Hình tượng con mèo trong văn học dân gian- Ngô Thế Lâm
Phố núi và bạn bè... Chút gì để nhớ!
HÌNH TƯỢNG CON MÈO TRONG VĂN HỌC DÂN GIAN
(QBĐT) - Xuất hiện từ rất sớm và được con người thuần hóa để trở thành vật nuôi thân thiết trong mỗi gia đình, loài mèo không chỉ phổ biến với tư cách là “thú cưng” của nhiều bạn nhỏ mà còn là một hình tượng điển hình trong dòng chảy văn hóa sinh động. Nhắc đến mèo, xưa nay dân gian thường khoác lên nó bao nhiêu tính xấu; mượn hình ảnh để ví von, so sánh với những hành động, thói quen phi chuẩn mực; đồng thời gửi gắm nhiều triết lý sâu xa…
(QBĐT) - Xuất hiện từ rất sớm và được con người thuần hóa để trở thành vật nuôi thân thiết trong mỗi gia đình, loài mèo không chỉ phổ biến với tư cách là “thú cưng” của nhiều bạn nhỏ mà còn là một hình tượng điển hình trong dòng chảy văn hóa sinh động. Nhắc đến mèo, xưa nay dân gian thường khoác lên nó bao nhiêu tính xấu; mượn hình ảnh để ví von, so sánh với những hành động, thói quen phi chuẩn mực; đồng thời gửi gắm nhiều triết lý sâu xa…
Thật tội nghiệp cho mèo khi là con vật hiếm hoi trong 12 con
giáp chịu nhiều “định kiến” đến vậy. Điển hình ở bức tranh Đông Hồ nổi
tiếng “Đám cưới chuột”, con mèo đã đại diện cho cho một thế lực thống
trị đầy tinh ranh, xảo quyệt khiến lũ chuột thấp cổ bé họng phải lo lót
hậu hĩnh (biếu mèo một đôi cá chép bự) hòng yên bề cưới hỏi.
Bởi thế mới có bài ca dao được trẻ con bao thế hệ thuộc nằm
lòng, chửi xéo loài mèo đầy thâm thúy: “Con mèo mà trèo cây cau/Hỏi thăm
chú chuột đi đâu vắng nhà/Chú chuột đi chợ đàng xa/Mua mắm mua muối giỗ
cha chú mèo”.
Cũng không hiểu vì đâu, trong văn học dân gian, mèo trở thành
“tấm bia”, “vật hy sinh” cho người đời gửi gắm nhiều thông điệp cuộc
sống. Ở đấy, khi thì chê bai ý nhị các thói hư tật xấu; lúc khác lại là
lời nhắc nhở, khuyên răn; đồng thời phản ánh đa dạng các vỉa tầng đời
sống sinh hoạt giàu triết lý.
Muốn chê bai các thói tật, mai mỉa các hạng người thiếu đứng
đắn, thành ngữ có: “Mèo mả gà đồng” (chỉ loại người vô lại, đi hoang, du
thủ du thực); “Mèo già hóa cáo” (hạng người tinh ranh nguy hiểm, càng
lâu càng khôn ngoan, quỷ quyệt); “Mèo đàng chó điếm” (người bịp bợm, ăn
chơi đàng điếm linh tinh); “Chó khô mèo lạc” (ám chỉ người vô học, lang
thang, gây họa cho xã hội).
Còn những ví von như: “Ăn cơm mèo, nói leo các cụ”, “Ăn như
rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa” ngụ ý phê phán hạng người
chỉ ham ăn, ham nói dóc, còn làm thì rất dở; “Chưa học bắt chuột đã học
ỉa bếp” để chê bai người chưa biết làm thành thạo một công việc đã làm
ẩu, làm dối; đả kích thói xấu của loại người không tự thấy mình xấu mà
chỉ đi soi mói cái xấu của người khác, ca dao gửi gắm đầy tinh tế “Mèo
già chê chó lắm lông/Chó cười lại bảo: kém ông cha mày”.
Để răn dạy, nhắc nhở đường ăn nết ở ở đời, dân gian rất khéo
léo khi sử dụng hình ảnh mèo qua các câu thành ngữ, tục ngữ, như: Chỉ sự
bất hòa của anh em trong gia đình, có câu “Anh em như chó với mèo”; mô
tả thói chủ quan, tự mãn, có “Mèo khen mèo dài đuôi”; nhắc nhở về tính
cẩn thận, cảnh giác thì “Chó treo mèo đậy”; để chỉ những hành động dại
dột, liều lĩnh, nguy hiểm thì“Mèo vờn chuột” hay “Chuột gặm chân mèo”.
Ngoài ra, để chọn việc vừa sức mình, dân gian khuyên “Mèo nhỏ
bắt chuột con”; lúc khác để can ngăn sự táo bạo, lại có câu “Mèo nhỏ lại
bắt chuột to”; ám chỉ một sự phô bày hớ hênh dễ kích thích cho kẻ xấu
đánh cắp là “Mỡ để miệng mèo”; khi chỉ một hành động kiêu ngạo, tự cao
tự đại của ai đó thì được khuyến cáo“Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào”…
Đi vào các phương diện đời sống, mèo cũng trở thành đối trọng
khi so sánh hoặc nói thay một hiện tượng cá nhân hay xã hội nào đấy:
“Tiu nghỉu như mèo mất tai” nói lên sự buồn bã, thất vọng; “Cơm treo mèo
nhịn đói” nói về các nguồn lực không được sử dụng đúng mục đích, gây ra
sự lãng phí; “Mèo mù vớ cá rán” lại nói về sự gặp may bất ngờ trong
cuộc sống; chỉ sự thèm thuồng, háo hức một cách quá lộ liễu thì “Như mèo
thấy mỡ”; khi muốn ám chỉ, cạnh khóe đã có các câu “Chửi mèo quèo chó”
hoặc “Chửi chó mắng mèo”…
Ngoài ra, cũng bằng ca dao, đồng dao, thành ngữ… dân gian đã
gửi gắm vào hình tượng mèo những triết lý nhân sinh sâu sắc. “Mèo ngao
cắn cổ con cầy/Con cầy vật chết cả bầy mèo ngao” (nhắc khéo kẻ yếu không
nên tranh giành, gây sự với kẻ mạnh hơn mình để tránh tổn thất không
cần thiết); “Con mèo xán vỡ nồi rang/Con chó chạy lại mà mang lấy đòn”
(nói về sự oái oăm khi kẻ làm sai, gây ra hậu quả nhưng láu cá, nhanh lẹ
tránh né để kẻ khác phải chịu tội thay cho mình); “Con mèo con mẻo con
meo/Muốn ăn thịt chuột thì leo xà nhà”(ngụ ý khuyên con người muốn có
cái ăn thì phải làm việc, lao động cực nhọc chứ không ai đưa sẵn, bày
sẵn cho ăn cả); “Mèo nằm bồ lúa vênh râu/Thấy con chuột chạy ngóc đầu
kêu ngao” (nhắc nhở hạng người biếng nhác dù điều kiện làm việc thuận
lợi, miếng ăn đến miệng mà không chịu lấy ăn).
Còn nữa, đó là lời cảnh báo trước sự vô cảm đối với hành động
xấu, với sai phạm và sự lộng hành của kẻ ác thời nào cũng có:“Mèo tha
miếng thịt thì đòi / Kễnh tha con lợn mắt coi trừng trừng/Mèo tha miếng
thịt xôn xao/Kễnh tha con lợn thì nào thấy chi”…
Vài dòng tản mạn sẽ khó có thể kể hết chuyện mèo-loài vật đã
gắn bó bền chặt trong văn hóa lẫn đời sống người Việt ta xưa nay. Mặc dù
được “gán” cho bao tính xấu, nhưng không thể phủ nhận sự đóng góp lớn
lao của loài vật này làm cho kho tàng văn học dân gian thêm đồ sộ. Sự
hiện diện của mèo thật đáng quý khi “sắm vai” vô cùng sinh động, nhờ đó,
để lại cho chúng ta nhiều bài học mà ngẫm ngợi và sửa sang bản tính,
tâm hồn mình.
Ngô Thế Lâm (https://www.baoquangbinh.vn/)
0 Comment: