Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Những dòng sông đều chảy (P2)- Phan Nhật Bắc

NHỮNG DÒNG SÔNG ĐỀU CHẢY
Phan Nhật Bắc
(Chuyện phiêu lưu trên những vùng đất thổ dân Úc và một cuộc tình nhiều nước mắt )
(Xem lại P1)   
P2:

Căn phòng đã ở gần mấy năm cũng lấn cấn chút tình cảm, Nam thu dọn gọn gàng rồi đem chìa khoá trả cho Ban quản lý chung cư, lên con ngựa xích thố trực chỉ Geelong. Phòng hờ 80 lít xăng và 100 lít nước, đồ nghề và phụ tùng cho con ngựa. Phần hắn 3 thùng mì gói, túi ngủ, máy bộ đàm, bản đồ… và vài trăm dollars trong túi, không dám mang nhiều sợ bọn Tây đói cướp cạn.

Rong ruổi trên con đường vạn dặm, một thân một mình, giữa đường gặp nhiều người quá giang nhưng hắn không dừng. Chuyện kẻ quá giang thành kẻ cướp xảy ra ra hàng ngày. Đến Port Campbell hắn dừng nghỉ xả hơi.

Những dòng sông đều chảy (P2)- Phan Nhật Bắc

Một cụm núi đá vôi nhô lên từ biển, hắn đếm chỉ có 9 cái cao khoảng 40 chục mét, nghe nói đã gãy hết một tông đồ. Như ông Terry nói nó chỉ là những phiến đá nhô lên trên mặt biển như một thắng cảnh thiên nhiên, người công giáo thi vị hoá, nhưng cũng lôi cuốn khách du lịch hơn hai triệu người mỗi năm. Nó chỉ đẹp khi hoàng hôn tắt nắng, ngồi trên biển vắng, và bên mình phải có một người bạn đường.

Lang thang xuống một cái club, Nam tìm chỗ khuất nhất ngồi nơi khung cửa có tầm nhìn ra biển. Từng đợt sóng nhấp nhô tấp vào chân ngọn đá vôi, người ta tranh thủ đi thăm 12 ông tông đồ của Chúa, sợ một ngày nào đó sóng biển làm sụp mất. Và đêm nay từ một phương trời xa lạ, hắn cũng tranh thủ đến đây

Một ông Tây sồn sồn cầm ly bia đến bàn Nam nói:

- Tao ngồi được không ?

- Welcome Sir

- Nơi này ít có đầu đen đến, chỉ có những tua du lịch từ Nhật và Korea, họ ồn ào náo nhiệt không như mày.

- Tôi khác họ khác thưa ông. Tôi là người tị nạn đến từ Việt Nam

- Tao có đọc rất nhiều bài báo nói về chiến tranh Việt Nam. Người Mỹ cùng Úc đã tham chiến nơi đó, đúng sai tao không biết, nhưng cảnh chết chóc sao thương tâm quá. Năm 1968 công dân Úc tụi tao quyên tiền khá nhiều để giúp nạn nhân chiến tranh tại đó.

- Thưa ông, đây là lần đầu tiên tôi nghe chuyện này, và người dân chúng tôi không được cắc nào, thưa ông

Ông Úc ngồi trầm ngâm trước ly bia, rồi nói

- Mày đi đâu mà đến đây một mình? thôi quên đi tao mời một ly nhé .

- Tôi làm một chuyến viễn du cho biết nước Úc và có thể vào giữa sa mạc sống với thổ dân xem sao?

- Nhà tao gần đây nếu thích mày có thể ghé

- Cám ơn ông tôi phải đi ngay

Cầm địa chỉ ông Úc trung niên bỗng dưng khoái hắn, Nam chưa muốn làm bạn vội, hy vọng sẽ có dịp. Con xích thố rú lên, chạy ra đường lộ. Đường vắng thênh thang dễ buồn ngủ, mở nhạc giật gân hết cỡ. Chạy đến Adelaide, ghé thăm một ông bạn gốc Tàu có một cây xăng lớn nơi thành phố này, nhưng cây xăng đã đổi tên. Người đàn bà vợ ông bạn Tàu thường vác củi đánh chồng giờ đang cặp với tên Tây, nhìn hắn:

- Trời lâu quá rồng mới đến nhà tôm

Hắn làm thinh, mua vội một ít đồ khô, rồi nói:

-Tôi không ngờ bà cũng hay đáo để, buông thằng này chộp thằng khác ghê thiệt, tội nghiệp bạn tôi…

- Ông muốn biết thì nên ở đây vài hôm rồi biết, nhà tôi dư phòng ông cứ thoải mái

Nhìn cặp mắt lá răm sắc lẹm, dâm đãng sẵn sàng mời gọi, Nam không nói thêm tiếng nào lên xe đi.

Rời thành phố Adelaide hắn đến thăm Uluru Rock National park cho biết.

Những dòng sông đều chảy (P2)- Phan Nhật Bắc

Theo truyền thuyết thì hòn núi đá nguyên khối này có khoảng 550 triệu năm về trước, một núi thiêng của thổ dân Úc nằm trên đường đi Alice Springs. Năm 1975 có mấy ông Tàu Hongkong đến đây làm phim võ thuật. Chiều cao của nó 348m, dài 3km, khi đến thăm mọi người được khuyên là không nên lượm sỏi đá nơi về làm kỷ vật vì rất xui xẻo. Thổ dân Anangu thừa hưởng quyền làm chủ và cho Công viên Quốc gia thuê lại 99 năm. Nếu lấy niên đại của khối đá Uluru 550 triệu năm đem ra so sánh với kinh sáng thế của một tôn giáo thì chuyện sáng thế trong vòng 7 ngày không đứng vững- hắn nghĩ thế khi nhìn khối đá khổng lồ đổi màu trong ánh nắng. Chụp vài tấm hình, loay hoay ngắm mãi viên đá chẳng có gì hứng thú, hắn lên xe xuyên sa mạc vào Alice Spring. Con đường cao tốc A87 thẳng tắp, dọc đường nhiều xác xe chết máy bỏ lại làm hắn lo ngại, nhưng con xích thố Toyota Runner chạy bon bon ngon lành, đồng hồ nước và nhớt báo tình trạng hoàn hảo. Tìm địa chỉ một ông bạn cùng quê tên Hiền già đang làm thợ máy sửa xe tải, những chiếc xe chở quặng mỏ khổng lồ, thay một cái vỏ xe bở mồ hôi.

Gặp Hiền già nơi một căn nhà đào sâu dưới lớp đất, như địa đạo Củ Chi nhưng mát mẻ. Hiền già ngồi nheo mắt, môi thâm tím vì hút cần không bỏ được. Lương bao nhiêu đổ vào bông cần và gái gú. Ông huấn luyện viên dạy động cơ nổ trường Quân vận ở Hóc Môn ngày nào bây giờ ở nơi cái hốc núi này, không vợ, không con; tóc đã đóm bạc

- Sao mày lang thang đến đây?

- Tao buồn quá làm một cuộc rong chơi, rồi tính.

- Ở đây đi vào làm với tao, lấy mẹ nó Úc đen làm vợ cho biết mùi. Tối nay đi nhảy đầm, có một con nhỏ Việt Nam đẹp lưu lạc đến đây với thằng chồng Tây đang làm chủ cái club, mày muốn thử không? Nó thèm nước mắm, ăn hamburger nó ngán rồi.

- Thôi mày muốn ăn đạn thì đi, cho tao xin.

Cái club nhỏ ồn ào nằm sâu trong lòng đất, nhộn nhịp về đêm. Nam và Hiền già đến sớm, mục đích là gặp người đàn bà con cháu Âu cơ đang ở đây.

-Hi guy

Người đàn bà nhỏ tuổi hơn hai ông mít đang ngồi đon đả ra chào nhưng khựng lại khi nghe hai ông mít nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ.

- Trời hai anh là người Việt, em gặp ông này mấy lần- nàng chỉ vào Hiền già: - mà em tưởng người Miên.

- He he bộ tôi giống Miên lắm sao?

- Không, anh giống- nàng hơi khựng lại rồi nói: - nói anh đừng buồn giống hải tặc Thái

Ông Hiền già nhảy dựng không vui. Thật ra người đàn bà vô tình nói nhưng ngẫm lại tên Hiền già này tóc thì quăn râu ria như Từ Hải, mặt đen đầy mụn, to con không giống hải tặc thì giống ai?

- Bộ cô gặp hải tặc Thái sao cô biết?

Thời gian như cô đọng, người đàn bà không trả lời, chỉ hỏi:

- Hai anh làm gì ở đây ?

Câu chuyện đồng hương gặp nhau dưới cái club giống địa đạo Củ Chi trở nên xôm tụ thì ông chồng từ trên quầy đi xuống nhìn hai ông Mít tị nạn. Sau khi người đàn bà giới thiệu ông ta vui ra mặt. Rượu thấm rồi ra ôm nhau nhảy, ông Nam được chiếu cố tận tình:

- Anh hát cho em nghe một bài tiếng Việt được không ?

-Ok, tôi hát bài Hạ Trắng, em nói tụi nó đệm cho đúng

“Gọi nắng trên vai em gầy, đường xưa áo bay. Nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướm say…”. Tiếng hát vút lên, ngân dài trong tiếng dương cầm thánh thót làm cả cái club im bặt. Người đàn bà chợt khóc. Nam hát xuất thần như chưa bao giờ được hát, cả cái club vỗ tay dù họ chẳng hiểu được lời ca của người tị nạn lưu lạc nơi này.

Người đàn bà chủ quán lên nói đôi lời về buổi hạnh ngộ đồng hương của bà, về bài hát rồi nổi hứng hát bài Diễm xưa bằng tiếng Việt. Ông Hiền già ngồi chết lặng thả hồn rồi đem cần ra hút, tụi Tây hưởng ứng nồng nhiệt.

Tan giờ người đàn bà nói:

- Hai anh đã mang đến cho em một khoảnh khắc thời gian trở về của quá khứ, xin cám ơn. Mình có thể gặp nhau ngày mai được không? Mời hai anh đến nhà dùng cơm VN

- Hiền già thấy sao?

- Mai tao đi làm không nghỉ được, mày cứ đi đi

- Ok tôi thì không bận

Hiền già ghé tai nói nhỏ

- Mẹ, con nhỏ đó nó khoái mày, coi chừng thằng chồng nó thiến mày con ạ.

- Mẹ, tao bất cần đã đến đây thì tình một đêm có sao đâu?

- Tùy mày, tình đồng hương rồi lên giường chẳng hay chút nào.

- Thôi cha nội, mới hồi nãy còn xúi, bây giờ cản mũi. Để tao tính

Căn nhà ở đường Gap gần một nhà hàng của Korea. Nam đến vào khoảng 11 trưa. Người đàn bà đồng hương giờ có tên Monica ra đón

- Còn anh Hiền đâu anh Nam?

- Hắn đi làm rồi cô

- Đừng khách sáo gọi em đi

- Nhà không ai?

- Chồng em đi có việc về ngay, anh ngồi nghe nhạc Việt nhé

Monica bỏ hai cuộn băng Reel to Reel vào cái máy Pioneer RT 707, tiếng hát Khánh ly vang lên

- Sao em mua được cái máy này quá hay

- Em mua từ Mỹ gửi qua, luôn cả các cuộn băng. Em mê nó hơn chồng. Niềm vui đời ly hương của em đây

Bữa ăn trưa dọn lên với cánh gà chiên nước mắm và canh chua cá chẽm. Câu chuyện về cuộc đời được kể lại. Ông chồng tế nhị biến mất để hai người ly hương tâm sự.

Chuyện người con gái vượt biên bị nạn hải tặc trên biển Đông, trôi dạt vào Nam Dương, ở chung một trại tị nạn Tanjungpinang nhưng khác thời điểm với Nam, được kể ra trong nước mắt. Năm đó, lúc vượt biên Monica 16 tuổi, bây giờ đã 26. Cả ghe gồm cha mẹ anh chị chết hết trên biển khi bị hải tặc tấn công rồi ủi chìm, Monica nhờ vào một cái phao cột chắt bị nước cuốn trôi được ngư dân Indonesia vớt đem vào trại tị nạn

Người đàn bà kể lại câu chuyện thương tâm của chính mình. Nam im lặng nghe, từng hình ảnh như những thước phim đau thương dữ dội quay chậm hiển hiện trước mắt.

“Năm 1979 sau Tết âm lịch, cả nhà em xuống một chiếc tàu đã được mua bãi và hộ tống ra biển. Gia đình em chung đủ 20 cây vàng lá Kim Thành với 4 người: ba mẹ, em và đứa em trai 14 tuổi. Hết ngày đầu tiên đến gần hải phận quốc tế thì tàu hộ tống biến dạng. Chiếc thuyền vượt biên chứa gần 200 mạng người bắt đầu thiếu nước uống và lương thực. Tụi tổ chức đa số là người Tàu chỉ biết gom vàng và bất cần, không chuẩn bị mọi thứ cần thiết. Ngày thứ hai thì loạn, một nhóm các ông cựu lính gom thu lương thực rồi phân phát không đồng điều, đánh và giết nhau ngay trên thuyền. Hỗn loạn xảy ra từng ngày đến đêm, có cả những vụ thanh toán quăng người xuống biển. Tiếng kêu cứu thống thiết của nạn nhân thảm thiết giữa biển khơi. Gia đình em co ro trong hầm, nàng bị ói mửa liên tiếp vì mùi dầu không ăn được, chỉ cầm hơi bằng những miếng bánh mì khô đem theo, tối lén ngậm không dám nhai. Đến ngày thứ 3 sau một cơn mưa tầm tã, thuyền phá nước muốn chìm

- Tát nước, tát nước, thanh niên khỏe mạnh giúp tát nước!

Tiếng ông tài công la lên. Đám người gom lương thực chỉ biết ăn nhưng không muốn làm, chỉ có vài người phụ, còn lại đói quá chẳng ai lết nổi để mà tát nước. Rồi gặp hải tặc bao vây. Tụi hải tặc Thái mình trần đen thui nhào qua con thuyền cướp bóc, hãm hiếp ngay trước mặt mọi người chỉ với vài con dao. Một vài cựu lính tìm cách chống cự bị bọn cướp giết chết mổ bụng quăng xuống biển, chẳng còn ai dám hó hé. Chúng lùng sục lấy hết vàng, bắt con gái đem qua tàu chúng. Em cũng chờ bị bắt, bị hiếp trong nỗi sợ hãi đến mức bất động trở thành dường như vô cảm. Đến khi mẹ em bị hiếp ngay trước mặt ba em, ông không chịu nổi nhào vào thì bị một nhát dao đâm trúng ngay ngực. Ông lảo đảo kêu lên: - Em ơi, con ơi ! Anh giết em và con rồi. Tên cướp tống thêm một đạp ông rơi xuống biển. Em chợt trở thành người điên, vùng chụp cái cần quay máy phụ nhào vào đập ngay vào đầu tên giết ba em tóe máu. Hắn ngỡ ngàng quay lại nhìn rồi rú lên man rợ, vung con dao chém tới tấp, may có thằng em em ném một cái chai trúng ngay giữa mặt nên nó chém hụt. Đúng lúc đó thì rầm…ầm… một cái, chiếc ghe cướp Thái Lan mất kiểm soát đâm vào giữa con thuyền vượt biên, thuyền lật nghiêng, nước tràn vào. Tên cướp cũng rơi xuống nước. 200 con người chới với. Em vớ được một cái phao thì sóng ập tới. Con tàu chìm nhanh. Tụi hải tặc vội vớt mấy tên rơi xuống biển rồi rút lui

- Chị hai, chị hai cứu em…

Tiếng kêu tuyệt vọng của đứa em giữa đám người loi ngoi kêu gào trong cơn sóng dữ dội. Rồi tất cả dần im lặng. Em bám vào cái phao trôi dần không biết về đâu, không biết bao lâu, khi sắp kiệt lực thì được một chiếc tàu đánh cá nhỏ vớt lên. Họ nói tiếng Indonesia, ra dấu đừng sợ rồi cho cháo ăn. Em sụp lạy họ cứu mạng, em ra dấu mất cha mẹ và rồi khóc rống lên. 20 tiếng đồng hồ sau em được cho vào hòn đảo nhỏ tên Sedan Nao, nơi này đã có hơn 20 chục người tị nạn Việt Nam đi từ Bình Tuy… “

- Quên nãy giờ để anh khát nước

- Không sao, anh nghe em kể sao mà thảm thương quá. Nam nói: - Lúc em lên đảo Tanjungpinang thì anh đã ở bên này một năm rồi

- Trời, em nghe tiếng nhóm 51 đánh ông thông dịch viên người Tàu thất khiếu chảy máu. Sao họ du côn quá !

Hắn làm thinh như không biết và vô tội chuyện này. Hung thần ngồi ngay trước mặt mà người đàn bà không ngờ !?

- Em ở đó hơn 4 tháng rồi qua Singapore, đi Úc. Năm 22 tuổi em lấy chồng ở Sydney, mấy năm sau về đây.

- Em thích nơi này?

- Không thích lắm nhưng dễ kiếm tiền. Khi nào đủ tụi em sẽ về lại Sydney mua nhà và du lịch.

- Không nghĩ đến chuyện con cái sao?

- Chồng em hắn tịt không con anh ơi, em đang thèm tiếng khóc con nít nè.

Nói xong nàng nhìn hắn với đôi mắt long lanh như con mèo và tiếng thở dài của một sự dồn nén tâm tư

- Cho đến bây giờ chuyện vượt biên trên biển nó ám ảnh em suốt 10 năm trời. Hễ ngủ là thấy, nhiều đêm em la hoảng khiến chồng em khó chịu bỏ sang phòng khác. Em buồn vô cùng. Thật ra lấy chồng Tây nó không đơn giản như em nghĩ, chỉ vì em sợ mấy ông bợm nhậu Việt Nam mình. Trước khi lấy chồng em có một ông bồ người Việt, cuối tuần là vùi đầu vào đít chai bia, em nản quá bỏ luôn. Gần 5 năm lấy chồng Tây đôi khi em nhớ vòng tay người tình Việt Nam, bởi vì trong em vẫn là một người con gái Việt thuần tuý, em có những nỗi khổ riêng của chính mình.

Hắn ngồi nghe để cho người đàn bà độc thoại

- Sao anh không nói gì hết vậy?

- Nghe là đủ rồi em. Câu chuyện ra đi của anh không có gì hấp dẫn người nghe, dễ dàng và an lành trên biển vì quê anh vùng biển.

- Phan Thiết ?

- Sao em biết?

-Nghe anh nói em đoán vậy thôi, vì giọng nói của anh giống thằng bồ Phan Thiết của em

- À thì ra dân Phan Thiết, mấy ông bợm nhậu.

- Anh có nhậu không?

- Lai rai, không hủ chìm nhưng gái thì anh hư lắm

- Tự khai à nghen.

Bữa ăn trưa vừa xong hắn đứng lên từ giã:

- Cám ơn một bữa cơm thật ngon mà lần đầu anh được ăn trên đất Úc.

Nam bắt tay, những ngón tay mềm mại đan vào tay hắn, một hơi nóng như làn điện truyền sang khiến hắn thở mạnh . Đôi tay cô gái không muốn rời, nàng nói trong hơi thở:

- Ở đây với em đêm nay được không?

- Chồng em kìa.

- Vài giờ thôi anh! em thèm được nghe tiếng Việt, một chút hơi hám đàn ông Việt! Em sẽ tìm anh đêm nay.

Đêm ấy, người con gái Việt Nam da vàng nơi sa mạc Alice Spring như một đóa hoa nở muộn đã trao cho hắn tình một đêm, trên lưng ngựa Xích Thố ….
(Xem tiếp P3  
Phan Nhật Bắc

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian