Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Tôi đi dạy (hồi ký Sơn Ca)- Phần 2

TÔI ĐI DẠY
(Hồi ký của Sơn Ca)
P2- TÔI VỀ TRƯỜNG CẤP BA

Lần đầu tiên tôi bước vào lớp và nhận trách nhiệm chủ nhiệm lớp, sau lời giới thiệu của thầy chủ nhiệm cũ, cả lớp đứng dậy ào ào vỗ tay đón tôi. Một cảm giác khó tả, nó gợi cho tôi kỷ niệm 20 năm về trước khi đó tôi cũng là học sinh lớp 10, tình huống cũng giống như vậy. Nhưng khác là khi ấy tôi chia tay với thầy chủ nhiệm mà chúng tôi đang vui vẻ với nhau. Khi ấy chúng tôi đón thầy giáo chủ nhiệm mới với những cánh tay đưa lên phản đối.

Bắt đầu từ đây cuộc đời tôi mở ra một trang mới với biết bao điều mới lạ phía trước.

Tôi đi dạy (hồi ký Sơn Ca)- Phần 2

Hơn 50 đôi mắt tinh nghịch đang nhìn nhìn tôi với những trò nghịch đang có trong đầu.

Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với lứa tuổi này, mặc dầu lúc đó tôi 36 tuổi, nhưng tôi như cô giáo mới vào nghề. Nói về kinh nghiệm giáo dục cũng như kiến thức chuyên môn tôi chỉ là người mới bắt đầu.

Hành trang duy nhất tôi mang đến trường là tấm lòng yêu thương học sinh và xem các em cũng như tuổi thơ mình đã trải qua.Tôi cũng hơi chủ quan vì nghĩ rằng, không học sinh nào mà nghịch ngợm như tôi khi đi học.

Tôi thương học sinh cũng là tôi thương tôi, thương  những năm tháng nghèo khổ ngày xưa. Giáo dục vốn không vụ lợi cho cá nhân mình.  Giáo viên chẳng khác gì người trồng cây cho đời, họ trồng những hàng cây và mong cây lớn lên có thể đem bóng mát cho đời.

 10 PHÚT CHỦ NHIỆM HẮNG NGÀY

Thầy cô chủ nhiệm có thể xem như là cha mẹ của bầy con hơn 50 đứa. Con người Việt nam đến lúc này vẫn còn quan niệm, thầy cô như cha mẹ. Điều này luôn nằm trong suy nghĩ của chúng tôi và phụ huynh ở lứa tuổi đó. Là Nho học từ bao đời nay. Tôn sư trọng đạo. Muốn sang thì bắc cầu Kiều. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.

Những điều tốt đẹp này có thể giúp nhà giáo làm tốt chức năng của mình trong xã hội, nhưng thật buồn khi tôi đứng lớp nó như những sợi dây vô hình trói buộc chúng tôi đầy thử thách.

Nhà giáo luôn luôn bị nhìn bằng những đôi mắt nghiêm khắc. Ở thành phố mà đi 5 phút quay về chốn cũ này, cái vòng đai thật nhỏ hẹp. Nhà giáo sẽ được kính trọng, sẽ thực hiện nổi lý tưởng giáo dục nếu nhà giáo biết nể vì những đôi mắt nghiêm khắc. Mỗi vinh quang nghề  nghiệp đều có cái giá riêng của nó.
Nhưng tôi đang làm cô giáo trong thời đại mới.

Tôi cũng không thể tưởng tượng được làm cô giáo phải đảm đương nhiều nghề thế: nghề kế toán thu chi tiền, hằng ngày phải lên lớp thu tiền học phí và bao nhiêu thứ tiền khác. Nghề chăm trẻ và cả nghề quan tòa….

Chuyện bi hài trong vấn đề tiền bạc làm  giảm đi hay có thể làm mất đi hình ảnh tốt đẹp của thầy cô trước mắt học trò mình.

Thầy cô cũng chỉ là người bình thường trước cơm áo gạo tiền.

Những câu chuyện tốt đẹp về thầy cô có thể cưu mang, có thể giúp đỡ học sinh về vật chất chỉ là một phần triệu trong cuộc sống này, ai cũng ca ngợi và phóng to lên nghĩa cử đó, nhưng nếu thật sự thì điều đó rất hiếm xảy ra, mặc dù thầy cô nào cũng mong muốn mình làm được điều đó.

Vậy là hằng ngày lên lớp tôi phải mở sổ mình ra và nhìn vào danh sách ai chưa nộp xong các khoản tiền cần thiết, rồi thu, học sinh chạy lên bàn cô giáo đưa tiền, cô giáo đếm tiền rồi ghi lại hay đánh dấu vào danh sách có sẵn, những học sinh còn lại thì không thể ngồi yên hay được sự quan tâm hay nhắc nhở của cô giáo, thời gian thoáng cái đã hết, cô phải ra khỏi lớp cho giáo viên bộ môn vào dạy.

Đầu mỗi buổi học cô phải điểm danh xem hôm nay em nào vắng mặt, một công việc đơn giản như mọi người nghĩ, đó là sự quan tâm, đó là cuộc sống thường ngày có những thay đổi, nhưng với sự điều hành của cấp trên, nó làm cho cách xử lý và tâm trạng của giáo viên cũng thăng giảm theo nó. Kể cả những lúc làm thầy cô điên lên vì ảnh hưởng đến thành tích của lớp của giáo viên. Tại sao vậy bạn có biết không?

Nếu đơn thuần phải làm theo lương tâm, theo yêu thương của nhà giáo thì hay biết mấy, cô sẽ hỏi hay tìm hiểu vì sao hôm nay em không đến lớp? Cô có thể làm gì được giúp em? Hay là em có thể giúp cô biết lý do để cô an tâm…

Đâu đơn giản như vậy.

Tôi không hiểu nhưng tôi bắt buộc phải theo lệnh, chỉ vì thi đua lớp, vì những điểm cộng và trừ trong việc vắng học của học sinh, vô tình biến chúng tôi thành người giữ trẻ, và học sinh bắt buộc phải đến ngồi trong lớp cho dù không muốn hay vì hoàn cảnh nào, ví dụ như đau cũng phải lên lớp, vì trong lớp đã có học sinh khác nghỉ rồi.

Cứ trên 2 học sinh nghỉ học thì những giờ học đều bị xếp xuống hạng, cho dù vắng đi những học sinh, nhưng học sinh còn lại và thầy cô dạy và học rất tốt trong giờ đó cũng không được đánh giá cao.

Nhiều năm chủ nhiệm tôi không thể làm tốt được công việc này, vì không thể tìm được lời giải thích thỏa đáng cho mình để bắt mình phải chấp hành đúng yêu cầu đó.

Điều luôn làm tôi trăn trở khi một học sinh không được đến lớp học. Tôi luôn sợ em bị ném vào đời với nhiều cạm bẫy. Nếu cuộc đời em bi đát, tôi rất buồn.

Chuyện qua rồi mới nói, có học sinh lớp tôi chủ nhiệm, lấy tiền của cha mẹ rồi bỏ đi ăn chơi gần 2 tháng, trở về với thân hình tiều tụy mà không ai dám tới gần.

Tôi gặp em và đưa em về tới nhà gặp cha em ấy, phân giải mọi chuyện cho êm thắm tôi mới an tâm ra về.

Con dại thôi, và tôi cũng may mắn gặp người cha không đến nổi đã từ bỏ đứa con mình. Họ cảm ơn tôi và cũng ưu tư trước đứa con khó dạy của mình.

Mỗi con người một số phận, tôi không thể làm khác được, cho dù sau này em phá hỏng cuộc đời mình, trí tuệ thân xác không còn theo ý mình nhưng người mà em luôn luôn nhớ là cô giáo mình.

Những ngày lễ mà em thấy người ta nghỉ, 20 tháng 11 hay 8 tháng 3, còn đi được là em đến kéo cổng nhà tôi ầm ầm, gọi cô ra mở cửa. Nhìn em rớt nước mắt.

Thương lắm!

*****

Hơn 10 năm sau tôi tìm được giải pháp cho mình, không giống ai trong trường và cũng không để ai biết tôi đã làm gì.

Đầu năm họp phụ huynh, một cuộc họp mà phụ huynh thường mặc định và coi thường, đó là phải nghe về tiền và những quy định bắt buộc trong trường học. Tôi cũng không thể tránh được phụ huynh nghĩ những điều đó về tôi, nhưng tôi khác.

Tôi sẽ kể bạn nghe câu chuyện vui về họp phụ huynh cách đây 20 năm sau, bây giờ tôi kể bạn nghe giải pháp giáo dục học sinh của tôi khi tôi cũng đã hơn 50 tuổi, khi đó người ta không chú ý đến tôi nữa.

Mặc dù hơn 50 tuổi nhưng tôi đón phụ huynh một cách thân mật và trang trọng, tôi muốn lắng nghe những lời đóng góp của phụ huynh trong vấn đề giáo dục ( phụ huynh rất ngạc nhiên vì chưa gặp bao giờ, và tôi cũng không được hợp tác của phụ huynh lắm), tôi xin chữ ký và số điện thoại của phụ huynh khi cần liên lạc. Khi học sinh tôi vắng mặt, chỉ cần phụ huynh gọi cho tôi và nói lý do là được.

Điều này thuận lợi cả hai phía với sự tôn trọng nhau, và học sinh không có cơ hội bỏ học để làm những điều không đúng, học sinh vì tôn trọng và yêu quý cô sẽ không có ý định làm những điều sai. Phụ huynh cùng nhà trường quản lý tốt được các em.

Kết quả của giải pháp này như thế nào?

Trường cũng gần nhà, và tác phong làm việc của tôi cũng nghiêm túc, tôi không bỏ 10 phút chủ nhiệm nào, có thể nó đã trở thành thói quen của tôi.

Một hôm đầu giờ tôi nghe cuộc điện thoại xin phép cho học sinh nghỉ học, nhưng không phải số điện thoại của phụ huynh đăng ký, tôi điện lại cho phụ huynh kiểm tra lại, và đúng là học sinh đó trốn học đi chơi, nhưng vẫn sợ và xin phép cô. Tôi yêu cầu phụ huynh và em học sinh đó phải đến ngay lớp học.
Qua tình huống này tôi giáo dục được những học sinh còn lại một cách tốt nhất và tràn đầy sự quan tâm và yêu thương của cô giáo.

*****

Tôi làm tất cả cho học sinh, theo lương tâm mình mách bảo.

Tránh cho học sinh và phụ huynh những khó khăn, tôi không cứng nhắc yêu cầu học sinh khi vắng mặt phải có giấy xin phép như quy định và yêu cầu của nhà trường.

Quy định này đã làm học sinh nẩy sinh gian dối, nếu giáo viên làm cho ra cũng chẳng có tác dụng nhiều, mà còn mất thời gian, nhiều khi họ biết mà cũng lơ đi, vô tình làm cho tính gian dối phát triển.

Có những em dưới huyện lên thành phố học, ở nhà trọ, thường là những em ngoan. Khi em đau ốm hay gặp vấn đề gì em có thể báo cho cô. Tình cảm cô trò càng gắn bó, yêu thương sẽ được nuôi dưỡng.

    *****

Nếu giáo viên chỉ nghĩ đến trách nhiệm phải hoàn thành trên trường thôi thì sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội cứu được những em lạc đường khi chưa hiểu biết.

Tôi không biết cảm giác của họ như thế nào, nhưng với tôi, nếu tôi biết mà bỏ qua cơ hội cứu các em thì trong lòng tôi không thể bình yên được.


CHUYỆN HỌC SINH BỎ HỌC

Chuyện cũng cách đây gần 20 năm, không biết em học sinh nữ đó bây giờ thế nào? Hy vọng rằng cuộc đời em an vui.

Em sống trong bạo lực gia đình, hằng ngày cứ nghe người cha chửi bới những lời độc địa, không chịu nổi em tính bỏ nhà đi. Ngày ấy không có nhiều điện thoại để thuận lợi cho việc liên lạc.
Em bước ra khỏi nhà, ra khỏi tỉnh có khả năng mất liên lạc với gia đình và khó có con đường quay lại. Chưa kể nếu em gặp người xấu lợi dụng.

Tình cảm cô trò còn lưu luyến, em lên chào tôi trước khi em đi, tôi đã nghĩ ngay ra cách mời mẹ em lên rồi cùng phân tích, cũng chia sẻ tình cảm để em không thực hiện ý định ra đi nữa. Tôi vui vì tôi đã làm điều đó.

        ****

Một học sinh nam tôi chủ nhiệm, em bỏ nhà đi cả tuần lễ vì bị nghi oan. Một tuần sau gia đình mới lên báo cho tôi biết, nhưng vấn đề là, một tuần đó em không vắng mặt một buổi trên lớp nào.

Tôi vui vì điều đó, tôi đã đem đến tình thân ái cho học sinh trên lớp, điều đó giảm thiểu nhiều trường hợp học sinh chán trường lớp mà bỏ học.

Tôi góp ý với gia đình và nói chuyện với em, để em trở về nhà trong tình thương gia đình.

    ****

Có nhiều lý do học sinh bỏ học, với trường hợp nào tôi cũng làm hết lòng cho đến khi không thể.

Tôi luôn thông cảm với những sai lầm và những ảo tưởng của lứa tuổi.

Một học sinh nam, khá đẹp trai và luôn thể hiện mình, nhiều hôm em vắng mặt không lý do và không ai liên lạc được.

Tôi tìm mọi cách, từ những người bạn, từ những người biết em, để liên lạc với em. May là em đã nghe điện thoại của tôi và chịu gặp tôi.

Tôi hẹn em ra một quán vắng và ngồi nói chuyện thân tình, phân tích đúng sai và tạo điều kiện cho em trở lại lớp học. Kể cả bảo đảm sẽ tìm cách cho em lên lớp khi em mất kiến thức cơ bản.

Với những ảo tưởng mà em muốn chứng tỏ, em không muốn ai nhìn ra những thiếu xót của mình, về hoàn cảnh cũng như khả năng.

Sau khi thỏa thuận tôi điện thoại cho mẹ em lên gặp con, thương người phụ nữ tảo tần vất vả nuôi con, nhưng không đáp ứng được kỳ vọng của con.

Tuổi vị thành niên em không thể hiểu được lòng mẹ, nỗi vất vả và sự hy sinh của người mẹ.

Tôi đưa em về gia đình, mong rằng sau này em có cơ hội hiểu ra. Tấm lòng yêu thương lo lắng của cô như ngọn đèn soi đường cho em đi đúng hướng.

Tôi trồng được cây tốt, sau này cây sẽ tỏa bóng mát cho đời. Tôi bớt đi một tuổi trẻ sai lầm là bớt đi cho xã hội một gánh nặng.

    ****

Tôi ít khi nào được nhận chủ nhiệm ở lớp học sinh ngoan học giỏi. Năm nay tôi nhận được một lớp mà đa phần học sinh học yếu và kèm theo đó là thường xuyên vi phạm những nội quy nhà trường.

Thật tình tôi cũng suy bụng ta ra bụng người, ngày xưa đi học, chẳng bao giờ tôi thực hiện nghiêm túc quy định của nhà trường, đó là hồi đó chưa có điểm danh tính điểm thi đua, đồng phục cùng với đầy đủ bảng tên huy hiệu. Buổi trưa lớp học nóng như lửa đốt mà yêu cầu học sinh phải bỏ áo vào quần….

Ngoài những yêu cầu cần thiết cho việc học, cần phải nghiêm túc và cố gắng tôi thỏa thuận ngầm với học sinh những gì tôi không ép buộc.

Các em tự làm các em tự chịu, các em làm sao mà thi đua cờ đỏ trong trường không phạt các em là được, còn với cô, điều gì thuận lợi cho em nhất thì em làm. Một không khí thật thỏa mái trong lớp học.

Vậy mà năm đó tôi cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải.

Có hôm học sinh tôi vi phạm nề nếp, ban thi đua đưa về lớp cô chủ nhiệm, em cãi lại, cô chủ nhiệm đồng ý cho học sinh như vậy đấy.

May là cô giáo lúc đó cũng muốn bỏ qua cho cô giáo cũng đã hơn 50 tuổi rồi. rồi chuyện cũng qua.

Ngoài vấn đề nề nếp tôi còn phải lưu ý đến việc học của các em.

Đến lớp 11 rồi thì không dễ lấy lại được căn bản, khi quy trình nhiều năm vì thành tích đã đẩy các em lên lớp, tôi luôn nhìn các em bằng cặp mắt thông cảm. Có tiết học môn học không phải của tôi, tôi phải ngồi dưới lớp để tìm xem, giáo viên dạy như thế nào và học sinh tôi đáp ứng ra sao.

Cuối cùng không còn giải pháp nào khác, tôi phải năn nỉ giáo viên bộ môn tìm cho tôi cuốn vở học sinh chép bài đầy đủ, tôi photo ra 5 cuốn cho 5 học sinh chép bài lại, và xin cho em một con điểm để động viên em cố gắng bắt đầu lại, mặc dù tôi biết đường xa vời vợi, nhưng nếu không bắt đầu thì không biết đến bao giờ mới thay đổi được….

Thương phụ huynh vất vả vì con, phụ huynh rớt nước mắt chưa bao giờ thấy có một cô giáo nào làm như vậy.

    ****

Trước khi quay trở lại những nỗi buồn của tôi trong giáo dục tôi kể bạn nghe chuyện vui về phụ huynh của tôi hơn 20 năm trước.

Đó là năm đầu của thế kỷ 21, lớp tôi chủ nhiệm có nhiều phụ huynh còn vất vả kiếm sống, họ sống đơn giản và thật thà.

Năm thứ hai đi dạy tôi cũng bắt chước được cách nói cho ghê gớm để che đi cá tính của mình, học sinh cũng thật thà tin thiệt, về kể lại với phụ huynh, hình như là lúc đó tôi nói thật gắt gao để phụ huynh đi họp đầy đủ ( và cũng hình như là, nếu tôi dễ dãi thì phụ huynh cũng coi thường, con người Việt Nam mình vậy).

Hôm họp phụ huynh đó tôi cũng hoàn thành được công việc.

Những năm đầu đi dạy đó học sinh và thầy cô rất gần gũi và yêu thương nhau, phụ huynh từ trong vô thức luôn yêu quý và tôn trọng thầy cô.

20 tháng 11 năm ấy, hai vợ chồng phụ huynh mang chai mật ong, quà mà ở nhà có được đến nhà thăm và chúc sức khỏe cô giáo, cùng lời cảm ơn đến cô.
Lúc đầu thì nói chuyện có vẻ giữ kẻ và trang trọng, nhưng câu chuyện chuyển qua vui vẻ và thân mật từ bao giờ, anh phụ huynh vui vẻ cười rồi quên mất bỏ chân lên ghế như nhà mình khi nghe tôi kể về thời đi học của tôi.

Anh kể lại hôm đi họp phụ huynh cho con, nhiều phụ huynh họp lại và nói về cô giáo chủ nhiệm, khi nghe con mình kể lại, ai cũng ngán, cũng sợ phải chạm mặt cô, mọi người đùn đẩy cho nhau ngồi phía trước mặt cô giáo, làm sao để tránh phải giáp mặt và nghe những lời sắc sảo từ cô.

Mãi nói chuyện, anh quên rằng mình đang đi với vợ và cũng đã khuya rồi, tôi phải nhắc anh điều đó. Một kỷ niệm vui trong nghề.

****

Tôi trở lại câu chuyện thu học phí hằng tháng mà chúng tôi thu hai tháng một lần. Trường tôi dạy khi ấy là trường bán công.

Điều bất công trong xã hội khi ấy là, con nhà giàu hay công chức thì học trường công, còn con nhà nghèo, không có điều kiện thì học trường bán công.

Lý do tại sao thì nhiều người cùng biết nhưng không ai nói ra, và tâm lý chung là ai cũng “chạy”, ai có tiền nhiều thì chạy nhanh hơn.

Giáo dục ngay từ mầm non đã “ chạy” rồi mà.

Họ nói rằng học sinh có học lực cao hơn nên được học trường công.

Con nhà nghèo học yếu, hay những em học không đủ điểm xét từ cấp hai lên thì học trường bán công.

****
Cứ ngày nào lên lớp cũng thu tiền, vô thức cô trò nhìn nhau qua đồng tiền, vì cô không có thời gian quan tâm đến các em như thế nào.
 
Chuyện học phí cũng lắm bi hài.
Thương thầy cô lắm

Một hôm sau khi kiểm tra lại danh sách đóng học phí, tôi nhắc một học sinh, em trả lời tôi là em đóng rồi…..gặp tình huống này cô giáo đứng hình luôn. Cãi nhau với các em à? Cô cố chứng minh là em chưa đóng bằng cách nào? Ai làm quan tòa cho cô? Thật sự là tôi không biết làm thế nào nếu em học sinh đó cố tình làm như vậy, đặt tôi vào tình thế không thể phản ứng được.

Việc đầu tiên tôi phải kiểm tra lại mình có sơ xuất không? Tôi không thể làm sai rồi nói mình đúng được. Xong khi kiểm tra lại quy trình thu tiền của mình có sơ xuất không thì tôi bổng bắt gặp nụ cười đắc ý của em. Có khôn thì em cũng là trẻ con, em không thể qua mắt tôi được, nhưng tôi phải cư xử thế nào khi mình làm cô giáo? Tôi không vạch rõ để làm em xấu hổ, tôi không được đồng thuận hay bất lực trước việc làm đó, tôi không được để hành động đó tiếp diễn và qua mặt được giáo viên. Rất khó .

Đây cũng là một thử thách của nghề giáo trước đồng tiền.

Ngành sư phạm đâu dạy và yêu cầu chúng tôi làm điều này.

Ở trường sư phạm, người ta không dạy tôi cách đối phó với những đứa học trò cố tình lừa thầy cô như vậy. Người ta chỉ truyền cho tôi những kinh nghiệm sư phạm và khả năng chuyên môn. Tuyệt nhiên, tôi chưa được học, được đọc cách giáo huấn phủ đầu những học trò như những học sinh này. Tôi hơi bối rối.

Chúng tôi cứ phải giải những tình huống không sư mà phạm như vậy. Một hôm một thầy giáo mới từ trường cao đẳng sư phạm xuống, ngao ngán khi chia sẻ với đồng nghiệp, đã sơ xuất để danh sách thu tiền học phí trên bàn, học sinh lên đánh dấu tám em vào, số tiền bằng nửa tiền lương của thầy.

Đồng tiền làm vô hiệu hóa chức năng giáo dục. Khi xã hội đem tiền ra mua được tất cả.

MỘT TÌNH HUỐNG KHÁC

Tôi đang say sưa truyền giảng bài học cho cả lớp thì em học sinh đó làm ồn và không chú ý nghe bài, tôi chỉ nhẹ nhàng mời em đứng dậy hỏi bài, tôi không quên được khuôn mặt câng cáo của em, tôi nói em không thích học thì đi ra cho cô giảng bài, em trả lời tôi “ em đóng học phí nên em có quyền ngồi đây”.

Tôi mời em ngồi xuống và tiếp tục giảng bài trong nỗi buồn nhói trong tim.

Phải nói là tôi quay quắt trong nghề dạy của mình mà không thể nhẫn tâm làm hại các em, trái tim tôi vẫn không thể oán ghét các em hay nghề dạy mà người ta đang nói rằng, nghề dạy là một nghề bạc bẽo.
Tôi đang gieo trồng những hạt giống trong nền đất cứng.

Tôi vẫn tận tụy yêu thương các em học sinh của mình, những gì tôi đã làm cho các em như là cuộc sống thường ngày, và bây giờ tôi thấy những việc làm tốt của tôi đã ghi vào cuộc sống các em những kỷ niệm khó quên.

Con người sống và lớn lên trong hoàn cảnh nào đều chịu ảnh hưởng của thời kỳ đó, như là ta đang ngụp lặn trong biển lớn vậy. Phải sống và phải tồn tại bằng mọi cách.
Sơn Ca

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian