Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Người chới đàn ở ga trung tâm (P11-cuối)- Xichlo-LtBNN

NGƯỜI CHƠI ĐÀN Ở GA TRUNG TÂM
- Truyện của Xichlo-LtBNN-
(xem lại P10)  
P.11- cuối

Shahram ngừng kể chuyện.

Ông ngồi lặng im trên tấm thảm Ba Tư nhạt nhòa những hoa văn xoắn xuýt kỳ dị dưới ánh trăng rằm xuyên qua tán lá cây phượng tím ở đầu ngõ con đường hầm giữa Tòa Thị Chính Sydney và tòa nhà Nữ hoàng Victoria, đổ bóng xuống nửa gương mặt khắc khổ râu ria xồm xoàm của ông một màu bàng bạc lấp lóa... trong khi nửa gương mặt kia chìm khuất trong bóng tối hun hút của vòm mái đường hầm.

Người chơi đàn ở ga trung tâm- Xichlo-LtBNN

Anh sinh viên nín thở nhìn bức tranh siêu thực đang hiển hiện trước mắt. Sự tương phản giữa trắng và đen, giữa ánh sáng và bóng tối trong suốt nửa cuộc đời trai trẻ nhiều luân lạc của anh chưa bao giờ hiện ra rõ nét đầy sống động như hình ảnh của ông già Shahram đang ngồi trước mặt anh. Anh chờ đợi Shahram kể tiếp câu chuyện mà anh có cảm giác rằng dù nó có kết thúc theo cách nào đi nữa thì cuối cùng mỗi nhân vật đều sẽ nhận đủ phần của mình, rằng mọi thứ đều đã được phân chia theo cách công bằng nhất mà Tự Nhiên đã định hình ngay từ thuở sơ khai của thế giới này...

Anh nhớ lại hơn một năm về trước, khi anh lững thững đi bộ dưới đường hầm UTS xuống ga Trung Tâm và lần đầu tiên nhìn thấy Shahram.

Đúng hơn là anh nghe thấy bản nhạc Shahram đang chơi, đó là bản Feste Lariane bất hủ luôn gợi trong anh thật nhiều kỷ niệm vui buồn thời trai trẻ... Lâu lắm rồi anh cũng không còn đàn địch gì. Những nốt nhạc rơi rụng dần khỏi ký ức của anh như những chiếc lá vàng lìa cành theo vòng xoáy vô tình của thời gian...

Nhưng cách chơi của Shahram thật khiến anh khó chịu đến mức đã đi qua khỏi chỗ đó rồi anh phải quay lại, rảo bước đến bên ông già vừa kịp lúc ông rải xong hợp âm cuối cùng. Anh chào ông theo cách thức xã giao thông thường dành cho những nghệ sĩ đường phố:

-Chào bác, bản nhạc Feste Lariane rất tuyệt!

Ngờ đâu ông già buông một câu trả lời lạnh ngắt:

-Ồ không, bản nhạc đó bây giờ chẳng đáng 50 xu!

-Ô sao vậy ạ? Cháu cũng biết chơi bài đó tuy không điêu luyện được như bác nhưng cháu cảm thấy rất hay mà!

-Chú mày chơi ghita à! Hèn chi chú mày đã bước qua ta rồi lại quay trở lại. Nếu đã chơi ghita, ta tin rằng chú mày đã cảm nhận rằng ta chỉ đánh những nốt nhạc chứ không hề chơi nhạc...

-Dạ đúng ạ. Vì vậy cháu mới quay lại đây. Cháu chỉ thắc mắc làm cách nào mà bác có thể luyện được sự đều đặn đến mức tuyệt đối ở đoạn tremolo. Điều đó khiến cho âm thanh phát ra hoàn hảo nhưng mong bác thứ lỗi, đó là sự hoàn hảo máy móc vô hồn...

-Anh không cần phải khách sáo. Anh nói đúng, tâm hồn ta đã chết từ lâu...

-Ô cháu xin lỗi bác... cháu không định nói...

-Thôi không có gì đâu. Giờ anh có thể đánh ta nghe đoạn đó được không? Ta muốn một lần nghe lại tiếng đàn của con người...

-Dạ cháu xin phép bác.

Ông già đứng lên nhường ghế cho anh sinh viên. Anh ôm lấy cây đàn, ngập ngừng nhấn nhứ những sợi dây, đánh lên từng nốt nhạc... và rồi những âm thanh vướng víu, giật cục thoát ra như tiếng vó ngựa đang phi trên một con đường sình lầy trơn trượt... chỉ có tiếng bass của bè trầm vẫn ngân nga da diết như tiếng níu giữ đầy luyến tiếc của một quá khứ xa xăm...

***

-Anh lại mơ màng chuyện gì đó con trai? Uống đi nào. Hôm nay ta chỉ kể được đến đây thôi. Cảm ơn anh đã chịu khó nghe ta kể chuyện lâu nay. Anh không thể nào hiểu được là cái chết trong lòng nó đau đớn đến mức nào đâu. Đúng, cuối cùng thì con gái ta cũng đã tỉnh lại, nhưng nó không còn nhớ được điều gì xảy ra trước đó nữa. Đầu óc nó lúc bấy giờ trống rỗng còn hơn cả đầu óc của một người mất trí... Còn ta, lẽ ra ta nên gởi con bé vào viện tâm thần rồi ra đầu thú, nhưng lúc đó ta lại cố giữ nó để tiếp tục nuôi dưỡng dạy dỗ... để cuối cùng chuyện gì phải tới cũng đã tới, cảnh sát tóm được ta trên chiếc du thuyền của lão chủ... Thôi để khi khác ta kể tiếp. Bây giờ uống hết đi, trời cũng sắp sáng rồi.

Anh sinh viên lặng lẽ cụng ly với Shahram. Anh không biết nói gì hơn, trong lòng anh trào dâng một sự bất lực trước thân phận con người trong cơn cuồng phong mê muội của chính con người.

Anh tạm biệt Shahram khi cánh cổng sắt xuống dưới đường hầm QVB lẹt kẹt mở ra. Ngủ thiếp đi trên chuyến tàu điện đầu tiên đi về vùng ngoại ô phía đông thành phố, anh chỉ giật mình thức dậy khi người nhân viên đường sắt đánh thức anh ở ga cuối cùng. Anh bước ra khỏi toa tàu, lên cầu thang cuốn một cách máy móc... Còn rất sớm mà ánh mặt trời mùa hè đã chói ngập mắt anh. Tự nhiên anh có cảm giác như chính mình, chứ không phải cô bé Aya con gái Shahram, vừa bước ra khỏi sự mịt mờ vô thức, chỉ để nhận ra sự vô nghĩa của việc tìm kiếm con người thật của mình trong con mắt người đời. Chung quanh anh thế giới 7 tỷ người có ai biết được chính xác anh là ai không? Hay chính họ cũng vẫn đang đi tìm chính bản thân họ!

Như câu chuyện cuộc đời bi đát của Shahram vì đâu nên nỗi?

Ông đã luôn cố gắng hết sức mình để sống vì vợ con, nhưng cuối cùng những cố gắng của ông đã đem lại điều gì? Kể cả khi Aya tỉnh lại với đầy đủ ký ức như trước kia, liệu điều đó có thật sự tốt đẹp gì cho cô bé không? Khi phải mang nặng cảm giác sự sống của mình có được là bằng cách cướp đoạt của nhiều người khác?

Cuối cùng rồi Shahram cũng phải trả giá về những hành vi của mình đối với xã hội. Nhưng đúng như ông nói, giá mà ông đủ chín chắn và sáng suốt để ra đầu thú, việc đó khác rất nhiều với việc bị bắt, không chỉ là sự trừng phạt về mặt thân thể mà hơn thế nữa, đến cuối đời ông cũng không thoát được sự trừng phạt của lương tâm.

Không trung thực và thẳng thắn với bản thân mình trước tiên, ông mãi mãi chỉ là một hồn ma vất vưởng, không gia đình, không bè bạn, không quê hương đồng bào, không có cả tư cách bình thường của một con người.

Và mãi mãi cho đến khi tan thành tro bụi, ông cũng không thể nào có thể chơi được bản nhạc Feste Lariane với cái hồn của nó như ngày xưa ông đã từng chơi trong những đêm trăng mờ trong sa mạc, bên các giếng dầu cạnh nàng Leila kiều diễm, hay với cả tâm hồn của một người cha gởi gắm cho đứa con gái nhỏ đang nằm trên giường bệnh.

Điều khốn khổ nhất của một cái máy như ông đó là trước đây ông đã từng là một con người. Và khi bị tước đoạt, hoặc tự mình vứt bỏ đi tư cách làm người đúng nghĩa, để biến thành một cái máy, ông đã không muốn nhìn nhận điều đó, vẫn luôn tìm mọi cách để tự lừa dối bản thân.

Ông sẽ vẫn chỉ là một cái máy và phần con người còn sót lại trong ông chỉ đủ để ông nhận ra rằng mình là máy, và đủ để ông luôn day dứt vì điều đó.

Xichlo-LtBNN
(Sydney, 2010, Rewrite 04/2021)

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian