Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Cô giáo và tôi- Hà An

CÔ GIÁO VÀ TÔI

     Cứ mỗi lần vào thu, nhìn những hình ảnh các tà áo trắng lượn bay thướt tha, tiếng cười rộn rã của các cô cậu học sinh và nhất là bước đi chậm rãi cuả thầy cô trên con đường quen thuộc, tôi lại nhớ về một cô giáo vừa thoáng quen rồi lại sớm rời xa tôi vì hoàn cảnh chiến tranh…

     Đó là năm cuối cùng ở quân trường, tôi đươc nghĩ phép về thăm gia đình, bạn bè ở phố núi nhỏ bé này. Nhưng phần lớn bạn bè tôi đã đi xa: đứa nhập ngũ, đứa vào Saigon tiếp tục học đại học; chỉ còn vài đứa ở lại làm công chức, dạy học… Họ cũng không có nhiều thời giờ để tiếp tôi. Do đó những ngày phép của tôi trôi qua một cách lặng lẻ, buồn chán nếu tôi không tình cờ gặp được “ người ấy”, để lại những kỷ niệm sâu sắc trong tôi.

Cô giáo và tôi

     Một buổi sáng rảnh rỗi, tôi lấy xe máy chở cô em gái đến trường, nhân thể muốn làm quen một cô nữ sinh nào đó ở trường Nữ trung học nỗi tiếng của Pleiku này. Nhưng khi tới trường, nhìn những chiếc xe đậu rãi rác trước cổng trường : nào là những chiếc pick-up ( xe bán tải ) màu xanh dương của mấy anh chàng không quân hay những chiếc xe Jeep có cần ăng-ten dài cong vút của mấy anh bộ binh. Tôi cảm thấy ở đây mình không có chỗ nên sau khi thả đứa em trước trường, tôi chạy xe chầm chậm trên con trên con đường mòn ngang qua đỉnh đồi thấp – nơi Ty Thanh niên tọa lạc-, rồi băng ra tới lộ.

     Bất chợt cơn mưa lớn ập đến, tôi vội vàng trú mưa trước hiên một quán nhỏ nằm trên Đại lộ Phạm Phú Quốc- một con đường dài nối từ trung tâm thành phố đi hướng Kon Tum. Một cô gái cùng chạy tới quán, dáng thon thả trong chiếc áo dài màu tím, trên tay cầm vài quyển sách, tôi đoán có lẻ đây là một cô giáo. Mưa lâu, nhìn khuôn mặt khả ái nhưng rất nghiêm trang nên tôi cảm thấy ngần ngại khi muốn gợi chuyện làm quen. Cơn gió mạnh thổi tới khiến mưa tấp tới tôi và cô gái, tôi lùi tìm khoảng trống ở sâu trong quán và mời cô gái cùng đứng.

     - Cảm ơn “ cậu”. Cô gái nhẹ nhàng nói.

      Tôi hơi khó chịu vì cô ấy nhìn đâu có lớn tuổi hơn tôi mà xưng hô kiểu đàn chị!

     Có lẻ ngoài cái đầu húi cua, tôi chịu cơm quân tường nên trông trắng trẻo và “sữa” trong bộ đồ civil nên cô ấy nghĩ tôi còn là một “cậu” sinh viên hay học sinh chăng ?

Cô giáo và tôi

     Cô gái bỗng làm rớt mấy cuốn sách, tôi vội ga- lăng cúi xuống nhặt thì “cốp” một cái. Đầu của tôi cụng vào đầu cô ấy vì cô cũng cúi nhặt sách cùng một lúc với tôi.

     -Uí chao ơi. Cô gái nhăn nhó kêu lên.

     Tôi thầm trách mình vì cái tội nhanh nhảu đoảng. Thế là lại “mất điểm” trước cô gái mặc dầu cô cười gương gạo khi tôi nói lời xin lỗi.

     Trong lúc nhặt sách, tôi thấy một góc bìa tập course (giáo trình) in chữ Đại học SP Huế và phía dưới có viết bằng bút mưc, ghi tên H. “ Một cô giáo tên H. học SP Huế …”, tôi thầm đoán và tìm cách khơi chuyện nhưng cô gái chỉ trả lời lấp lửng, bảo rằng cô chỉ lên phố núi này chơi và thăm bà con mà thôi. Thất vọng vì sự kín đáo của cô gái quá !

     Tạnh mưa, tôi ngõ ý muốn chở cô về nhà nhưng gặp sự từ chối. Ngay lúc ấy có một chiếc xe jeep chạy ngược về trung tâm thành phố đậu bên đường, bóp còi. Cô gái vội vã bước tới. Tôi thầm nghĩ, thì ra cô gái nào cũng muốn làm phu nhân của các ông quan trận mạc cả nên lặng lẻ chạy xe máy về nhà.

Cô giáo và tôi

     Hôm sau, tôi tới thăm một người đàn anh trên tôi một khóa thể theo lời mời của anh. Nhà anh ở trên một đoạn đường ngắn nối con đường bóng mát Trịnh minh Thế với khu cư xá sĩ quan ở trên đầu dốc. Anh mới lên Pleiku công tác nên đang ở nhà thuê cùng với vợ đang làm ở bệnh viện Tỉnh. Căn nhà nhỏ nhưng khang trang, phía trước có dàn hoa giấy râm mát.

     Thoáng thấy tôi, anh chạy ra vỗ vai tôi nói:

     -Bữa nay chú mày xui quá, anh phải đi công tác tận chiều tối mới về. Bà xã tao mắc trực ở bệnh viện. Thôi chú mày vô nhà, tao giới thiệu con em tao trò chuyện cho đỡ buồn…

     Nói rồi anh kéo tôi vào trong nhà. Tôi ngạc nhiên khi gặp lại ngươi con gái hôm qua và người lái xe jeep là ông anh của cô (vì ở trong xe nên lúc ấy tôi không nhìn rõ)

     -Ni ơi ! o ở nhà tiếp khách giùm anh với nghe.

     -Dạ…Cô gái trả lời với vẻ chần chừ.

     Người niên trưởng của tôi nói xong liền ra đi.

     Còn lại hai chúng tôi, ánh mắt của cô gái có vẻ thân thiện hơn, không biết vì hôm nay tôi diên bộ jaspe (quân phục dạo phố mùa đông ) nên có vẻ hơi nổi khiến cô nàng vì ngưỡng mộ mà thay đổi ấn tượng với tôi chăng ?. Ni- chắc có lẻ là cái tên gọi thân mật ở nhà- vội đi pha cho tôi một tách cà phê. Tôi ngạc nhiên khi nhấp một ngụm cà phê : nóng-ngậy –thơm , đăc trưng món cà phê royal của một số quán trên phố Dalat. Đó là loại cà phê sữa nóng có bỏ chút bơ Bretel của Pháp phù hợp với cái lạnh của miền cao nguyên này.

     -Aí chà! cô cho tui uống cà phê ngon quá.

     -Cám ơn anh ( thay đổi từ “ cậu” sang “anh” rồi). Tui chỉ học cách pha chế từ ông anh tui đó thôi…

     Tôi và cô ấy ngồi lọt thỏm trong hai chiếc ghế bành cao vừa uống cà phê, vừa nói chuyện khe khẻ. Tôi chợt thấy trên bàn có cuốn sách “Vòng tay học trò” của Nguyễn thị Hoàng, liền khơi chuyện

      -Cô cũng thích đọc truyện của Nguyễn thị Hoàng à?

     -Dạ, đây là cuốn sách của ông anh. Rãnh rỗi em tò mò đoc cho vui

     Chúng tôi có cuộc thảo luận nhỏ về cuốn sách. Tôi làm ra vẻ ủng hộ thuyết hiện sinh của tác giả “Vòng tay học trò”. Còn cô thì phản đối vì nội dung quyển sách rời xa tính cách của người con gái (nhất là cô giáo) đất cố đô. Tôi bỗng phát ngôn một lời nói mà nghĩ lại thật vô duyên, cham vào tự ái của cô

     -Bây giờ xã hội tiến bộ rồi, nó làm thay đổi tư duy của không ít người trên trái đất này. Chắc cũng có nhiều phụ nữ như Nguyễn thị Hoàng thèm khát bản năng sống thật của mình, họ cũng rời bỏ chốn đô họ phồn hoa đi tìm miền đất hứa cho riêng họ. Ở pleiku này cũng có những người từ bỏ quê hương yên lành mà lên đây theo trào lưu của tác giả Vòng tay học trò, dù đây chỉ là mảnh đất nghèo khó đầy bom đạn…

     -Ơ, cái anh này ăn nói chi lạ rứa. Ai cũng có quan điểm sống của riêng mình. Như Hoàng tui đây không phải là Hoàng của Vòng tay học trò…Tui lên đây để kiếm việc làm, để tìm cách thăng tiến nghề nghiệp chứ không phải mơ mộng , hoang tưởng…Cô bực tức cắt ngang lời tôi

     Biết sai, tôi liền xin lỗi cô, nhưng tôi lấy làm thích thú vì biết đươc tên thật biết được nghề nghiệp của cô gái(mà hôm qua cô luôn tìm cách dấu)

     Để xóa đi cái lặng im sau khi thôi tranh luận, cô giáo đi bật nhạc. Thật là thích thú khi tôi cùng cô giáo có cùng một sở thich nghe nhạc. Chúng tôi đươc thưởng thức những bản nhac giao hưởng như:Khúc Nhạc Chiều, Sonate ánh Trăng, Dòng Sông Xanh…êm dịu hay các bài nhạc Pháp lời Việt nhẹ nhàng vui tươi mà thấy trong lòng không gợn một chút muộn phiền nào từ bên ngoài.

     -“ meo… meo…”, một chú mèo lông trắng đen nhảy chồm vào lòng cô chủ nhà. Cô vừa nghe nhạc, vừa vuốt ve nó một cách trìu mến. Tôi mỉm cười nói đùa:

     -Chắc cô tuổi mèo nên cưng mèo dzữ dzậy.

     Lần này tôi thấy đôi mắt cô cười và khe khẻ gật đầu . Tôi vỗ đùi một cái, hớn hở nói:

     -Thế là tôi biết tiểu sử của cô rồi đấy nhé. Tên Hoàng nè, làm giáo sư, quê Vỹ Dạ, sinh năm…., thua tôi một tuổi đó nhé!

     (Quê của cô giáo, tôi tìm đươc từ bức tranh thêu tinh xảo gắn trên tường với cảnh đêm trăng chiếu rọi trên sông và nhà cửa, cây cối hai bên bờ kèm theo hai câu thơ của Hàn Măc Tử:

     Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
     Có chở trăng về kịp tối nay

     Phía dưới có ghi tên tác giả là …. Hoàng.)

     -Anh cũng có chút năng khiếu làm Sherlock Holmes đó- Hoàng cười khanh khách nói.

     Từ đó tôi và Hoàng trở nên thân thiết hơn. Tôi dành những ngày phép còn lại thường xuyên lui tới với Hoàng. Muốn rủ rê cô ra phố nhưng đều bị chối từ. Ngoài món cà phê Hoàng pha cho tôi, cô thường lấy cà-mèn đi mua bún bò gần Nhà Thương, bánh bèo Nhà Máy Nước…là những món ăn đâm vị Huế để chiêu đãi tôi. Thời gian chúng tôi gần bên nhau thật êm đềm.

     Tôi trở lại trường đươc vài tháng thì được tin Hoàng theo anh thuyên chuyển về Đà Nẳng. Hoàng dạy ở một quận “ xôi đậu” của thành phố này. Sau đó thì bặt tin cô.Tôi mòn mỏi ngóng chờ cô-không biết sống chết ra sao, cuối cùng chỉ là nỗi thất vọng. Bây giờ, mỗi lần nhớ lại khoảng thời gian hạnh phúc bên Hoàng, tôi nghĩ về những cơn mưa rào cao nguyên có hình bóng của Hoàng làm dịu mát tim tôi…

                                                  HA AN ( Trung thu- 2015)

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian