả với đồng lương chỉ bằng một nửa mức lương chính thức. Cũng đúng thôi, họ đang đi làm chui, không khai thuế với chính phủ, và những người chủ sử dụng lao động đồng hương cũng dựa vào nguồn nhân công rẻ đó như một lợi thế cạnh tranh với các đồng nghiệp gốc châu Âu.
Ông già (hãy tạm gọi như vậy) đang chơi bản nhạc Feste Lariane, bản nhạc lừng danh của nhạc sĩ người Ý Luigi Mozzani bằng một tiết tấu đều đều, vô cảm. Cả dáng ngồi chơi đàn của ông cũng toát lên một vẻ thờ ơ, lãnh đạm, giống như một hình nhân được vận hành bằng những bánh răng và dây cáp chứ chẳng phải con người. Thỉnh thoảng một khách bộ hành dừng lại, cúi xuống nhẹ nhàng đặt vào hộp đàn vài đồng xu lẻ, ông già ngước lên nhìn họ, khẽ gật đầu cảm ơn trong lúc những ngón tay vẫn lướt đều đều trên phím và dây đàn với một độ chính xác gần như tuyệt đối.
Một tờ polyme 5 đô-la màu hồng khẽ khàng đáp xuống lớp nhung đỏ của hộp đàn khi ông vừa rải xong hợp âm cuối cùng của bản nhạc. Ông ngước nhìn lên, những nếp nhăn trên trán giãn ra trong một nụ cười khi nhận ra người vừa đến:
-Oh, chú mày tan học sớm vậy? Bữa nay không vội về nhà sao?
Anh kia vừa tháo chiếc ba lô căng phồng ra khỏi vai vừa ngập ngừng trả lời:
-Bác à, cháu muốn ở lại tối nay ở đây, ngày mai đỡ mất công tàu xe tốn kém. Với lại, cháu chẳng còn tiền để thuê phòng trọ nên cũng chẳng có nhà để mà về.
-Thì ra là vậy!-Ông già vừa nói vừa đưa cây đàn cho khách- Định gia nhập đội quân đường phố hử? OK, chú mày ngồi đó chơi bản nhạc Feste Lariane cho người qua đường họ nghe đi. Thiệt là chán quá ta chẳng bao giờ còn có thể chơi được bài đó cho hay như xưa được.
Ông già vừa nói vừa gom những đồng tiền trong hộp, chẳng cần đếm chỗ tiền xu, ông trút hết vào một cái túi vải nhỏ có dây rút rồi đưa cả túi cho anh kia, nói như ra lệnh:
-Chừng này có lẽ đủ cho bữa tối của cả hai chúng ta hôm nay. Ta muốn anh trả tiền bữa ăn bằng những đồng xu lẻ này, chúng cũng xứng đáng có một vị trí ngang hàng với những tờ 50 đô-la mới cứng!
Anh sinh viên cầm cái túi tiền xu, khẽ nói cảm ơn rồi hỏi ông già:
-Bác muốn ăn gì tối nay, Kebab hay KFC? (1)
-Không cả hai thứ đó con trai ạ. Ta muốn tối nay chúng ta dùng một bữa tối đúng nghĩa, trong một quán ăn đúng nghĩa, có rượu vang và người phục vụ đưa thực đơn đến tận bàn cho ta chọn món... Anh đừng có tròn mắt lên nhìn ta như vậy. Chúng ta từ bỏ những tiện nghi của cuộc sống bình thường không có nghĩa là chúng ta từ bỏ tư cách con người của chúng ta. Nào, khoác túi của anh lên và xách hộp đàn hộ ta, ta còn phải kéo dàn âm thanh này đi gởi.
Anh sinh viên dường như chẳng muốn tranh luận với ông già kỳ quái này, anh lẳng lặng khoác ba lô lên vai, cầm lấy hộp đàn của ông già rồi lững thững đi bộ về phía lối ra của đường hầm trong khi ông già đi ngược về phía ga, nơi có trạm gởi hành lý và những ổ cắm điện cho ông sạc lại bộ ắc quy của dàn âm thanh của ông, chuẩn bị cho ngày mai tiếp tục sự nghiệp nghệ sĩ đường phố của mình.
Trên mặt đường mưa đã tạnh, trời đã tối hẳn dù chỉ mới 5 giờ chiều ở Sydney. Hôm nay là thứ năm, ngày duy nhất trong tuần các trung tâm thương mại mở cửa đến tận khuya thay vì chiều tối như thường lệ. Phố xá dập dìu những cặp đôi trẻ tuổi, đa số là những du học sinh đủ mọi sắc dân, họ không có xe hơi và không có thời gian để đi mua sắm vào dịp cuối tuần vì phải bận rộn với công việc làm thêm kiếm tiền, khi những người bản xứ đã nghỉ làm để tái tạo năng lượng sau 5 ngày vất vả.
- Truyện của Xichlo-LtBNN
P1.
Một buổi chiều mùa đông ướt át và lạnh lẽo ở trung tâm Sydney, dưới hầm bộ hành bên dưới con đường lúc nào cũng chật kín xe cộ nối liền ga Trung tâm và khuôn viên đại học UTS có một người đàn ông râu tóc lòa xòa ôm cây đàn ghi-ta cổ điển ngồi sau hộp đàn mở nắp, trong đó có vài đồng bạc lẻ của khách qua đường tốt bụng... Chiếc áo bông màu xanh biển tươi tắn tương phản một cách kỳ lạ với những nét sơn xám đỏ xen kẽ của bức tranh tường u ám sau lưng ông, diễn tả một con đại bàng với chiếc mỏ cong dữ tợn đang ngậm đuôi một con rắn mà phần đầu của nó cong lên, vòng ra xa đầu con đại bàng như một dấu hỏi ngơ ngác thất thần... Bộ râu quai nón rậm rì đen nhánh và mái tóc cũng thật đen, trên vầng trán cao đầy nếp nhăn làm cho người ta thật khó đoán tuổi của ông, năm mươi? sáu mươi? hay bảy mươi cũng đều có thể.
Tiết học cuối cùng trong ngày vừa tan, đám sinh viên gái trai già trẻ lũ lượt đi qua đường hầm này để vào ga Trung tâm, bắt những chuyến tàu điện tỏa đi khắp các vùng ngoại vi thành phố, tận những vùng xa xôi phía Tây Sydney, nơi các cộng đồng người Việt, người Hoa, người Trung Đông cư trú với nét văn hóa đặc trưng của mỗi vùng, và không khó để nhận ra những du học sinh người Việt, với dáng điệu tất bật vội vàng, hối hả đi vượt lên trên những khách bộ hành khác, để bắt kịp chuyến tàu đến nơi làm việc ngoài giờ, thường là những việc nặng nề, vất vả với đồng lương chỉ bằng một nửa mức lương chính thức. Cũng đúng thôi, họ đang đi làm chui, không khai thuế với chính phủ, và những người chủ sử dụng lao động đồng hương cũng dựa vào nguồn nhân công rẻ đó như một lợi thế cạnh tranh với các đồng nghiệp gốc châu Âu.
Ông già (hãy tạm gọi như vậy) đang chơi bản nhạc Feste Lariane, bản nhạc lừng danh của nhạc sĩ người Ý Luigi Mozzani bằng một tiết tấu đều đều, vô cảm. Cả dáng ngồi chơi đàn của ông cũng toát lên một vẻ thờ ơ, lãnh đạm, giống như một hình nhân được vận hành bằng những bánh răng và dây cáp chứ chẳng phải con người. Thỉnh thoảng một khách bộ hành dừng lại, cúi xuống nhẹ nhàng đặt vào hộp đàn vài đồng xu lẻ, ông già ngước lên nhìn họ, khẽ gật đầu cảm ơn trong lúc những ngón tay vẫn lướt đều đều trên phím và dây đàn với một độ chính xác gần như tuyệt đối.
Một tờ polyme 5 đô-la màu hồng khẽ khàng đáp xuống lớp nhung đỏ của hộp đàn khi ông vừa rải xong hợp âm cuối cùng của bản nhạc. Ông ngước nhìn lên, những nếp nhăn trên trán giãn ra trong một nụ cười khi nhận ra người vừa đến:
-Oh, chú mày tan học sớm vậy? Bữa nay không vội về nhà sao?
Anh kia vừa tháo chiếc ba lô căng phồng ra khỏi vai vừa ngập ngừng trả lời:
-Bác à, cháu muốn ở lại tối nay ở đây, ngày mai đỡ mất công tàu xe tốn kém. Với lại, cháu chẳng còn tiền để thuê phòng trọ nên cũng chẳng có nhà để mà về.
-Thì ra là vậy!-Ông già vừa nói vừa đưa cây đàn cho khách- Định gia nhập đội quân đường phố hử? OK, chú mày ngồi đó chơi bản nhạc Feste Lariane cho người qua đường họ nghe đi. Thiệt là chán quá ta chẳng bao giờ còn có thể chơi được bài đó cho hay như xưa được.
Ông già vừa nói vừa gom những đồng tiền trong hộp, chẳng cần đếm chỗ tiền xu, ông trút hết vào một cái túi vải nhỏ có dây rút rồi đưa cả túi cho anh kia, nói như ra lệnh:
-Chừng này có lẽ đủ cho bữa tối của cả hai chúng ta hôm nay. Ta muốn anh trả tiền bữa ăn bằng những đồng xu lẻ này, chúng cũng xứng đáng có một vị trí ngang hàng với những tờ 50 đô-la mới cứng!
Anh sinh viên cầm cái túi tiền xu, khẽ nói cảm ơn rồi hỏi ông già:
-Bác muốn ăn gì tối nay, Kebab hay KFC? (1)
-Không cả hai thứ đó con trai ạ. Ta muốn tối nay chúng ta dùng một bữa tối đúng nghĩa, trong một quán ăn đúng nghĩa, có rượu vang và người phục vụ đưa thực đơn đến tận bàn cho ta chọn món... Anh đừng có tròn mắt lên nhìn ta như vậy. Chúng ta từ bỏ những tiện nghi của cuộc sống bình thường không có nghĩa là chúng ta từ bỏ tư cách con người của chúng ta. Nào, khoác túi của anh lên và xách hộp đàn hộ ta, ta còn phải kéo dàn âm thanh này đi gởi.
Anh sinh viên dường như chẳng muốn tranh luận với ông già kỳ quái này, anh lẳng lặng khoác ba lô lên vai, cầm lấy hộp đàn của ông già rồi lững thững đi bộ về phía lối ra của đường hầm trong khi ông già đi ngược về phía ga, nơi có trạm gởi hành lý và những ổ cắm điện cho ông sạc lại bộ ắc quy của dàn âm thanh của ông, chuẩn bị cho ngày mai tiếp tục sự nghiệp nghệ sĩ đường phố của mình.
Trên mặt đường mưa đã tạnh, trời đã tối hẳn dù chỉ mới 5 giờ chiều ở Sydney. Hôm nay là thứ năm, ngày duy nhất trong tuần các trung tâm thương mại mở cửa đến tận khuya thay vì chiều tối như thường lệ. Phố xá dập dìu những cặp đôi trẻ tuổi, đa số là những du học sinh đủ mọi sắc dân, họ không có xe hơi và không có thời gian để đi mua sắm vào dịp cuối tuần vì phải bận rộn với công việc làm thêm kiếm tiền, khi những người bản xứ đã nghỉ làm để tái tạo năng lượng sau 5 ngày vất vả.
(Xem tiếp P2)
-------------------------------
Chú thích:
(1) - Kebab: món ăn nhanh của người Trung Đông (Ả Rập) tương tự như bánh cuốn của người Việt, gồm thịt (bò/cừu/gà) nướng xoay (quay) bào mỏng, cuộn chung với salad (rau sống), có thể thêm trái ô-liu hoặc/và cà chua... tất cả cuốn vào một miếng bánh bột mì tây cán mỏng và đã nướng chín sẵn thay vì bánh tráng nhúng nước như của Việt Nam.
- KFC: Gà rán Kentucky, là một thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng của Mỹ và phổ biến thứ nhì thế giới, chỉ sau McDonald's. KFC đã có bán ở VN từ năm 1997.
Chú thích:
(1) - Kebab: món ăn nhanh của người Trung Đông (Ả Rập) tương tự như bánh cuốn của người Việt, gồm thịt (bò/cừu/gà) nướng xoay (quay) bào mỏng, cuộn chung với salad (rau sống), có thể thêm trái ô-liu hoặc/và cà chua... tất cả cuốn vào một miếng bánh bột mì tây cán mỏng và đã nướng chín sẵn thay vì bánh tráng nhúng nước như của Việt Nam.
- KFC: Gà rán Kentucky, là một thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng của Mỹ và phổ biến thứ nhì thế giới, chỉ sau McDonald's. KFC đã có bán ở VN từ năm 1997.
0 Comment: