Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Người chơi đàn ở ga trung tâm (P5)- Xichlo-LtBNN

NGƯỜI CHƠI ĐÀN Ở GA TRUNG TÂM
- Truyện của Xichlo-LtBNN-
(xem lại P4)  
P.5

Bằng một lối kể chuyện mang nhiều tính tự sự hơn là tường thuật, với một thứ tiếng Anh đặc trưng của người vùng Trung Đông, nhấn mạnh các phụ âm đầu t-r, Shahram kể lại câu chuyện đời ông. Câu chuyện ly kỳ rối rắm mà vốn tiếng Anh có phần hạn chế của anh chàng sinh viên nhiều chỗ không hiểu được, nên anh cứ phải ngắt lời ông mà hỏi đi hỏi lại hoài.

-Ta đến đây từ Iran, nhưng tổ tiên ta lại là gốc người Iraq, ngày xưa cùng sống trên mảnh đất Babylon huyền thoại... anh đã đọc truyện Ngàn lẻ một đêm chưa? Uh, hồi nhỏ ta cũng thường mơ mộng tới những chuyến phiêu lưu của Xin-bát và cũng thường mơ thấy mình có trong tay cây đèn thần của A-la-đin hay đang đọc câu thần chú "Vừng ơi, mở ra!" kỳ diệu... Lớn lên ta theo học ngành khai thác dầu khí và nhờ năng lực của mình ta đã vượt lên trên những anh em công nhân nghèo khổ ngày đêm lầm lũi bên các giếng dầu trong sa mạc, để có một đời sống khá giả trong xã hội vào thời điểm 1980.

-Nhưng... theo cháu biết thì Iran và Iraq không hề ưa thích gì nhau, và năm 1980 họ đã uýnh nhau chí tử suốt gần chục năm...

Người chơi đàn ở ga trung tâm- Xichlo-LtBNN

-Uh anh bạn, tám năm chiến tranh không làm kiệt quệ cả hai đất nước vì nguồn tài nguyên dầu mỏ vô tận dưới lòng đất dư sức chi trả. Nhưng thường dân thì bức bối và căng thẳng. Điều nghịch lý là nguồn thu nhập của các nước Trung Đông hầu hết đến từ dầu mỏ, thứ nhiên liệu vận hành gần hết cả nền văn minh thế giới, nhưng thời điểm đó phần lớn dân chúng ở các làng mạc lại có một đời sống rất thấp, gần như thời xa xưa của Ngàn lẻ một đêm.

Ta có người vợ yêu kiều và ngoan đạo, cũng như mọi người con gái Ả rập khác, nàng ấy một lòng theo ta đi khắp các điểm khai thác dầu trong sa mạc mênh mông, nhiều khi thiếu thốn tiện nghi đến mức những người công nhân dày dạn giang hồ còn không chịu nổi và mặc dù những kỹ sư như ta luôn được dành cho những ưu ái nhất định từ chủ công ty về việc đi lại. Cứ mỗi hai tuần là chúng ta được phép về thành phố nghỉ ngơi một tuần bằng những chiếc trực thăng mà khi đó còn là hàng hiếm ngay cả trong quân đội... Thế nhưng nàng vẫn không muốn trở về thành phố sống cùng cha mẹ anh em trong hai tuần ta vắng mặt. Nàng luôn muốn được ở bên cạnh ta mọi nơi mọi lúc, kể cả khi những quả đạn pháo của Iraq nhiều lần xới tung sa mạc trong những năm đầu của cuộc chiến mà dù người ta có gán cho nó những ý nghĩa cao quý như quốc gia dân tộc hay tôn giáo thần thánh thì thực chất cũng chỉ là cuộc tranh giành lợi nhuận từ dầu mỏ của những tập đoàn hùng mạnh đang thống trị thế giới dù là bằng đồng rúp Nga hay đồng đô la Mỹ. Máu của người Ả rập chảy thành sông trên sa mạc cũng chỉ vì mấy thùng dầu mỏ, và vì những con số nhấp nháy trên bảng điện tử ở phố Wall...

Anh chàng sinh viên chăm chú nghe bài thuyết trình của Shahram, nét mặt anh không biểu lộ cảm xúc gì, có lẽ anh đang tập trung để hiểu thứ tiếng Anh vừa khó nghe vừa dài dòng văn tự của ông già hơn là bị mê hoặc bởi độ sâu sắc của tính nhân văn trong những câu nói ấy...
Uống một hơi cạn ly rượu, Shahram giục anh sinh viên cạn ly rồi ông rót tiếp hai ly đầy khác, giọng vẫn đều đều:

-Khi cuộc chiến đã trở nên khốc liệt, và sự thù địch của những người Iran với những công dân gốc Iraq như ta đã trở nên nguy hiểm cho tính mạng của bản thân, ta đã đưa vợ con chạy khỏi đất nước, qua nhiều trại tị nạn cuối cùng nước Úc đã đón nhận gia đình nhỏ của ta hai mươi năm về trước. Khi đó đứa con gái duy nhất của chúng ta vừa tròn hai tuổi. Bây giờ nó đã 22, lâu lắm rồi ta không gặp nó lần nào. Giá như...

Shahram bỏ lửng câu nói. Ông lại đốt thuốc và nâng ly mời anh sinh viên.

-Ta xin lỗi, anh có thấy mệt khi nghe câu chuyện tào lao vớ vẩn của lão già này không? Không hiểu sao hôm nay ta lại kể cho anh điều ta câm nín suốt mười mấy năm nay? Thôi, uống đi nào, nói cho ta biết về đất nước Việt nam của anh, một đất nước mà ngoài việc đánh nhau chí chóe mấy chục năm trời thì không gây nhiều ấn tượng lắm cho nền văn minh nhân loại!

-Cũng không vớ vẩn hơn câu chuyện chiến tranh dầu mỏ của người Trung Đông các bác đâu ạ - Anh sinh viên đáp trả - Người Việt dù chưa đóng góp được gì nhiều cho văn hóa và văn minh thế giới, nhưng ít nhất thì cũng sống với nhau đầy nghĩa tình và luôn một lòng hướng về quê cha đất mẹ, và suốt mấy ngàn năm chưa bao giờ chấp nhận làm nô lệ cho bất cứ thế lực ngoại bang nào muốn xóa bỏ cội nguồn gốc rễ quê hương...

Đến lượt Shahram lặng im nghe anh chàng cao giọng hùng hồn bằng thứ tiếng Anh đúng giọng Cambridge dù đôi lúc có hơi ngắc ngứ vì không kịp nhớ ra từ vựng. Rồi như để giảng hòa, Shahram lôi hết mấy gói thức ăn trong túi giấy ra, dùng con dao nhỏ chia hết mọi món ra thành hai phần bằng nhau và đẩy một phần cho anh sinh viên:

-Thôi ăn đã nào con trai, giá như đừng có chuyện gì thì ta rất muốn gả con gái ta cho anh đó, con trai ạ!

Hai người một già một trẻ ngồi nhâm nhi bữa ăn tối với rượu, họ nói chuyện với nhau về những món ăn và sự khác biệt về gia vị nêm nếm của thức ăn Ả rập và thức ăn Tây. Bên ngoài trời đã tối đen, những chuyến xe bus cuối cùng đi về vùng ngoại ô thỉnh thoảng chạy qua ngã tư QVB là tiếng động duy nhất phá tan bầu không khí tĩnh lặng của Sydney lúc đêm về...
(xem tiếp phần 6)     

Sydney, 2010
Xichlo-LtBNN

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian