Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Đi qua cây cầu cũ- Minh Triết PK

ĐI QUA CÂY CẦU CŨ

     Đã bao đời nay sông Côn gắn bó với quê hương tôi, Những ký ức tuổi thơ với dòng sông là những kỷ niệm khó phai mờ. Mỗi khi về quê, mấy anh em chúng tôi qua cây cầu cũ này (Kiên Mỹ, Phú Phong, Bình Định). Nhìn dòng nước trôi, tôi thả hồn về một thời xưa cũ.

      Thuờng thì quê tôi, mỗi bến sông có bến xe ngựa, chợ, những con đường ngang dọc, quán xá xen kẻ những mái nhà to lớn thành một khu thương mại khép kín mà ông bà ta quan niệm "nhứt cận giang, nhì cận thị"

      Quê ngoại tôi cách Phú Phong hơn mười cây số. Mỗi lần về thăm đều qua cầu này, đi trên con đường nho nhỏ, qua cây me, giếng nước, bên cạnh có tượng bán thân (đồng đen) vua Quang Trung. Lần nào cũng thế, cảm thấy thân thiện mỗi khi nhìn xuống giếng nước trong lành, ngồi nghỉ chân dưới bóng mát cây me để chiêm ngưỡng ông vua. Trông ông gần gũi, thân thiện mà sao anh hùng, hào kiệt đến thế.


Đi qua cây cầu cũ

      Khi có cầu mới hiện đại hơn, người ta vẫn giữ cầu này, coi như chứng tích của một giai đoạn lịch sử, Cầu cũ mới đây đã dược trùng tu sửa chữa sau trận lụt lớn. Thuở ấy, phương tiện đi lại chủ yếu là xe ngựa, xe đạp, đi bộ. Sau này mới phát triển thêm xe Honda, xe Lam ba, bốn bánh. Những năm chiến tranh, quê ngoại nhiều bất ổn nên ngoại mua căn nhà nhỏ ở Phú Phong tạm trú.Thời gian này tôi học năm cuối Trung học ở Qui Nhơn nên có dịp về thăm ngoại mỗi cuối tuần.. Những buổi trưa nóng nực, tôi thường ngâm mình xuống dòng nước mát dưới cầu. Có lúc qua Thuận Nghĩa thăm dì Út , tò mò vào tham quan Từ đường Thi sĩ Quách Tấn ở cạnh nhà dì.

      Ngày ấy, cây cầu độc đạo nên cầu trở nên nhộn nhịp, tấp nập và quá tải vào ngày Tết, lễ hội. Nhất là lễ Đống Đa hàng năm, nhiều người chen lấn, bị rơi xuống sông hoăc phải dùng đò qua bờ bên kia.

      Tuổi thơ, hai anh em chúng tôi sống nhờ sự đùm bọc, che chở và tình thương yêu, chăm sóc của ngoại, cậu dì.Vì hoàn cảnh gia đình, ba mẹ tôi làm ăn xa nên để tiện việc học hành, có thời gian chúng tôi về sống với ông nội Nhà ngoại cách xa vài cánh đồng , nhớ anh em tôi ngoại lội bộ đến thăm và ngược lại.Tôi có rất nhiều kỷ niệm với ngoại, nhưng nhớ nhất là mỗi lần đi với ngoại đều được "kéo ghế " món bánh cuốn dặc sản ở chợ Mỹ Yên.


Đi qua cây cầu cũ

      Hôm nay, trở lại cầu với nhiều thay đổi. Bến xe ngựa không còn, dọc theo bờ sông nhiều nhà mới mọc lên san sát . Chợ được nới rộng, to lớn, qui mô hơn. Bên kia sông cây me, giếng nước vẫn còn nhưng ở bên trong Bảo tàng Quang Trung hoành tráng, trang trọng hơn.

      Đối với tôi, ngoại là nỗi niềm kính nhớ, một hình ảnh khó quên và lòng biết ơn vô hạn:

Ngoại ơi ! Cháu nhớ thương nhiều
Xuyến xao kỷ niệm bao điều ngoại răn
Mười năm giỗ ngoại về thăm
Nén nhan kính nhớ Ngoại nằm ngủ yên !
Minh Triết PK

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian