Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Những dòng sông đều chảy (P4)- Phan Nhật Bắc

NHỮNG DÒNG SÔNG ĐỀU CHẢY
Phan Nhật Bắc
(Chuyện phiêu lưu trên những vùng đất thổ dân Úc và một cuộc tình nhiều nước mắt )
(Xem lại P3)   
P4:

Còn mấy trăm cây số mới đến Cairns, Nam đã lo xa không biết có phà hay không để qua đảo Fitzroy Island tìm Sáu Cua, một Papillon của Việt Nam đủ để viết thành câu chuyện Những dòng sông đều chảy. Trước mắt chưa vội, hắn phải ghé thăm những vườn xoài và trái cây Việt được trồng trên Cairns của một người tên Lỗ Bình Sơn, một Tống Văn Bình (*) lý thuyết gia dẻo mồm, nói chuyện về Mark và Lénin như một cán bộ Việt cộng, dẻo đến nỗi cua được một nữ bác sĩ Thiếu tá Úc gốc Việt tại Townsville

Gần đến Green hill, một ngọn đồi màu xanh, vườn nho và mận đang trổ bông trắng xoá, Nam lại nhớ lúc mới đến Úc. Người Úc không ăn xoài chỉ dùng cho ngựa ăn. Những cây xoài trên dốc Mangoo hill  dù chưa chín, những cây me già sai trái cũng bị bị mấy ông Mít tị nạn vặt sạch và tuốt cả lá đem về Sydney bán cho mấy shop Tàu. Có ông con buôn tên Thành dẹo vào vườn người ta hái cả một vườn ớt trả chỉ 20 dollars, bị quăng lại tiền vào mặt bảo cút cho khuất mắt… Tóm lại hể thấy hơi tiền là trên rừng dưới biển cũng truy cùng tận diệt, không có tiền thì vào công viên Quốc gia bắt chim nướng tại chỗ… Mấy ông Mít danh ca (đánh cá) còn gây ra đủ thứ chuyện đau đầu đến nỗi Úc phải có bảng tiếng Việt cảnh báo.

Những dòng sông đều chảy (P4)- Phan Nhật Bắc

Dừng xe đi tìm điện thoại công cộng gọi cho Lỗ Bình Sơn ra đón mấy lần không thấy trả lời, Nam đã muốn bỏ cuộc thì Lỗ Bình Sơn bắt máy. Hú hồn

- He he…, Nhị ca lên bất tử, tôi đang ngoài cánh đồng, ông chờ đó khoảng một tiếng nữa sẽ gặp

- Ừ, tao đậu ngay góc đường Green hill và Gray road, chiếc xe Toyota Runner màu đỏ bảng số Vic. OK, ngủ một giấc chú đến là vừa.

Gần một tiếng thì Lỗ Bình Sơn đến, hắn nhá đèn ra hiệu chạy theo

- Lâu lắm rồi mới gặp nhau, nhị ca lên đây ở luôn hả ? Vào nhà tắm rửa đi cho bớt bụi đường.

- Mày cho tao nói, mày giành nói hết thì tao đành câm mồm. Không, tao lên chơi vài ngày, vui thì lâu buồn thì về. Tao đi tắm rồi nói chuyện

Vòi nước ấm làm Nam sảng khoái. Bình lụi cụi làm một món dân dã là cơm nấu trong ống tre Mạnh Tông, tre này nhập từ bên Tàu trồng lấy măng, măng to và ngọt bán rất có giá

Ống tre được lôi ra từ bếp than hồng thơm phức ăn với khô cá mè thật ngon miệng. Nam chưa bao giờ được ăn món này từ khi đến Úc

- Nhìn nhị ca ăn ngon quá, mấy món dân dã nơi này không thiếu. Ăn xong ra xe, tôi chở đi hết vườn xoài hơn chục mẫu đang trổ bông, một khu đã có trái và nhà máy đánh bóng vô thùng. Cơ ngơi tôi đầu tư nửa triệu dollars đã thu hồi vốn sau 2 năm.

- Nhân công đến từ đâu?

- Đa số nhân công lậu, khách du lịch từ Sydney kéo về. Lâu lâu tụi di trú mở cuộc hành quân vào thì tụi nó chạy ra rừng trốn.

- Chú làm như vậy không sợ bị truy tố sao?

- Không riêng gì tôi, tụi chủ nông trại Úc cũng vậy. Không có người làm trái cây không ai hái, người ta cũng làm ngơ miễn đóng thuế đầy đủ và đừng để tai nạn chết người xảy ra thưa tụng lôi thôi.

Hắn không hứng thú với câu chuyện của Lỗ Bình Sơn, nên làm thinh. Về lại nhà hỏi đường đi đến đảo Fitzroy island

- Hấp tấp dữ vậy nhị ca, ở đây chơi vài ngày, nhậu với tụi tôi rồi đi.

- OK, tao không vội, tìm mồi lạ nhậu nghen.

- Có cá sấu thịt ngon, nấu cà ri hay xào lăn hết xẩy. Mà ông vợ con gì chưa?

- Chưa, sau vài chuyện không vui tao nản quá, không muốn gặp ai.

- Tôi cũng vậy nên rút về đây trồng xoài, nhưng tôi hãnh diện những gì mình đã làm, dù không thành công cũng thành nhân

- OK mình làm hết sức rồi, mọi chuyện nên để yên khơi lại nhức nhối lắm. Còn chuyện tình mày với em bác sĩ thiếu tá ra sao?

- Ông bà già không thích tôi vì chẳng có mảnh bằng lận lưng, nhưng em yêu tôi là đủ rồi

- Thì mày có cái mồm dẻo như kẹo kéo kiến trong hang cũng bò ra theo, he… he…

- Mồm nhị ca cũng đâu thua phải không?

- Nhưng tao thua mày, có lần tao nổi nóng muốn tẩn mày nhớ không?

- Nhớ chứ, lúc đó cha còn trẻ nóng thí mẹ

Một đám công nhân đủ mọi sắc tộc kéo về, nhào vào nấu nướng. Nguyên con cá sấu vài chục ký ra thịt rồi xào trong cái chảo gang, xong múc ra rồi chén tạc chén thù với rượu vang được làm tại chỗ. Ai cũng say quất cần câu.

Sáng hôm sau lang thang trên thượng nguồn, con sông nhỏ đầy cá sấu con như đàn cá thòi lòi phía sau con sông nhà mình. Nam ngồi xuống thẫn thờ nhớ về quê mẹ. Lỗ Bình Sơn nói:

- Thôi về kiếm vợ đi, ông sắp già rồi. Mà sao ông không về nhà thờ tổ lấy tấm hình ba của ông ?

- Kỳ này về Sydney tao lấy. Anh em mình giờ tan đàn xẻ nghé hết, rồi tao về đó không biết người ta có cho vào nhà thờ tổ không ?

- Nhị ca ơi! không đến nổi nào họ thông cảm mà…

Nam chợt nhớ đến những ngày miệt mài cho lý tưởng tự do một cách mù quáng, không biết thời thế đã đổi thay. Hắn chán nản lắc đầu nhặt từng viên sỏi ném vào con sông, đàn đàn sấu con tưởng mồi tranh nhau đớp.

- Nhị ca, tôi biết anh Sáu Cua, chơi với tôi vài ngày tôi với ông đi ra đó. Có phà đi khoảng 2 tiếng là tới. Bên đảo cũng có đường xá như đảo Phú Quốc, cũng có người Việt ở đó làm nghề biển đánh tôm trong vịnh. Còn mai hai anh em mình ra Cairns Airport đón bạn gái tôi lên đây chơi 1 tuần

- OK!

Chiếc phi cơ Qantas từ Queensland mang cô người tình của ông Lỗ Bình Sơn đáp xuống sân bay. Cô gái nữ quân nhân bác sĩ Thiếu tá từng tham dự chiến dịch Iraq đi ra. Bình nhào lại hai người ôm nhau như Ngưu lang Chức nữ

- Hi Anh Nam, gần mấy năm mới gặp lại anh, đi đâu lên đây?

- Chào em, thì lên thăm Bình và Em nè, he he…

- Thôi anh xạo vừa thôi, chắc hẹn ai trên này, khai đi

- Anh có hẹn với Papillon người tù khổ sai tên Sáu Cua.

Hắn nói với Bình:

- Mày may mắn gặp một người có tài và đẹp, hãy ráng giữ hạnh phúc trong tầm tay

Đêm đến, những tiếng thở hổn hển, rên xiết của đôi tình nhân làm Nam ngủ không được. Nỗi bực dọc rạo rực trong tấm thân cường tráng của lứa tuổi trên 30 làm hắn trăn trở, không dám ở lâu nơi này.

- Ngày mai tao phải đi tìm Sáu Cua

- Vội vậy anh Nam? Bình nói

- Mày an tâm, anh để hai đứa vui hưởng hạnh phúc của đời người. Đời ngắn lắm, ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, tranh thủ yêu đi đừng phí.

***

Chiếc phà sơn màu xanh quân đội tách bến. Từng cơn sóng lăn tăn vỗ bên mạn phà. Hành khách không được rời xe. Phà cập bến, con Xích Thố nổ máy chạy đến một khúc sông hoang vắng, nơi có một túp lều lợp bằng lá dừa dưới một tàng cây giống như mù u rậm rạp. Xe không vào được, những cây đước chằng chịt như hàng rào ấp chiến lược ngày xưa

Ông Sáu Cua đang nằm trên chiếc võng hát vọng cổ: - Vua nước Sở một hôm lòng thanh thản, cởi long bào giả dạng một thường dân. Vác cần câu ra ngồi dựa Thạch bàn, lòng vương giả mơ màng theo sông nước…thì tắt tiếng khi nghe Nam gọi:

- Anh Sáu Cua, anh Sáu Cua

- Ai kêu tôi đó có tôi đây, ông nheo mắt nhìn qua rặng đước và cây bần,

- Em đây, Nam bạn Hiền già ở Alice spring đây.

- Chờ đó tao ra đón

Một ông trung niên khoảng hơn 40 bó khuôn mặt đen sạm nắng khắc khổ, khỏe mạnh, tóc hớt ngắn như một người lính mặc một bộ đồ nhà binh của Úc, đội mũ rừng, mang giày bốt đờ sô đàng hoàng lội bùn ra đón Nam. Ông từng tốt nghiệp khóa 1 năm 1970 Thủ Đức, đi lính tiểu đoàn 2 Trâu điên TQLC, tham dự hầu hết những trận đánh lớn của binh chủng này.

- Trời, anh sống giống Papillon quá

- Ừ thì tao là Papillon mà, thằng Hiền không nói gì sao?

Anh Sáu nói:

-Mày thì tao như quen từ trước, chú mày tao có nghe tụi nó nói nhiều. Tao rất thích mẫu người như chú, tiếc rằng tụi mình sinh bất phùng thời đúng không?

Rồi ông ngửa mặt lên trời ngâm

-Những kẻ vá trời khi lỡ bước
Gian nan nào xá chuyện con con


- Vào túp lều lý tưởng của tao, he he… đạm bạc, đón gió ngủ mây, đêm dài thì lắm mộng. Tao gặp mày nơi này như Bá Nha gặp Tử Kỳ. He he… nghe nói mày là một nhà quân sự, đã từng viết kháng chiến binh pháp phải không?

- À múa rìu sao qua mắt thợ anh Sáu?

- Mẹ họ trễ hết rồi, chúng ta đã từ thua đến thua. Khổng Minh và Bàng Thống tái thế cũng bó tay. Chú mày nên nhớ thời Tam quốc mà ai được một trong hai người phò tá là Khổng Minh và Bàng Thống thì được thiên hạ, Lưu Bị được luôn cả hai nhưng trớt quớt, vì sao mày biết không?

- Chắc vì Lưu Bị đã đặt tình riêng đặt trên sự nghiệp, quá nặng về chữ "nhân" kể cả với kẻ thù... 

- Chú nói đúng.

(…)

- Chú ở đây bao lâu?

- Tuỳ anh chứa em bao lâu thì em ở.

- He he… tao thủ hơn 100 ký gạo, mắm sẵn, cá đầy sông, cua đầy đồng, ngó sen cần nước… muốn ăn lúc nào cũng có. Thiếu gì đã có người vào lấy cua tiếp tế.

- Anh bắt cua có giấy phép không?

- Có! khai thác có điều kiện, thuế má đàng hoàng. Nhưng chắc tao thôi nghề về đất liền kiếm mảnh vườn sống qua ngày.


Anh Sáu Cua kể hết những gian truân của cuộc đời, không khác gì hắn. Anh sống dưới túp lều mái lợp lá dừa, võng nệm rách bươm chưa bao giờ giặt. Tắm thì nhào xuống con sông nước lợ vào mùa mưa, mùa hè thì mặn. Nước ngọt đựng trong vài cái thùng 200 lít anh Sáu gánh về từ khe suối. Những cơn mưa dài thúi đất không khác gì ở VN. Những cơn bão thổi qua, túp lều vẫn đứng vững nhờ kỹ thuật lợp lá và bắt cột bằng mộng không cần đinh như những cột đình ngày xưa. Tất cả làm bằng gỗ Red Gum được ngâm trong nước bùn 3 tháng, cứng như tăm xe, đen như dầu hắc.

- Anh Sáu đến đây một mình, bằng đôi tay của anh làm nên cái nhà này hả anh Sáu?

- Thì mình tao chứ ai?

- Tụi Úc có thắc mắc gì không?

- Cảnh sát biết tao là cựu TQLC nên chúng nó không thắc mắc. Hơn nữa đám cựu chiến binh Úc có vài ông quen lúc trước nên thích tao lắm.

- Những người tình anh sao rồi anh Sáu?

- Tao bỏ tụi nó ra đi như những dòng sông nhỏ, sẽ kể cho mày nghe

Đêm tháng 6, trời mưa rơi trên mái lá, tiếng mưa rơi và tiếng kể chuyện của anh Sáu trầm buồn. Anh bị bắt cuối năm 1975 vì hoạt động chống đối, sắp bị bắn thì có một cô gái đứng ra nhận là anh bà con, xin tha. Đó là cô du kích anh từng cứu mạng khi bị thương, bị bắt trong cuộc hành quân tại Bến Dừa năm 1974. Rồi anh bị đưa đi cải tạo, cô tiếp tục ngầm giúp đỡ và sắp xếp cùng anh vượt biên sau đó. Tình yêu của họ chính thức bắt đầu với thân phận người tỵ nạn trên hòn đảo Inđô đẹp nên thơ. Anh Sáu thấy mình dường như trẻ lại, tình yêu như mật ngọt làm con người chếnh choáng men say dù muộn màng…

Câu chuyện khá dài, anh Sáu kể gần đến một giờ khuya, Nam đã muốn đi ngủ hẹn mai kể tiếp. Trời mưa nặng rơi trên mái lá, hơi lạnh kéo về làm Nam trằn trọc đến 3 giờ mới ngủ thiếp đi.

Đến gần 8 giờ Nam thức dậy thì anh Sáu biến mất, không biết đi đâu, mất cái chòi lá chỉ còn mình Nam. Gần trưa anh Sáu về với một quầy dừa xiêm

- Anh Sáu tìm đâu ra thứ này hay vậy anh Sáu?

- Bên kia đám bần có một chục cây dừa hoang, tao lấy lá lợp nhà, trái rất nhiều chẳng ai hái. Trưa bắt cá bống kho nước dừa ăn cơm. Xe mày đậu có gì quý giá không, khoá kỷ chưa? Mà đừng lo, nơi này không có trộm cắp vặt. Ăn sáng đi, mì gói trong thùng, hay chiên cơm nguội lên ăn với cá khô. Cuộc sống tao như một dân đánh cá đơn giản và dễ thích nghi

- À còn chuyện vợ con của anh ra sao Anh Sáu?

- À thì …tao và Duyên định cư tại Sydney. Tụi tao là đợt tị nạn đến Úc sớm nhất, cuối năm 1976. Sống với nhau được 10 năm. Khi đứa con trai lên 8 tuổi Duyên bị bệnh ung thư mất. Tao khủng hoảng tinh thần, đứa bé được em bà con tao nuôi. Tao không thiết tha gì nữa nên lang bạt giang hồ, thỉnh thoảng cũng có về thăm thằng bé, bây giờ ở Queensland. Tao cũng theo kháng chiến một thời gian nhưng thấy toàn là đóng kịch, không có thực lực, chẳng nên cơm cháo gì nên bỏ về đây ẩn dật. Tao không nghĩ đến lấy vợ lần nữa.

Nam ở lại chơi với anh Sáu Cua hơn hai tuần, mỗi sáng phải vào bờ đề máy cho con ngựa Xích Thố sạc bình, rồi lang thang bắt cua. Những con cua to như cái đĩa, màu gạch nung, cặp càng nó nhấp một cái ngón tay đi đứt như chơi. Nam không dám đụng để anh Sáu ra tay. Chỉ bắt cua đực, cua cái lén bắt ăn còn được chứ bắt công khai bị phạt 600 dollars mỗi con. Ngày nào cũng cua với cá Nam đâm ra ngán, đâm ra thèm thịt. Vịt nước, chim cò ở đây vô số, có luôn hột vịt lộn, anh Sáu đi một chút là có thịt chiên xào thỏa thích.

Một hôm Lỗ Bình Sơn dẫn người yêu lội bùn ra túp lều của anh Sáu và Nam đang nằm ngủ trưa say sưa. Lỗ Bình Sơn lấy cây bông lau chọt làm hai thằng giật mình:

- Mẹ họ, có đàn bà con gái mày chơi ác thiệt Lỗ Bình Sơn. Anh Sáu cằn nhằn

- Thèm cua ra đây anh bắt cho ăn được không?

- Mấy hôm nay ăn cua của mày đã rồi còn thèm gì nữa? Nam nói: - Cả đống đang rộng dưới nước sông muốn ăn ra bắt

Đúng là đàn bà đi lính, cô bạn gái của Bình thoải mái như những đồng đội. Nam và anh Sáu là lính nên thông cảm, Lỗ Bình Sơn thì chưa ăn cơm lính nên hơi khó chịu khi thấy cô bạn gái hớ hênh, còn hai ông độc thân sống giữa rừng mắm đang thiếu hơi đàn bà đía dữ quá. Ăn xong hắn hối về sớm, sợ cô bạn gái phai màu

- Nhị huynh về nhớ ghé thăm tụi em

- OK, chưa chắc anh không hứa, có thể sẽ về luôn Queensland.

Đợi hai người khuất bóng, anh Sáu cằn nhằn:

- Mẹ mình muốn tu mà nó dẫn con bé điện nước ngồn ngộn vô đây, đau đầu. May mà tụi nó về sớm.

- Thì tui cũng vậy, chịu đời không thấu

- À tao theo mày về Queensland, nhớ thằng nhóc rồi…

- OK, còn anh Sáu xe anh đâu?

- Tao gửi ở nơi nông trại. Đi xe mày, lúc về trở lại tao tính, sẵn đem đống cua này giao luôn

Gần một bao cua, anh Sáu cột lại vác đem ra xe, ghé cái chợ người Tàu bỏ đó rồi lấy tiền. Được 500 dollars, mỗi tuần anh chỉ làm một vụ dư sức sống. Rồi anh bảo:

- Ngày mai mình khởi hành, tao dẫn mày ghé thăm một cái nông trại trồng sen và đủ mọi rau cải cung cấp cho các chợ Á châu trước. Ông này nội bán củ sen cũng kiếm tiền bộn, giàu sụ, đất đai khắp nơi. Hiếu khách và bợm nhậu rượu Pháp… Trên đường về ghé bộ lạc Sedan Groom, tao nói ông tù trưởng gọi cá mập chúa cho mày xem. Kỳ lạ lắm, nó chỉ hiện lên khi mày có thành tâm muốn gặp nó, còn nghĩ chuyện hại nó thì không gặp được…

(Xem tiếp phần 5)   
Phan Nhật Bắc
------------------------------------------
(*): nhân vật chính Đại tá Tống Văn Bình tức Z-28 trong bộ truyện gián điệp Z28 của Người Thứ Tám trước 1975

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian