Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

100 năm Kon Tum: PHÁC DỰNG DIỆN MẠO TP KON TUM 100 NĂM TRƯỚC- ST

100 năm Kon Tum:
 PHÁC DỰNG DIỆN MẠO THÀNH PHỐ KON TUM 100 NĂM TRƯỚC
 (Tạp chí Văn Nghệ Kon Tum, số 82/2013)

 DIỆN MẠO THÀNH PHỐ KON TUM 100 NĂM TRƯỚC

ThS. Hồ Thành Tâm (Đại học Quốc Gia Hà Nội)

     Tên gọi Kon Tum xuất hiện không muộn hơn cuối thế kỷ XIX, được dùng để đặt tên cho một làng Bahnar mới thành lập tại khu vực ven sông Đak Bla, đoạn chảy qua thành phố Kon Tum ngày nay. Câu chuyện thành lập làng này liên quan đến những mâu thuẫn nội bộ giữa những người dân làng Kontrang Or (xã Chư H’reng) dẫn đến việc một bộ phận người dân ở đây phải đi tìm nơi cư trú mới[1]. Câu chuyện dân gian này không cho phép chúng ta ước định cụ thể hơn thời điểm ra đời của Kon Tum. Đến năm 1893[2], tên gọi Kon Tum chính thức được chính quyền thực dân sử dụng khi cho thành lập Tòa đại lý Kon Tum do viên linh mục Vialleton cai quản. Trải qua một vài lần điều chỉnh địa giới hành chính, đến ngày 9-2-1913, tỉnh Kon Tum chính thức được thành lập, bao gồm ba tòa đại lý: tòa đại lý Kon Tum, toà đại lý Cheoreo và tòa đại lý Ban Mê Thuột[3]. Như vậy, vào thời điểm thành lập năm 1913, địa phận của tỉnh Kon Tum khá rộng, trải dài trên địa bàn ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đak Lac hiện nay. Phạm vi của bài viết này chỉ nhằm tập trung phác dựng lại diện mạo của khu vực thành phố Kon Tum ngày nay vào thời điểm những năm 1910-1930.

      1. Đường sá 
      Để dễ hình dung, chúng tôi vẫn sử dụng tên gọi một số con đường lớn hiện nay, như Phan Đình Phùng, Trần Phú, Nguyễn Huệ… nhưng vào thời điểm một thế kỷ trước, các con đường chưa được đặt tên. Quốc lộ 14 đoạn chạy qua thành phố Kon Tum ngày nay vào thời điểm đó được gọi là Đường thuộc địa số 14 (Route Coloniale No 14). Đường Trần Hưng Đạo ngày nay chỉ được đặt tên Rue de la Marne muộn hơn khi Tòa giám mục được xây dựng (1933-1935).

     Theo mô tả của hai tác giả Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi vào thời điểm năm 1933 thì thành phố Kon Tum lúc đó “Phố phường ở rải rác trên bốn, năm con đường”[4]. Có thể hình dung 20 năm trước đó, tình hình đường sá còn kém phát triển hơn nhiều. Thành phố có thể đã bao gồm những con đường sau đây:

      - Đường Phan Đình Phùng: là một đoạn của đường thuộc địa số 14 chạy qua địa phận thành phố lúc bấy giờ, đồng thời cũng là trục Bắc - Nam của thành phố. Đường 14 còn nhiều điểm chưa thông tuyến. Năm 1923, đoạn từ Buôn Mê Thuột đi Kon Tum mới được mở[5] và đường 14 phía Bắc tỉnh Kon Tum cũng chỉ được mở vào cuối năm 1930 khi chính quyền thực dân đưa những tù chính trị đang bị giam ở nhà lao Kon Tum lên làm đường ở đây[6]. Về chất lượng, đường 14 lúc này vẫn còn là đường đất, thuận tiện đi lại vào mùa khô nhưng rất khó khăn vào mùa mưa. Năm 1908, đoạn đường từ Pleiku đi Kon Tum chỉ có 54km mà phải đi hết một ngày rưỡi[7].

      Về cảnh quan hai bên đường Phan Đình Phùng ngày đó, cơ bản vẫn là rừng rậm xen lẫn đồng hoang. Đoạn từ trường THCS Lý Tự Trọng đến đầu cầu Đak Bla là nơi tập trung nhà ở của các quan lại và cơ quan hành chính tỉnh[8] (khu phía Tây thành phố - theo cách gọi của Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi[9]). Khu vực ngã tư Phan Đình Phùng – Phan Chu Trinh ngày nay vào năm 1914 được phát quang để thành lập làng Trung Lương (đến nay vẫn còn di tích đình Trung Lương ở dọc ven đường Phan Đình Phùng). Từ đây đổ lên phía Bắc đều là rừng rậm. Dấu tích của các cánh rừng đó ngày trước vẫn còn nhận thấy qua những cây lớn như gốc Dong (ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Lợi), trong khuôn viên Sở Y tế, chi cục kiểm lâm… Vào thập niên 1990, khu vực ủy ban phường Quang Trung hiện nay vẫn còn sót lại nhiều cây to. Ngay ngã tư Hùng Vương – Hoàng Thị Loan trước khi được nhựa hóa vẫn còn một thân cây khá to. Tất cả các dấu tích ít ỏi còn sót lại đó, đến nay đều đã bị đốn hạ bởi tốc độ đô thị hóa ngày một cao của thành phố.

Cầu ĐăkBla khoảng năm 1947

      Ở đây, tôi muốn nói đôi chút về cây cầu bắc qua sông Đak Bla. Sông Đak Bla là ranh giới tự nhiên về phía Nam của thành phố. Trong một thời gian dài, quy hoạch thành phố Kon Tum chỉ loanh quanh ở bờ Bắc con sông này, còn bờ phía Nam vẫn là ruộng nương. Năm 1892, một số giáo dân làng Tân Hương đã theo linh mục Nicolas (cố Cần) sang bên kia bờ sông để lập nên làng Phương Hòa. Thoạt tiên, trên sông Đak Bla chưa có cầu, phương tiện qua sông vẫn là phà. Năm 1910, phái bộ Henri Maitre khi thực hiện chuyến khảo sát xuyên Tây Nguyên, vẫn đi qua sông Đak Bla bằng phà[10]. Tháng 6-1931, nhà đương cục lợi dụng sức lao động của các tù chính trị vừa đi làm đường từ Đak Pet về, đã có ý định bắt một chiếc cầu qua sông[11]. Công việc đang tiến hành thì bị hủy bỏ bởi các cuộc đấu tranh của tù chính trị. Vết tích hiện nay vẫn còn một mố đất cao trong khu di tích ngục Kon Tum. Phải đến một năm sau, chính quyền mới bắc được một chiếc cầu gỗ qua sông (tháng 7-1932) nhưng đến tháng 10 lại bị lũ cuốn trôi mất[12]. Việc đi lại trên sông này vẫn phải dùng phà. Ta vẫn có thể thấy được cảnh qua phà trên sông Đak Bla qua bộ phim tài liệu nổi tiếng của đạo diễn Simonnet.

      - Đường Nguyễn Huệ: là một trong hai con đường lớn nhất (cùng với đường Phan Đình Phùng), “sầm uất” nhất, và đồng thời là trục Đông – Tây của thành phố. Với lợi thế chạy dọc theo bờ sông Đak Bla, đường Nguyễn Huệ là nơi cư trú ưa thích của người dân đương thời. Chính ngôi làng Việt đầu tiên – làng Tân Hương (Gò Mít, Trại Lý) – được thành lập sớm nhất (năm 1874) ở dọc theo con đường này. Đường Nguyễn Huệ nối liền khu phía Tây thành phố (khu hành chính, công sở) với khu phía Đông (khu Tân Hương, Phương Nghĩa), đi ngang qua khu dân cư dọc hai ven đường. Năm 1910, khi đặt chân tới mảnh đất Kon Tum, Henri Maitre đã miêu tả cảnh quan đường Nguyễn Huệ như sau: “Khu dân cư có tên Kon Tum nằm về phía đông cánh đồng tuyệt vời Reungao; gồm những chòm xóm nối nhau chạy dài như chuỗi tràng hạt nằm hai bên con đường cái căng như kẻ chỉ giữa hai đầu khúc sông uốn cong của con sông Bla…”[13]. Đường Nguyễn Huệ là đường đất, và mặc dù là con đường “sầm uất” nhất, nhưng qua bộ phim của Pere Simonnet, cho đến những năm 1940-1950, mặt đường vẫn còn khá ghồ ghề và hẹp.


      - Đường Trần Phú: là con đường từ thành phố đi lên ngả Đak Cấm, nhưng con đường này có thể mở muộn hơn, vào cuối những năm 1930. Quang cảnh đường Trần Phú vẫn còn là những cánh rừng rậm rạp mà địa danh Võ Lâm có thể gợi cho ta phần nào hình dung lúc bấy giờ. Mãi đến năm 1938, khi làng Võ Lâm thành lập, nơi này mới dần có người đến ở, tuy vậy, quang cảnh vẫn còn rất hoang vu. Theo miêu tả của các giáo dân Võ Lâm đi nhà thờ Tân Hương làm lễ thì “Thời đó muốn đi lễ nhà thờ Tân Hương, phải đi bộ qua những cánh rừng xoài, mít, rừng cây… theo những con đường mòn, rất sợ hãi. Vào dịp lễ Sinh Nhựt (Giáng sinh), từ trưa phải dỡ cơm mang theo đến xin ngủ nhờ nhà người quen gần nhà thờ Tân Hương, để đến nửa đêm dự lễ Sinh Nhựt, đêm hôm đó ngủ lại đến sáng mai mới khăn gói trở về nhà. Còn học sinh đi học trường Têrêxa gần nhà thờ Tân Hương, phải đem theo cơm trưa ở lại học cho tiện, vì đường sá cách trở”[14]. Dọc đường Trần Phú hiện nay, trong khuôn viên Hội trường Ngọc Linh vẫn còn một gốc đa cổ thụ, chính là dấu tích còn lại của các cánh rừng đầu thế kỷ XX.

      - Đường Bà Triệu: là đường đi vào nhà thương tỉnh lúc bấy giờ. Đường Bà Triệu đoạn nối Phan Đình Phùng – Trần Phú lúc này là một con đường nhỏ chia đôi khu mả Thượng, vị trí hiện nay trụ sở Ngân hàng NNPTNT tỉnh, trung tâm triển lãm. Từ đó hắt lên phía Trần Phú là những cánh rừng của làng Võ Lâm.

Đường Phan Đình Phùng- Kon Tum những năm 1980
     2. Nhà cửa

     Năm 1875. Khi viên linh mục Vialleton đang ở Kon Tum, quang cảnh thành phố lúc bấy giờ được miêu tả như sau: “Thuở ấy làng Kontum còn nhỏ, nhơn số cả đạo ngoại chừng 150, có hai nhà rông, bốn phía có rào lũy để ngữ giặc gần sát bên nhà, nên chật hẹp bẩn thỉu lắm. Chỗ ở, nhà thờ, nhà bếp cũng chung một cái nhà chật chội, su sơ”[15]. Gần 60 năm sau (1933), thành phố Kon Tum đã trở nên “đường sá rộng rải, phố xá ngay thẳng. Ban đêm đèn điện sáng choang. Quang cảnh không kém mấy thành phố ở dưới trung châu”[16].

      Những hiện thực trong miêu tả của hai anh em Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi có lẽ chỉ bắt đầu sau khi thành phố Kon Tum được thành lập (ngày 3-12-1929)[17], còn đầu thập niên 1910, Kon Tum chưa hẳn đã là một nơi “đô hội lớn”.

      Thành phố Kon Tum được chia thành hai khu: khu phía Tây là nơi tập trung các cơ quan hành chính và khu phía Đông là vùng tập trung sinh sống của dân cư, nhà thờ.

      Về khu thứ nhất. Từ cầu Đak Bla đi lên phía Bắc, bên trái, tại khu vực bến xe cũ (nay là cây xăng dầu và Bảo tàng tỉnh) là nhà của viên Công sứ, tiếp đến là trại lính khố xanh. Cây xăng ngã ba Phan Đình Phùng – Trương Quang Trọng hiện nay là nhà của viên Giám binh. Di tích nhà ngục Kon Tum hiện nay (còn gọi là Lao ngoài) được xây dựng vào đầu năm 1931 khi chuẩn bị đưa những tù chính trị đi làm đường ở Đak Pet về[18], chứ trước đó chưa có. Tiếp tục đi lên hướng Bắc, đến ngã tư Phan Đình Phùng – Phan Chu Trinh là địa phận và khu dân cư làng Trung Lương (1914). Quá nữa là đường Bà Triệu, lối rẽ vào nhà thương tỉnh. Từ đấy trở lên là rừng. Bên phải, sau khi đi qua bến đò Đak Bla, tại vị trí khách sạn Đak Bla ngày nay là nhà viên Phó sứ. Cây xăng bên cạnh đó là Sở Bưu điện (Nhà Dây thép). Cách đấy không xa, trụ sở của Chi nhánh xăng dầu Kon Tum là nhà của viên Quản đạo. Vị trí ngày nay được xây dựng làm đài phun nước là địa điểm của nhà lao tỉnh, hay còn gọi là Lao trong, nơi giam giữ tù chính trị trước khi bị đưa đi làm đường 14. Cách đấy vài chục mét là Giọt nước phía sau lưng trường Lý Tự Trọng. Tiếp tục đi lên phía Bắc, sau khi qua khỏi địa phận làng Trung Lương là rừng và khu mả Thượng.

Chợ Kon Tum năm 1947

       Về khu thứ hai. Tính từ ngã tư Phan Đình Phùng – Nguyễn Huệ đi vào, dọc hai bên đường là khu dân cư. Bên trái, tại ngã tư Nguyễn Huệ - Trần Phú là nhà thờ làng Tân Hương (1874), xa hơn một đoạn về bên phải là trường Cuénot (1908, nay là trường Cao đẳng sư phạm tỉnh) và nhà thờ gỗ (1913). Quá nữa là làng Thượng. Đường Đào Duy Từ là lối từ thành phố đi Konplong. Theo bản đồ của Ngô Đức Đệ, lộ trình từ thành phố Kon Tum đi Konplong bấy giờ như sau: từ khu Giọt nước sau lưng trường THCS Lý Tự Trọng, theo đường Nguyễn Huệ - Đào Duy Từ - quốc lộ 24 đi Konplong. Tổng chiều dài hết 38km (lúc bấy giờ không đi qua ngã Duy Tân như hiện nay vì đường này chưa được mở). 

     Chợ Kon Tum bấy giờ họp tại khu vực rạp 17-3 – Am Bà ngày nay. Từ đường Nguyễn Huệ đi lên đường Trần Phú, sau khi qua khỏi địa phận làng Lương Khế (1927) vẫn còn là rừng rậm.

      Miêu tả con đường Nguyễn Huệ vào năm 1910, Henri Maitre viết: “Làng Go Mit chỉ là một loạt những ngôi lều ọp ẹp của người An Nam, chìm giữa những cây chuối, mít và xoài; con đường cái phủ cát trắng cắt ngang xóm làng làm hai và chạy dài chói chang dưới trời nắng; ở Rehai, trên phía bắc con đường, là nhà thờ của Cha bề trên lợp ngói đỏ; phía đằng kia bên phải, bót gác của dân binh sẽ được chuyển đến phía thượng lưu tòa đại lý; cũng ở phía đằng kia, trên hữu ngạn, trường học của hội truyền giáo, một ngôi nhà lớn lợp ngói có nhiều nhà phụ kèm theo”[19].

      Như vậy, về cơ bản thành phố Kon Tum hồi 1910-1930 là tứ giác Phan Đình Phùng – Phan Chu Trinh – Đào Duy Từ - Nguyễn Huệ ngày nay.

Chợ Kon Tum xưa (trước 1975)
Chợ Kon Tum  trước 1975 (mặt đường Lê Thánh Tôn- nay là Trần Hưng Đạo)

      3. Vài nét về sinh hoạt xã hội thành phố Kon Tum 1910-1930 

      Theo những ghi chép sưu tầm được, dân số thành phố Kon Tum năm 1884 ước khoảng 500 người, năm 1922 – 3.067 người và 1933 – 5.000 người. Như vậy, sau ½ thế kỷ, dân số thành phố tăng lên khoảng 10 lần. Tuy nhiên, đóng góp chủ yếu vào việc tăng dân số thành phố là do các luồng di dân từ đồng bằng lên sinh cơ lập nghiệp (tăng dân số cơ học) hơn là do tăng tự nhiên. Thống kê của Võ Chuẩn cho thấy, trong ba năm (1931-1933), dân số của 10 làng tổng Tân Hương thậm chí còn giảm bởi số người chết hàng năm luôn cao hơn 1,5-2 lần so với số mới sinh[20]. Võ Chuẩn cũng ghi nhận: “Trong các làng đã lập trước, nhiều chỗ nước độc địa lắm, người có chết mà không sinh ra thêm, và lắm chỗ một làng An-Nam ở giữa, còn bao nhiêu thì Mọi cả, cũng không hay gì. Như làng Phụng-sơn trên này, từ lập ra đến nay dân số 27, cứ 27; làng Ngô-trang, cách 10 năm trước nam, phụ, lão, ấu được 120, nay còn 60; làng Phước-cần ở cách làng An-Nam khác 20 cây số, dân càng ngày càng mòn chứ không thêm tên nào…”[21]. Dân số thành phố tăng chủ yếu vào thập niên cuối thế kỷ XIX do giáo dân ở đồng bằng chạy lên lánh nạn Văn Thân và vào thập niên 1920 khi ở Đông Dương rộ lên phong trào lập đồn điền trên Tây Nguyên.

      Về mặt hành chính, thành phố Kon Tum tồn tại song song hai hệ thống chính quyền: của thực dân Pháp và của phong kiến Nguyễn. Về phía chính quyền thực dân, viên quan đứng đầu tỉnh là Công sứ, có toàn quyền về dân sự lẫn quân sự của một tỉnh (năm 1913, viên Công sứ Kon Tum là M. Guénot). Do địa bàn tỉnh Kon Tum rộng nên còn có một viên Phó sứ giúp việc cho Công sứ. Tỉnh Kon Tum được chia làm 5 hạt (Kon Tum, Konplong, Đak Tô, Đak Sút, An Khê), đứng đầu thành phố Kon Tum là quan đầu hạt (chef secteur)[22]. Về phía triều đình nhà Nguyễn, năm 1913, khi thành lập tỉnh Kon Tum, viên đại diện cho triều đình ở đây là một Nam Tri huyện (lúc bấy giờ là ông Phan Tử Khâm). Đến năm 1917 đổi gọi là Nam Tri phủ. Năm 1928 đặt ra đạo Kon Tum thì chức danh này gọi là Quản đạo (viên Quản đạo đầu tiên là Phùng Duy Cần). Dưới huyện là tổng do viên Chánh tổng đứng đầu. Thành phố Kon Tum lúc này có tổng Tân Hương. Dưới tổng là làng do một lý trưởng đứng đầu (hoặc đầu làng nếu là làng Thượng)[23].

      Về giáo dục, ở Kon Tum tồn tại hai hệ thống trường học là trường công và trường tư. Trường công thành lập tháng 1-1916 dành cho cả người Kinh lẫn người bản địa. Đứng đầu trường công là một viên Đốc học, rồi đến Trợ giáo. Hệ thống trường tư của các cha cố ra đời sớm hơn: năm 1908, trường Cuénot thành lập dành cho cả người Kinh lẫn Thượng. Đến năm 1928, các làng Phương Nghĩa, Tân Hương, Phương Quý, Phương Hòa đều mở thêm trường và dành riêng cho người Kinh. Cấp học bao gồm sơ học và tiểu học. Ngôn ngữ sử dụng trong trường gồm tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Bahnar và tiếng Jarai[24].

      Về mặt thương mại, thập niên 1910-1930, các ngành nghề ở Kon Tum hầu như không đáng kể. Đây có thể là hậu quả của chính sách hạn chế buôn bán giữa miền xuôi với Tây Nguyên hồi cuối thế kỷ XIX và tình trạng yếu kém của mạng lưới giao thông nội vùng và liên vùng. Một số người Kinh tại thành phố Kon Tum làm nghề nông (trồng lúa nước) bằng cách khai phá những vùng đất thấp, ẩm như trước cổng chùa Bác Ái ngày nay. Tuy nhiên, diện tích ruộng không nhiều. Năm 1933, thành phố chỉ có 243m2 ruộng, nên trồng lúa nước chỉ là nghề phụ. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là một số làng Bahnar đã bắt chước kỹ thuật trồng lúa nước của người Kinh và từ bỏ lối canh tác chọc lỗ tra hạt cổ truyền[25]. Có thể thấy những cánh đồng lúa nước này ở vùng Phương Hòa, Phương Quý mà đương thời người ta còn gọi là ruộng Lào.

      Chợ Kon Tum là nơi tập trung buôn bán chính của thành phố, chủ yếu là các sản vật từ rừng núi và từ vườn gia đình. Các sản vật dưới đồng bằng cũng được mang lên thành phố trao đổi với người Thượng[26] và đây là một nghề “hái ra tiền”, bởi trong số các ngành nghề kinh doanh thời bấy giờ, chỉ duy nhất việc buôn bán với người Thượng là bị đánh thuế (thuế môn bài, 8,24$/năm). Việc này được T.D.N. ghi lại vào năm 1923 như sau: “Người An-Nam hay buôn bán với Mọi, mà buôn-bán cách thể này: Họ hỏi xem Mọi ưng những gì rồi họ trở xuống Hạ-châu mua lên để bán cho Mọi. Thường-thường họ đem muối, độc-bình, phóng la, nồi, đổi cho Mọi để lấy da, gạc hươu, mè, trâu bò”[27]. Võ Chuẩn viết thêm: “Song cái nghề buôn bán thịnh-hành nhất ở Kontum là nghề đi “buôn Mọi”. Người mình ở Kontum lên Mọi thì đem những đồ Mọi năng cần-dùng, như muối, vải, mền, chiêng, đồng la, nồi, ghè, hũ, vòng hột đeo cổ và đeo tay, định giá rồi lấy heo, bò, trâu, đem về bán lại. Cách buôn Mọi rất lợi, cho nên nhiều người ở Kontum làm nghề ấy lắm. Chỉ ở trong thành phố Kontum thì có đến 40 người có khai môn-bài “Đi buôn Mọi” và có chịu thuế mỗi năm là 8$24”[28].
*
* *
     Một thế kỷ trước, khi tỉnh Kon Tum được thành lập, thành phố Kon Tum còn mang dáng dấp của một tỉnh lỵ miền núi: nghèo nàn và đơn điệu, giống như tình trạng chung của các nơi khác trên Tây Nguyên. Có vẻ như thập niên 1910, vùng Tây Nguyên chưa phải là tâm điểm tập trung khai thác, đầu tư của chính quyền. Không bao lâu sau khi thành lập, tỉnh Kon Tum và cả Đông Dương thuộc địa lập tức bị cuốn vào cơn bão khốc liệt của cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918) khiến cho việc quan tâm phát triển kinh tế xã hội miền Thượng vẫn chỉ nằm bên lề của những chính sách đương thời. Tình trạng này thậm chí còn kéo dài đến giữa thập niên 1920. Henri Maitre viết: “Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, vùng Mọi bị bỏ rơi và có vẻ như chính phủ không muốn quan tâm tới nữa… những gì người ta đã làm ở Darlac, Kontum, Cambodge là kết quả của những cố gắng tản mạn, không có ý tưởng chủ đạo, không có quy hoạch chung vạch ra ngay từ đầu… Về mặt hành chính có rất ít tiến bộ…”[29]. Trong bối cảnh đó, thành phố Kon Tum (thành lập năm 1929) vẫn tồn tại một cách lặng lẽ và khép nép đứng bên lề của tiến trình phát triển. Do vậy, về mặt kinh tế, thật khó có thể nói rằng giai đoạn thành lập tỉnh Kon Tum, hay 30 năm đầu của thế kỷ XX, đã để lại những di sản gì cho các giai đoạn về sau.

      Tuy nhiên, về mặt xã hội lại có nhiều điểm đáng lưu ý.

      Thứ nhất, sự hình thành của thành phố Kon Tum gắn liền với sự hình thành các làng Việt đầu tiên tại đây vào cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Mặc dù xuất hiện muộn trên cao nguyên nhưng chính lực lượng người Kinh di cư lên Kon Tum từ cuối thế kỷ XIX mới là động lực chủ yếu khai phá và định hình nên bộ mặt của thành phố. Nếu thiếu đi vai trò của lực lượng này thì Kon Tum vẫn sẽ chìm trong tình trạng hoang sơ về mọi mặt như vốn dĩ. Khi nói đến điều này, chúng ta cần phải ghi nhận vai trò rất quan trọng của các cố đạo Pháp – những giáo sĩ nhưng đồng thời cũng là những nhà khoa học thấm nhuần ánh sáng tiến bộ của văn minh phương Tây – trong việc dẫn dắt lực lượng giáo dân tiến hành khai phá các vùng đất hoang vu để lập nên làng Kon Tum.

      Thứ hai, các làng Kinh ở Kon Tum được xây dựng bám theo ven sông Đak Bla – trung tâm của vùng đồng bằng Rơngao. Khu vực thành phố Kon Tum – tức tứ giác Phan Đình Phùng – Phan Chu Trinh – Đào Duy Từ - Nguyễn Huệ, chính là khu vực lõi mà từ đó, một thế kỷ sau mặc dù thành phố Kon Tum hiện đại phát triển rất mạnh về phía Bắc và phía Tây của tứ giác này, nhưng khu vực lõi vẫn giữ được vị thế trung tâm của mình và là nơi tập trung nhiều nhất các dấu tích thuở ban đầu.

      Thứ ba, sự ra đời của tỉnh Kon Tum và thành phố Kon Tum cũng mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử vận động, tương tác giữa khối người Kinh di cư và các tộc người bản địa cùng xây dựng và phát triển mảnh đất Bắc Tây Nguyên này. Như trong câu trả lời của một người Bahnar đối với Nguyễn Đổng Chi hồi 1933[30], những người bản địa vẫn yêu mến và mong muốn hợp tác cùng người Kinh để xây dựng mảnh đất quê hương mà cả hai cùng chung sống. Mặc dù trải qua thăng trầm nhất định, nhưng tinh thần đoàn kết tương ái giữa người Kinh với các tộc người bản địa chính là di sản quý báu nhất, quan trọng nhất mà các thế hệ người Kon Tum 100 năm sau được thừa hưởng từ giai đoạn đầu tiên ấy.
-------------------------------------------------------

[1] Võ Chuẩn, Kon Tum tỉnh chí, in trong tạp chí Nam Phong, số 191, tháng 12-1933, tr.530

[2] Các tác giả Võ Chuẩn, Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi đều ghi nhận sự kiện này vào năm 1893 (xem Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi (2011), Người Bahnar ở Kon Tum, nxb Tri thức, H., tr.134), trong khi các tác giả của Hội đồng biên soạn giáo trình địa phương học tỉnh Kon Tum (1998), Kon Tum đất nước con người, nxb Đà Nẵng, tr.10 lại cho rằng đó là vào năm 1892. Ở đây chúng tôi sử dụng niên đại 1893.

[3] Hội đồng biên soạn giáo trình địa phương học tỉnh Kon Tum, sđd, tr.10-11.

[4] Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi, sđd, tr.153.

[5] T. D. N, Lược khảo về tỉnh Kon Tum, in trong tạp chí Nam Phong, phụ trương Pháp văn, số 74, tháng 8-1923, tr.31.

[6] Lê Văn Hiến (2001), Ngục Kon Tum, Bảo tàng tỉnh Kon Tum xuất bản.

[7] Võ Chuẩn, sđd, tr.539.

[8] Xem bản đồ do Ngô Đức Đệ vẽ năm 1985, in trong Ngô Đức Đệ (2007), Từ Hà Tĩnh đến nhà đày Kon Tum, Bảo tàng tỉnh Kon Tum xuất bản, tr.62.

[9] Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi, sđd, tr.153.

[10] Henri Maitre (1912), Les Jungles Moi, Paris: Larouse, pp.211-215.

[11] Lê Văn Hiến, sđd, tr.59-60.

[12] Võ Chuẩn, sđd, tr.544.

[13] Henri Maitre, sđd, tr.212-213.

[14] http://giaophankontum.com/Tin-Tuc-551_LUOC-SU-GIAO-SU-VO-LAM-GIAO-PHAN-KON-TUM.aspx

[15] P. Ban, S. Thiệt (1933), Mở đạo Kontum, Qui Nhơn, tr.188.

[16] Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi, sđd, tr.153.

[17] Võ Chuẩn, Kontum tỉnh chí, in trong tạp chí Nam Phong, số 195, tháng 5-1934, tr.304.

[18] Ngô Đức Đệ, sđd, tr.96.

[19] Henri Maitre, sđd, tr.213.

[20] Võ Chuẩn, Kontum tỉnh chí, in trong tạp chí Nam Phong, số 192, tháng 1-1934, tr.32-33.

[21] Võ Chuẩn, Kontum tỉnh chí, in trong tạp chí Nam Phong, số 192, tháng 1-1934, tr.31.

[22] Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi, sđd, tr.156.

[23] Võ Chuẩn, Kontum tỉnh chí, in trong tạp chí Nam Phong, số 192, tháng 1-1934, tr.31. Năm 1933, Võ Chuẩn chỉ ra có 9 chức sắc trong một làng, nhưng con số này có lẽ thay đổi theo thời gian và quy mô của từng làng. Chẳng hạn năm 1929, tổng Tân Hương có 3 chức sắc/10 làng. Điều này có thể được giải thích bởi dân số các làng ngày đó quá ít để có thể đặt ra chức dịch và viên Chánh tổng kiêm luôn quản lý các làng ấy.

[24] Võ Chuẩn, Kontum tỉnh chí, in trong tạp chí Nam Phong, số 191, tháng 12-1933, tr.540.

[25] Xem quá trình hình thành làng Jơri Kông. P. Dourisboure (1972), Dân làng hồ, Sài Gòn, tr.201-211.

[26] Danh mục tổng quan các hàng hóa tại chợ Kon Tum, xem Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi, sđd, tr.148-149.

[27] T.D.N., sđd, tr.23.

[28] Võ Chuẩn, Kontum tỉnh chí, in trong tạp chí Nam Phong, số 195, tháng 5-1934, tr.255.

[29] Henri Maitre (2011), Rừng người Thượng, nxb Tri thức, H., tr.335-336.

[30] Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi, sđd, tr.130-131.

 __________________________________
*Phụ chú:
Chú thích số [14], tác giả ghi nhầm địa chỉ trích dẫn. Địa chỉ trích dẫn là :
http://gpkontum.wordpress.com/2011/11/23/l%C6%B0%E1%BB%A3c-s%E1%BB%AD-giao-x%E1%BB%A9-vo-lam/#more-8898
hoặc độc giả cũng có thể đọc tại địa chỉ sau :
http://krongblah.blogspot.com/2011/11/luoc-su-giao-xu-vo-lam.html
(nguồn: blog Kon Tum quê hương tôi )


COMMENTS G+/FB:

2 Comments:
  1. Bài rất có giá trị rất cảm ơn ThS. Hồ Thành Tâm đã giúp dân Kon Tum biết ngày xưa nó như thế nào.
    Tác giả có nói đến "ruộng Lào", từ lâu mình đã thắc mắc, nhân đây thợ Gúc góp một tý cho câu hỏi:
    Vì sao Đắk Lắk, Kon Tum có "Bản Lào", "Ruộng Lào" ?
    http://tranhung09.blogspot.com/2013/04/vi-sao-ak-lak-kon-tum-co-ban-lao-ruong.html
    Bạn nào biết gì thêm xin để lại link.

    ReplyDelete
  2. Anonymous7/7/13

    Giai thich "Ruong Lao" hay hoi: phtandien@yahoo.com

    ReplyDelete

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian