Ngôi chùa của tôi- Phan Nhật Bắc
Phố núi và bạn bè... Chút gì để nhớ!
NGÔI CHÙA CỦA TÔI
Lúc nhỏ tôi khoái đi chùa, không phải vì mộ đạo mà đi vì bà dì tôi. Lúc nào rằm hay mùng một, bà thường đi tụng kinh ở ngôi chùa hẻo lánh nằm cuối con đường lên Đại Nẫm Phan Thiết. Nhiệm vụ tôi là làm ông thần hộ pháp cho bà khỏi sợ ma và bạn đồng hành nơi con đường lầy lội khi mưa về vết xe bò, xe trâu xẻ ngang xẻ dọc.
Có lần vừa ăn cơm xong, trời chạng vạng là tôi nghe tiếng bà réo phía sân sau: - lẹ lên sao mày còn ì ra đó! Chưa kịp quẹt mỏ rửa miệng tôi vội lấy đôi dép kẹp nách trước. Bà đi như gió, đôi chân tôi ngắn ngủn chạy theo bà muốn hụt hơi
- Dì đi chậm lại, đi nhanh quá con xóc hông, vừa ăn xong là dì réo con còn chưa rửa miệng
- Ha mày làm như ở sạch lắm, ừ tao đi chậm nè. Sao mày đá banh tao thấy mày chạy như ngựa giờ thì đi như rùa.
Lên đến vùng Mả Lạng là tôi run chân. Nơi nầy đầy mả nghe đồn ma rất nhiều, tôi cằn nhằn:
- Dì đi tắt làm gì chỗ nầy ghê quá, sao không đi đường Nhà thương ?
- Đi đường đó xa gấp ba lần, tao muốn đi nhanh kẻo trễ giờ tụng kinh Pháp hoa.
Tôi chẳng cần biết kinh gì, theo bà tôi được vài khúc mía hay cái bánh nếp lạt nhách, vài trái chuối chín rục mà ông Địa trên bàn chê mới đến tay tôi .
Con đường đầy sình, hai dì cháu lò mò đi trong đêm mùng một tối như mực. Tiếng ếch nhái kêu thê thiết bên bờ ruộng, những ánh sáng đom đóm lập loè từ nghĩa địa làm tôi ớn xương sống.
- Dì Hai ơi con đi lần nầy thôi nha kỳ sau dì đi một mình đi
- Ôi cái thằng thánh vật này mày dỡ chứng hả ?
Bà dì tôi đi chùa nhưng miệng bà có gang có thép, bà chửi ai là tắt bếp luôn. Làng trên xóm dưới nghe bà phát thanh là bịt tai. Có lần chuồng gà của bà bị mấy thằng bạn ôn dịch của tôi ăn trộm, bà chửi có dây có nhợ làm sao mà tên ăn trộm chịu đời không thấu đem gà lên lén thả lại phía sau nhà, bà cũng không tha.
- Dì ơi, con nói thiệt mà, đi theo dì mệt quá, ở nhà chơi với bạn sướng hơn.
Thấy tôi cứng rắn bà dịu giọng
- Đi chùa với dì được công đức lắm con à .
Tôi hỏi ngược
- Công đức là gì ? Có ăn được không ?
- Mày chỉ giỏi có ăn với uống, công đức là phước đức đó. Cho mày hưởng sau này như có vợ hiền con ngoan chẳng hạn .
Tôi làm thinh đi sau lưng bà, đến giữa đám ruộng bị vấp té mình mẩy ướt như chuột, lóp ngóp bò dậy thì bà đã đi phía xa. Tôi la lên”
- Dì Hai chờ con với.
Bà đứng lại cằn nhằn:
- Mày chụp được mấy con ếch rồi, tao mệt mày quá
- Mệt thì đừng kêu con đi nữa- tôi lầm bầm .
Đến chùa, tiếng chuông trống thì thùng nổi lên. Bà vào chánh điện, tôi lủi xuống cái giếng cởi quần tênh hênh tắm rửa bùn từ đầu đến chân rồi chạy vào nhà bếp hơ áo quần miệng run lập cập chờ quần áo khô. Xong mặc vào lên chánh điện ngồi tựa vách kế bên bà đang tụng kinh. Tôi nghe chẳng hiểu gì ráo, toàn là hắc ra đá ra bà đi bà té ai bắt bà la rị ta rị tô ...Được một lúc tôi ngủ khò, đến vãn hồi tụng kinh tiếng trống thùng thùng tôi giật mình tưởng VC pháo kích la bài hãi. Dì nhéo tai tôi:
- Mày nát thần hồn quên thần tướng ngủ cho cố rồi nói bậy. Đây là chùa ai nào pháo kích làm gì. Thôi xuống bếp tao kiếm cái gì cho mày hưởng lộc chùa bỏ vô cái mồm cá ngao của mày.
Tôi đi theo bà xuống bếp, bà lấy cho tôi cây mía dài như thanh long đao của ông mặt đỏ thờ ở Chùa Tàu (ông Quan Công ). Tôi gặm cây mía từ chùa về đến nhà 11 giờ khuya chưa hết. Chun vô mùng gặm tiếp thì bị ông anh thứ năm giáng cho hai bạt tai nẩy lửa:
- Giờ này mà mày còn gặm mía!
Tôi nhào xuống gầm ván lót chiếu ngủ, tránh voi không hổ mặt nào. Ông nầy là ông kẹ của tôi, một hung thần đánh em như đánh boxing. Nửa đêm ba tôi rọi đèn đi kiếm thấy tôi nằm chèo queo dưới đất, lại lôi lên đánh cho một trận. Thật khổ thân tôi đi chùa mà Phật không thương .
Sáng dậy mình mẩy tôi bầm tím bà dì xót qua la ba tôi một trận:
- Dượng có ngon thì đánh tôi nè, tại sao đánh nó ? Nó đi chùa với tôi chứ làm gì nên tội?
Tôi càng tủi thân khóc lên như bò rống vì biết có người binh. Ông anh thứ năm tôi biến mất khi đụng đến bà dì nổi tiếng là bà La sát. Bà không chồng không con nên rất khó tánh
Tôi châm dầu vào lửa:
- Dì ơi, anh Năm đánh con nhiều nhất
Bà hét lên như sư tử cái:
- thằng Năm đâu? Ra đây !
Ông anh tôi lặng thinh. Tôi hả hê lãnh 5 cắc bà cho rồi tung tăng xách cặp đi học. Nhìn bình mực tím bị bể, tôi nghĩ thầm tại sao luôn tiện mình đổ vấy cho anh Năm đánh mình bể bình mực?
- Dì ơi, tôi thỏ thẻ, - bình mực con bị anh Năm đánh nên bị bể rồi.
Một ánh mắt căm thù loé lên từ đôi mắt hung thần đang ngồi gặm bắp nhìn tôi . Tôi cười vui vẻ khi bà dì nói .
- Ráng học hôm nay mai tao mua cho bình mực mới.
Tôi vui mừng đi học, trước khi đi tôi liếc xéo ông anh Năm tôi bằng ánh mắt hả hê. Tôi đâu biết niềm vui đã nằm trong thiên tai với ông anh Năm thù dai như đỉa của tôi.
Ngôi chùa Phú Sơn nằm thỏm bên con đường Sỏi ghồ ghề, trước chùa có một trái thuỷ lôi to như thùng phi đựng dầu nằm đó tự bao giờ không biết lai lịch. Thầy trù trì là một ông sư hiền từ, nụ cười ông như ông Phật Di lặc. Ông cười với tất cả mọi người. Nghe nói ông chứng một trong Lục thông nên khi tôi và lũ bạn trèo lên cây nhãn sau chùa bẻ trái, dù đang nghĩ trưa nhập định ông vẫn thấy đám lu la bu trên cây. Ông bật dậy ra sân, đứng dưới gốc nhãn nhìn lên cười khi thấy đám tiểu yêu phơi cu vì cái quần đùi quá ngắn rồi đi vào không la một tiếng. Ông thuyết pháp rất hay, tôi mê nhất là khúc con ngựa Kiền trắc đưa Phật trốn khỏi kinh thành với Sa nặc bu đuôi ngựa kéo lại, rồi Đức Phật cắt mái tóc gởi lại cho Phụ vương… Tuổi thơ của tôi dính liền với con sông Cà ty và ngôi chùa nhỏ mái đóng rêu phong cổ kính này .
Mỗi lần đi chùa vào ngày Phật Đản, tôi thường la cà vào nhìn tượng mấy ông La Hán rồi thắc mắc với bà dì:
- Dì Hai sao ông nầy mập quá vậy ?
- Ông nầy là La Hán nhịn mặc để ăn nên béo phì .
- Còn ông nầy sao ốm mà mặc đồ đẹp quá vậy dì Hai ?
- À thì ông La Hán này gầy vì nhịn ăn để mua đồ mặc diện cho đẹp ấy mà .
- Sao kỳ vậy ? Con không hiểu
- Thôi mày nói nhiều quá cái miệng không cho kéo da non để tao đi làm công chuyện.
Chùa nghèo nên các sư phải tự túc lương thực nơi vài sào đất phía sau chùa trồng rau cải bán, chỉ trừ sư Trụ trì là được miễn công việc đồng án nhưng ông vẫn làm vì bất tác bất thực (không làm không ăn) như thiền sư Bách trượng dạy. Tôi hay chạy theo ông để bắt mấy con dế lửa khi ông cuốc đất chừa đường cho chúng chạy. Ông nói với tôi: - Con chơi nhưng đừng giết nó mang tội, nó cũng là chúng sinh. Con sợ chết không? - dạ sợ. - Thì con Dế nó cũng sợ chết như con
Tôi trầm ngâm rồi thả con dế xuống cỏ. Từ đây về sau tôi không bao giờ hại một sinh vật
Năm tôi 9 tuổi, anh thứ tư tôi đi lính, chỉ còn hung thần thứ năm đang học thi tú tài 1. Ông quạu đủ thứ, nọc tôi ra đánh khi ba tôi vắng nhà. Ông anh thứ tám sợ quá rủ tôi đi bụi. Lúc đó xe lửa còn chạy được Sài Gòn- Phan Thiết, chiếc xe đầu máy chạy than phun khói mịt mù. Hai thằng trốn trong toa chứa than không ai biết làm một cuộc viễn du nhất y nhất quỡn. Tôi không có một xu trong túi, ông anh Tám tôi không biết đào đâu ra được 5 đồng hình nông dân ôm bó lúa nhảy xuống ga mua bánh mì và nước cầm cự đến Sài Gòn. Xuống ga Cống bà xếp hai thằng lang thang đi ra đường Nguyễn Thông, mặt mày đen như lọ chảo nhìn đâu cũng vĩ đại. Tôi hỏi: - Anh Tám, Sề Gòn lớn quá ha? tối nay mình ngủ đâu? Anh Tám nói: - Mình là dân nạn nhân chiến tranh mày nhớ nghe chưa? phải học thuộc lòng nếu ai hỏi. Tôi rất khâm phục ông anh của tôi thật thông thái, không biết ông học ở đâu ra câu nói bất hủ nầy !
Hai thằng lang thang khắp nẻo đường, tối đến có ro trong góc ngôi nhà thật lớn không mền chiếu. Gặm ổ bánh mì cuối cùng tôi nhớ nhà khóc nức nở đòi về. Sáng ra tụi trẻ đánh giày lục hết mình mẩy hai anh em lấy hết số tiền còn lại tống cho mỗi thằng tôi một đạp. Chúng bỏ đi, hai anh em tôi đói meo.
Thấy tôi thê thảm quá ông anh tôi nói:
- Tao biết nhà cô Sáu, tao dẫn mày đến đó xin tiền về nhà. Còn tao để tao đi bụi, bất quá vào trại thiếu nhi là cùng. Tao sợ anh Năm quá nên không dám về .
Đi mấy tiếng đồng hồ tôi muốn sụm lết không nổi, may có bà già thương tình cho hai ổ bánh mì. Tìm được nhà cô, bà vất cho vài đồng rồi đóng cửa không cho vào nhà. Ra ga về Phan Thiết anh Tám tôi đứng nhìn quẹt nước mắt nói: - mày về đi tao không về.
Về nhà tôi bị một trận đòn thừa sống thiếu chết. Bà dì tôi tội nghiệp lấy dầu thoa cái mông bầm tím của tôi. Tôi khóc thút thít:
- Thôi mai tao dẫn mày vô chùa quy y mày chịu không ?
- Là đi tu hả dì ?
- Không quy y để mày có Phật độ
Tôi quy y ông thầy có nụ cười như Phật Di lặc. Tôi thường đi chùa nhiều hơn, cảnh chùa thanh tịnh nên ít lêu lổng sau giờ học.
Đến năm 12 tuổi cuộc đời tôi thay đổi. Mấy anh tôi về thấy tôi khổ quá, sống với mẹ kế tôi gầy còm không lớn nổi. Ba tôi thì một tháng về một lần, nhiều con quá ông chẳng màng đến tôi và anh Tám, khi anh bị cảnh sát bắt vô trung tâm giáo hoá thiếu nhi Thủ Đức cũng không ai đi tìm .
Mấy anh tôi kêu tôi vào, tôi không biết chuyện gì đây? Nhìn ông anh Năm mặc bộ đồ rằn ri tôi phát rét khúm núm ngồi xuống
- Mày nghe đây, tao bàn với anh Tư và ba cho mày chọn hai điều kiện. Một là mày đi tu, tao thấy mày đi chùa hoài chắc mày có căn tu. Hai là mày vào Thiếu sinh quân. Anh Tư và tao làm đơn cho mày chịu không?
Tôi choáng váng không biết trả lời sao, nhìn ông già cầu cứu thì ông làm thinh nhả khói thuốc mù mịt. Tôi nghẽn đường nhìn hai ông hung thần của tuổi thơ. Vào chùa thì tôi ngán chao tương, nhất là đậu hủ và làm ruộng. Đành chọn Thiếu sinh quân, một quyết định lúc 12 tuổi làm tôi hối hận đến bây giờ. Phải chi tôi đi tu thì đời tôi bớt khổ hơn.
Tôi chạy lên chùa nói với sư Trụ trì. Ông nhìn tôi im lặng rồi nói: - Số con không tu được, nợ cuộc đời còn nhiều quá. Đi lính cũng là trả nợ con à.
Tôi thơ thẩn ra sau chùa rồi vào lạy Phật và sư trù trì. Ra về lòng thật buồn
Dòng đời trôi nổi, bao nhiêu năm tôi không về thăm chùa và thầy, mãi đến 10 năm sau, tôi có dịp về thì ngôi chùa đã đổi chủ. Nghe đâu thầy bị ghép tội CIA bắt đem đi đâu mất. Ngôi chùa tiêu điều, vườn chùa không còn, nhà cửa mọc lên trên đó. Tượng mấy ông La Hán vất vào một xó, ông mập thì mất cánh tay ông ốm thì sức trán. Trên bệ thờ Đức Phật bụi bặm hương khói lạnh tanh, ngang hàng là tượng Bác được cúng kiến xôi chè đàng hoàng. Tôi rơi nước mắt nhìn lên khoảng không gian vời vợi. Thầy ơi, Thầy ở đâu? Ông Phật Di lặc và ngôi chùa của tôi giờ đây chỉ là dĩ vãng.
Tôi thẩn thờ ra về. Con đường sỏi in vết chân tôi và dì Hai năm nào giờ đầy ổ gà. Dì tôi cũng đã mất sau một đêm bị cảm. Về đến nhà thì phố đã lên đèn. Cảnh vật còn đây, người xưa đâu nữa? Tôi chỉ còn một dòng sông Cà ty lặng lẽ trôi theo tháng năm của cuộc đời ./
Lúc nhỏ tôi khoái đi chùa, không phải vì mộ đạo mà đi vì bà dì tôi. Lúc nào rằm hay mùng một, bà thường đi tụng kinh ở ngôi chùa hẻo lánh nằm cuối con đường lên Đại Nẫm Phan Thiết. Nhiệm vụ tôi là làm ông thần hộ pháp cho bà khỏi sợ ma và bạn đồng hành nơi con đường lầy lội khi mưa về vết xe bò, xe trâu xẻ ngang xẻ dọc.
Có lần vừa ăn cơm xong, trời chạng vạng là tôi nghe tiếng bà réo phía sân sau: - lẹ lên sao mày còn ì ra đó! Chưa kịp quẹt mỏ rửa miệng tôi vội lấy đôi dép kẹp nách trước. Bà đi như gió, đôi chân tôi ngắn ngủn chạy theo bà muốn hụt hơi
- Dì đi chậm lại, đi nhanh quá con xóc hông, vừa ăn xong là dì réo con còn chưa rửa miệng
- Ha mày làm như ở sạch lắm, ừ tao đi chậm nè. Sao mày đá banh tao thấy mày chạy như ngựa giờ thì đi như rùa.
Lên đến vùng Mả Lạng là tôi run chân. Nơi nầy đầy mả nghe đồn ma rất nhiều, tôi cằn nhằn:
- Dì đi tắt làm gì chỗ nầy ghê quá, sao không đi đường Nhà thương ?
- Đi đường đó xa gấp ba lần, tao muốn đi nhanh kẻo trễ giờ tụng kinh Pháp hoa.
Tôi chẳng cần biết kinh gì, theo bà tôi được vài khúc mía hay cái bánh nếp lạt nhách, vài trái chuối chín rục mà ông Địa trên bàn chê mới đến tay tôi .
Con đường đầy sình, hai dì cháu lò mò đi trong đêm mùng một tối như mực. Tiếng ếch nhái kêu thê thiết bên bờ ruộng, những ánh sáng đom đóm lập loè từ nghĩa địa làm tôi ớn xương sống.
- Dì Hai ơi con đi lần nầy thôi nha kỳ sau dì đi một mình đi
- Ôi cái thằng thánh vật này mày dỡ chứng hả ?
Bà dì tôi đi chùa nhưng miệng bà có gang có thép, bà chửi ai là tắt bếp luôn. Làng trên xóm dưới nghe bà phát thanh là bịt tai. Có lần chuồng gà của bà bị mấy thằng bạn ôn dịch của tôi ăn trộm, bà chửi có dây có nhợ làm sao mà tên ăn trộm chịu đời không thấu đem gà lên lén thả lại phía sau nhà, bà cũng không tha.
- Dì ơi, con nói thiệt mà, đi theo dì mệt quá, ở nhà chơi với bạn sướng hơn.
Thấy tôi cứng rắn bà dịu giọng
- Đi chùa với dì được công đức lắm con à .
Tôi hỏi ngược
- Công đức là gì ? Có ăn được không ?
- Mày chỉ giỏi có ăn với uống, công đức là phước đức đó. Cho mày hưởng sau này như có vợ hiền con ngoan chẳng hạn .
Tôi làm thinh đi sau lưng bà, đến giữa đám ruộng bị vấp té mình mẩy ướt như chuột, lóp ngóp bò dậy thì bà đã đi phía xa. Tôi la lên”
- Dì Hai chờ con với.
Bà đứng lại cằn nhằn:
- Mày chụp được mấy con ếch rồi, tao mệt mày quá
- Mệt thì đừng kêu con đi nữa- tôi lầm bầm .
Đến chùa, tiếng chuông trống thì thùng nổi lên. Bà vào chánh điện, tôi lủi xuống cái giếng cởi quần tênh hênh tắm rửa bùn từ đầu đến chân rồi chạy vào nhà bếp hơ áo quần miệng run lập cập chờ quần áo khô. Xong mặc vào lên chánh điện ngồi tựa vách kế bên bà đang tụng kinh. Tôi nghe chẳng hiểu gì ráo, toàn là hắc ra đá ra bà đi bà té ai bắt bà la rị ta rị tô ...Được một lúc tôi ngủ khò, đến vãn hồi tụng kinh tiếng trống thùng thùng tôi giật mình tưởng VC pháo kích la bài hãi. Dì nhéo tai tôi:
- Mày nát thần hồn quên thần tướng ngủ cho cố rồi nói bậy. Đây là chùa ai nào pháo kích làm gì. Thôi xuống bếp tao kiếm cái gì cho mày hưởng lộc chùa bỏ vô cái mồm cá ngao của mày.
Tôi đi theo bà xuống bếp, bà lấy cho tôi cây mía dài như thanh long đao của ông mặt đỏ thờ ở Chùa Tàu (ông Quan Công ). Tôi gặm cây mía từ chùa về đến nhà 11 giờ khuya chưa hết. Chun vô mùng gặm tiếp thì bị ông anh thứ năm giáng cho hai bạt tai nẩy lửa:
- Giờ này mà mày còn gặm mía!
Tôi nhào xuống gầm ván lót chiếu ngủ, tránh voi không hổ mặt nào. Ông nầy là ông kẹ của tôi, một hung thần đánh em như đánh boxing. Nửa đêm ba tôi rọi đèn đi kiếm thấy tôi nằm chèo queo dưới đất, lại lôi lên đánh cho một trận. Thật khổ thân tôi đi chùa mà Phật không thương .
Sáng dậy mình mẩy tôi bầm tím bà dì xót qua la ba tôi một trận:
- Dượng có ngon thì đánh tôi nè, tại sao đánh nó ? Nó đi chùa với tôi chứ làm gì nên tội?
Tôi càng tủi thân khóc lên như bò rống vì biết có người binh. Ông anh thứ năm tôi biến mất khi đụng đến bà dì nổi tiếng là bà La sát. Bà không chồng không con nên rất khó tánh
Tôi châm dầu vào lửa:
- Dì ơi, anh Năm đánh con nhiều nhất
Bà hét lên như sư tử cái:
- thằng Năm đâu? Ra đây !
Ông anh tôi lặng thinh. Tôi hả hê lãnh 5 cắc bà cho rồi tung tăng xách cặp đi học. Nhìn bình mực tím bị bể, tôi nghĩ thầm tại sao luôn tiện mình đổ vấy cho anh Năm đánh mình bể bình mực?
- Dì ơi, tôi thỏ thẻ, - bình mực con bị anh Năm đánh nên bị bể rồi.
Một ánh mắt căm thù loé lên từ đôi mắt hung thần đang ngồi gặm bắp nhìn tôi . Tôi cười vui vẻ khi bà dì nói .
- Ráng học hôm nay mai tao mua cho bình mực mới.
Tôi vui mừng đi học, trước khi đi tôi liếc xéo ông anh Năm tôi bằng ánh mắt hả hê. Tôi đâu biết niềm vui đã nằm trong thiên tai với ông anh Năm thù dai như đỉa của tôi.
Ngôi chùa Phú Sơn nằm thỏm bên con đường Sỏi ghồ ghề, trước chùa có một trái thuỷ lôi to như thùng phi đựng dầu nằm đó tự bao giờ không biết lai lịch. Thầy trù trì là một ông sư hiền từ, nụ cười ông như ông Phật Di lặc. Ông cười với tất cả mọi người. Nghe nói ông chứng một trong Lục thông nên khi tôi và lũ bạn trèo lên cây nhãn sau chùa bẻ trái, dù đang nghĩ trưa nhập định ông vẫn thấy đám lu la bu trên cây. Ông bật dậy ra sân, đứng dưới gốc nhãn nhìn lên cười khi thấy đám tiểu yêu phơi cu vì cái quần đùi quá ngắn rồi đi vào không la một tiếng. Ông thuyết pháp rất hay, tôi mê nhất là khúc con ngựa Kiền trắc đưa Phật trốn khỏi kinh thành với Sa nặc bu đuôi ngựa kéo lại, rồi Đức Phật cắt mái tóc gởi lại cho Phụ vương… Tuổi thơ của tôi dính liền với con sông Cà ty và ngôi chùa nhỏ mái đóng rêu phong cổ kính này .
Mỗi lần đi chùa vào ngày Phật Đản, tôi thường la cà vào nhìn tượng mấy ông La Hán rồi thắc mắc với bà dì:
- Dì Hai sao ông nầy mập quá vậy ?
- Ông nầy là La Hán nhịn mặc để ăn nên béo phì .
- Còn ông nầy sao ốm mà mặc đồ đẹp quá vậy dì Hai ?
- À thì ông La Hán này gầy vì nhịn ăn để mua đồ mặc diện cho đẹp ấy mà .
- Sao kỳ vậy ? Con không hiểu
- Thôi mày nói nhiều quá cái miệng không cho kéo da non để tao đi làm công chuyện.
Chùa nghèo nên các sư phải tự túc lương thực nơi vài sào đất phía sau chùa trồng rau cải bán, chỉ trừ sư Trụ trì là được miễn công việc đồng án nhưng ông vẫn làm vì bất tác bất thực (không làm không ăn) như thiền sư Bách trượng dạy. Tôi hay chạy theo ông để bắt mấy con dế lửa khi ông cuốc đất chừa đường cho chúng chạy. Ông nói với tôi: - Con chơi nhưng đừng giết nó mang tội, nó cũng là chúng sinh. Con sợ chết không? - dạ sợ. - Thì con Dế nó cũng sợ chết như con
Tôi trầm ngâm rồi thả con dế xuống cỏ. Từ đây về sau tôi không bao giờ hại một sinh vật
Năm tôi 9 tuổi, anh thứ tư tôi đi lính, chỉ còn hung thần thứ năm đang học thi tú tài 1. Ông quạu đủ thứ, nọc tôi ra đánh khi ba tôi vắng nhà. Ông anh thứ tám sợ quá rủ tôi đi bụi. Lúc đó xe lửa còn chạy được Sài Gòn- Phan Thiết, chiếc xe đầu máy chạy than phun khói mịt mù. Hai thằng trốn trong toa chứa than không ai biết làm một cuộc viễn du nhất y nhất quỡn. Tôi không có một xu trong túi, ông anh Tám tôi không biết đào đâu ra được 5 đồng hình nông dân ôm bó lúa nhảy xuống ga mua bánh mì và nước cầm cự đến Sài Gòn. Xuống ga Cống bà xếp hai thằng lang thang đi ra đường Nguyễn Thông, mặt mày đen như lọ chảo nhìn đâu cũng vĩ đại. Tôi hỏi: - Anh Tám, Sề Gòn lớn quá ha? tối nay mình ngủ đâu? Anh Tám nói: - Mình là dân nạn nhân chiến tranh mày nhớ nghe chưa? phải học thuộc lòng nếu ai hỏi. Tôi rất khâm phục ông anh của tôi thật thông thái, không biết ông học ở đâu ra câu nói bất hủ nầy !
Hai thằng lang thang khắp nẻo đường, tối đến có ro trong góc ngôi nhà thật lớn không mền chiếu. Gặm ổ bánh mì cuối cùng tôi nhớ nhà khóc nức nở đòi về. Sáng ra tụi trẻ đánh giày lục hết mình mẩy hai anh em lấy hết số tiền còn lại tống cho mỗi thằng tôi một đạp. Chúng bỏ đi, hai anh em tôi đói meo.
Thấy tôi thê thảm quá ông anh tôi nói:
- Tao biết nhà cô Sáu, tao dẫn mày đến đó xin tiền về nhà. Còn tao để tao đi bụi, bất quá vào trại thiếu nhi là cùng. Tao sợ anh Năm quá nên không dám về .
Đi mấy tiếng đồng hồ tôi muốn sụm lết không nổi, may có bà già thương tình cho hai ổ bánh mì. Tìm được nhà cô, bà vất cho vài đồng rồi đóng cửa không cho vào nhà. Ra ga về Phan Thiết anh Tám tôi đứng nhìn quẹt nước mắt nói: - mày về đi tao không về.
Về nhà tôi bị một trận đòn thừa sống thiếu chết. Bà dì tôi tội nghiệp lấy dầu thoa cái mông bầm tím của tôi. Tôi khóc thút thít:
- Thôi mai tao dẫn mày vô chùa quy y mày chịu không ?
- Là đi tu hả dì ?
- Không quy y để mày có Phật độ
Tôi quy y ông thầy có nụ cười như Phật Di lặc. Tôi thường đi chùa nhiều hơn, cảnh chùa thanh tịnh nên ít lêu lổng sau giờ học.
Đến năm 12 tuổi cuộc đời tôi thay đổi. Mấy anh tôi về thấy tôi khổ quá, sống với mẹ kế tôi gầy còm không lớn nổi. Ba tôi thì một tháng về một lần, nhiều con quá ông chẳng màng đến tôi và anh Tám, khi anh bị cảnh sát bắt vô trung tâm giáo hoá thiếu nhi Thủ Đức cũng không ai đi tìm .
Mấy anh tôi kêu tôi vào, tôi không biết chuyện gì đây? Nhìn ông anh Năm mặc bộ đồ rằn ri tôi phát rét khúm núm ngồi xuống
- Mày nghe đây, tao bàn với anh Tư và ba cho mày chọn hai điều kiện. Một là mày đi tu, tao thấy mày đi chùa hoài chắc mày có căn tu. Hai là mày vào Thiếu sinh quân. Anh Tư và tao làm đơn cho mày chịu không?
Tôi choáng váng không biết trả lời sao, nhìn ông già cầu cứu thì ông làm thinh nhả khói thuốc mù mịt. Tôi nghẽn đường nhìn hai ông hung thần của tuổi thơ. Vào chùa thì tôi ngán chao tương, nhất là đậu hủ và làm ruộng. Đành chọn Thiếu sinh quân, một quyết định lúc 12 tuổi làm tôi hối hận đến bây giờ. Phải chi tôi đi tu thì đời tôi bớt khổ hơn.
Tôi chạy lên chùa nói với sư Trụ trì. Ông nhìn tôi im lặng rồi nói: - Số con không tu được, nợ cuộc đời còn nhiều quá. Đi lính cũng là trả nợ con à.
Tôi thơ thẩn ra sau chùa rồi vào lạy Phật và sư trù trì. Ra về lòng thật buồn
***
Dòng đời trôi nổi, bao nhiêu năm tôi không về thăm chùa và thầy, mãi đến 10 năm sau, tôi có dịp về thì ngôi chùa đã đổi chủ. Nghe đâu thầy bị ghép tội CIA bắt đem đi đâu mất. Ngôi chùa tiêu điều, vườn chùa không còn, nhà cửa mọc lên trên đó. Tượng mấy ông La Hán vất vào một xó, ông mập thì mất cánh tay ông ốm thì sức trán. Trên bệ thờ Đức Phật bụi bặm hương khói lạnh tanh, ngang hàng là tượng Bác được cúng kiến xôi chè đàng hoàng. Tôi rơi nước mắt nhìn lên khoảng không gian vời vợi. Thầy ơi, Thầy ở đâu? Ông Phật Di lặc và ngôi chùa của tôi giờ đây chỉ là dĩ vãng.
Tôi thẩn thờ ra về. Con đường sỏi in vết chân tôi và dì Hai năm nào giờ đầy ổ gà. Dì tôi cũng đã mất sau một đêm bị cảm. Về đến nhà thì phố đã lên đèn. Cảnh vật còn đây, người xưa đâu nữa? Tôi chỉ còn một dòng sông Cà ty lặng lẽ trôi theo tháng năm của cuộc đời ./
Melbourne đầu năm 2020
Phan Nhật Bắc
Phan Nhật Bắc
0 Comment: