Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Những dòng sông đều chảy (P5)- Phan Nhật Bắc

NHỮNG DÒNG SÔNG ĐỀU CHẢY
Phan Nhật Bắc
(Chuyện phiêu lưu trên những vùng đất thổ dân Úc và một cuộc tình nhiều nước mắt )
(Xem lại P4)   

P5:
Nam và anh Sáu ghé vào một trang trại lớn có một hồ chứa nước rộng cả mẫu tây trồng sen lấy củ. Ông chủ trang trại thấy anh Sáu và Nam chạy ra đầu ngõ đón, đủ thấy ông ta quý anh Sáu Cua đến mức nào. Ngày trước ông đi cùng chuyến tàu vượt biên với Anh Sáu

Những dòng sông đều chảy (P5)- Phan Nhật Bắc

- Hi Anh Sáu, thằng nào đây? Chỉ vào Nam ông hỏi

- À thằng em bạn của Hiền già ghé thăm tao.

- Vào nhà. Có gì ăn nấy, không cao lương mỹ vị nhưng đồ ăn dân dã không thiếu món gì

Bà vợ ông chủ trang trại người tầm thước hiền hậu đón mời một cách chân tình, lo nấu cơm cho buổi chiều. Chỉ cá kho tiêu ăn với bông súng và canh mồng tơi mà ngon không thể tả. Ăn xong nhâm nhi rượu Pháp hảo hạng cả 600 trăm dollars một chai 500ml. Anh Sáu nói:

- Chú mày chơi sộp quá, đời tao chưa đụng đến được cái chai nói gì đến rượu

- Anh ơi ! có thì hưởng. Em nhờ anh mới có ngày hôm nay, tiền bạc là phấn thổ, tình người mới quý anh à.

Nam nhấp một hớp rượu, nó thơm và tê tê không diễn tả được, hèn gì mắc tiền. Anh Sáu ra đứng bên hồ sen, thả hồn theo men rượu nhớ về những lần hành quân nơi Đồng Tháp

- Chú mày nhớ lần hành quân năm 1973 không ?

- Nhớ chứ anh. Lúc đó em làm tà lọt cho ông đại đội trưởng, anh là trung đội trưởng. Trung đội mình bị địch ẩn mình dưới sen tập kích chết bộn, may mà tụi mình hơi chậm chân nên sống. Nghĩ đến là lạnh lưng anh Sáu, mấy chục năm em không quên được tiếng đạn nổ, tiếng kêu cứu. Mẹ chiến tranh sao tàn ác quá, người Việt mình giết nhau. Em ám ảnh đến bây giờ. Thôi quên đi anh, em muốn có một giấc ngủ an lành không ác mộng.

- OK tao xin lỗi mày, nhưng tao khác mày. Tao không quên được những tháng ngày trong quân đội, dấu ấn đời người dễ gì phai được

Trăng tròn đã lên, nồi chè nấu dưa gang với bột báng thơm đem ra sân. Gió nhè nhẹ, ba bóng người ngồi nhìn trăng, mỗi người một suy nghĩ. Phía cuối hành lang có bóng một thiếu nữ đang ôm cây đàn ghi-ta gảy lên những nốt nhạc thật buồn. Cô bé con chủ nhà đang thả hồn theo mây gió. Nam đứng dậy xin đi ngủ trước vì đã thấm rượu, chè dưa gang ăn để giã rượu mà ăn vào vẫn muốn đi ngủ ngay. Sáng hôm sau Nam và anh Sáu giã từ ông chủ trang trại, đi vô bộ lạc Seden Groom. Con đường đồi núi gập ghềnh sẩy tay là lọt hố. Anh Sáu Cua lái vì anh rành địa hình. Một bộ lạc vài trăm thổ dân Úc nằm ở ven biển, nơi cái vịnh nhỏ có rất nhiều cá mập đủ loại không ai bén mảng đến, có một con cá mập chúa thỉnh thoảng xuất hiện. Ông tù trưởng đón hai người. Anh Sáu nói tiếng thổ dân lưu loát dù ông tù trưởng cũng biết nói tiếng Anh. Khi anh Sáu ngỏ ý muốn xem cá mập chúa thì ông tù trưởng nói:

- Đợi chiều khi mặt trời gần khuất tao mới gọi nó lên cho mày và thằng này xem, nhưng đừng chụp hình.

Ông dặn khi thấy Nam đem theo máy chụp hình. Sau đó cả ba đi dạo quanh khu vực sống của thổ dân Sedeb Groom. Họ sống như người tiền sử không có bất cứ thứ gì của nền văn minh hiện tại trừ bộ quần áo cho phụ nữ, còn đàn ông thì có gì mặc nấy. Những bức tranh của họ vẽ hay khắc toàn hình động vật họ gặp trên những phiến đá rất sống động, họ tạo ra kỹ thuật lấy bột đá làm màu rất hay. Họ không biết thần linh và không có khái niệm về một đấng tạo hoá. Họ chỉ biết sấm sét, giông bão nhưng không tôn thờ như các bộ tộc khác.

Chiều đến ông tù trưởng ra phiến đá nhô ra biển quăng xuống một cành lá red gum xong đọc:

- Ka răng ka rư năng tomtom, pha ka răng ji nium ( Cá mập mày lên cho tao gặp có khách đến)

Khoảng vài lần thì có một vệt nước rẽ đến rất nhanh. Dưới làn nước trong xanh, một con cá mập giống cá mập hổ nhưng dị hợm và to lớn, mình có đốm vàng đen như một con cọp lượn lên mặt nước như chào ba người. Vài phút sau thấy đủ ông tù trưởng phất tay, nó biến mất như một con thú nuôi được thuần hoá. Một bầy cá mập nhỏ nhô lên táp không khí thật đáng sợ.

- Mày mà rớt xuống coi như tan xác đó Nam. Anh Sáu nói khi Nam đứng neo nơi bờ đá.

Không thể lý giải được những điều huyền bí nơi này

Đêm về, những ánh lửa khổng lồ bùng cháy trên ngọn đồi rực rỡ, nhưng sáng ra khu rừng và cỏ không có một nhúm tro, hiện tượng này xảy ra nhiều lần trong đêm. Ông tù trưởng nói ông ta thấy bóng người trong đốm lửa vẽ ra trên đất như một người đầu cá sấu đi hai chân, nhiều khoa học gia đến đây nghiên cứu nhưng bỏ cuộc.

Ở đây còn có loài chim gắp lửa, một loại đại bàng thường hay tìm kiếm rồi ngậm những đoạn cây cháy đỏ thả trên những cánh đồng cỏ cho cháy để thỏ, rắn… chạy ra và chúng tóm gọn. Hàng năm có nhiều nạn cháy rừng do những con chim này gây ra, không cách gì diệt chúng được. Ông tù trưởng biểu diễn quăng một khúc cây đang cháy, trong tích tắc một con đại bàng xuất hiện ngậm ngay bay về hướng đồng cỏ rồi thả xuống. Một đám cháy bùng lên. Có cả chục con đại bàng bay quần vũ trên không trung chờ mồi chạy ra từ đống lửa đang cháy.,

Về lại khu vườn hoang dã ngủ qua đêm với thổ dân. Thịt thú được bày ra trên những phiến đá nung nóng trong đống lửa. Anh Sáu và Nam ăn no xong từ giã ông tù trưởng rút về xe nghỉ để sáng mai đi sớm.

- Mình đừng vội lắm, chú mày đi chơi phải không?

- OK anh. Thật ra đất nước này rất hùng vĩ và đẹp, nhưng tiếc rằng không phải quê hương mình nên phong tục tập quán và ngôn ngữ đều xa lạ, hơn nữa đi một mình độc đạo trên con đường quá dài nên hơi ngán. Anh biết mà, đàn ông không có hơi hám người đàn bà trong cuộc hành trình buồn lắm .

- Sao không tìm một em gái Việt thiếu gì !

- Không dễ đâu anh, không ai có máu đi bụi giống em. Nhất là phái nữ họ khoái chưng diện, khoái tiền, khoái nhà cao xe đẹp. Tìm một em giống tính như mình khó lắm

- Mày nói tao nghe cũng có lý. Mai mình ghé Townsville ngủ một đêm, nơi đó về đêm cũng thú vị lắm. Có thể xuống thuyền ra vịnh ngắm trăng hay câu cá. Bạn cùng khoá Thủ Đức với anh ở đó, tụi nó có một nhà hàng đông khách, vợ là người Úc cũng tốt lắm, chuyên trị các món ăn Việt mà mày không ngờ đến. Nó làm tiết canh nhậu hết sảy luôn. Để ghé trạm điện thoại tao báo cho nó biết

-He he… có em tháp tùng không biết họ vui không?

- Mày đừng lo xa, nó dân Cần Thơ hào phóng lắm. Mày nhậu nghe vợ nó hát vọng cổ 6 câu rụng rún luôn, nói tiếng Việt như người Việt luôn, rành cả tiếng lóng.

***

Nhà hàng anh Sáu kể mang tên Sài Gòn nằm trên một con đường sầm uất khu Vile resort, phía trước có một chiếc xích lô không biết làm sao họ có. Nam thắc mắc

- Thằng bạn anh nó tự làm đó, mẹ nó khéo tay và khéo cua gái, gái nghe cái mồm giá sống của nó thì mê tít.

Nhà hàng chưa đến giờ mở, nhưng hai vợ chồng anh Tuấn, bạn của anh Sáu đã đứng trên lầu ngóng. Xe vừa dừng họ chạy xuống ngay:

-Hi Sáu, hi chú em. He he… hân hạnh đón hai người. Vào đi, tắm rửa rồi chuyện trò

Chị vợ người Úc vui vẻ, lịch thiệp nói tiếng Việt giọng Nam:

- Anh Sáu Cua biến dạng lâu ghê, bây giờ mới gặp, tưởng bà nào bắt rồi

- Có ai đâu, đang mồ côi vợ em biết rồi đó. Đời anh lang bang rày đây mai đó ai mà thương

- Anh Sáu ơi! Sỏi đá cũng cần có nhau, thôi không có gái Việt thì lấy gái Tây đi

- He he… thì em kiếm dùm anh đi. Hôm nay mở cửa nhà hàng tụi tao đến, tụi mày có vui không?

- Mày nói gì vậy Sáu Cua? Để bả lo tụi mình nhậu lai rai không gì phải lo lắng.

Tối đến khi nhà hàng vắng khách, chủ nhà hàng bày karaoke, chị vợ hát vọng cổ, ông chồng đệm đàn. Bà hát sáu câu vọng cổ như Lệ Thuỷ nghe mùi không thể tả. Hai đứa con cùng tham gia, chúng nói tiếng Việt cũng rất sõi.

- Mẹ, tao không ngờ nơi này cũng có Saigon. Tụi mình như dân Do Thái, khi không còn quê hương mình mới thấm. Anh Sáu trầm ngâm nói

Cả ba ông tị nạn lòng chùng xuống, nhìn nhau. Chị vợ hát tiếp bản Sài Gòn giã biệt làm ba ông cựu lính nhói tim, nơi đất khách tìm được tri kỷ không dễ. Đến lượt Nam buồn quá ôm đàn hát nghêu ngao một bản nhạc tình. Mỗi người hát một bài, họ thả hồn về dĩ vãng.

Bà vợ và mấy đứa con rút lui khi câu chuyện về chiến tranh và bạn bè được khơi lại trên bàn nhậu. Những người lính sống chết với kỷ niệm buồn vui đau đớn, người ta có thể kéo họ ra khỏi quân đội chứ không thể kéo quân đội ra khỏi họ, và người lính già không bao giờ chết, họ chỉ biến đi với thời gian…

Nam ngồi nghe hai ông quan TQLC kể chuyện chiến trận một cách thích thú, đến gần 2 giờ khuya bà vợ xuống nhắc:

- Thôi khuya rồi, các anh ngủ mai đánh tiếp

Anh Tuấn đứng lên lảo đảo, chị vợ dìu lên lầu. Nam và Anh Sáu về phòng ngủ một giấc đến 10 giờ sáng thì mùi phở thơm ngát tỏa ra từ phía bếp

- Biết mấy anh thèm phở, em đã hầm nước súp hôm qua với xương và gà già

- Ai dạy em nấu các món ăn Việt vậy? Anh Sáu hỏi:

- À khi còn ở Sydney mấy chị bạn người Việt dạy, bạn em toàn Việt Nam.

- Mà em quen ông lính thuỷ đánh bộ này trong trường hợp nào?

- Thì tình cờ thôi. Lúc đó em mới 22 hay 23 tuổi gì đó, gặp ổng nơi nhà con bạn Việt Nam. Ổng nhìn em rồi đá lông nheo, em chơi nghịch đá lại rồi dính luôn. Ông này lính nên em thích và thích luôn lối đánh như trâu điên của ông trên tình trường.

- He he… kể ra cũng mùi mẫn, lúc đó em biết nó là sĩ quan không?

- Không! nhưng thích đôi mắt nhìn em ngây dại như của một con trâu

- Ê mày điều tra hơi kỷ à nghe. Anh Tuấn vừa xuống lầu vừa nói: - Thôi ăn đi, rồi dạo một vòng ra biển, tụi mình còn nhiều thời gian nếu tụi mày còn thích nơi này.

Anh Sáu nói:

- Thôi có lẽ tụi tao lên đường chiều nay để mày còn làm ăn. Khi nào tao quay lại Cain ghé mày chơi lâu hơn

- Mày tính làm Papillon hoài sao Sáu ?

- Vết thương lòng chưa lành, tao không quên vợ tao được.

- Một người đàn ông thật chung thủy. Vợ anh Tuấn buông đũa nhìn anh Sáu nói.


Con ngựa xích thố lại nổ máy lên đường về Queensland. Thằng bé con Anh Sáu mừng rỡ khi cha nó về. Thật tội nghiệp, mồ côi mẹ, vắng cha, nó như một cánh hoa chùm gửi ở với bà cô ruột. Nó năm nay đã 10 tuổi. Nhìn đôi mắt đen và buồn Nam chợt nhớ đến phận mình cũng giống nó.

-Dad don’t go away please stay here with me

Thằng bé nói với anh Sáu, nó quên tiếng Việt, nghe và hiểu nhưng không nói được nhiều

-OK.

Anh Sáu ôm con vào lòng, vài giọt nước mắt rơi ra, Nam không chịu nổi bỏ đi ra phía ngoài nhìn vạt nắng trải dài trên khu vườn đầy hoa và giàn mướp sai trái. Một cô gái Việt Nam đang lui cui bên khóm hoa chợt ngẩng lên với sắc đẹp và nụ cười làm Nam choáng váng.

- Chào anh.

- Chào cô

Thì ra cô này làm em chồng của em gái anh Sáu. Tim Nam đập mạnh trong lồng ngực thật lạ lùng. Người ơi gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không ? hắn thầm nghĩ:

- Em tên Kim

- Tôi tên Nam

Nam nói tên rồi đọc

- Cô gái bên hoa em có thật
Hay là tiền kiếp thoáng trong mơ


- Trời, anh xuất khẩu thành thơ hay quá

- He he… nó thả dê em đó Kim. Anh Sáu và thằng bé cùng em gái anh xuất hiện trước hiên nhà: -Thôi rửa tay vào ăn trưa, rồi thả dê tiếp.

Nghe anh Sáu nói cô gái bẽn lẽn nhìn Nam một cái và đi vào. Một thoáng nhìn thôi chết cả lòng. Nam như vừa uống một ly rượu nồng chếnh choáng

- Anh Nam vừa cháy tim khi gặp Kim rồi phải không? Em gái anh Sáu chọc

- Thôi dừng bước giang hồ đi chú, ở đây làm rể luôn về Melbourne làm gì nữa? Ông em rể anh Sáu tên Phát chêm vô

- Đâu dễ dàng như vậy, em cần phải điều tra chứ. Kim lên tiếng: - Anh Sáu phải khai hết về anh Nam cho em nghe!

- Tao có biết gì về nó nhiều đâu, nhưng qua bạn bè nó là một thằng đàn ông giỏi, em có thể tựa vào.

Ông em rể anh Sáu quay sang Nam nói:

- Chú mày phải nhanh tay lẹ chân lên! Cho mày ở đây vô thời hạn khi nào chinh phục được trái tim con bé thì tính. Nhiều thằng đang ngấp nghé bắn sẻ đó.

- Nghe anh nói sao em thấy chùn tay quá và run quá anh Hai

- Thôi đi, chú mày giả nai. Thằng Lỗ Bình Sơn và Hiền già nói nhiều về mày. He he… nhắm được thì nhào vô, còn không thì rút lui có trật tự đừng chạy làng nghe chưa? Sáu Cua lên tiếng

(Xem tiếp phần 6)   
Phan Nhật Bắc

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian