Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Câu cá diếc (ST sưu tầm)

CÂU CÁ DIẾC .

     Tĩnh tại, thư giãn, không ồn ào, vất vả là cảm nhận chung của rất nhiều người khi nói về cái thú câu cá Diếc (hay còn gọi là cá Giếc). Mỗi lần nhắc đến câu cá Diếc thì những kỷ niệm tuổi thơ trong tôi lại ùa về, tôi biết câu loại cá này cũng từ đam mê của chính bố tôi. Ngày đó khi chưa biết nhiều kiểu câu, nhiều thể loại câu như bây giờ, chỉ lang thang quanh những ao hồ. Có lẽ tôi mê câu cá Diếc nhất trên đời. Nói về câu cá Diếc thì các cần thủ trong Nam chắc sẽ bỡ ngỡ hơn ngoài Bắc, vì chúng phân bố chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung, còn trong Nam nghe đâu chỉ duy nhất trên Đà Lạt là có loại cá này ngoài tự nhiên. Hình dáng con cá Diếc thì hao hao giống cá Chép nhưng nhỏ hơn nhiều, ai vớ được con Diếc cỡ bàn tay là to lắm rồi đấy. Cá Diếc không có râu giống như cá Chép, vảy của nó màu bạc và có đôi mắt đỏ rất đặc trưng. Cá Diếc và cá Chép sống chung trong cùng một môi trường vì chúng có những đặc tính về kiếm mồi, sinh sản hoàn toàn giống nhau, chúng đều sục bùn dưới đáy ao hồ để tìm kiếm thức ăn, chính vì thế cách câu cá Diếc hoàn toàn có thể áp dụng để câu cá Chép chỉ với dây câu lớn hơn và cây cần cũng cứng hơn một chút. Cá Diếc tuy nhỏ như vậy nhưng cảm giác nó mang lại cho các cần thủ thì không hề nhỏ chút nào. Ngoài bắc khi các ao hồ tự nhiên quanh thành phố vẫn còn, làn sóng đô thị hóa chưa rầm rộ như ngày nay thì mỗi cuối tuần hai bố con tôi lại đi tìm và câu cá Diếc. Nếu phát hiện ra cái ao nào, hồ nào có cá Diếc là nhất định phải chuẩn bị đồ nghề, mồi câu để câu bằng được, thậm chí câu hết cá lớn ở đó mới thôi. Câu cá Diếc thì thời điểm tốt nhất có lẽ là thời điểm chớm đông, khi tiết trời hanh khô.


      Câu cá Diếc, cá Chép bằng phao đài như ngày nay cũng rất hiệu quả nhưng với riêng cá Diếc thì tôi vẫn thích và nhớ như in cách câu truyền thống, đơn giản mà cảm giác thì thật khó tả, câu cá Diếc truyền thống ngày trước, ngoài chiếc cần trúc dịu nhẹ, thêm chiếc phao lông gà dài gần cỡ ngón tay trỏ với sợi cước mảnh như tơ chuối có quấn một khúc chì lá phía gần chiếc lưỡi câu, miếng chì này có tác dụng làm cho chiếc phao lông gà nổi thẳng đứng, lưỡi câu thì nhỏ và mảnh tương tự như lưỡi câu cá Rô nhưng tròn và hẹp hơn một chút. Mồi câu cá Diếc thì nhạy nhất chính là giun đỏ (trùn huyết). Ngày đó giun đỏ phải tìm khá vất vả chứ không có bán sẵn như bây giờ, chúng chỉ có ở chỗ đất thật tơi, xốp và ẩm ướt. Tôi vẫn nhớ mãi lần bố tôi hướng dẫn cách tìm ra chỗ có rất nhiều giun đỏ đó là ra chợ ngay chỗ họ hay làm gà, làm vịt tìm các đám lông đã mục dùng cái que gảy chúng lên là y như rằng dưới đó bạt ngàn giun đỏ, chỉ việc nhặt bỏ vào cái hộp sữa bò có sẵn tí đất là tha hồ câu cả ngày cũng không hết. Câu cá Diếc thì nên chọn chỗ cuối gió, trên đầu không vướng víu vì sẽ khó khăn khi giật cá, đơn giản là nhìn các gợn sóng trên mặt nước xem chúng dạt về hướng nào thì cứ bờ đó ngồi câu là tốt nhất.

     Trước khi thả mồi, canh phao nếu muốn có một điểm câu thật chuẩn thì phải lội xuống dùng chân gạt hết bùn nhão tại chỗ định thả câu để tạo một lỗ câu thật phẳng không gồ ghề căn chỉnh phao một lần rồi cứ thế câu. Sau khi gạt bùn xong thì công đoạn tiếp theo là thả thính, thính câu cá Diếc ngày xưa cũng rất đơn giản, một ít cám gạo rang cháy trộn với ít cơm mẻ là xong. Thả thính để tránh cá Diếc vào ăn thính no mà không chịu ăn mồi thì trộn thính với một ít bùn rồi mới ném xuống. Thả thính xong thì vê cục đất mềm vào lưỡi câu thả xuống để căn phao cho chuẩn. Phao căn chuẩn là phao nổi thẳng đứng khi mồi vừa chạm đáy, đầu phía trên của phao chạm mặt nước là đẹp. Khi công tác chuẩn bị đã xong xuôi, rửa tay sạch sẽ bạn vẫn có đủ thời gian châm một điếu thuốc, kéo vài hơi trong lúc chờ cá vảo ổ để bắt đầu thả câu. Khi nào thấy những bong bóng nhỏ li ti nổi lên xung quanh chỗ thả thính là cá Diếc đang vào sục ổ, lúc này bắt đầu mắc giun đỏ vào, vuốt cho kín lưỡi câu chỉ để thừa một chút đầu còn ngoe nguẩy rồi thả câu là vừa đẹp. Thả câu sớm hơn thì thế nào cũng vớ đc một mớ cá linh tinh như cá Mương, Cân Cấn, Lòng Tong hay Mại Bầu…

     Tại sao câu cá Diếc lại cứ phải phao lông gà mà lại phải nổi thẳng đứng mới nhạy? Có lẽ cũng vì cái cách ăn mồi của cá Diếc rất riêng, rất đặc biệt không giống bất kỳ loại cá nào trừ cá Chép, người họ hàng gần của nó, chiếc phao lông gà nổi thẳng đứng chìm hẳn dưới nước dập dềnh theo sóng nước lăn tăn. Khi cá ăn mồi phao chỉ hơi nhún nhún, sau đó phao nhún thêm một nhịp dứt khoát rồi nổi bềnh ngang trên mặt nước thì chắc chắn 100% là cá Diếc ăn mồi, ấy là lúc phải đóng (giật) ngay lập tức, xác suất dính cá gần như là tuyệt đối. Cũng giống như cá Chép, miệng cá Diếc luôn hớp hớp để đưa mồi vào mồm, sau đó chúng phun ra những thứ không ăn được rồi mới ngóc đầu lên thả bóng bóng để nuốt mồi, khi cái phao nhún nhún là lúc chúng đang hớp hớp để đưa mồi vào mồm, sau khi đã chắc chắn là mồi ngon chúng ngóc đầu lên thả bong bóng để nuốt mồi làm cái phao lông gà nổi bềnh ngang trên mặt nước, đấy là lí do tại sao khi giật cá lúc này xác suất gần như tuyệt đối là vì vậy. Giật cá Diếc thì chỉ cần so dây cho gần thẳng, búng nhẹ đầu cần một cái là cảm nhận được ngay con Diếc đã dính câu đang dũi dũi dưới đáy nặng chịch, nhớ là búng nhẹ đầu cần thôi vì môi cá Diếc rất mỏng, giật mạnh quá nhiều khi chỉ có cái môi dính trên lưỡi câu, lúc nhấc cần lên cũng là lúc cảm giác nhất của thú câu cá Diếc, cá Diếc khi dính câu chúng liệng rất xa, nhanh và khỏe nên dù là cá bé thì vẫn cho bạn cảm giác như đang nhấc con cá rất lớn, đặc biệt là khi thả câu ở những nơi nước sâu, chúng lại hay đi kiếm ăn theo đàn, nên khi cá Diếc đã cắn câu thì thì cả đàn sẽ ăn liên tục, hết con này đến con khác, gặp một đàn kha khá thì chắc chắn bạn sẽ được giật mỏi tay, khi con cá được nhấc lên khỏi mặt nước là sẽ thấy ngay những ánh bạc lấp lánh phản chiếu từ những chiếc vảy của chúng, cảm giác thật hân hoan và đê mê, cứ thế câu đến khi nào cái phao không bềnh lên nữa mà đưa đưa đi xa là hết cá Diếc hoặc chúng đã bỏ đi, giờ là lúc bọn cá nhỏ hay đám tép đang phá mồi, lúc đó di chuyển đến chỗ khác sẽ hiệu quả hơn là tiếp tục xả mồi chờ chúng quay lại. Bố tôi vẫn thường nói câu cá Diếc là cực kỳ tinh tế, nó còn rèn cho người câu tính cẩn thận và tỉ mỉ. Tôi nghiện cái món này từ nhỏ cũng là vì thế.

     Ngày đó nước trong các ao hồ chưa ô nhiễm như bây giờ nên cá Diếc mới sống được và sinh sôi, nó là loài chỉ sống ở những nơi nước sạch, chứ nước bẩn hay ô nhiễm là không tìm thấy loại cá này đâu. Cá Diếc có thể làm được rất nhiều món, thịt cá Diếc rất thơm ngon và bổ dưỡng, Theo Đông y, thịt cá Diếc tính hàn, không độc, công dụng điều khí hòa trung rất bổ ích, chữa được nhiều bệnh. Các cụ ngày xưa thường ăn gỏi các chú cá nhỏ cỡ ngón tay cái, Làm gỏi cá Diếc thì đòi hỏi khá là công phu và tỉ mỉ, đầu tiên thả nguyên bầy cá sống vào một cái chum hay vại sạch rồi cho thêm chút muối để cá thải hết các chất bẩn ra ngoài, khi ăn thì vớt cá ra rửa sạch lại bằng nước sôi để nguội có bỏ thêm chút muối và chanh, sau đó cuốn với vài loại lá có sẵn ngoài vườn như lá sung, lá ổi, đinh lăng, lá mơ… thêm chút rau thơm như húng, mùi, thì là rồi nhúng vào nước chấm chén nguyên con, tợp thêm chén rượu nút lá chuối khô là tê tái lắm, mà nước chấm gỏi cá Diếc cũng phải làm từ chính những con cá Diếc băm nhỏ trộn thêm rượu, tương bần, đun sôi đến lúc hơi keo lại, bỏ thêm chút ớt, chút gia vị, chút nước mắm rồi đổ ra bát tô đậy cái vung nồi để giữ ấm là đúng bài rồi đó.

     Cá lớn hơn thì nấu canh với mồng tơi như là một bài thuốc để bồi bổ sức khỏe và chữa các bệnh về đường tiêu hóa như đau bụng, kiết lị, viêm đại tràng hay đặc biệt là bệnh viêm gan mãn tính. Bố con tôi thì đi câu về những con cá nhỏ cỡ như cá rô ron đến loại bằng hai ba ngón tay thì chả cần làm gì cứ thế cho vào chảo chiên (rán) giòn đến lúc cá vàng rộm, nhúng vô chén mắm tỏi với chanh ớt ăn cùng với cơm nóng trong tiết trời hơi se lạnh thì ngon đến ấm người, còn những con lớn hơn thì cho vào niêu đất kho nhỏ lửa với tương bần cắt thêm mấy lát khế đến khi rục cả xương thơm lừng thì tốn cơm lắm, ăn mãi cũng không thấy no, đấy là còn chưa kể nhiều bữa vớ được nguyên bầy Diếc đang ôm trứng thì khi kho lên bao giờ tôi cũng là người săm soi tìm chúng đầu tiên để thưởng thức, trứng cá Diếc cứ bùi bùi, thơm thơm ngon đến lạ. Nhưng các bạn biết không ? Cá Diếc ngon nhất là nấu với rau răm, chỉ cần đun nồi nước dùng với vài lát gừng, tí cà chua, hành lá cho thêm chút tiêu, ớt, bột canh là ổn, để nguyên cả chậu cá sống bên cạnh, không đánh vảy, không mổ bụng, khi nước sôi to cho rau răm nguyên cọng vào nồi, cá thì ăn đến đâu thả vào đến đấy chờ nước sôi lại lần nữa, cho thêm chút rau răm thái nhuyễn rồi múc ra bát là vừa ăn. Ăn cá Diếc thì phải ăn tất, đừng bỏ gì cả nhưng nhằn cẩn thận không là hóc xương đấy, ăn thế nó mới mát và bổ dưỡng vì thế nên cá cứ gắp cả con rồi chén luôn cả đầu lẫn vảy chấm với mắm ớt hay muối tiêu chanh đều ngon cả, chén miếng cá trắng phau, tợp một ngụm rượu sau đó húp bát nước rau răm vẫn đang bốc khói, cái cảm giác lúc ấy nó mới ngây ngất làm sao, có lần vì món này mà mấy anh em chúng tôi cưa hết cả hũ rượu lớn, say quắc cần câu.

     Giờ đây khi làn sóng đô thị hóa đang ngày một phát triển, mặt nước được thay thế bằng các tòa nhà, những khu dân cư mới, những ao hồ tự nhiên còn sót lại hay các mương, rạch thì ô nhiễm nặng nề cũng đang chết dần chết mòn, cá Diếc tự nhiên vì thế cũng ngày càng vắng bóng, giờ chúng chỉ còn hiện diện trong các hồ câu dịch vụ vì tôi biết còn rất nhiều cần thủ đam mê thú câu này như tôi, chỉ khác là giờ đây họ câu cần cac-bon, phao đài buộc thẻo câu hai lưỡi cùng với đủ thứ mồi phát triển theo phong trào câu tay hiện nay... Nhớ ngày xưa mỗi phiên chợ sáng là cá Rô đồng, cá Diếc không bao giờ thiếu lại rất rẻ nên chúng luôn có mặt trong các bữa cơm của những gia đình nghèo thì giờ đây lại trở thành các món đặc sản chỉ xuất hiện trong các nhà hàng, quán sang. Mỗi lần có dịp ra bắc hay về quê, cứ rỗi rãi là tôi lại lang thang tìm xem các ao, hồ hay mấy con mương, con rạch nhỏ ngoài cánh đồng có còn cá Diếc hay không? nhưng gần như là vô vọng khi mà những cánh đồng quê tôi cũng đang tràn ngập thuốc sâu, thuốc bảo vệ thực vật các loại như bao làng quê khác, những con cua hay những loại cá đen như rô, trê, lóc… sống được cả trong môi trường nước bẩn, tù đọng mà cũng không thấy đâu thì nói gì đến cá Diếc. Nhưng tôi biết thú câu này sẽ không bao giờ mất, nó không những còn tồn tại trong trí nhớ của thế hệ chúng tôi hay các cụ cao niên mà đâu đó tôi vẫn thấy hình ảnh các cần thủ nhí quần ống thấp, ống cao tay cầm cần ngồi cạnh các bậc cha chú tìm hiểu và trải nghiệm thú câu cá Diếc đầy thi vị và tinh tế này giống như tôi ngày xưa.

     Cuộc sống càng ngày càng phát triển nhanh hơn, nó mang đến nhiều cái hay, cái mới tiện nghi hơn nhưng đừng vì thế mà để nó lấy đi của chúng ta những thứ khác cũng vô cùng quý giá mà gần gũi, thân thương. Với riêng mình, tôi vẫn luôn chờ đợi một ngày nào đó sẽ lại thấy cá Diếc tung tăng trong các ao hồ, sông rạch, để mỗi dịp cuối tuần lại được ra ngoại thành cùng bạn bè ngồi chờ những chiếc phao lông gà trắng muốt nổi bềnh trên mặt nước, hết buổi câu lại cùng nhau làm vài chén cay cay, thưởng thức hương vị đặc biệt của tô canh cá Diếc nấu cùng với rau dăm hay chỉ đơn giản là lại được ăn những bữa cơm gạo quê cùng với niêu cá Diếc kho nhừ như những ngày xưa bé.

Đi câu nhuộm sương, nhuộm nắng, nhuộm gió không ngại ngần,
đi câu vượt sông, vượt suối, vượt đá bao gập ghềnh.
Câu lên được loài cá lớn, cá bé là lộc trời,
câu lên được loài cá lớn, cá bé là trò chơi.
Thênh thang nào sông, nào suối, nào sóng, nào biển, hồ,
Câu trăng tròn khuyết, tròn khuyết, câu mặt trời rực hồng.
Ơ phao nhấp nháy, nhấp nháy, ơ kìa kìa,
đi câu để đoán, để biết, xem lòng người nông sâu.
Cần câu là cần câu cong cong í a,
sợi dây là sợi dây mong manh í a.
Sắc bén ấy là lưỡi câu í a,
nông sâu ấy nhờ chì đo í a,
mật ngọt ấy là mồi câu.
Đời đẹp là được đi câu,
đời đẹp là được đi câu.
(Cẩn thận không là bị câu…)


ST (nguồn: giaoducso.vn)

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian